Hai người giúp bạn tù tự tử kinh hoàng trong buồng giam

18:58, Thứ năm 03/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Ba tiếp tục siết mạnh cho đến lúc ông Trợ không còn cử động. Một lúc sau Trợ ngạt thở chết. Để tạo hiện trường giả, Ba và Nghiệp khiêng xác Trợ bỏ vào bồn nước phòng vệ sinh và hô hoán lên rằng Trợ tự tử.

“Thằng Ba với thằng Nghiệp giúp bố chết đi”. Nghe ông Trợ nói vậy, Nghiệp liền ngồi lên hai chân của ông Trợ và giữ tay ông lại, Ba có nhiệm vụ dùng tay xoắn chặt chiếc áo đã quấn trên cổ. Khi Ba hỏi siết mạnh hay nhẹ thì Trợ nói "thấy bố giơ tay lên thì siết mạnh vào". Ba tiếp tục siết mạnh cho đến lúc ông Trợ không còn cử động. Một lúc sau Trợ ngạt thở chết.
[links()]
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố hai bị can Ngô Đình Sự Nghiệp (30 tuổi, ngụ tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai) và Hoàng Văn Ba (27 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) về tội “giết người”.

Điều đáng quan tâm là vụ án giết người này không giống như bao vụ án đã từng xảy ra. Trong quá trình bị tạm giam vì vi phạm pháp luật, Nghiệp và Ba đã chiều lòng của một phạm nhân khác là muốn chết để quên đi cõi đời.

Sau khi đã ra tay giúp bạn tù “toại nguyện ước mơ”, hai đối tượng trên bỏ xác nạn nhân vào thùng phuy rồi hô hoán là một vụ tự tử. Thế nhưng hành vi của các đối tượng đã không qua mắt được công an.

Bắt nguồn từ câu chuyện yêu đương mù quáng

Mặc dù vụ án xảy ra đã khá lâu, nhưng một điều tra viên của Đội cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội Công an TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vẫn cón nhớ như in về cái đêm kinh hoàng đó.

Lê Công Trợ (SN 1955, ngụ phường Xuân Thanh, TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là người đã đứng tuổi, tuy đã có vợ con nhưng qua một lần tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Thanh Thanh - một phụ nữ sống độc thân, từng có một đời chồng và hai đứa con (đứa lớn học lớp 7, đứa còn lại học lớp 1).

Phạm nhân Lê Công Trợ, nạn nhân của vụ giết người lạ lùng tại trại giam B5 tỉnh Đồng Nai
Phạm nhân Lê Công Trợ, nạn nhân của vụ giết người lạ lùng tại trại giam B5 tỉnh Đồng Nai

Do đã ly hôn với chồng, cuộc sống gia đình thiếu vắng đàn ông, nên chỉ sau thời gian gặp ông Trợ, giữa hai người nảy sinh tình cảm, cùng nhau sớm chiều tâm sự, giãi bày những chuyện rủi ro, buồn chán trong cuộc sống.

Kể từ ngày hai vợ chồng chị Thanh dắt nhau ra tòa, cuộc sống mấy mẹ con chị Thanh phải gặp rất nhiều khó khăn. Chị tích góp, vay mượn tiền của người thân mở được một tiệm photocopy nằm ở trung tâm TX Long Khánh.

Mặc dù tiệm của chị Thanh không lớn, nhưng hàng ngày chị cũng kiếm được đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học.

Trong thời gian chị Thanh mở tiệm, ông Trợ thường xuyên lui đến tâm sự riết rồi cũng mến tay, mến chân.

Vì tin lời ông Trợ nói đã ly dị vợ và muốn được kết hôn với chị, sau thời gian quen nhau, nhiều lần chị Thanh còn đưa ông Trợ về giới thiệu với bà con họ hàng để công bố chính thức mối quan hệ giữa hai người để chòm xóm không dị nghị.

Tuy nhiên, một số người thân phát hiện ông Trợ chưa ly dị vợ mà vợ chồng ông vẫn sống chung với nhau. Sợ cảnh “con ông, con tôi” rồi phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác, nên gia đình đã khuyên chị Thanh từ bỏ ý định đi đến hôn nhân với người đàn ông còn vướng bận với gia đình.

Nghe lời người thân, khi ông Trợ đến nói lời cầu hôn thì chị Thanh đã nén lòng từ chối. Trong lúc tình cảm đang có diễn biến tốt đẹp thì mọi chuyện lại trở nên xấu đi, cho rằng chị Thanh từ chối tình cảm của mình là do những người bà con trong gia đình chị Thanh nên ông Trợ trở nên thù tức, nhất quyết phải trả thù.

Vào chiều ngày 5/6/2011, gia đình chị Thanh có tổ chức sinh nhật cho cháu ngoại, bữa tiệc đơn giản được tổ chức tại nhà mẹ ruột của chị Thanh, ông Trợ cũng được mời đến dự. Đến 19 giờ cùng ngày, trong lúc đồ ăn vừa dọn ra thì bỗng nhiên ông Trợ bỏ ra về.

Tuy nhiên, đến khoảng 20 giờ cùng ngày thì ông Trợ xuất hiện, mặt hằm hằm, trên tay xách hai chiếc can, loại 5 lít và 2 lít. Tưởng ông Trợ quay lại dự tiệc, mọi người nói vui "anh mua bia lại nhậu hả?". Bất ngờ ông Trợ dùng hai tay bật nắp can, hất thẳng vào người chị Thanh và bắn cả vào những người xung quanh.

Thấy chị Thanh quằn quại trong đau đớn, lúc này mọi người mới biết đó là axít. Ông Trợ không dừng lại ở đó mà mở nắp can xăng đổ xuống nền nhà chảy lênh láng, tay lăm lăm chiếc bật lửa định đốt. Một người dân đã dũng cảm lao vào quật ngã không chế ông Trợ.

Vụ tạt axit kinh hoàng này đã làm nhiều người bị thương nặng, bản thân Trợ lúc này cũng bị bỏng axít. Rất may là người dân đã đến tiếp ứng kịp thời, xông vào khống chế nên Trợ chưa kịp bật lửa đốt xăng nếu không thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Trong vụ án có 4 nạn nhân bị bỏng từ 2 - 5% cơ thể, gồm: Nguyễn Minh Hùng (SN 1981), Vũ Thị Thanh Trúc (SN 1986), Nguyễn Vũ Thiên Phúc (SN 2010) và Trần Thị Hiển (SN 1968). Các nạn nhân khác bị bỏng nặng là chị Thanh; Trần Thị Danh (SN 1961); Nguyễn Như Thuý Uyên.

Sau đó chị Danh vì bị bỏng nặng đã tử vong sau đó 10 ngày. Hung thủ Lê Công Trợ do bị bỏng nặng hơn nên cũng được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa TX Long Khánh.

Sau khi xuất viện Trợ bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố về tội “cố ý gây thương tích” và “giết người”, Trợ bị bắt vào trại giam B5 của công an tỉnh Đồng Nai ngày 15/7/2011 để chờ ngày truy tố trước tòa về những tội ác mà hắn đã gây nên, tạo ra bi kịch cho một đại gia đình.

Giải mã cái chết bất ngờ của một phạm nhân trong trại B5

Được biết khi bị bắt vào trại tạm giam B5 của Công an tỉnh Đồng Nai, Lê Công Trợ bị giam chung với Hoàng Văn Ba (SN 1985, can tội “trộm cắp tài sản”), Nguyễn Hoàng Nam (SN 1995, can tội “giết người”) và Ngô Đình Sự Nghiệp (SN 1982 can tội “giết người” và “cướp tài sản”).

Trong buồng giam có 4 người, nhưng vì Trợ là người lớn tuổi nhất nên các phạm nhân vẫn thường gọi Trợ bằng “bố”.

Hàng ngày, ngoài giờ ăn thì thời gian còn lại là kể chuyện đời tâm sự về những hành vi phạm tội của mỗi cá nhân.

Trợ thường tâm sự với Ba, Nam và Nghiệp về hoàn cảnh của mình, người “bố già” này thường thủ thỉ với các “con” về chuyện tình yêu dành cho chị Thanh, mỗi khi nhắc lại câu chuyện Trợ luôn thốt lên tiếng gào thét giữa buồng giam lời sám hối muộn màng.

Mặc cảm với tội lỗi của mình gây nên, điều mà ông Trợ lo sợ nhất là đối diện với mức án tử hình. Chính vì vậy mà mỗi khi nghe các “con” của mình suy đoán rồi mô tả đến ngày ra pháp trường của tử tù lại càng làm cho nỗi sợ hãi của Trợ tăng lên gấp bội.

Ngày suy nghĩ, đêm đến Trợ nằm mơ luôn thấy mình được đưa đi thi hành án do đó Trợ không sao có giấc ngủ ngon, cứ mỗi lần chợp mắt là Trợ lại gặp ác mộng rồi giật mình tỉnh giấc hốt hoảng, cả người đổ mồ hôi hột.

Nhiều lần tâm sự với đám bạn tù thì Trợ càng thấy khả năng nhận mức án tử hình là rất cao, chính vì nỗi sợ hãi đó, cảm giác thật ghê gớm nên Trợ quyết định tìm đến cái chết nào đó nhẹ nhàng hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Trợ năn nỉ Ba, Nam và Nghiệp hãy tìm cách giúp Trợ chết một cách nhẹ nhàng nhất.

Nghe qua các đối tượng này sợ phát khiếp, cả 3 luôn tìm cách từ chối và tìm cách khuyên Trợ đừng nghĩ quẩn, biết đâu sẽ được giảm án, nhưng Trợ nhất mực không nghe.

Suốt những ngày sau đó Trợ bắt đầu gầy đi, sức khỏe yếu dần vì mất ăn, mất ngủ triền miên. Ý thức được hành vi tội lỗi của mình khó có thể được pháp luật dung tha, trong những ngày bị giam giữ, Trợ muốn tìm đến cái chết để được giải thoát, bớt đi gánh nặng cho gia đình và người thân.

Tuy nhiên, để có được cái chết, sau những lời tâm sự từ đáy lòng, ông Trợ đã nhờ các phạm nhân cùng phòng “giúp” mình.

Trước lời đề nghị “dai dẳng” của người bạn tù, 2 can phạm Nghiệp và Ba đã “mủi lòng” và đồng ý giúp “bố” già được toại nguyện.

Khoảng 21 giờ ngày 13/9/2011, sau khi tiếng kẻng trại giam báo hiệu đến giờ đi ngủ, Trợ quyết định phải “theo ông bà” tại trại giam này. Trợ vào mang bánh kẹo ra mời các “con” trong phòng giam cùng ăn mừng Trung Thu.

Ăn xong, ông Trợ nói rằng “Hôm nay để cho bố được chết, các con giúp bố nhé. Chết rồi bố sẽ phù hộ cho các con được giảm nhẹ án”. Nghe ông Trợ nói vậy, Nam từ chối rồi chạy vào một góc phòng trùm mền kín mít.

Lần này thì Ba và Nghiệp đồng ý “giúp” bố già được toại nguyện. Nói xong, ông Trợ ngồi tụng kinh đến khoảng 21 giờ 45 phút đêm thì vào phòng lấy ra chiếc áo thun trắng, Trợ nằm ngửa trên nền buồng giam, dùng tay xoắn chiếc áo thun trắng đã quàng trên cổ lại và nói:

“Thằng Ba với thằng Nghiệp giúp bố chết đi”. Nghe ông Trợ nói vậy, Nghiệp liền ngồi lên hai chân của ông Trợ và giữ tay ông lại, Ba có nhiệm vụ dùng tay xoắn chặt chiếc áo đã quấn trên cổ. Khi Ba hỏi siết mạnh hay nhẹ thì Trợ nói "thấy bố giơ tay lên thì siết mạnh vào".

Ba tiếp tục siết mạnh cho đến lúc ông Trợ không còn cử động. Một lúc sau Trợ ngạt thở chết. Để tạo hiện trường giả, Ba và Nghiệp khiêng xác Trợ bỏ vào bồn nước phòng vệ sinh và hô hoán lên rằng Trợ tự tử.

Khi ngồi kể cho P.V báo Phunutoday nghe đầu đuôi câu chuyện này, Nguyễn Hoàng Nam (học sinh lớp 10, là thủ phạm giết anh Hồ Đắc Đoàn nhân viên gác chắn cầu Ghềnh ở Đồng Nai – một nhân chứng trong vụ án) vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Nam kể, trong phòng có 4 phạm nhân ở với nhau, Nam là người vào sau cùng và ít tuổi nhất nên được cho là con út trong phòng.

Thường ngày mọi người vẫn gọi ông Trợ là “bố”, mọi người trong phòng rất thân tình với nhau, không hề có bất cứ mâu thuẫn gì, mỗi khi gia đình thăm nuôi, có thức ăn mọi người đều chia sẻ cho nhau.

Sau khi bị bắt giữ, Nghiệp hối hận cho biết chỉ muốn giúp “bố Trợ” toại nguyện và sẽ được ông ấy phù hộ giảm án.

Với suy nghĩ thật đơn giản, Nghiệp cho rằng đường nào “bố” cũng bị kết án tử hình, do sống trong phòng chung lâu ngày nên cũng có tình cảm nên Nghiệp cùng Ba không ngần ngại khi ra tay giúp Trợ siêu thoát, chết lại không đau đớn.

Đúng là câu chuyện hi hữu ở trại giam B5 và có thể nói là vụ độc nhất vô nhị tại các trại giam tính đến thời điểm hiện nay.

  • Ngân Nga
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc