Khai quốc công thần nhà Nguyễn và án oan gần 1thế kỷ

07:10, Thứ bảy 11/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy.

Thoại Ngọc Hầu là 1 trong những vị khai quốc công thần hàng đầu của vua Gia Long. Với cương vị của mình, Thoại Ngọc Hầu đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc mở mang và phát triển bờ cõi đất Nam dưới thời Nguyễn.
[links()]
 Tuy nhiên, sau khi chết, công lao của ông không những không được ghi nhận mà còn bị gán thành tội đồ dưới thời vua Minh Mạng. Mãi 90 năm sau, đến thời vua Khải Định, án oan của Thoại Ngọc Hầu mới được “rửa sạch”.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy. Ông sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (tức năm 1761) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, tại xóm An Trung, làng An Hải, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn - nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

 Cha ông là Nguyễn Văn Lượng, sinh thời làm chức từ thừa, là một chức quan nhỏ chuyên lo việc tế tự tại các đền miếu do nhà nước lập ra.

Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ thứ của ông Lượng. Nguyễn Văn Thoại sinh ra và lớn lên lúc Trịnh và Nguyễn đánh nhau liên miên, tiếp theo nữa là phong trào Tây Sơn nổi dậy.

Vì thế, mẹ ông phải dẫn ông và 2 em chạy nạn vào Nam, cuối cùng định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài, nằm giữ sông Bang Tra và sông Cổ Chiên, nay thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Vào năm Đinh Dậu (tức năm 1777), khi đó Nguyễn Văn Thoại tròn 16 tuổi đến xin đầu quân Nguyễn tại Ba Giồng.

Bàn thờ Thoại Ngọc Hầu
Bàn thờ Thoại Ngọc Hầu

Năm 1778, ông có mặt trong trận chiến đấu chiếm lại thành Gia Định. Năm 1782, quân Tây Sơn đánh bại quân chúa Nguyễn ở cửa Cần Giờ, ông phò chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy về Ba Giồng.

Từ năm 1784 đến năm 1785, ông đã theo chúa Nguyễn sang Xiêm La hai lần để cầu viện. Từ năm 1787 đến năm 1789, Nguyễn Văn Thoại có công trong việc thu lại thành Gia Định nên được phong chức Cai cơ.

Năm 1791, ông được cử là Trấn thủ hải khẩu Tắc Khái, tức cửa Lấp thuộc Bà Rịa. Năm 1792, ông lại sang Xiêm La, trên đường về đã đánh tan bọn cướp biển Bồ Đà.

Liên tục các năm 1796, 1797, 1799 ông đều được chúa cử sang nước Xiêm La. Đến năm 1800, Nguyễn Văn Thoại được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An.

 Nhưng đến năm 1801, thì ông bị giáng cấp, xuống chức Cai đội quản suất Thanh Châu đạo, vì tự ý bỏ về Nam mà không đợi lệnh trên. Năm 1802, chúa Nguyễn thống nhất đất nước, lên ngôi vua hiệu là Gia Long.

Trong dịp tặng thưởng các bề tôi có công, Nguyễn Văn Thoại được phong Khâm sai Thống binh cai cơ, nhận nhiệm vụ ra thu phục Bắc Thành rồi được giữ chức Trấn thủ ở nơi đó.

Ít lâu sau ông nhận lệnh làm Trấn thủ Lạng Sơn, rồi lại vào Nam nhận chức Trấn thủ Định Tường. Năm 1812, ông sang Cao Miên đón Nặc Chân về Gia Định. Năm 1813, ông hộ tống Nặc Chân về nước và ở lại nhận nhiệm vụ bảo hộ Cao Miên.

Ở Cao Miên được 3 năm, Thoại Ngọc Hầu được triệu về Huế rồi nhận chức trấn thủ trấn Vĩnh Thanh vào năm 1817. Cũng trong năm này, ông cho lập 5 làng trên cù lao Dài. Ở trấn Vĩnh Thanh, ông sốt sắng lo việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới.

Cũng chính trong thời gian này, ông đã là người chỉ huy xây dựng một loạt các công trình lớn để lại cho đời sau. Kênh Thoại Hà được ông cho khởi đào vào năm 1818, dài hơn 30 km, nối rạch Đông Xuyên (tức Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (tức Rạch Giá).

 Khi Nguyễn Văn Thoại cho đào xong con kênh này thì vua Gia Long đã cho phép ông lấy tên mình để đặt cho tên núi và tên kênh. Cũng từ đó mà đất nước có thêm núi Thoại Sơn và kênh Thoại Hà.

Một trong những công trình lớn nữa mà Nguyễn Văn Thoại đã xây dựng chính là kênh Vĩnh Tế. Kinh Vĩnh Tế nằm tại địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

 Đây là 1 con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam. Con kênh được đặt tên theo tên vợ chính của ông, phu nhân Châu Thị Tế.

Kênh Vĩnh Tế đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay.

Nguyên nhân là vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền rằng: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”.

Mặc dù biết như vậy nhưng vua Gia Long chưa ra lệnh đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên. Đến tháng 9 năm Kỷ Mão (tức năm 1819), vua Gia Long mới cho lệnh đào kênh. Công việc được bắt đầu khởi công vào ngày 15 tháng Chạp năm ấy.

Sách “Quốc triều sử toát yếu”, phần Chánh biên có chép về sự kiến này như sau: “Tháng 9, đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế. Ngài (tức vua Gia Long) nghĩ trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên gần nước Chân Lạp mà không có đàng thủy, qua lại không tiện.

Lúc ấy có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đông Phòng sang chầu, Ngài đòi vào hỏi việc đào sông, (viên quan ấy) tâu rằng: “Nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm”.

Ngài vui lòng. Liền truyền dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Công trình đào sông ấy rất khó, việc Nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Các ngươi tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau; dân ngươi phải báo cho nhau biết chớ nên sợ nhọc”.

Kênh Vĩnh Tế được đào trong một thời gian dài với bốn lần hoãn đào. Công trình được kéo dài từ thời tướng Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn Gia Định Thành (1819-1820) cho đến thời tướng Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành (1820-1832) mới xong.

Có thể xem hai ông như là “Tổng chi huy” của công trình. Giai đoạn một khởi công vào tháng 12 năm 1819 đến tháng 3 năm 1820 thì tạm dừng.

Kênh Vĩnh Tế xưa
Kênh Vĩnh Tế xưa

Người chỉ huy trực tiếp là các quan Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Tồn. Số lượng quân và dân phu trong giai đoạn này là 5.000 dân phu, 500 binh đồn Uy Viễn, 5000 dân Chân Lạp.

 Đến tháng 3 năm 1820, triều đình ra lệnh tạm dừng quá trình đào kênh. Nguyên nhân được đưa ra cho việc tam ngừng này là có thể vì vua Minh Mạng mới lên ngôi đang lo ổn định triều chính.

Một số lí giải khác thì cho rằng vì loạn Sải Kế và vì dịch bệnh dịch tả lúc bấy giờ đang hoành hành dữ dội.

Vào năm 1822, vua Minh Mạng lại có chỉ dụ tương tự: “Đường sông Vĩnh Tế liền với Tân Cương, xe thuyền qua lại tiện lợi lắm. Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta (ý nói vua Gia Long) mưu sâu nghĩ xa, chú ý việc ngoài biên. Vừa mới mở đào, công việc chưa xong.

Nay ta theo chí Tiên hoàng, chỉ nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài. Các ngươi phải trù nghĩ thế nào cho mau xong, để xứng đáng ý ta”. Giai đoạn 2 được bắt đầu từ tháng 2 năm 1823 đến tháng 4 năm 1823.

 Người chỉ huy trực tiếp lúc này vẫn là Nguyễn Văn Thoại cùng các quan Nguyễn Văn Tuyên và Trần Công Lại.

Số lượng quân và dân phu lần này chủ yếu lấy ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh và Định Tường với số lượng hơn 39.000 dân và quân Việt. Quân và dân Chân Lạp hơn 16.000 người.

Tổng cộng hơn 55.000 người, chia làm 3 phiên hoạt động. Đến tháng 4 năm 1823, vua Minh Mạng lại cho thôi đào kênh Vĩnh Tế, vì “nhơn đến mùa hạ, mà việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng”.

Giai đoạn 3 được bắt đầu lại từ tháng 2 năm 1824 đến tháng 5 năm 1824. Về sự bắt đầu lại này, sách “Quốc triều sử toát yếu” có chép rằng: “Tháng 2, lại đào sông Vĩnh Tế. Năm ngoái còn 1.700 trượng, nay lại đào, đến tháng 5 mới xong, (cho) dựng bia làm ghi”.

Nguyễn Văn Thoại vẫn đảm nhận vai trò người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh. Số lượng quân và dân phu của cả hai nước lên tới 25.000 người.

 Bởi công việc được thực hiện ở chốn “đồng không mông quạnh”, nhiều “sơn lam chướng khí” nên việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn... quá cao.

Và số người bỏ trốn rồi bỏ mạng cũng lắm, mặc dù luật lệ ràng buộc, nhiều tai ương, nhất là khi phải vượt qua sông Vàm Nao.

Cho nên khi tin vui là kênh Vĩnh Tế đã hoàn thành “bay” về đến Huế, vua Minh Mạng rất đổi mãn nguyện vì nối được chí cha, liền sắc khen thưởng, dựng bia ở núi Sam và ở bờ kênh mới đào để ghi nhớ thành quả to lớn này.

Kênh Vĩnh Tế ngày nay
Kênh Vĩnh Tế ngày nay


Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh.

Kênh Vĩnh Tế được đặt theo tên của người vợ chính của Nguyễn Văn Thoại như một cách để ông khẳng định những công lao và đóng góp của người phụ nữ luôn ủng hộ và ầm thầm đứng đằng sau ông trong những khó khăn, vất vả. Đó chính là người vợ cả có tên là Châu Thị Tế.

Châu Thị Tế tên đầy đủ là Châu Thị Vĩnh Tế. Bà sinh vào tháng 4, năm Bính Tuất (1766) tại cù lao Dài - cù lao Năm Thôn - thuộc xã Qưới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Bà là trưởng nữ của ông Châu Huy và bà Đỗ Thị Toán.

Cũng có lời đồn đại bà là người Khmer, nhưng không có chứng cứ. Thời chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại theo mẹ di cư vào Nam sinh sống ở cù lao Dài nên mới gặp bà ở đây và cưới bà vào năm 1788.

Châu Thị Tế là người phụ nữ có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt. Bà có tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của chồng. Nên lúc bấy trong dân gian có câu: “Nước Nam trai sắc gái tài/ Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm”.

 Châu Thị Tế sống với Nguyễn Văn Thoại, sinh được một người con trai là Nguyễn Văn Lâm. Bà mất vào ngày rằm tháng 10 năm Bính Tuất (1826). Sau khi mất, bà được phong Nhàn Tĩnh phu nhân.

 Trong bia “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bia ký” - Bia chép núi Vĩnh Tế do vua đặc biệt ban tên - gọi tắt là bia Vĩnh Tế Sơn có đoạn do Nguyễn Văn Thoại soạn.

Ông đã dành cho vợ những lời lẽ tốt đẹp: “Năm trước đây, thần phụng mạng xem sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập mà đặt tên núi Thoại (tức Thoại Sơn).

Đến nay, hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn...”

Kênh Vĩnh Tế được xem là công trình đáng được vinh danh với ý nghĩa và vai trò vô cùng to lớn về mặt kinh tế - đời sống – xã hội. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức chép về kênh Vĩnh Tế như sau: “Vĩnh Tế Hà ở về phía Tây đồn Châu Đốc.

 Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào sau phía phải đồn Châu Đốc lên phía Tây, qua láng (bưng) bùn Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục gọi là Cây Kè) dài 44.412 tầm thành ra 205 dặm rưỡi (mỗi dặm bằng 1.700 thước nam), đặt tên là sông Vĩnh Tế...

 Ngày 15 tháng 12 khởi công. Trừ đoạn láng bùn 4.075 tầm không đào đến, còn thật sự đào là 26.279 tầm, cân nhắc chỗ đào khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến láng bùn đất khô cứng có 7.575 tầm là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão có 18.704 tầm là phần việc của dân Cao Miên (tức Chân Lạp).

 Đào bề ngang 15 tầm, sâu 6 thước ta, quan cấp mỗi tháng cho mỗi người là 6 quan tiền và 1 phương gạo. Đến ngày 15 tháng 3 năm đầu thời Minh Mạng (1820) thì xong việc, cộng thành sông mới, bề dài 140 dặm, nối tiếp sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, tổng cộng dài 205 dặm rưỡi mà đường sông đi lại rất thông.

Từ đó kế hoạch quốc gia về biên giới cũng như sự buôn bán của nhân dân cùng hưởng sự tiện lợi vô cùng”.

 Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi nhận sau khi có kênh Vĩnh Tế thì đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.

Trong khi đó, ca dao có câu: “Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên/Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu”.

Cho đến ngày nay, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.

Quá trình xây dựng kênh Vĩnh Tế đã để lại trong cộng đồng người Khmer những câu chuyện về cách đối xử hà khắc của người Việt đối với người Khmer. Sau này Khmer Đỏ đã sử dụng những câu chuyện này trong các chiến dịch tuyên truyền khơi dậy lòng hận thù của người Campuchia đối với người Việt.

Song theo một số nhà nghiên cứu, thì đây chỉ là một sự bịa đặt để gây căng thẳng mối quan hệ giữ 2 nước, vì lúc ấy quân dân Chân Lạp tham gia đào kênh được đặt dưới quyền của các đầu mục của nước ấy như Đồng Phù, Nhâm Lịch Đột… được nhà Nguyễn cấp tiền và gạo, và được giao cho phần đất dễ đào như sách Gia Định thành thông chí đã ghi rằng: “bùn đất khô cứng là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão là phần việc của dân Cao Miên”.

Kênh Vĩnh Tế được khắc trên bia
Kênh Vĩnh Tế được khắc trên đỉnh đồng

Ngoài 2 công trình đã kể trên thì Nguyễn Thoại cũng thể hiện công lao của mình trong một loạt các công trình khác như Lộ Núi Sam - Châu Đốc, dài 5 km, làm từ năm 1826 đến 1827, huy động gần 4.500 nhân công.

Làm xong, Nguyễn Văn Thoại cho khắc bia “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” dựng tại núi Sam năm 1828 để kỷ niệm.

Ngày nay, tấm bia không còn, nhưng còn văn bia trong sử sách. Hay như vào năm 1823, Nguyễn Văn Thoại cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.

Liên quan đến việc mộ dân lập làng của Nguyễn Văn Thoại, sử nhà Nguyễn có đoạn chép: “Án thủ Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thụy trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn nhiều năm, dân vẫn chưa trả được. Đến nay Thụy đem của nhà trả bù cho dân”.

 Những công trình trên được xem là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới này.

Bên cạnh việc chứng tỏ năng lực qua các công trình có ý nghĩa lớn trên, Nguyễn Văn Thoại còn làm được nhiều việc khác trước khi mất như đánh dẹp được cuộc nổi dậy của Sãi Kế vào năm 1820, lập đội quân Châu Đốc để phòng giữ Châu Đốc, lập đội quân An Hải để phòng giữ Hà Tiên vào năm 1827. Cũng trong năm này, ông đã có chuyến về thăm quê hương là làng An Hải.

Trong những ngày ở quê, ông đã cho lập lại chợ An Hải, đồng thời phụng cúng tiền của để xây dựng đình, chùa của làng.

Đi ghi nhớ công lao, dân làng đã tôn vinh ông là hậu hiền. Hay dựng bia Vĩnh Tế sơn, cho thu nhặt và cải táng hài cốt của sưu dân đã mất trong khi đào kênh Vĩnh Tế vào năm 1828.

Nguyễn Văn Thoại mất vì bệnh tại nhiệm sở Châu Đốc vào ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Theo bảng tóm lược của Nguyễn Văn Hầu, trong 52 năm công vụ, Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) đã 7 lần sang Xiêm La, 2 lượt sang Lào và 11 năm giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên. Ông được an táng trong lăng tại chân núi Sam.

 Mộ ông nằm giữa, hai bên là mộ bà chính thất Châu Thị Tế và mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt.

Văn bia tại ngôi mộ ông như sau: “Hoàng Việt, Hiển khảo, Thống chế án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo Hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, được ban Nhị cấp, thưởng Kỷ lục lần thứ tư, và được truy tặng Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống, tên thụy là Võ Khác.

Ông họ Nguyễn, tên húy là Thoại. Bia này lập năm Minh Mạng thứ 10 (1829) do con trai là Nguyễn Văn Lâm”.

… (Còn tiếp)
 

  • Hùng Hoàng
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc