Hành trình bí mật dài hơn 200 năm của trái tim Vua Louis XVII

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Louis XVII (tên thật là Louis Charles) sinh ngày 27/3/1785 tại lâu đài Versailles, là con trai của vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette.


Vị vua trẻ đoản mệnh

Chế độ quân chủ tại Pháp đã bị xoá bỏ, khi nền Cộng hòa được tuyên bố thành lập ngày 21/9/1792, nhưng cho tới nay, một bộ phận dân Pháp cũng vẫn còn rất mê những chuyện liên quan đến thời đại vương triều xa xưa.
 
Đó là một chủ đề đã làm hao tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của giới báo chí trong nước. Vào ngày 8/6/2004, nước Pháp công bố một trong những bí mật hấp dẫn nhất trong lịch sử nền quân chủ chuyên chế của mình. Đó là số phận trái tim nhỏ bé của vua Louis XVII, người theo lẽ đã lên nối ngôi vua nếu như Cách mạng không nổ ra. Trái tim này đã được mai táng ở đại Giáo đường Saint-Denis, ngoại ô phía Bắc Paris. Như vậy là hơn 200 năm sau khi qua đời, nay Louis XVII, con trai của hoàng hậu Marie-Antoinette và vua Louis XVI, đã được trở về sum họp với bố mẹ.

Tại nhà thờ Saint Denis, trong tiếng dàn nhạc kèn đồng sáng loáng, Amaury de Bourbon de Parme - một cậu bé có quan hệ họ hàng với hoàng tộc Pháp, mang chiếc bình pha lê phủ vải mầu tía đặt bên cạnh quốc hiệu một thời của hoàng gia Pháp. Cậu nói: “Cuối cùng, đức vua bé nhỏ có thể an nghỉ trong yên bình cùng với những người thân yêu trong gia đình sau bao năm trời lưu lạc”.

Sau khi vua Louis XVI bị hành quyết ngày 21/1/1793, hoàng tử Louis Charles lên nối ngôi vua với vương hiệu Louis XVII. Trong thời gian đó, người thừa kế ngai vàng bị nhốt trong bốn bức tường của một thánh đường không có cửa sổ không lỗ thông hơi, hòng ngăn không cho những người theo chủ nghĩa quân chủ giải thoát, đồng thời vua Louis XVII bị cách ly khỏi người mẹ. Rồi người ta đưa ra một bức thư cáo buộc, có chữ kí của vị vua nhỏ tuổi, rằng hoàng hậu đã buộc con mình thực hiện chuyện loạn luân. Và bà đã bị chém ngay sau đó.
q
 

Vào ngày 8/6/1795, vua Louis XVII đã qua đời vì bệnh lao phổi ở tuổi lên 10. Cái chết oan khuất này diễn ra chỉ sau cái chết của cha ông đúng 2 năm. Người ta kể, vua Louis XVII đã bị giam giữ, bị bỏ đói trong một căn hầm ngột ngạt cả về mùa đông lẫn mùa hè. Ông chết khi cơ thể suy nhược hoàn toàn. Kể từ đó, số phận của vị vua nhỏ tuổi này là nguồn gốc của những tin đồn và suy đoán và của cả những trang tiểu thuyết đẫm nước mắt được các văn nhân viết lại tồn tại suốt trong 2 thế kỉ.

Ngay sau khi vua Louis XVII qua đời, đã có tin đồn là vị nhị vương này thật ra đã vượt ngục và trong suốt thế kỷ XIX, nhiều người vẫn tin rằng, có một huyền thoại về “Thái tử bị mất tích”, không chỉ dừng ở đây họ lại tiếp tục tranh cãi rằng người chết chính là Louis Xavier Joseph, anh trai Louis XVII, chết năm 1789.  Nhưng thực tế, trái tim của người anh trai ông đã được ướp theo phong tục hoàng gia. Nhiều người còn cho rằng, đã thấy ông chạy trên đường bộ, rong thuyền trên biển cả, tìm được dấu vết ông ở Thụy Sĩ, Argentine, kể cả đảo Seychelles! Chưa hết, trên đất Mỹ, giữa vùng Đại Hồ, một người tên Eleazar Williams còn tự nhận mình chính là hoàng thái tử nước Pháp?

 Còn tại vùng Green Bay, bang Wisconsin, người ta đã đặt hẳn tên một con đường là “Lost Dauphin Street” (Con đường hoàng tử thất tung). Chính vì sự mất tích của vua Louis XVII quá mơ hồ nên vào thời đó nhiều người coi ông như là “ông vua mai danh ẩn tích” đang ở trong bóng tối chờ một ngày quay lại với ngai vàng, phục hồi thời đại hoàng kim đã bị cơn lốc cách mạng cuốn phăng đi.

Sự mất tích bí ẩn của người thừa kế ngay vàng nước Pháp trong lúc những biến động lịch sử đang diễn ra vô cùng gay gắt và tàn bạo trên chính trường nước Pháp đã khiến cho nhiều người nghĩ ngay đến một cái chết bí ẩn. Năm 1816, ngay giữa viện công khanh, văn hào Chateaubriand đã nêu lên một câu hỏi gay gắt về số phận vua Louis XVII và kết thúc bằng câu: “... ông ta đã đứng lên và đòi hỏi ở quý ông một nấm mồ”. Đến lúc đó, vẫn chưa có một kết luận dứt khoát về sự mất tích của ông hoàng, nhưng cũng vì thế mà sự hoang mang của công chúng ngày một tăng cao.

Phải chăng ông ta đã chết từ năm 1795, ở nhà ngục nằm trong phạm vi tòa hành chánh quận 3, thủ đô Paris ngày nay? Hay người ta đã thay thế ông trong nhà ngục bằng một tù nhân nhỏ tuổi khác, bệnh hoạn và vô danh? Chính vì những câu hỏi trên không có lời giải mà trong nửa đầu thế kỷ XIX, đã xảy ra một hiện tượng khá buồn cười là có trên 100 người tự nhận mình là vua Louis XVII!

 Trong đó, nổi tiếng nhất là Karl Whilhelm Naundorff, một thợ sửa đồng hồ người Đức, mà con cháu sau này vẫn cứ tự nhận thuộc dòng dõi vua Louis và thậm chí còn xin được vua Hà Lan cho mang họ Bourbon. Mộ phần của Naundorff ở Hà Lan được ghi tên là vua Louis XVII! Thậm chí, người ta đã cho rằng, nhà tự nhiên học người Mỹ John James Audubon, chính là vị thái tử mất tích, mặc dù ông này chưa bao giờ tự công nhận.

Hành trình bí mật của trái tim huyền thoại

Điều đáng tiếc là sự thật lịch sử không phải là huyền thoại. Khi giám nghiệm tử thi, bác sĩ Philippe-Jean Pelletan, có lẽ vì quá thương xót vị nhi vương, nên đã đánh tráo trái tim, bọc vào khăn mùi xoa, giấu trong túi áo. Về nhà, bác sĩ Pelletan bỏ trái tim vào trong một lọ pha lê đựng acool ethylique để bảo quản.

Vào khoảng năm 1810, một học trò của bác sĩ Pelletan là Jean-Henri Tillos đã ăn cắp trái tim này. Nhưng vài năm sau, Tillos mắc bệnh lao. Trước khi chết, anh ta mới thấy hối hận và bảo vợ đem trả lại trái tim cho bác sĩ Pelletan. Trong suốt nhiều năm, bác sĩ Pelletan đã tìm mọi cách để giao lại trái tim của vua Louis XVII cho hoàng gia, nhưng đều không thành do thời thế nhiễu nhương.

Đến năm 1828, trái tim được đặt ở Tòa tổng giám mục Paris, một năm trước khi bác sĩ Pelletan qua đời. Đến năm 1840, khi Tòa giám mục Paris bị quân cách mạng cướp phá, một người thợ in bèn chộp lấy quả tim, định đem về cho gia đình của bác sĩ Pelletan, nhưng bình đựng quả tim bị rơi xuống đất vỡ tan. Khi tình hình trở lại yên tĩnh, con trai của bác sĩ Pelletan và người thợ in quay lại tòa tổng giám mục và thật là may mắn, họ đã tìm lại được trái tim nằm vùi trong cát.

Họ đem về bỏ trong một lọ pha lê giống y như lọ cũ. Trái tim sau đó được giao cho dòng dõi Bourbon bên Tây Ban Nha trước khi được trao trả lại cho dòng dõi Bourbon bên Pháp vào  năm 1975. Trong khoảng thời gian đó, trái tim của vua Louis XVII đã qua tay không biết bao nhiêu người.

Cho tới nay, bí ẩn vẫn bao trùm trái tim vua Louis XVII và theo sử gia Philippe Delorme, có đến gần 800 cuốn sách nói về chuyện này. Đáng chú ý là quyển tiểu thuyết La Chambre (Căn phòng) của Francaise Chandernagor, trong đó, tác giả nêu lên nỗi đau triền miên và cái chết dần mòn của ông hoàng bất hạnh.
 

Trong cảnh sống tăm tối, không phải giữa con người, mà giữa loài côn trùng và chấy rận, cậu bé chưa đầy 10 tuổi còn sót lại của Hoàng gia Pháp đã mắc bệnh lao và đã chết trong nỗi cô đơn, sự ruồng bỏ của chính quyền đương thời.

 Thường thì người ta vẫn đồn rằng, đứa bé chết trong tù ngày 8/6/1795 không phải là vua Louis XVII, mà là một đứa bé khác thế chỗ. Nhưng sau một cuộc điều tra tỉ mỉ “không thua gì Sherlock Holmes’’, sử gia Delorme khẳng định chắc chắn rằng, quả tim này chính là quả tim của vua Louis XVII.

Các nhà khoa học đã xác định được trái tim chính là của vua Louis XVII nhờ so sánh ADN của trái tim này với ADN của Marie-Antoinette. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, ông hoàng Louis XVII đã qua đời trong ngục tối vào năm 1795 do bệnh hoạn và thiếu sự chăm sóc. Không hề có chuyện ông vượt thoát để rồi xuất hiện ở khắp nơi như lời đồn đại.

Từ 25 năm nay, quả tim của Louis XVII vẫn được trưng bày tại Giáo đường Saint-Denis, nhưng đến ngày 8/6/2004 mới được mai táng trong một thánh lễ rất long trọng với sự tham dự của 2.500 quan khách, mà phần lớn là những người thuộc dòng dõi hoàng gia. Bên ngoài, cũng có khoảng 1.000 người, trong đó, không ít những kẻ tò mò,  đứng theo dõi thánh lễ qua những màn ảnh rộng.

 Trong dòng dõi vua Louis hiện nay, Louis-Alfonse de Bourbon, quận công Anjou, được nhiều người xem là nhân vật xứng đáng kế vị ngôi vua nước Pháp. Louis-Alphonse de Bourbon năm nay khoảng 40 tuổi, vẫn còn sống độc thân tại Madrid. Chắc chắn sẽ không bao giờ ông có thể bước lên ngai vàng, vì chế độ quân chủ ở Pháp đã bị hủy bỏ vĩnh viễn.

Tuy vậy, giới sử gia Pháp vẫn tin rằng, hiện vẫn có một trái tim huyền thoại không chết đang nằm sâu trong sử sách và các cuốn tiểu thuyết lịch sử của nước Pháp và của tất cả các hoàng tộc hiện đang còn tồn tại ở châu Âu.
  • Linh Chi
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn