Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu rõ:
- Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
- Cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.
Lương công chức có giảm khi cải cách tiền lương không?
1.1 Khi bãi bỏ và gộp các khoản phụ cấp
Theo tinh thần của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, việc bỏ và gộp một số loại phụ cấp cũng như tính lương theo số tiền cụ thể sẽ làm giảm lương công chức. Tuy nhiên, nhận định này có thể chưa chính xác bảo một số lý do dưới đây:
- Khi cải cách tiền lương, trong tổng thu nhập của công chức sẽ bao gồm 30% là phụ cấp.
- Vẫn áp dụng các loại phụ cấp hiện đang hưởng gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, phục vụ an ninh - quốc phòng và phụ cấp đặc thù dành cho đối tượng là quân đội, công an, cơ yếu.
- Không làm mất đi các loại phụ cấp mà chỉ gộp các loại phụ cấp đó vào một loại phụ cấp mới với tên gọi khác như:
Phụ cấp theo nghề: Được gộp bởi các loại phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp trách nhiệm theo nghề khi công chức có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường. Đồng thời, công chức làm ở các lĩnh vực này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi khác phù hợp của Nhà nước.
Phu cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn: Loại phụ cấp này được gộp bởi các loại phụ cấp gồm phụ cấp đặc biệt, trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phụ cấp thu hút.
- Việc bãi bỏ các loại phụ cấp không phải xóa hoàn toàn các loại phụ cấp đó mà phụ cấp đó đã được thể hiện trong các khoản phụ cấp đã được gộp hoặc thể hiện ngay trong lương. Cụ thể như sau:
Bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo bởi loại phụ cấp này đã được tính vào trong lương chức vụ của các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Bỏ phụ cấp công vụ vì loại phụ cấp này đã được đưa vào mức lương cơ bản của công chức.
Bãi bỏ phụ cấp độc hại, nguy hiểm tuy nhiên về bản chất, loại phụ cấp này đã được đưa vào điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm và được thể hiện trong phụ cấp theo nghề.
Trong đó: Hiện nay, có khá nhiều loại phụ cấp khác nhau, được quy định tại các văn bản khác nhau khiến công chức khó có thể theo dõi được
Như vậy, về cơ bản, chỉ bỏ phụ cấp thâm niên và phụ cấp công tác công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, dù bỏ những khoản phụ cấp này thì vẫn phải đảm bảo quỹ phụ cấp phải chiếm 30% so với tổng quỹ lương của công chức nên lương công chức sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
1.2 Khi xây dựng 5 bảng lương mới với số tiền cụ thể
Ngoài lo ngại lương công chức có giảm khi cải cách tiền lương từ phụ cấp thì còn có nhiều ý kiến cho rằng, lương công chức sẽ giảm từ việc xây dựng 05 bảng lương mới bằng số tiền cụ thể thay vì tính theo hệ số x mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, với các lý do dưới đây, việc xây dựng 05 bảng lương mới cũng không làm giảm đi thu nhập của công chức:
- Căn cứ Nghị quyết 27, tinh thần về cải cách tiền lương của Bộ Chính trị là đảm bảo, dù có xây dựng lương mới bằng số tiền cụ thể cũng không làm giảm đi tiền lương của công chức. Theo đó, lương mới phải đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
- Mục tiêu của chính sách cải cách tiền lương đến năm 2025 là đảm bảo lương công chức thấp nhất phải cao hơn lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp và bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp khi đến năm 2030.
1.3 Khi bổ sung thêm tiền thưởng vào quỹ lương
Ngoài những lý do nêu trên để giải đáp chi vấn đề: Lương công chức có giảm khi cải cách tiền lương không thì theo Nghị quyết 27, Bộ Chính trị còn bổ sung thêm tiền thưởng vào tổng thu nhập của công chức.
Cụ thể, trong cơ cấu thu nhập của công chức sẽ được bổ sung thêm 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Đây là khoản tiền được bổ sung thêm căn cứ vào năng suất làm việc, hiệu quả công việc… nhằm khích lệ công chức yên tâm công tác.
Từ các lý do trên, có thể thấy, cải cách tiền lương hoàn toàn không làm giảm lương công chức. Mặc dù có bãi bỏ 02 khoản phụ cấp nhưng đồng thời, vẫn đảm bảo tỷ lệ phần trăm phụ cấp là 30% trong tổng quỹ lương và bổ sung thêm tiền thưởng cũng như xây dựng bảng lương không “cào bằng”.
Do đó, thu nhập của công chức sắp tới sẽ thực sự thực chất theo đúng năng lực của từng đối tượng công chức khác nhau. Nếu cùng chức vụ, vị trí việc làm thì sẽ được hưởng lương bằng nhau…
Bảng lương mới sau khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sẽ như thế nào?
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
- Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:
(1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;
(2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, ủy ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
- Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:
Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
- Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).