(Ảnh nóng) - Đài Loan kéo dài sân bay tại Trường Sa, Trung Quốc lập "Tổ Điếu Ngư" do Tập Cận Bình chỉ huy, Iran có thể triển khai tàu đến Đông Nam Á...là tin tức thời sự chính ngày 17/1.
Tờ Liên Hợp xuất bản tại Đài Loan ngày 16/1 đưa tin, ngày 16/1 Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng phản đối Philippines nâng cấp sân bay trên đảo Thị Tứ (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines chiếm đóng và đặt tên là Kalayaan hoặc Pag-asa trong khi Đài Loan, Trung Quốc gọi là đảo Trung Nghiệp - PV). |
Đồng thời bản tin trên tờ Liên Hợp cho biết Đài Loan vừa bắt đầu khởi động nâng cấp sân bay quân sự trên đảo Ba Bình (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng trái phép và đặt tên là đảo Thái Bình - PV). Đài Loan dự kiến sẽ kéo dài sân bay này từ 1200 mét hiện nay lên 1500 mét. |
Hiện tại Đài Loan đã phái một đội tiền trạm âm thầm ra đảo Ba Bình thực hiện các hạng mục khảo sát, đánh giá tình trạng sân bay và lên phương án nâng cấp. Đầu tiên Đài Loan sẽ xây dựng và mở rộng phần cầu tàu, sau đó sẽ tiến hành nâng cấp và kéo dài đường băng. Một lực lượng khác sẽ phụ trách việc xây dựng hệ thống giao thông trên đảo Ba Bình và trận địa cối 40 trên đảo. |
Tờ "Hoa Nam buổi sáng" xuất bản tại Hồng Kông ngày 16/1 đưa tin, Đài Loan đang tăng tốc triển khai các cuộc tập trận quân sự để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào có thể đến từ Trung Quốc. Trong năm 2013, Đài Loan sẽ triển khai 62 cuộc tập trận bao gồm cả tập trận thực binh thực đạn, mô phỏng điện tử, các loại hình game quân sự và nâng cao ý thức chiến đấu cho người dân trên đảo. |
Các quan chức quốc phòng Đài Loan cho rằng họ không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với bờ Tây eo biển Đài Loan, tức Bắc Kinh nhưng quân đội Đài Loan cần phải tăng cường tập trận để đảm bảo rằng Đài Loan luôn chuẩn bị kỹ cho việc đối phó với một cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc. Lý Triệu Minh, Cục trưởng Cục Huấn luyện tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Đài Loan cho hay, trọng tâm của hoạt động tập trận năm 2013 sẽ là cuộc tập trận thực binh thực đạn Hán Quang tổ chức thành 2 giai đoạn trong năm vào tháng 4 và tháng 7. |
Tờ Epoch Times xuất bản tại Đài Loan ngày 16/1 đưa tin, do tình hình tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang liên tục leo thang và có khả năng nổ ra xung đột, giới chức Trung Quốc đã thành lập "tổ Điếu Ngư" do ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương trực tiếp chỉ huy. |
Tổ Điếu Ngư bao gồm các quan chức đầu ngành từ quân đội, tình báo, ngoại giao, công an, hải giám thường trực bám nắm tình hình, ứng phó với các tình huống bất ngờ ở Senkaku, nhóm đảo do Nhật Bản kiểm soát và Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là đảo Điếu Ngư. |
Giới truyền thông Đài Loan tin rằng tổ Điếu Ngư được thành lập từ tháng 9 năm ngoái, khi Nội các Nhật Bản bắt đầu tuyên bố quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku, Tập Cận Bình đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng, trực tiếp chỉ huy xử lý nguy cơ cũng như các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. |
Sau khi đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi phóng sự công khai phiên hiệu tập đoàn quân chủ lực quân đội Trung Quốc tối 15/1, giới truyền thông nước này lập tức loan tin giải mật phiên hiệu 18 tập đoàn quân bộ binh chủ lực của quân đội nước này. Từ nay khi đưa tin về hoạt động của các đơn vị trên không cần "né" phiên hiệu để "giữ bí mật quân sự" nữa. |
Trên các trang báo điện tử tại Trung Quốc đang lưu hành một tấm bản đồ được cho là sơ đồ vị trí đóng quân của 18 tập đoàn quân chủ lực bộ binh Trung Quốc. Trong đó 8 tập đoàn quân có nhiệm vụ phòng thủ và đảm bảo an ninh cho thủ đô Bắc Kinh, gồm các tập đoàn quân 38, 27, 65 của đại quân khu Bắc Kinh, 54, 20 và 26 thuộc đại quân khu Tế Nam, 2 tập đoàn quân còn lại mang phiên hiệu 39, 40 thuộc đại quân khu Thẩm Dương. |
Bên cạnh đó, theo mạng tin Sankei ngày 16/1, phản ứng trước việc Chính phủ Nhật Bản cân nhắc bắn súng cảnh cáo máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận nước này, Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Bành Quang Khiêm, tuyên bố trên truyền thông Trung Quốc rằng: “Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn thì điều này có nghĩa là Tokyo đã khai chiến. Trung Quốc sẽ không thể chờ đến phát đạn thứ hai mà sẽ lập tức phản công.” |
Trong khi đó, Nhật báo Asahi ngày 16/1 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hôm 15/1 cho biết, không quân Nhật Bản sẽ sử dụng đạn vạch đường để bắn cảnh cáo các máy bay Trung Quốc khi chúng xâm phạm không phận Nhật Bản tại khu vực nhóm đảo Senkaku nếu như máy bay Trung Quốc vẫn tiếp tục phớt lờ các tín hiệu vô tuyến điện yêu cầu rời khỏi không phận Nhật Bản. |
Trong khi đó, hôm nay, tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) cho biết ông Giả Khánh Lâm, Ủy viên Bộ chính trị và là lãnh đạo cơ quan cố vấn chính trị cấp cao của Trung Quốc, đã đưa ra kêu gọi Trung - Nhật nên giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bằng đối thoại và tham vấn trong cuộc họp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama ở Bắc Kinh. |
Theo hãng tin AP, ông Giả có lẽ là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất công khai đưa ra lời kêu gọi như vậy. Trái ngược với những lời cáo buộc trước đây của Trung Quốc rằng Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho tình trạng căng thẳng, giọng điệu ôn hòa của ông Giả được coi là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn chặn lại vòng xoáy khiến căng thẳng hiện nay trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. “Hai bên nên giải quyết đúng đắn các ván đề về quần đảo Điếu Ngư và các vấn đề khác mà hai nước có lập trường khác biệt”, ông Giả nói. |
Theo AFP ngày 16/1 dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, sau một số cuộc đối đầu giữa máy bay Nhật Bản và Trung Quốc tại không phận Senkaku trong thời gian gần đây, Bộ này có thể sẽ yêu cầu phân bổ tài chính trong năm tới để nghiên cứu kế hoạch trên. Đây là một phần của kế hoạch triển khai linh hoạt các hoạt động tăng cường an ninh tại khu vực phía tây của quần đảo Senkaku - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thêm. |
Nhật Bản có thể sẽ lắp đặt các trạm radar di động và hệ thống thông tin liên lạc trên các đảo gần quần đảo tranh chấp Senkaku trên biển Hoa Đông để đối phó với các vụ xâm phạm không phận của các máy bay tuần tra Trung Quốc. Hãng thông tấn AFP ngày 16/1 dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, sau một số cuộc đối đầu giữa máy bay Nhật Bản và Trung Quốc tại không phận Senkaku trong thời gian gần đây, Bộ này có thể sẽ yêu cầu phân bổ tài chính trong năm tới để nghiên cứu kế hoạch trên. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đã lên tiếng phủ nhận thông tin này và cho biết Nhật Bản đang xem xét tới các lựa chọn khác nhau để xây dựng một hệ thống an ninh trong vùng biển phía tây nam. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết thêm rằng các F-15 được điều ra đánh chặn máy bay tuân tra của Trung Quốc xâm phạm Senkaku 4 lần trong tháng 12/2012 không phải là máy bay quân sự. |
Mới đây, Iran cũng thông báo về dự định triển khai đội tàu chiến tới các vùng biển Địa Trung Hải vào tuần tới trong một sứ mệnh tuần tra và có thể vươn tới khu vực Đông Nam Á. Chuẩn Đô đốc Hải quân Iran Habibollah Sayyari hôm 16-1 cho biết hạm đội tàu chiến thứ 24 của Hải quân Iran sẽ tuần tra ở phía Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Aden, eo biển Bab-el-Mandeb, biển Đỏ, kênh đào Suez và Địa Trung Hải trong 3 tháng và còn có thể tiến về phía Đông Nam châu Á. “Đội tàu chiến thứ 23 của Hải quân Iran sẽ trở về nhà vào tuần tới và đội tàu thứ 24 sẽ được triển khai tới các vùng biển để thực hiện nhiệm vụ” – ông Sayyari nói. |
Tuy nhiên, ông Sayyari nhấn mạnh các hoạt động và năng lực tác chiến của Hải quân Iran “không gây đe dọa tới bất cứ nước nào trong khu vực” vì chỉ mang thông điệp hòa bình, hữu nghị đến các nước. Ông Sayyari nói thêm rằng Iran “có thể cung cấp an ninh trong khu vực với sự giúp đỡ của tất cả các nước láng giềng” (Theo VNE, GDVN, NLĐO, TNO..) |