Góc khuất bí ẩn của cựu nữ đặc vụ FBI gốc Việt

11:05, Thứ sáu 11/11/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hơn 20 năm lăn lộn với công việc truy lùng những tên tội phạm nguy hiểm, chị là người gốc Việt đầu tiên trở thành đặc vụ FBI.

Bà Mỹ Dung- cựu nhân viên FBI
Bà Mỹ Dung- cựu đặc vụ FBI
Những người thân yêu bên cạnh người phụ nữ xinh đẹp này đều gọi chị bằng cái tên Việt Nam rất thân mật - Mỹ Dung, thay cho cựu nữ đặc vụ FBI Meyung Robson. Người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn giống như tất cả những người phụ nữ Việt Nam khác đã có một số phận cũng như cơ may khi trở thành một trong những nhân vật quan trọng của FBI.
 
Cách đây gần 40 năm, Mỹ Dung đã vinh dự đăng quang danh hiệu hoa hậu. Nghĩ về khoảnh khắc đó, chị rạng rỡ như mình đang sống trong những ngày tháng của tuổi trẻ. “Khi đó, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành luật. Một buổi sáng đẹp trời, cô giáo chủ nhiệm đến lớp và nói rằng, sẽ có một cuộc thi sắc đẹp ở Sài Gòn và khuyên tôi tham gia. Tôi đã quyết định thử không phải chỉ là giải thưởng mà tôi còn muốn được tự tin và bản lĩnh hơn trước những khó khăn của cuộc sống”.
 
Giữa một rừng nhan sắc của những cô gái của đất Sài Thành thời đó, với trí tuệ, bản lĩnh cùng với sắc đẹp của một cô sinh viên trường luật, chị đã giành được ngôi vị cao nhất. Hiện tại, chiếc vương miện hoa hậu vẫn được chị nâng niu và cất giữ cẩn thận như một kỷ vật trong cuộc đời mình.
 
Con đường đưa một người phụ nữ xinh đẹp trở thành đặc vụ FBI bắt đầu vào một ngày đầu năm 1975 khi chị cùng gia đình sang Mỹ định cư. Mỹ Dung theo học ngành luật ở Đại học New York, tình cờ quen biết một nhân viên FBI, sau đó chị đã xin tình nguyện dịch tài liệu cho tổ chức này. Công việc có sức cuốn hút mãnh liệt nên chị quyết định gửi hồ sơ xin gia nhập FBI.
 
 
 
Lý do mà chị muốn tham gia vào công việc nguy hiểm này bởi chị muốn có mặt trong một tổ chức của chính phủ Hoa Kỳ để giúp những người Việt Nam tị nạn ở Hoa Kỳ khi họ gặp phải những khó khăn về luật pháp, thêm nữa là chị cũng muốn đền đáp phần nào công ơn mà nhân dân Hoa Kỳ đã dành cho chị, đã giúp chị toại nguyện được ước mơ của mình.
 
Ngày mới sang định cư tại đây, chị hoàn toàn tay trắng, không nhà, không cửa nhưng chị đã nhận được nhiều tình cảm cũng như sự giúp đỡ, họ đã dành cho chị một chỗ đứng ngay trên đất nước của họ. Chính vì vậy, chị đã dành hết tâm huyết cho công việc của mình như một sự trả ơn chứ không hề nghĩ đến sự nguy hiểm và rủi ro trong công việc. Chị cho rằng, mỗi người có một số phận riêng nên những gì chị sợ nhất thì chị lại càng cố gắng làm để hết sợ. Là phụ nữ lại là người nước ngoài nên cản trở về ngôn ngữ, khác biệt về văn hoá là những khó khăn không thể tránh khỏi.
 
Mỹ Dung nhớ lại, sau khi gia nhập FBI, chị phải trải qua khoá đào tạo 16 tuần khắc nghiệt ở Học viện đào tạo FBI tại vịnh Quantico, phía Bắc Virginia. Học viên được tuyển chọn phải trải qua một khóa huấn luyện gồm 4 chương trình chính: pháp luật, các phương pháp theo dõi và thẩm vấn, bắn súng và luyện tập thể lực.
 
Một trong những bài test khắc nghiệt nhất với Mỹ Dung là vượt qua 8.000 vòng lửa. Đối với một phụ nữ, đó thực sự là một thử thách cam go bởi vừa phải kề súng bên người vừa phải vượt qua vòng lửa mà không để mình bị thương. Với phần đào tạo bắn súng, chị phải tham gia học bắn trong phòng, trên không, trong bóng tối, trong sương mù, trên băng tuyết... ở mọi điều kiện và tư thế khó hình dung nổi.
 
Trong suốt khóa học, mỗi học viên như chị phải tiêu tốn từ 3.000 đến 5.000 băng đạn các loại. Sau thời gian đào tạo, Mỹ Dung bước vào nghề bằng những cuộc truy lùng tội phạm triền miên, đầy rẫy nguy hiểm. Không biết đã bao lần, chị giáp mặt với những tên tội phạm nguy hiểm, những lần đọ súng khốc liệt trên phố, hay truy bắt và áp giải những tên tội phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài về nước.
 

Góc khuất
 
Mỹ Dung cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của chị là truy lùng 2 kẻ tội phạm nguy hiểm trong danh sách truy nã quốc tế của FBI. Hai tên này gây án tại Mỹ và quay về Việt Nam lẩn trốn. Vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, giữa Mỹ và Việt Nam chưa ký hiệp định hợp tác, tương trợ tư pháp nên việc truy bắt rất khó khăn. Cả hai tên tội phạm đã bị sa lưới vào năm 1995 và chị là một trong những người đầu tiên làm cầu nối cho việc hợp tác giữa FBI và cảnh sát Việt Nam.
 
Khó khăn trong nghề nghiệp đã khiến chị nhiều khi mệt mỏi nhưng vẫn chưa hết, bởi bên cạnh chị còn biết bao nhiêu thử thách trong cuộc sống tình cảm cá nhân của mình. Mới kết hôn, áp lực công việc vẫn đè lên vai cộng với những khó khăn của cuộc sống hôn nhân mới. Chồng chị lúc đó chưa đi làm mà vẫn đang theo học tại trường Đại học Y khoa. Nỗi lo về kinh tế, những khó khăn không được chia sẻ và thông cảm đã khiến chị càng phải gồng mình để vượt qua. Người đàn ông của chị cũng không đủ kiên nhẫn để chờ đợi người vợ của mình luôn phải đi sớm về khuya, thời gian đi lại thất thường.
 
Do đặc thù của công việc, chị không thể từ chối bất cứ một nhiệm vụ nào và sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con ở nhà ngay nếu như nhận nhiệm vụ. Người đàn ông của chị cũng phải hy sinh rất nhiều vì công việc của chị nhưng đôi lúc, anh thấy nản. Anh có thông cảm, có hy sinh nhưng không thể cứ hy sinh mãi như vậy đến hết cuộc đời. Anh bắt đầu gây áp lực cho chị trong cuộc sống vợ chồng. Chị đau khổ, mệt mỏi nhưng công việc là công việc, chị vẫn tâm huyết với con đường mình đã chọn, không để khó khăn trong cuộc sống riêng tư làm ảnh hưởng đến công việc của mình.
 
Mỹ Dung cũng như tất cả những người phụ nữ khác, chị mong có được một bờ vai để dựa vào mỗi khi mình yếu đuối, mong bàn tay ấm áp vỗ về mỗi khi chị mệt mỏi, mong những lời động viên mỗi khi chị căng thẳng nhưng đúng là mỗi người có một số phận. Chị đã không trách cứ gì người đàn ông của mình mà cho rằng tất cả là tại chị. Chị đã dành cho công việc quá nhiều, chồng chị cũng đã phải hy sinh vì chị nên chị cũng không mong đợi gì hơn nữa.
 
20 năm lăn lộn với nghề đặc vụ, Mỹ Dung được ghi nhận là một trong những phụ nữ xuất sắc nhất của FBI. Tổ chức ghi nhận chị nhưng phía sau thành công đó là cả một chuỗi buồn. Tổ ấm của chị luôn bị phủ bóng đen bởi trạng thái căng thẳng và stress cao độ. Không còn có thể tiếp tục đi chung trên một con đường, Mỹ Dung đành phải chấm dứt cuộc hôn nhân của mình trong đau khổ sau hơn 10 năm chung sống. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã khiến chị luôn mệt mỏi, đến khi quyết định ly hôn vẫn không làm chị thoải mái hơn bởi cuộc ly hôn cũng phải kéo dài với những vụ kiện tụng mà người trong cuộc không thể tự giải quyết.
 
Sự nguy hiểm trong công việc là thế mà chị vẫn có thể vượt qua, kẻ thù gian xảo là vậy nhưng chị đâu có thua, nhưng chị phải đầu hàng với chính cuộc hôn nhân của mình trong nước mắt, trong sự tranh giành, kiện cáo. Không có người đàn ông bên cạnh, Mỹ Dung vẫn mạnh mẽ, sắt đá bước tiếp trên con đuờng sự nghiệp của mình.
 
10 năm sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, Mỹ Dung đã quyết định rời bỏ công việc mà mình gắn bó mấy chục năm để đi tìm sự thanh thản, yên bình trong cuộc sống tại đất nước Thái Lan. Làm việc cho sở FBI tại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok 5 năm, chị về hưu và quyết định ở lại Thái Lan sinh sống cùng với hai con của mình. Quyết định ở lại Thái Lan cũng vì cuộc hôn nhân mới của chị một lần nữa không như những gì chị kỳ vọng.
 
Ra tòa lần thứ hai với nhiều trải nghiệm nhưng cũng đã khiến chị suy sụp. Chị xinh đẹp, thông minh và thành đạt nhưng chị đã không giữ nổi hạnh phúc của mình. Lại đổ cho số phận để tự trấn an mình, chị tiếp tục đơn thân nuôi dạy hai con tại Thái lan.
 
 
Mỹ Dung là một người phụ nữ luôn thành công trong công việc ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chị tự tin, bản lĩnh và mạnh mẽ nhưng bên trong vẫn là sự nữ tính, yếu đuối của một người phụ nữ. Có những lúc cô đơn, trống trải nhưng chị biết tự điều chỉnh mình để dung hoà với cuộc sống, chính vì vậy, chị vẫn giữ được sự trẻ trung, xinh đẹp và một tâm hồn thanh thản.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc