Hán Văn Tình nhận là kẻ thiếu trách nhiệm với gia đình

06:24, Thứ hai 14/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Trong cuộc sống đời thường, nghệ sĩ Hán Văn Tình sống chỉn chu nhưng vẫn tự nhận mình là kẻ sống thiếu trách nhiệm với gia đìnhhellip;

Trên ti vi, gã đầu trọc Chu Văn Quềnh hay rượu, ngù ngờ nhưng bản tính thật thà. Trong cuộc sống đời thường, nghệ sĩ Hán Văn Tình sống chỉn chu nhưng vẫn tự nhận mình là kẻ sống thiếu trách nhiệm với gia đình…

Gã trọc đầu cưới vợ khiến nhiều kẻ sốc và không ít người mừng

Khi còn nhỏ, nghệ sĩ Hán Văn Tình chưa từng có ý định theo nghệ thuật, bởi anh thích luật hơn cả.

Chẳng biết run rủi thế nào anh lại quyết định thi tuyển vào lớp diễn viên Tuồng, trường trung học Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Tới năm 1976, anh ra trường và về công tác tại Nhà Hát Tuồng Việt Nam cho tới nay.

Năm 1990, anh bén duyên điện ảnh sau bộ phim nhựa “Canh bạc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh với vai Lão Trọc.

Đây là vai diễn giang hồ đầu tiên và cũng là sự định hình tính cách những vai diễn sau này cho NSƯT Hán Văn Tình, trong đó phải kể tới sự thành công của nhân vật Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và Người” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Hán Văn Tình ở ngoài đời không giống những vai diễn của anh trên màn ảnh.  “Ừ, thì trong phim tớ hay rượu thật đấy nhưng ngoài đời tớ uống chưa quá 3, 4 chén đã nằm lăn quay ra rồi”.

 Khán giả ấn tượng với anh qua vai diễn Chu Văn Quềnh và câu nói nổi tiếng: “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại”, đi đâu anh cũng được mời uống rượu.

Bởi vì “khán giả cứ tưởng tôi cũng uống giỏi như trong phim chứ có ai ngờ rằng mình đang tu nước lọc, nếu uống nhiều thế chắc tôi cũng chết lâu rồi”.

Từ chối mãi cũng không được anh đành phải tìm cách học uống rượu để có dịp thì hầu chuyện bạn bè.

Nhưng cố lắm tửu lượng cũng chỉ lên được đôi chút, mấy lần anh suýt “bổ ngửa” vì say.

Trước kia, đi đâu anh cũng mang theo giấy bút và sổ ghi chép  để đề phòng lúc nào sắp say, đang say, có làm gì sẽ ghi hết lại để lúc tỉnh giở ra đọc xem lại mình “nát” như thế nào.

Chu Văn Quyềnh ngoài đời thường
Chu Văn Quềnh ngoài đời thường


Nguyên tắc của Hán Văn Tình vẫn là không bao giờ để mình say quá mà có những hành vi không đúng mực để phải áy náy về sau.

Cuộc đời của Nghệ sĩ Hán Văn Tình có nhiều thứ bất ngờ, cũng giống như việc anh theo Tuồng rồi nhất quyết sống chết vì nó; hay như việc anh bỗng dưng lấy vợ dù chẳng nghĩ mình sẽ lấy vợ.

Tình yêu của anh chẳng phải là sét đánh ngang tai hay thiên tình sử cảm động, mà còn rất đỗi bình thường. Khi anh đã ở cái tuổi quá băm, bạn bè đã một hai đứa con nhưng anh vẫn cứ một mình.

Nhiều người xì xào cho là anh không phải “đàn ông”, có người bảo tại anh nghèo quá nên không ai thèm lấy.

Thậm chí bố mẹ anh ở quê còn dọa sẽ từ mặt nếu anh không chịu lấy vợ. Thế cho nên, tin anh làm đám cưới đã khiến nhiều người sốc và cũng không ít người thở phào nhẹ nhõm.

Anh và chị gặp nhau tình cờ, chị làm nhân viên hành chính ở bệnh viện Xanh – Pôn, có người họ hàng sống trong khu tập thể của nhà hát Tuồng Việt Nam.

Nhiều lần đến chơi, chị có hay đến xem các nghệ sĩ trong nhà hát diễn, trong đó có anh. Rồi anh chị bắt chuyện với nhau cũng rất tự nhiên. Từ hồi yêu, cưới và sau bao nhiêu năm chung sống đến giờ anh vẫn cương quyết bảo chưa bao giờ mình tán tỉnh chị.

Quan niệm của anh tình yêu là duyên phận, tự đến tự đi chứ chẳng có chuyện anh “trồng cây si cây đa” như ai cả.

Có lẽ vì vậy mà cả những mối tình của anh trước đây đều chỉ dừng ở mức độ nho nhỏ mà thôi, bởi cô nào cũng “chê” nghệ sĩ như anh sao sống đơn giản quá, chẳng “thèm” lãng mạn gì cả.

Ấy thế mà một năm sau anh và chị cưới nhau, lúc ấy anh tròn 36 tuổi, còn chị cũng đã 35 tuổi, tóc trên đầu đã bắt đầu có sợi bạc.

Giây phút bố tôi mất, tôi thấy mình giống hệt kép Tư Bền

Đến với Tuồng, giữa cái thời buổi mà chẳng mấy ai còn thiết tha nữa, thế mà Hán Văn Tình vẫn sống bằng nghề và quyết sống cùng nó suốt đời.

Gần 40 năm theo nghề, với anh Tuồng đã dần ngấm vào máu, thành đam mê, đam mê cũng như “con sáo ăn mặn vậy”, trót dính vào rồi thì cũng khó rẫy ra được.

Lương của hai vợ chồng anh cũng chỉ được 4 triệu/ tháng, giữa Hà Nội sống cũng chật vật lắm mới gọi là tạm đủ.

Cũng may là cơ quan cấp cho căn hộ tập thể nhỏ nhỏ, xinh xinh mà anh gọi đùa là cái “chuồng chim” chứ thì chẳng biết bao giờ anh mới mua được nhà.

 Nhiều lúc, nhìn bạn bè có nhà to, xe đẹp, một bước lên xe, hai bước xuống xe. Còn nhà anh, khéo kéo co, vay mượn thêm, mới đổi được một cái nhà cấp 4 cũng thuộc dạng nhỏ nhỏ xinh xinh ở Cổ Nhuế.

Thương vợ con, nhưng anh cũng chỉ biết động viên chị thông cảm, cùng anh chung lưng đấu cật.

Vợ anh là người hiểu biết, chị hiểu cái nghề với cái nghiệp của người làm nghệ thuật là khó mà dứt ra nên chị luôn cố gắng hạn chế nhắc chuyện kiếm tiền trước mặt chồng.

Thời gian trước anh còn ngại khi mời bạn tới chơi nhà, còn bây giờ hỏi, anh cũng chỉ cười và gãi đầu: “tôi đổi nhà tới lần thứ tư mà vẫn chưa được tử tế, rốt cuộc loanh quanh vẫn là ở cái nhà cấp 4… cho nên lúc nào cũng áy náy với vợ con lắm”

Nhiều nghệ sĩ lúc nào cũng mang sẵn cho mình cái tư tưởng phải sống nghệ sĩ, khác biệt với bình thường.

 Bệnh nghề nghiệp đôi lúc khiến cho họ luôn đòi hỏi và ảo tưởng với sự tuyệt đối trên đời, điều ấy đã tạo ra những đổ vỡ trong hôn nhân.

Vợ chồng anh đến với nhau khi mọi thứ đã già dặn, cả hai đã xác định ăn đời ở kiếp với nhau thì đều phải tự cố gắng bớt đi cá tính riêng của mình, gia đình cũng ít khi xảy ra cãi vã vì những “chuyện trẻ con không đâu”.

Anh sống đơn giản, không rườm rà, cho nên nhiều lúc vợ cũng có chạnh lòng bảo anh vô tâm, đi diễn xa ít nhớ tới chuyện quà cáp cho vợ con, dù chỉ là những món quà nhỏ. Chị nói vậy nhưng chẳng bao giờ giận vì biết tính anh vốn thế.

“Thôi thì mình hơi khô khan, vô tâm nhưng bù lại không trăng hoa, rượu chè, chăm chỉ làm việc nên cũng kéo lại đôi phần tình yêu của vợ.

NS Hán Văn Tình
NS Hán Văn Tình


 Có được người vợ hiểu chồng, biết thu vén cho gia đình thì chẳng có gì để tôi đòi hỏi hơn thế”, anh chia sẻ.

Chu Văn Quềnh trong phim sống hềnh hệch, đơn giản nhưng ngoài đời anh nghệ sĩ Hán Văn Tình lại chỉn chu và nguyên tắc dù nhìn bề ngoài không ít người nghĩ anh sống dễ dãi.

Xác định bản thân là người mềm dẻo nhưng có nguyên tắc. Bạn bè thân cận hay thậm chí với ông bà, bố mẹ dù có yêu quí mấy thì anh vẫn giữ một khoảng cách nhất định, không bỗ bã, không quá trớn.

Với các con cũng vậy, con ốm đau hay gặp phải chuyện gì, có thương lắm vẫn không thể hiện ra ngoài nhiều. Trong cách dạy dỗ con cái, anh dân chủ nhưng trong khuôn khổ.

Anh cho rằng, việc dạy con không tránh chuyện đòn roi bởi “thương cho roi cho vọt”, có nghiêm khắc mới giữ được nền nếp.

Người phụ nữ trong gia đình thường “mềm” nhưng người đàn ông trong gia đình thì cần sự “cứng rắn” cần thiết.

Nhất là khi con trẻ còn nhỏ, càng không nên thương con thái quá sẽ hạn chế tính độc lập của trẻ.

Thế nhưng chính anh cũng phải thừa nhận, không phải lời nói nào của cha mẹ, con cái cũng sẽ nghe theo. Anh may mắn có được một cậu con trai và một cô con gái đang tuổi lớn.

Mặc dù biết mình không phải lúc nào cũng có nhiều thời gian gần gũi với con nhưng mỗi khi có cơ hội thích hợp, anh vẫn khuyên các con những định hướng trong cuộc sống, làm gì thì làm cũng phải bằng thực lực của mình mà lên, không nên ỷ lại.

Nhiều người nhìn anh bằng con mắt ngưỡng mộ bởi anh là người nổi tiếng, có gia đình yên ấm. Nhưng anh nói rằng: “Đối với bố mẹ thì mình bất hiếu, với gia đình thì thiếu trách nhiệm”.

Làm nghệ sĩ vui và hạnh phúc vì được nhiều người biết và yêu quý nhưng cũng phải chấp nhận việc không có điều kiện được gần gũi chăm sóc bố mẹ kể cả những lúc ốm đau bệnh tật.

Một lần khi nghe được tin bố mất là lúc anh đang trên sân khấu nhưng anh không thể cứ thế mà bỏ về được vì còn liên quan tới bao nhiêu con người trong chương trình nữa.

 “Lúc ấy tôi thấy mình chẳng khác nào nhân vật kép Tư Bền, trong lòng nóng như lửa đốt ấy thế mà vẫn phải cố diễn cho khán giả cười, diễn xong lên xe một mạch về nhà chịu tang bố”.

 Đã nhiều năm rồi nhưng chuyện ấy vẫn khiến anh day dứt mãi vì sự “bất hiếu” của mình.

Còn với vợ con anh, công việc của nhà hát khiến anh có những tuần trời, tháng trời phải đi diễn suốt, muốn được ở nhà cùng vợ con ngày thứ bảy, chủ nhật cũng khó.

Biết đó là cuộc sống, không thể trọn vẹn được nhiều thứ cùng lúc nên phải chấp nhận và tìm cách giải quyết.

Cũng may vợ anh là người biết thông cảm và vun vén cho hạnh phúc gia đình, con cái cũng sớm hiểu những vất vả và tính chất công việc của bố nên trong nhà luôn luôn giữ được sự êm ấm.

Ngồi nghe Hán Văn Tình kể chuyện đời, chuyện nghề, cái duyên của một người nghệ sĩ đã đi qua bao nhiêu khó khăn, chật vật mà vẫn cười như không khiến chúng tôi cũng cảm nhận được chút niềm vui lan sang mình.

 Cuộc sống, nhiều khi cũng nên đơn giản hóa một cách tối ưu, không vội vã, không chần chừ, không quá nhiều tham vọng cũng không được phép bằng lòng với bản thân là cách mà anh tự tạo nên những niềm vui sống.

Ngọc Lan
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc