Hải trình giông tố của ngư dân bị tàu lạ đâm chìm

( PHUNUTODAY ) - Tiếng va chạm mạnh vào thân tàu làm các thuyền viên bừng giấc. Thủ phạm là chiếc tàu lạ dài khoảng 50m vù chạy sau cú đâm, bỏ lại 17 ngư dân vật lộn với nguy hiểm khi chiếc tàu đang chìm dần.

Tiếng va chạm mạnh vào thân tàu làm các thuyền viên bừng giấc. Thủ phạm là chiếc tàu lạ dài khoảng 50m vù chạy sau cú đâm, bỏ lại 17 ngư dân vật lộn với nguy hiểm khi chiếc tàu đang chìm dần.

Lão ngư Dương Thành Phú (53 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) – nổi tiếng là tay lặn hải sâm cự phách của làng chài An Hải – rít vội điếu thuốc, hướng cái nhìn đăm chiêu ra phía màn biển.

Hơn 2 năm trôi qua, nhưng cái giờ phút sinh – tử mong manh giữa trùng khơi với ông vẫn là nỗi ám ảnh. Cả đời bám nghiệp biển, nhắc lại chuyện bị tàu lạ đâm chìm giọng ông Phú ẩn hiện sự bàng hoàng.

“Nửa đêm, cả tàu chúng tôi đang ngủ say giấc thì bất ngờ nghe tiếng đùng vang lên giữa thân tàu. Con thuyền chao đảo, lắc mạnh, chỉ trong tích tắc tiếng nước ùa vào khoang tàu… tàu cứ thế chìm nhanh giữa biển trời đen đặc”, ông Phú kể.

Hiện trường vụ tàu ông Phú bị tàu lạ đâm chìm (chụp lại từ ảnh của ngư dân)
Hiện trường vụ tàu ông Phú bị tàu lạ đâm chìm (chụp lại từ ảnh của ngư dân)

2 giờ rạng sáng ngày 9/3/2010 là giờ định mệnh với con tàu QNg -96516TS của ông Phú. Vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm Dương Thành Phú sau ngày trời đánh cá, lặn câu hải sản cho thuyền về  neo đậu tại tại tọa độ 15 độ 53 phút Bắc và 113 độ 58 phút Nam quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nghỉ đêm. Từng luồng gió mát lạnh giữa biển đêm, thốc vào con tàu như xoa nỗi vất vả của cánh thợ câu suốt ngày trời bỏng nắng.

Vừa chập chờn trong giấc ngủ, tiếng va chạm mạnh vào thân tàu làm các thuyền viên bừng giấc. Ông Phú nhớ lại: Chúng tôi chỉ kịp phát hiện thủ phạm là chiếc tàu lạ dài khoảng 50m vù chạy với vận tốc 17 hải lý/ giờ sau cú đâm chìm tàu, bỏ lại 17 ngư dân đang vật lộn với nguy hiểm sau vụ tai nạn.

Con tàu QNg-96516TS sừng sững một thời ngang dọc Hoàng Sa, Trường Sa bỗng chốc bị chẻ rách toác phần mui, nhiều đoạn thân bị xước thủng. Từng dòng nước biển nhanh chóng ùa vào. Các thành viên trên tàu nháo nhác vứt phao cứu sinh, rồi phóng mình ra phía biển. Chưa đầy 15 phút, tàu bị nghiêng chìm một nửa, vài phút sau chìm nghỉm giữa lòng biển khơi.

Anh Phùng Xuân Thiện (36 tuổi, thôn Tây), thuyền viên trên tàu ông Phú ngày đó, kể: tôi còn nhớ cái cảm giác vừa bất ngờ, vừa sợ hãi vì bị đâm chìm tàu, nước biển lạnh buốt đến thấu xương.

Toàn bộ 17 thuyền viên cố gắng bấu víu vào phao, các thúng nhỏ. Giữa làn ranh sinh – tử mong manh, chúng tôi tưởng chừng tuyệt vọng chờ chết.

Duyên may thế nào, tàu QNg 95821 TS của ông Nguyễn Thanh Tuấn (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đang neo đậu cách đó gần nửa hải lý đã nghe tiếng kêu la vội nổ máy chạy đến cứu vớt các ngư dân này thoát chết trong gang tấc.

Bữa cơm của gia đình ông Phú
Bữa cơm của gia đình ông Phú

Ông Phú nhớ lại: Không có tàu ông Tuấn lúc đó, chắc chúng tôi giờ thành ma của biển. Hai tàu chúng tôi buổi ngày đánh bắt gần nhau, tối đến ông Tuấn cho tàu dạt ra hơn hải lý. Biển đêm nên tiếng kêu cứu của chúng tôi mới vọng tới được phía thuyền của ông.

“Đến bây giờ vẫn chưa xác định tung tích con tàu lạ đã đâm chúng tôi. Nhưng tôi xác quyết rằng khó có thể là tàu của ngư dân Việt Nam vì nếu chẳng may đâm phải chắc chắn tàu đó sẽ ở lại cứu vớt. Còn đây, nó bỏ chạy luôn. Rất có thể là tàu Trung Quốc, nước ngoài vì bình thường tôi vẫn thấy tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở khu vực này”, ông Phú nói.

Chưa đầy nửa năm sau sự kiện tàu ông Phú bị tàu lạ đâm chìm, làng chài An Hải (Lý Sơn) thêm chấn động trước tin tàu cá QNg – 96193 TS do ông Võ Xuân Tuyền (xã An Hải) tiếp tục bị tàu lạ đâm chìm.

Hơn nửa tháng ra khơi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam), ngày 12/6/2010, ông Tuyền cho tàu nhổ neo trực chỉ cảng Quy Nhơn (Bình Định) thẳng tiến. 18 ngư dân chưa kịp mừng rơn vì với tổng số  gần 20 tấn cá đánh được, chuyến cập bờ sẽ có ít vốn dắt lưng, ai ngờ vừa đến vùng biển cách đảo Nhơn Chung (TP. Quy Nhơn) 12 hải lý, tàu ông Tuyền bất ngờ bị một chiếc tàu lạ đâm chìm.

“Lúc này đang vào thời điểm rạng sáng, chúng tôi cho tàu chạy chậm. Mọi người còn đang ngủ, chỉ có 2-3 người cầm lái, bất ngờ từ phía sau chiếc tàu lạ lao nhanh đến rồi húc vào đuôi tàu. Chỉ trong phút chốc, con tàu chìm nghỉm”, ông Tuyền kể.

Các thuyền viên chỉ kịp phóng mình ra phía biển thoát thân, nhìn con tàu chìm nghỉm cùng cả một đống gia tài, thành quả sau chuyến biển dài. Ngư dân Võ Xuân Hội (Lý Sơn), thuyền viên trên tàu bị thương do va phải mạn thuyền lúc chìm.

Mọi người cố gắng đu vào ghe, xốp. Một trong số ngư dân giữ được điện thoại, gọi về gia đình và cơ quan chức năng cầu cứu. Hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, mặc cho cái lạnh đói, các thuyền viên nắm tay quây lại bên nhau, chờ niềm hi vọng.

9 giờ 20 phút sáng hôm sau (13/6/2010), tàu cứu hộ của BĐBP Bình Định tiếp cận, cứu sống ngư dân sau giờ phút thập tử nhất sinh của hải trình kinh hoàng.

Giọng ông Tuyền bàng hoàng nhớ lại: sau chuyến đi đó, nhiều anh em bỏ biển vì quá nguy hiểm. Bão gió, thiên tai đã là trở ngại lớn, giờ thêm “nhân tai”, mối họa từ những chiếc tàu lạ hung hãn đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam luôn là mối đe dọa thường trực mỗi chuyến ra khơi.

Theo UBND huyện Lý Sơn: chuyện ngư dân trên đảo bị tàu lạ đâm chìm không phải là hiếm và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tính từ năm 2007 đến nay có khoảng gần 5 trường hợp tàu ngư dân Lý Sơn bị tàu lạ đâm chìm giữa biển.

Việc xác định danh tính gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin, hình ảnh, bằng chứng. Huyện khuyến cáo ngư dân địa phương đề cao cảnh giác khi đánh bắt, tránh bị tàu lạ hung hãn cố tình đâm chìm, gây thiệt hại to lớn về tài sản, nguy hiểm tính mạng.

Thống kê từ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: địa phương có gần 50% trong tổng số 5.600 tàu thuyền với khoảng 40.000 lao động, thường xuyên đánh bắt xa bờ. Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền gặp nạn, rủi ro trên biển gia tăng.

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 400 tàu bị chìm do thiên tai và một số bị tàu lạ đâm chìm, gần 150 tàu bị hư hỏng, khiến 115 người chết và 38 người bị thương vì thiên tai; đặc biệt có tới hơn 150 tàu với hơn 1.100  ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, do các hành động xâm phạm, bắt bớ, trấn áp vô lý của nước ngoài tại các vùng biển truyền thống Việt Nam.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, địa phương đã có 6 tàu và 70 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, đòi tiền nộp phạt.

Cảnh tàu cá Trung Quốc đổ bộ ra Biển Đông


  • Ánh Tuyết
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn