Học trò Việt sợ hãi vì diễn văn thầy giáo Mỹ

( PHUNUTODAY ) - "Em nghĩ thầy nói thẳng thừng quá và nói rằng mình không có gì đặc biệt cả thì rất khó nghe".

"Em rất sốc khi đọc bài diễn văn này của thầy. Em thấy mình cũng như các bạn học sinh đó thôi, đã cố gắng và được ra trường, cố gắng sau này trở thành người tốt đẹp hơn nhưng tự nhiên thầy lại nói rằng mình không có gì đặc biệt cả khiến mình tự ti. Và em nghĩ sẽ có nhiều bạn cảm thấy sợ hãi"...
[links()]
Tuần qua, bài diễn văn của thầy giáo dạy tiếng Anh David McColough Jr. của trường Trung học Welllesley, Mỹ đã đã tạo nên một làn sóng trên Twitter và trên các hãng truyền thông khi ông dội gáo nước lạnh vào các học sinh lớp 12 vừa tốt nghiệp: "Các em chẳng có gì đặc biệt". Phunutoday đã nhận được ý kiến chia sẻ của nhiều học sinh tại các trường PTTH Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Đỗ Thùy Linh, lớp 11, trường Amsterdam, Hà Nội: Bài diễn văn như sự chuẩn bị cho học sinh trước khi bước vào đời

Đỗ
Đỗ Thùy Linh, lớp 11, trường THPT DL Amsterdam

Đọc bài diễn văn xong em ấn tượng nhất câu mà ông David McColough nói: "Các em chẳng có gì đặc biệt cả". Thực ra cũng có một số chỗ nó sai bởi ngôi trường đó không phải là một ngôi trường đặc thù gì cả.

Nhưng có thể ông nói theo một cách nghĩ nào khác hay có những học sinh nào đó tự kiêu, có thể biết rất nhiều thứ nhưng lại không đặc biệt về một vấn đề gì đấy.

Ví dụ, các bạn học giỏi nhưng kỹ năng sống của các bạn không có gì đặc biệt cả. Em nghĩ ông ấy nói trên một phương diện nào đó chứ không phải là tổng quát rằng tất cả các học sinh không tài giỏi.

Em cảm nhận được sự chân thật trong lời nói của người thầy giáo ấy về giáo dục không chỉ của Mỹ mà của rất nhiều nước.

Bài diễn văn đó như một sự chuẩn bị cho học sinh trước khi bước vào đời. Nó chuẩn bị về mặt tư tưởng, biết tự nhận mình đang ở đâu, không nên quá viển vông hay đề cao bản thân.

Cao Quỳnh Anh, lớp 12B, trường THPT DL Lômônôxốp, Hà Nội: Lời nói quá thẳng thắn khiến nhiều bạn trẻ sụp đổ

Những lời thầy David McColough Jr nói cũng là những gì em từng suy nghĩ qua. Em thấy thầy nói hoàn toàn đúng.

Đối với một người sắp bước vào đời mà chưa biết gì như bọn em, còn nhiều thứ phải cố gắng hơn nữa. Kể cả sau này, khi chúng em trải nghiệm nhiều, chưa chắc đã đạt được hết những điều như thầy nói.

Cao Quỳnh Anh, lớp 12B, trường THPT DL Lômônôxốp
Cao Quỳnh Anh, lớp 12B, trường THPT DL Lômônôxốp

Quan trọng là mình phải nỗ lực, còn đạt được hay không là chuyện khác bởi chỉ cần mình cố gắng hết sức, sau này có con hay về già sẽ không phải hối hận.

Em không biết người khác nghĩ thế nào nhưng đối với em, em nghĩ đời chỉ sống có một lần, em rất muốn làm được một điều gì đó đặc biệt. Đương nhiên cho đến bây giờ em chưa làm được cái gì đặc biệt cả nhưng hàng ngày em vẫn luôn cố gắng.

Có thể em chẳng là gì cả nhưng đối với những người xung quanh, em luôn cố gắng khiến cho những người quen biết em cảm thấy là em đặc biệt so với những người khác.

Đối với bố mẹ, con cái lúc nào cũng đặc biệt nhưng bố mẹ em không bao giờ nói ra điều đó mà họ rất thực tế. Bố mẹ thường nói với em, mình hơn rất nhiều người, nhưng cũng có rất nhiều người hơn mình. Phải biết mình, biết người, dám ước mơ và dám thực hiện.

Những điều thầy nói trong bài diễn văn là những điều học sinh ai cũng nghĩ đến nhưng các bạn không nói ra mà thôi. Những lời nói của ông quá thẳng thắn có thể sẽ khiến cho nhiều bạn trẻ sụp đổ nhưng nó rất có ích.

Bài diễn văn tốt cho những đứa trẻ như em. Em chưa bao giờ nghĩ mình đặc biệt, nhưng cứ cố gắng trở nên đặc biệt là đủ.

Nguyễn Mai Hương, lớp 11 Sinh, trường Amsterdam, Hà Nội: Sốc khi đọc bài diễn văn

Nguyễn Mai Hương, lớp 11 Sinh, trường THPT Amsterdam
Nguyễn Mai Hương, lớp 11 Sinh, trường THPT Amsterdam

Em nghĩ thầy nói thẳng thừng quá và nói rằng học sinh không có gì đặc biệt thì rất khó nghe.

Bởi khi đã vào một ngôi trường tốt rõ ràng là mình cũng có một chút gì đó rất đặc biệt rồi. Cho nên em không đồng tình với bài diễn văn này.

Nếu nói các em chẳng có gì đặc biệt là sai. Em rất sốc khi đọc bài diễn văn này của thầy.

Em thấy mình cũng như các bạn học sinh đó thôi, cũng cố gắng và được ra trường, cố gắng sau này trở thành người tốt đẹp hơn nhưng tự nhiên thầy lại nói rằng mình không có gì đặc biệt cả khiến mình tự ti. Và em nghĩ sẽ có nhiều bạn cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, những câu nói ấy cũng sẽ tạo áp lực để các bạn học tập chăm chỉ hơn.

Cho nên, lời khen chê đúng lúc sẽ giúp cho bọn em rất nhiều. Không phải lúc nào chúng em cũng muốn thầy cô, cha mẹ đem đến cho chúng em một thế giới màu hồng, nhưng lời khen là để động viên chúng em đúng lúc và lời chê là để chúng em nhìn nhận lại bản thân mình như thầy David McColough đã nói.

Em nghĩ cô chủ nhiệm lớp em cũng sẽ đồng ý với tư tưởng này của thầy với câu nói "các em chẳng có gì đặc biệt". Cô cũng rất hay nói rằng hãy dẹp bớt cái tôi của mình đi, hãy coi mình như một người bình thường. Nhưng có những thầy cô đưa ra lời khen đúng lúc gây được cảm tình đối với học sinh, khiến học sinh học tập tốt hơn.

Nguyễn Phương Vy, lớp 10 Anh2, trường Amsterdam, Hà Nội: Bị áp lực khi được coi là đặc biệt

Phải nói rằng em bị áp lực rất nhiều khi mọi người coi mình đặc biệt. Khi chuẩn bị thi vào THCS, tức là cuối năm lớp 4 cho đến khi em biết được kết quả vào trường này em luôn luôn bị áp lực. Nó không có lợi vì sau đó là cảm giác hụt hẫng, không muốn cố gắng nữa vì khi mình thi vào được trường này rồi, mình vẫn phải học nữa, mình vẫn phải cố gắng nữa như kiểu đã tốt rồi thì phải tốt nữa, chứ không được kém.

Em có cảm giác cả xã hội đang mặc định sẵn với mỗi con người muốn thành công chỉ có một con đường duy nhất đó là học. Em không hoàn toàn đồng ý với điều đấy. Và em cảm thấy sau khi mình nỗ lực rất nhiều rồi, thành công rất nhiều rồi nhưng lại cảm thấy mình chưa làm được gì cho bản thân.

Nguyễn Phương Vy, lớp 12Anh2, trường THPT DL Amsterdam
Nguyễn Phương Vy, lớp 12Anh2, trường THPT DL Amsterdam



Dưới áp lực của bố mẹ, thầy cô, em cũng đoạt được vài giải học sinh giỏi ở quận. Tự nhiên hồi thi học sinh giỏi quận, em lại bắt đầu cảm thấy yêu môn Sử. Lúc đầu học sử thấy vui nên em đi học đội tuyển rồi không ngờ em đoạt giải nhì Sử của quận. Nhưng khi chọn đội tuyển cấp thành phố, vì môn Sử và Anh cùng giờ thi nên em phải đấu tranh rất nhiều.

Sau những lời khuyên của bố mẹ, bạn bè, em phải bỏ môn Sử và thi môn Anh, em cũng được giải nhì cấp TP. Vào được lớp mà nhiều bạn từng mong muốn nhưng em lại cảm thấy không hài lòng bởi đó không phải là cái em yêu thích. Nó chỉ là một con đường thuận lợi hơn cho tương lai của em thôi.

Bố mẹ em luôn cho em là một người có tố chất, nếu chăm chỉ em sẽ hơn tất cả mọi người nhưng em không nghĩ như thế. Bố em luôn nói cố gắng học để sau này sướng cho thân mình nhưng rồi bố mẹ lại luôn nói với người ngoài rằng em giỏi giang khiến em cảm thấy áp lực.

Lúc nào em cũng sống trong cảm giác lo sợ không đạt được điều mà bố mẹ mong muốn. Khi ấy em sẽ cảm thấy mình là một người vô dụng, còn bố mẹ em hẳn sẽ rất buồn.

Em mong bố mẹ sẽ hiểu con người em, chấp nhận và yêu thương em cho dù thi thoảng em có thể mất tập trung học hành một chút. Em hy vọng bố mẹ sẽ ủng hộ điều thực sự phù hợp với em chứ không phải là điều sẽ cho em một tương lai dễ dàng.

Em rất muốn bố mẹ đọc được bài diễn văn này của thầy để hiểu em hơn. Bố mẹ vẫn luôn nói em chẳng là gì cả và em phải cố gắng, cố gắng nữa nhưng thực sự thì cái tư duy đấy của thầy và bố mẹ không hẳn là giống nhau. Em nghĩ thầy cho rằng, mỗi người phải đóng góp cái riêng của mình để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh của cả thế giới, còn bố mẹ em thì cho rằng em luôn phải là người giỏi nhất, giỏi nhất thì mới mong có một cuộc sống an nhàn được.

Hiện tại, em đang bắt đầu sống cho riêng mình, em bắt đầu theo đuổi những đam mê khác của mình như lịch sử, âm nhạc, bóng rổ. Sau đó em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để đạt được mục tiêu tự em đã đặt ra đó là đỗ đại học sau đó giành được học bổng để sang Đức.

Em đã chọn một ngành nghề mà em mong ước, tuy không phù hợp với mong muốn của bố mẹ em, nhưng em sẽ cố gắng theo đuổi và cố gắng thành công.

Trẻ con Mỹ bị xúc phạm, người Việt ngẩng đầu kiêu hãnh

 

  • Khải Nguyên (Thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn