Vụ án kinh hoàng của hai anh em sinh đôi rủ bạn giết con chủ nhà hàng Thảo Nguyên Xanh, cướp tài sản rồi vứt xác xuống hố ga phi tang vừa được đưa ra xét xử vào ngày 19/9/2012.
[links()]
Giết hại cậu chủ chỉ vì túng thiếu
Trần Công Chơn và Trần Công Chất (cùng sinh năm 1990, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) là hai anh em sinh đôi được sinh ra sau lần người mẹ chưa tròn 14 tuổi bị hãm hiếp. Gia cảnh khó khăn nên học đến lớp 9 thì cả hai nghỉ học.
Rời bỏ làng quê Tiền Giang nghèo nàn, Chơn và Chất lang bạt khắp nơi để kiếm sống nuôi thân. Cuối cùng, sau những tháng ngày cơ cực bằng đủ nghề làm thuê, cả hai chọn mảnh đất Sài Gòn nhộn nhịp để dừng chân, lập nghiệp.
Tháng 8/2010, hai anh em may mắn được nhận vào làm ở nhà hàng tiệc cưới Thảo Nguyên Xanh mới khai trương do ông Lê Minh Tùng làm chủ. Tại đây, Chơn và nữ nhân viên cùng quán là Nguyễn Thị Yến Tuyết (sinh năm 1987, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) nảy sinh tình cảm và chung sống với nhau như vợ chồng.
Hoạt động chưa đầy một tháng, nhà hàng Thảo Nguyên Xanh đóng cửa do vắng khách, làm ăn thua lỗ. Ông Tùng giao nhà hàng cho con trai là Lê Minh Tâm trông giữ để chờ giải quyết tiền thuê mặt bằng.
Thất nghiệp, lại nợ tiền phòng trọ nên Chơn rủ em trai và Hồ Lê Minh Lộc (người bạn tình cờ quen sau một lần đi chơi ở công viên nước, sinh năm 1993, ngụ Tân Phú, TP.HCM) cướp tài sản ở quán Thảo Nguyên Xanh.
Trưa ngày 9/8/2011, cả 3 vạch ra kế hoạch là sẽ xin ngủ nhờ rồi đánh Tâm ngất xỉu, sau đó cướp tài sản. Tuy nhiên, trên đường đi, xe bị bể bánh nên cả nhóm thay đổi kế hoạch, quyết định giết anh Tâm để cướp tài sản vì sợ việc lấy trộm đồ bị anh Tâm phát giác sẽ tố cáo.
Chơn, Chất, Lộc, Tuyết (từ trái qua) nghe tuyên án. |
Như kế hoạch đã định, đến trước cổng nhà hàng, Chơn điện thoại cho anh Tâm xin ngủ nhờ. Nghĩ nhân viên cũ đến chơi, Tâm vui vẻ mở cửa để cả bọn cùng vào. Lợi dụng lúc anh Tâm mê chơi game ở bàn vi tính, Chơn đứng lên đi đến phía sau lưng nạn nhân và ra hiệu cho Chất, Lộc cùng mình phối hợp.
Liền sau đó, Chơn dùng tay kẹp cổ, siết mạnh, đồng thời bịt miệng anh Tâm. Chất và Lộc lúc này cũng giữ tay nạn nhân để trợ giúp Chơn. Khoảng 5 phút, không thấy Tâm còn cử động nên Chơn buông tay làm Tâm té xuống nền nhà.
Thấy có sợi dây điện trên bàn vi tính, Chơn kêu Chất đưa cho mình rồi dùng dây điện quấn một vòng quanh cổ Tâm, siết mạnh vài phút. Nghĩ nạn nhân đã chết, Chất lục túi quần lấy 300.000 đồng còn Lộc lấy chiếc điện thoại của Tâm rơi xuống nền nhà.
Sau đó, cả nhóm khiêng xác nạn nhân vứt ở bồn cây xi măng dùng để đặt chậu kiểng phía bên hông nhà hàng Thảo Nguyên Xanh. Thấy đầu anh Tâm còn gác trên thành bồn, Chơn dùng chân đạp mạnh 2 cái vào đầu để xác lọt xuống phía trong bồn, khiến nạn nhân chấn thương sọ não, tử vong.
Sau đó, cả ba dùng tấm khăn trải bàn đậy xác anh Tâm lại rồi đậy nắp bồn, khiêng chậu kiểng đặt tại vị trí cũ. Phi tang xong, cả ba vào nhà lấy 2 dàn máy vi tính, một xe máy bỏ đi. Sau khi gây án, cả ba gọi điện thoại cho Tuyết ra đầu đường rồi cùng đi đến nhà dì dượng của Tuyết gửi tang vật cướp được.
Hôm sau, cả bốn đem tài sản vừa cướp bán được 3,2 triệu đồng rồi giao tất cả cho Tuyết để trả tiền phòng trọ và chi phí hàng ngày. Riêng chiếc điện thoại, bán được 110 ngàn đồng, Lộc cất giữ, tiêu xài riêng.
Đến ngày 13/8, khi biết xác của anh Tâm bị phát hiện thì cả ba báo cho Tuyết biết rồi cùng nhau bỏ trốn về nhà bà ngoại Chơn ở Tiền Giang. Ngày 18/8/2011, khi bị Công an huyện Bình Chánh triệu tập lấy lời khai, cả bốn đã cúi đầu thừa nhận hành vi giết người, cướp của, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Nhận hết tội về mình
Trước hành vi giết người lạnh lùng, tàn ác ấy dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những sát thủ với khuôn mặt bặm trợn. Thế nhưng sau vành móng ngựa hôm ấy là bốn khuôn mặt non trẻ đang cúi gằm xuống đất, mang nét thương đau, hối lỗi.
Không một lời chối tội, biện hộ hay bào chữa, HĐXX hỏi gì, Chơn nhận đấy. Lời khai nhận tội của bị cáo khiến không ít người dự khán đắng lòng, xót xa thương cảm cho kẻ từng gây ra lầm lỗi. Sau mỗi câu hỏi đanh thép của vị chủ tọa, Chơn lại cúi đầu sâu một chút.
Dường như, nỗi hối hận đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ trong chàng thiếu niên lầm lạc. Thế nhưng, tất cả sự ăn năn ấy giờ đây đều trở nên vô nghĩa và quá muộn màng. Sự hối cải của ấy, dù xuất phát từ tất cả chân tình của Chơn cũng chẳng thể hồi sinh một mạng người, chẳng thể cứu vớt những người thương yêu của Chơn ra khỏi vòng tù tội…
Hít một hơi dài như để lấy can đảm, Chơn ngập ngừng hồi lâu rồi lí nhí xin HĐXX xem xét, giảm án cho em của mình. Bên cạnh Chơn, Chất lắp bắp xin HĐXX có một mức án nhẹ cho Lộc và Tuyết.
Còn Lộc, giờ phút ấy mới nói lời xin lỗi muộn màng đến cha mẹ và mong được tha thứ. Người con gái duy nhất trong vụ án ấy đã bật khóc nức nở, cúi xin tòa cho mình được sớm trở về đi làm, nuôi con thơ (của người chồng trước – PV).
Nước mắt người thân
Giờ nghị án, trong khi hai anh em tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi hỏi thăm, dặn dò lẫn nhau thì ngoài phòng xử, người phụ nữ đứng nép bên gốc cây đau đáu nhìn vào trong.
Vượt chuyến đò đêm từ Tiền Giang đến TPHCM tham dự phiên tòa, bà ngoại của Chơn, Chất là Đoàn Thị Huệ (SN 1957) cùng các dì đã khóc ngất từ lúc nghe những lời khai của hai đứa cháu tội lỗi.
Nói trong những dòng nước mắt chua xót, bà Huệ cho biết: “Năm mẹ tụi nó 14 tuổi thì bị gạt gẫm, có thai mà cả gia đình không hay biết gì. Đến lúc cái thai được năm tháng, tui mới phát hiện.
Nhưng mà hỏi gì nó cũng không nói, chỉ kêu bị một gã trong xóm lừa, rồi thôi. Sinh mạng con người là thứ trời cho, gia đình tui để nó sanh rồi cố gắng nuôi hai đứa nhỏ…”.
Dường như không thể chịu nổi nỗi đau thương, bà khóc nấc lên rồi nghẹn ngào nói: “Hai đứa chưa được một tuổi thì mẹ nó chịu không nổi điều tiếng phải bỏ lên trên thành phố làm ăn. Được một thời gian thì mẹ tụi nó lấy chồng, có cuộc sống riêng.
Lâu lâu mẹ nó mới gởi được ít đường về cho tụi nhỏ. Phận làm bà ngoại nhưng tui chăm sóc nó từ tấm bé. Tụi nó lớn lên bằng nước cơm pha đường thay vì sữa mẹ như mấy đứa nhỏ khác. Tội nghiệp lắm…”. Giữa chừng những câu chuyện kể, tiếng lòng người bà thương cháu lại bật lên những tiếng khóc xót xa.
Chắp nối những lời kể rời rạc, đứt đoạn giữa những dòng nước mắt của bà, hình ảnh về một miền quê lam lũ lại hiện lên mồn một. Ở xứ nghèo ấy, chồng mất, lại mang trong người nhiều căn bệnh, bà phải gánh gồng, căng cả sức tàn của người già để lo cho hai đứa cháu.
Bữa rau, bữa khoai trong căn nhà ngập tràn tiếng cười của Chơn và Chất là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bà. Thế nhưng, tuổi cao, bệnh tật nhiều lại lo cho cùng lúc hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nên sức khoẻ mà ngày càng sa sút đi.
Cố đến hết mức có thể, bà cũng chỉ lo cho hai cháu được hết lớp 9. Cái đói, cái nghèo quẩn quanh, đeo bám ba bà cháu ấy mỗi ngày. Cuối cùng, bà đành để cho hai đứa cháu mà bà hết mực yêu thương xa xứ đi làm, để có thể tự nuôi thân mình.
Nắng trưa Sài Gòn chói chang, hắt lên bóng gầy người bà một đời hi sinh, tảo tần vì con, vì cháu. Cạnh bên, nghe những lời bi thương của mẹ, người dì của hai bị cáo cũng khóc nức nở chia sẻ: “Tụi nó lớn lên với tụi tui. Tụi nó coi tui là má, gọi tui là má chứ không phải dì. Tụi nó hiền và ngoan lắm. Vậy mà…”
Lẫn trong những tâm tình về hoàn cảnh, cuộc sống, gia đình hai anh em Chơn, Chất còn cho biết đớn đau tiết lộ những uẩn tình oan trái. Trong suốt những tháng làm công cho nhà hàng Thảo Nguyên Xanh, hai anh em Chơn, Chất cũng như Tuyết chưa được nhận một đồng lương nào từ chủ.
Bơ vơ nơi đất khách quê người, không nơi nương tựa lại đột ngột bị cho nghỉ việc với hai bàn tay trắng, cả ba chẳng biết bám víu vào đâu để sống qua ngày. Nhiều lần đến gõ cửa hỏi xin số tiền công, cả hai bị ông chủ hắt hủi, đuổi đi với những lời nói khó nghe nhưng đều cắn răng chịu đựng, không một tiếng oán than.
Thế nhưng, đường cùng nên hóa liều. Không tiền tiêu, nợ tiền nhà mấy tháng, Chơn mới nghĩ cách đến lấy đi số tài sản bằng đúng số tiền lương của ba đứa tại nhà hàng.
Đến dự phiên tòa một cách lặng lẽ, người mẹ của hai anh em sinh đôi âm thầm đứng từ xa ngắm nhìn con. Trong khi mẹ và các em trải lòng thì chị lẳng lặng tách ra khỏi đám đông đang xì xào bàn tán, ngồi trầm ngâm, suy tư ở một góc khuất tòa án.
Cùng nỗi đau của bậc sinh thành như chị, cha của Lộc thở dài chua xót: “Ngày bình thường nó đi làm phụ sắt với tui từ sáng đến tối. Thời điểm xảy ra vụ án, nó xin tui được nghỉ một tuần đi chơi với bạn trước khi sắp nhập học lớp 10. Có ai ngờ đâu là nó khờ dại gây nên tội lỗi tày đình như thế này. Con dại, cha mẹ đau… Giờ thì tương lai nó chết rồi…”.
Khoảnh sân trước phòng xử chật hẹp thoáng chốc ngột ngạt bởi những nỗi đau riêng đang hòa trộn vào cùng nhau. Ngồi bệt trước bục cửa của phòng xử, Yến Tuyết, bị cáo nữ duy nhất trong vụ án trên, để mặc cho những giọt nước mắt tuôn rơi không ngừng.
Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình đối với Trần Công Chơn về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Cùng hai tội danh trên, Trần Công Chất phải nhận mức án 22 năm tù và Hồ Lê Minh Lộc lãnh 16 năm tù. Nguyễn Thị Yến Tuyết bị xử phạt 1 năm tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, 1 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”, tổng hình phạt là 2 năm tù giam.
Án tuyên, các bị cáo lướt mắt tìm kiếm người thân rồi mặc cảm, cúi đầu bước lầm lũi theo chân cảnh sát tư pháp ra xe. Phía sau, người thân của các bị cáo tất tả chạy theo với khuôn mặt nhòe đi vì nước mắt. Trưa Sài Gòn rọi những ánh nắng gay gắt lên những hình người đang vật vã trong đớn đau.
- Băng Di