Iron Beam - Hệ thống phòng thủ đáng kinh ngạc đầu tiên trên thế giới

12:45, Thứ sáu 30/05/2014

( PHUNUTODAY ) - Theo kế hoạch, hệ thống Iron Beam sẽ được trang bị hàng loạt cho quân đội Israel vào năm 2015 và nó sẽ là hệ thống phòng không có sức hủy diệt kinh hoàng đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt.

Iron Beam khiến các chuyên gia phải sững sờ

Israel là một đất nước nhỏ bé nằm ở khu vực Trung Đông, với diện tích toàn lãnh thổ vào khoảng 20.770km2 , tổng dân số chỉ khoảng 7 triệu người nhưng đất nước này có một nền kinh tế khá phát triển. Đặc biệt là các ngành công nghệ kỹ thuật cao, trong đó có lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Những năm trở lại đây đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Israel trong việc áp dụng những thành quả của nền khoa học kỹ thuật hiện đại vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí mới để trang bị cho quân đội trong nước cũng như để xuất khẩu. Vũ khí của Israel được đánh giá là khá đắt hàng trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Bên cạnh những loại vũ khí truyền thống, Israel còn đang nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí phi truyền thống. Điển hình đó là vào đầu năm nay, tại cuộc triển lãm quốc tế về vũ khí tổ chức tại Singapore, Israel đã lần đầu giới thiệu ra công chúng hệ thống phòng thủ sử dụng công nghệ Laser mang tên Iron Beam.

Công nghệ Laser được nghiên cứu và áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ cách đây khá lâu như y tế, địa chất… Nhưng kỹ thuật Laser áp dụng vào lĩnh vực quân sự thì đang được coi là xu thế của tương lai.

Hình ảnh mô phỏng hệ thống Iron Beam tiêu diệt mục tiêu.

Bản chất của vũ khí Laser là sẽ phát ra các tia Laser có năng lượng lớn để nhằm phá hủy ngay lập tức, hay làm tê liệt các tính năng của các loại vũ khí của đối phương mà nó nhắm đến chứ không giống như các loại vũ khí cổ điển dùng thuốc nổ. Vũ khí Laser có rất nhiều những ưu điểm, ví dụ khi so sánh với tên lửa chẳng hạn thì đương nhiên một hệ thống vũ khí Laser có thể bắn được nhiều lần còn tên lửa chỉ có thể bắn được một lần.

Như vậy chưa tính đến độ hiệu quả thì ta có thể chắc chắn một điều là chi phí của vũ khí Laser sẽ ít hơn rất nhiều so với tên lửa (một lần bắn của vũ khí laser vào khoảng vài chục nghìn USD, trong khi cứ phóng mỗi quả tên lửa, ví dụ như tên lửa Tomahawk thì sẽ mất tới 1 triệu USD).

Mặc dù vậy, hiện nay trên thế giới lĩnh vực vũ khí được áp dụng kỹ thuật laser vẫn là một điều khá mới mẻ. Các nước có nền khoa học kỹ thuật quân sự hàng đầu thế giới như Mỹ hay Nga cũng đang ở trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Ai cũng biết, Israel đang sở hữu những kỹ thuật tiên tiến nhưng với việc phát triển thành công hệ thống phòng thủ Iron Beam thì đến các chuyên gia vũ khí trên toàn thế giới cũng phải sững sờ.

Cơ động và chính xác như Iron Beam

Một hệ thống Iron Beam tiêu chuẩn sẽ bao gồm hai thiết bị bắn tia laser, một hệ thống radar và hệ thống điều khiển. Trong các cuộc chiến tranh hiện đại và tương lai thì các hệ thống vũ khí nói chung, các hệ thống vũ khí mặt đất nói riêng đều phải được trang bị tính năng cơ động. Bởi vì nếu không cơ động thì chúng sẽ rất khó tránh khỏi các cuộc trả đũa từ đối phương.

Cũng phát triển theo xu hướng này, toàn bộ hệ thống Iron Beam được nhà sản xuất lắp đặt trên gầm xe chuyên dụng, có khả năng di chuyển trên các địa hình phức tạp. Các thiết bị Laser được lắp đặt bên trong các container đặc chủng để kéo dài thời gian phải bảo trì, tức là giảm chi phí bảo dưỡng, luôn đảm bảo được trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong các môi trường và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Hiện nay, công nghệ của Israel chỉ cho phép sản xuất được các hệ thống Laser có công suất vào khoảng dưới 100Kw. Chính vì công suất chưa phải là lớn, nên tầm bắn của hệ thống Iron Beam chỉ có thể tiêu diệt được các mục tiêu bay ở độ cao dưới 3km với phạm vi cách xa 7km. Với khoảng bắn này thì thích hợp để tiêu diệt các mục tiêu như đầu đạn tên lửa, đạn pháo và máy bay không người lái ở tầm thấp.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống Iron Beam sẽ được kết hợp với các hệ thống phòng thủ tầm xa như Sling và Arrow III nhằm tạo ra một lá chắn phòng không nhiều tầng, nhiều lớp có phạm vi từ 7km đến 2.000km.

Trước khi Iron Beam ra đời, quân đội Israel gặp phải khó khăn rất lớn khi đương đầu với các loại đạn cối, đạn pháo và các tên lửa tầm trung. Bởi vì thực tế là dải Gaza luôn tồn tại các cuộc xung đột cục bộ. Người dân Israel vẫn phải hứng chịu hàng nghìn quả đạn cối trong hơn 10 năm qua.

Có những thời kỳ, dân chúng Israel bị tên lửa tầm ngắn và đạn pháo nã suốt đêm bởi lực lượng Hamas và các tổ chức khủng bố khác ở Gaza và hậu quả để lại là rất nhiều người chết, bị thương. Nên với việc sở hữu hệ thống Iron Beam, vấn đề về việc bảo vệ người dân trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn cối đã được quân đội Israel giải quyết một cách hiệu quả.

Để đảm bảo được khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp với vận tốc nhanh như tên lửa hoặc đạn pháo, hệ thống Iron Beam được trang bị hệ thống radar  vô cùng hiện đại. Hệ thống radar này có thể cùng lúc phân loại và phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc, khả năng tính toán và đo các tham số mục tiêu với khoảng thời gian tính bằng giây đồng hồ. Mọi thông tin mà hệ thống radar thu nhận được truyền tải gần như ngay lập tức đến hệ thống điều khiển. Lúc này hệ thống điều khiển sẽ định hướng để bắn tia laser nhằm hủy diệt mục tiêu. Tất cả quá trình phát hiện, theo dõi và điều khiển bắn hạ mục tiêu chỉ diễn ra trong thời gian không quá 5 phút.

Hiện nay quân đội Israel đã bắn thử nghiệm trên 100 lần đối với hệ thống phòng thủ Iron Beam. Các kết quả thu được vượt ngoài mong đợi, chính vì vậy hệ thống Iron Beam có thể sẽ được sản xuất hàng loạt và trang bị cho lực lượng phòng thủ của Israel vào năm 2015. Đến lúc đó, trên thế giới, hệ thống Iron Beam sẽ là hệ thống phòng thủ phi thông thường đầu tiên trên thế giới. Điều ngạc nhiên là nó không thuộc sở hữu của hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy