3h chiều qua, 11/10 tại hồ thải Nhiệt điện Hải Phòng, Vũ Văn Đỉnh và Vũ Văn An, cùng sinh năm 2003 ở xóm 4 xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) sảy chân chết đuối khi xuống tắm.
Ảnh minh họa |
Khi xảy ra sự việc, một số cháu khác đứng trên bờ kêu cứu. Anh Phạm Văn Đoàn là công nhân trực vận hành trạm bơm gần đó cùng với một công nhân khác chạy xuống hồ vớt được một cháu lên nhưng đã tắt thở.
Được biết, hồ chứa xỉ thải của Công ty này rộng khoảng trên 60 ha, mực nước sâu từ 1m-2,5m, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2013. Trước đó, tháng 5/2010, Công ty đã có công văn gửi chính quyền địa phương về việc thông báo cho người dân không được tự ý ra vào công trường đang thi công để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, tại hiện trường không có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc biển cấm người dân không được xuống hồ tắm, trong khi hồ nằm ngay sát đường dân sinh.
Dư luận vẫn chưa quên vụ việc thương tâm ngày 3/9 tại trường mầm non xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), bé Nguyễn Doãn Nhân (2 tuổi) chết đuối dưới hố gas sau lớp học, nguyên nhân do thi công đào hố gas nhưng không đậy nắp. Tại hiện trường nơi bé Nhân chết đuối, hố gas có mực nước sâu hơn 80cm, rộng khoảng 1m2.
Theo thống kê sơ bộ sáu tháng đầu năm 2013 cho thấy cả nước có trên 800 trẻ em chết đuối, phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Trọng An, cho biết ngày 30-9. Theo ông An, số trẻ em chết đuối đứng đầu về tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em (tiếp theo là tai nạn giao thông và tự tử).
Ông An cũng cho hay mặc dù số trẻ chết đuối đã giảm so với giai đoạn 2005-2009 (trung bình 3.500 trẻ chết đuối/năm), nhưng hiện trung bình vẫn có 4-5 cháu chết đuối mỗi ngày. Đặc biệt các tỉnh nghèo như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Đắk Nông số trẻ biết bơi rất thấp, số trẻ chết đuối cao hơn hẳn mức trung bình cả nước. Đến nay mới có 37/63 địa phương có kế hoạch phòng chống đuối nước cho trẻ em.