Khi ngôi sao nước Mỹ trở thành Jane Hà Nội

13:38, Thứ tư 12/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Không chỉ được biết đến là nữ diễn viên nổi tiếng với hai lần đạt giải Oscar, tên tuổi của Jane Fonda còn gắn liền với các hoạt động chính trị xã hội: đấu tranh để bảo vệ nữ quyền, giúp đỡ các nước chậm phát triển,hellip;

Không chỉ được biết đến là nữ diễn viên nổi tiếng với hai lần đạt giải Oscar, tên tuổi của Jane Fonda còn gắn liền với các hoạt động chính trị xã hội: đấu tranh để bảo vệ nữ quyền, kêu gọi giúp đỡ các nước chậm phát triển trên thế giới,… Tuy nhiên, nổi bật nhất trong các hoạt động chính trị xã hội của Jane Fonda chính là việc bà tham gia một cách tích cực vào việc phản đối chiến trên thế giới, bao gồm cả cuộc chiến tranh của Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam trong thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước…

Trong những năm 1960, Jane Fonda bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị với việc hỗ trợ phong trào đòi quyền dân sự và phản đối chiến tranh Việt Nam.

Khoảng thời gian ở Pháp đã giúp Jane Fonda tiếp xúc với một số trí thức cánh tả có tư tưởng phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam tại Pháp - những người mà theo Jane đã cho bà “kinh nghiệm cộng sản” đầu tiên.

Sau đó, cùng với những người nổi tiếng khác, Jane ủng hộ cuộc “chiếm đóng” đảo Alcatraz của 78 người Mỹ da đỏ nhằm đòi hỏi các quyền lợi chính đáng của người Mỹ da đỏ.

Jane Fonda đã nêu rõ quan điểm của mình rằng: “Cách mạng là hành động của tình yêu, chúng ta là những đứa con của các cuộc cách mạng… Vì thế, chúng ta phải hỗ trợ các cuộc cách mạng với tình yêu, sự tuyên truyền, vật chất… ”.

Vào tháng 4/1970, Jane Fonda cùng với Fres Gardner và Donald Sutherland thực hiện tour diễn mang tên FTA (Free The Army), một trong những chương trình đường phố nhằm phản đối cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Jane Fonda đang nói chuyện với các chiến sĩ Việt Nam
Jane Fonda đang nói chuyện với các chiến sĩ Việt Nam

Jane Fonda đã thực hiện chuyến đi tới các doanh trại quân đội Mỹ dọc bờ Tây với mục đích gặp gỡ các binh sĩ và đối thoại về sự tàn phá mà họ sắp thực hiện đối với Việt Nam. Cuộc đối thoại này đã được dựng thành phim Free The Army với những chỉ trích mạnh mẽ và thẳng thắn đối với cuộc chiến tranh này.

Bộ phim này sau đó đã được phát hành vào năm 1972. Sau đó không lâu, Jane Fonda đã lên tiếng phản đối chống chiến tranh Việt Nam tại một cuộc mít tinh do các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam tổ chức.

Sau rất nhiều các hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ, Jane Fonda đã có chuyến đến thăm Hà Nội vào tháng 7/1972. Trong cuốn hồi ký “My life so far” –“Cuộc đời tôi cho đến hôm nay” được xuất bản vào năm 2005, Jane Fonda đã chia sẻ rất nhiều những kỉ niệm của mình về đất nước, con người Việt Nam trong chiến tranh vào thời điểm mà bà đến thăm.

Đó là những giây phút hồi hộp ban đầu với rất nhiều cảm xúc trộn lẫn khi về đặt chân đến thủ đô Hà Nội: “Tôi nhìn chăm chắm vào những chiếc chiến đấu cơ khuất dần tầm mắt. Những chiếc máy bay của nước tôi đang thả bom vào thành phố đang sắp đón nhận tôi như một khách mời.

Tôi căm ghét việc giết hại, kể cả việc lính Mỹ bị giết lẫn việc họ giết hại người khác. Tôi biết rằng cách để hỗ trợ họ là chấm dứt chiến tranh và đưa họ về nhà...

Chuyến xe dài một giờ từ sân bay về Hà Nội là một chấn động lớn. Tôi chờ đợi nhìn thấy một sự tuyệt vọng. Thay vào đó, tôi thấy người, rất nhiều người, bận rộn với công việc của họ mặc dù vừa mới cách đây một tiếng, thành phố bị thả bom…

Mọi người dân đều đội nón lá, mặc áo trắng và quần đen theo kiểu truyền thống của nông dân Việt Nam... Đây đó, tôi nhìn thấy những đống đổ nát, nhà mất nóc và những hố bom...

Ngồi trong xe, tôi không thể cất lời. Cảm xúc cuốn tôi đi quá mạnh mẽ, buồn đau và tội lỗi về những điều mà chính phủ của tôi đang làm cũng như niềm khâm phục của tôi dành cho cách người dân ở đây tiếp tục cuộc sống của họ. Tôi không tin nổi đây không phải là giấc mơ. Tôi đang thật sự ở đây, một mình”.

Tại Hà Nội, Jane đã được sống và trải nghiệm với một cuộc chiến tranh thực sự do chính phủ Mỹ tiến hành đang diễn ra ngay trước mắt bà với rất nhiều đau thương, mất mát. Nhưng, cũng chính ở nơi đây, Jane đã được cảm nhận tinh thần thép, sức sống mãnh liệt cũng như tình yêu thương vô bờ của người dân Việt đôn hậu.

Những dòng kí ức của Jane sau hơn 30 năm vẫn như một cuốn phim chân thực và đầy xúc động về cảm xúc của một nữ diễn viên nổi tiếng Mỹ ngay trên chính đất Việt Nam:

“Khoảng giữa đêm, tôi bật dậy giữa giấc ngủ sâu vì tiếng còi báo động xé tan không trung. Một người phục vụ xuất hiện trước cửa phòng khách sạn mang theo cho tôi một chiếc nón bảo hộ. Cô ấy hướng dẫn tôi xuống hầm trú bom phía sau khách sạn.

Trên đường xuống cầu thang ra sân sau, tôi nhìn thấy nhân viên khách sạn bình tĩnh làm việc của mình... Đêm ấy còi báo động vang lên thêm hai lần nữa. Đến lần thứ ba thì tôi nằm yên trên giường mình.

Sáng hôm sau, bước ra khỏi khách sạn vào lúc 5h30, tôi bất ngờ vì sự nhộn nhịp của thành phố. Tôi không biết có phải mọi người có vẻ vội vã vì bom không rơi vào lúc sáng sớm hay không, hay là vì họ quen với việc vội vã (tất nhiên họ cũng đã quen với việc bị đánh bom)…

Chúng tôi lái xe xuyên thành phố đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để tôi khám chân… Phiên dịch trong ngày của tôi là Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ. Câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh.

Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh mắt không hận thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt...”.

Thời gian ở Việt Nam, Jane Fonda đã thực hiện 10 chương trình phát thanh. Trong những buổi phát thanh đó, Jane tố cáo những người đứng đầu chính quyền Mỹ lúc bấy giờ đã tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc, phi nghĩa trên đất nước Việt Nam.

Jane cho rằng những nhà lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ chính là “tội phạm chiến tranh”. Ở đây, người viết xin được trích lại một trong những cuộc nói chuyện của Jane Fonda qua sóng phát thanh:

“Đây là Jane Fonda. Trong chuyến thăm kéo dài 2 tuần của tôi tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đã có cơ hội đi thăm rất nhiều nơi cũng như nói chuyện với rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội: từ công nhân, nông dân, sinh viên, nghệ sĩ, nhà sử học, nhà báo, nhà văn, diễn viên, chiến sĩ, dân quân…

Tôi cũng đã đến thăm nhà máy dệt may, trường mẫu giáo tại Hà Nội… Tôi được xem những điệu múa truyền thống và nghe những câu hát mạnh mẽ. Tôi được chứng kiến những người phụ nữ chăm chỉ, cần mẫn làm thật tốt công việc của mình.

Tôi xem vở kịch “All my son” của Arthur Miller – điều khiến tôi ấn tượng về những người nghệ sĩ diễn vở kịch của người Mỹ ngay khi chính phủ Mỹ đang thả bom trên đất nước mình. Tôi yêu quý hình ảnh của các cô gái dân quân với đôi má hồng trên mái nhà máy mà họ đang sản xuất, cách họ cùng nhau hát bài hát ca ngợi bầu trời Việt Nam.

Những người phụ nữ đầy nhẹ nhàng, lãng mạn này sẽ trở thành những chiến sĩ chiến đấu dũng cảm khi máy bay Mỹ ném bom thành phố của họ. Tôi trân trọng khi người nông dân sơ tán khỏi Hà Nội không ngại ngần giúp đỡ tôi, một người Mỹ nơi trú ẩn tốt nhất khi máy bay Mỹ ném bom.

Tôi và một người con gái Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ không gian của một hầm trú ẩn trên đường từ Nam Định trở lại Hà Nội – nơi mà tôi đã chứng kiến sự phá hủy đê điều, đồng ruộng, trường học, bệnh viện, nhà máy, nhà ở của những loạt bom Mỹ.

Khi tôi rời khỏi nước Mỹ cách đây 2 tuần, tổng thống Nixon một lần nữa nói với người dân rằng ông đã cố gắng để kết thúc chiến tranh. Thế nhưng, khi nhìn những đường phố đổ nát rải rác ở Nam Định, lời nói ấy là sự nham hiểm của một kẻ giết người thực sự.

Và cũng giống như người con gái Việt Nam đã kề má cùng tôi trong căn hầm trú ẩn, tôi nghĩ rằng, đây là cuộc chiến tranh tiến hành ở Việt Nam song lại là thảm kịch của nước Mỹ.

Một điều mà tôi đã học được khi ở đất nước này chính là việc Nixon không bao giờ có thể phá hủy tinh thần của những người dân Việt. Ông không bao giờ có thể biến Việt Nam trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ bởi sức mạnh của các vụ đánh bom hay bằng bất kỳ một cuộc tấn công nào.

Jane Fonda trên chiến trường cùng bộ đội Việt Nam
Jane Fonda trên chiến trường cùng bộ đội Việt Nam

Chỉ cần một người đi vào các khu vực nông thôn, chứng kiến cuộc sống của họ sẽ hiểu rằng những quả bom rơi xuống chỉ khơi dậy thêm lòng quyết tâm và sự dũng cảm của họ.

Tôi đã nói chuyện với nhiều nông dân, những người đã kể về cuộc sống của mình khi cha mẹ họ từng phải bán thân làm nô lệ, khi có không có trường học, bệnh viện, khi họ không được hưởng các điều kiện hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

Nhưng, giờ đây, mặc cho những loạt bom đang được thả xuống mỗi ngày một nhiều hơn, mặc cho tội ác mà Nixon đang tạo ra, những người dân đã xây trường học cho riêng mình, trẻ em đã biết đọc, biết viết, nạn mù chữ đã được đẩy lùi.

Và không có tệ nạn mại dâm như trong thời gian là thuộc địa của nước Pháp. Nói cách khác, người dân đã có quyền lực vào tay mình và họ đang thực sự làm chủ cuộc sống của mình.

Và với lịch sử 4.000 năm đấu tranh chống lại thiên tai cũng như các cuộc xâm lược từ các thế lực bên ngoài, 25 đấu tranh chống thực dân Pháp, tôi không nghĩ người Việt Nam sẽ không thỏa hiệp, dù trong bất cứ tình huống, hình thức nào.

Tôi nghĩ Richard Nixon sẽ làm tốt hơn nếu đọc lịch sử Việt Nam, các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là những bài ca về chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ngoài việc đi thăm các cơ sở trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội Việt Nam, Jane Fonda còn thực hiện các chuyến thăm tù binh Mỹ để nhận những tin nhắn mà người lính Mỹ gửi về gia đình. Trước những thông tin về việc tù binh Mỹ bị tra tấn dã man của một số tù binh Mỹ đã trở về đất nước, Jane Fonda đã “phản pháo” một cách quyết liệt.

Jane nói rằng đó là “những kẻ trá hình và nói dối”. Sau đó, trong cuộc nói chuyện với thời báo The New York Times vào năm 1973, Jane tiếp tục khẳng định:

“Tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ có những sự cố trong vấn đề tra tấn nhưng nếu các phi công nói rằng đó là một hệ thống chính sách của người Việt thì tôi tin đó là một lời nói dối”.

Jane cho rằng các tù binh quân sự và những kẻ giết người chuyên nghiệp đang “cố gắng để làm cho mình là đúng, tuy nhiên họ là tội phạm chiến tranh theo đúng quy định của pháp luật”.

Việc Jane Fonda đến thăm các tù binh chiến tranh đã dẫn đến những tin đồn và sự phóng đại mục đích chuyến đi của bà trên các phương tiện truyền thông của nước Mỹ, buộc Jane phải đích thân bác bỏ các tin đồn.

Không ít các tù binh Mỹ khi trở về đã đưa ra những lời cáo buộc với Jane Fonda. Tuy nhiên, trong một số cuộc phỏng vấn trực tiếp với các tù binh có các cáo buộc này thì người ta đã phát hiện ra không ít các trường hợp cáo buộc sai lầm khi các tù binh chưa từng gặp Jane Fonda.

Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, Jane Fonda cũng đã “tổng kết” về những điều mà nhận thấy trong suốt hành trình 2 tuần ở Việt Nam:

“Đối với tôi, cuộc chiến tranh Việt Nam là một sự phản bội: Chính phủ Mỹ lúc đó đã phản bội người dân nước mình. Người Việt Nam dùng một vở kịch để giúp người dân họ tha thứ cho chính phủ Mỹ. Vì sao với tôi, tha thứ lại khó khăn hơn với họ?...

Đây là lần đầu tiên tôi ở trong một hoàn cảnh cách mạng. Lúc đó tôi chưa nhận thức được điều này: các cuộc cách mạng vào thời điểm lịch sử đều được lãng mạn hóa, nhưng khi kết thúc, mọi thứ có thể trở nên khắc nghiệt hơn…

Tôi không hề muốn đất nước mình thua cuộc trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi cũng không hề muốn người Mỹ thiệt mạng. Tôi chỉ muốn chúng ta rút ra khỏi (Việt Nam) ...

Cây tre dễ khiến người ta nhầm lẫn. Nó mảnh dẻ và trông có vẻ yếu ớt khi đặt cạnh một cây sồi. Nhưng với sự dẻo dai và uyển chuyển, cây tre mạnh hơn cả. Với người Việt Nam, biểu tượng của sức mạnh là hình ảnh những sào tre bện lại cùng nhau.

Cây tre mang trong nó một sức mạnh mềm dẻo, nhỏ nhẹ và vị tha giống như những đức tính hiện diện trong con người Việt Nam. Việt Nam chính là cây tre”. Chính sau chuyến đi lịch sử này, Jane Fonda có thêm một tên mới: Jane Hà Nội.

Bản thân Jane sau này cũng đã đặt tên một người con trai mình là “Troi” như một cách tưởng nhớ đến người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam.

Còn với người Việt Nam, hình ảnh của một nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ mặc áo bà ba đen, đầu đội mũ rơm đi trên phố Khâm Thiên bị bom cày nát cũng sẽ luôn là hình ảnh khó quên, đại diện cho những người Mỹ có tinh thần yêu chuộng hòa bình, tự do và độc lập của các dân tộc.

Chuyến thăm Việt Nam cùng với việc những công bố về thông tin, hình ảnh của Jane gắn liền với sự phản đối cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam cũng đã gây ra một làn sóng phản đối lớn của những cựu chiến binh quân Mỹ đối với nữ diễn viên.

Rất nhiều sự oán hận Jane Fonda và chuyến đi Việt Nam của bà và được thể hiện qua những hành động hết sức gay gắt. Có một thời gian, tại Học viên Hải quân Hoa Kỳ, mỗi khi một người hô: “Chúc ngủ ngon, Jane Fonda!” thì lập tức một đám đông lớn sẽ hô đáp lại: “Chúc ngủ ngon, chó cái”.

Các cựu chiến binh và không ít binh sĩ cũng như người Mỹ cho rằng Jane Fonda đã phản bội lại tổ quốc của mình khi đến Việt Nam và tuyên bố phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ.

Hơn thế nữa, hình ảnh của Jane Fonda ngồi trong mâm pháo cao xạ của quân đội Việt Nam bị “liệt” vào trong những hình ảnh không thể “chấp nhận” được của bà đối với binh sĩ Mỹ.

Trước những hành động phản đối của không ít binh sĩ và người dân Mỹ với chuyến thăm Việt Nam của mình, Jane Fonda vẫn luôn bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng bà đã thực hiện một chuyến đi đúng đắn.

Tuy nhiên, vào năm 1988, Jane Fonda có bày tỏ sự hối tiếc về hình ảnh bà ngồi trong mâm pháo cao xạ vào chuyến thăm Việt Nam vào năm 1972. Bà nói: “Tôi muốn nói điều gì đó với các cựu chiến binh, những người đã bị tổn thương hoặc bị những hành động mà tôi làm khiến nỗi đau sâu sắc hơn…

Tôi đã cố gắng để giúp chấm dứt việc giết chóc và chiến tranh. Nhưng đã có lần khi tôi đã bất cẩn và thiếu suy nghĩ về điều đó. Và tôi rất xin lỗi vì tôi đã làm tổn thương họ… Tôi hối hận về những bức hình tôi ngồi trong mâm pháo cao xạ vì nó khiến tôi trông giống như đang cố gắng bắn máy bay Mỹ. Tôi hiểu, điều đó làm tổn thương người lính Mỹ rất nhiều”.

Thực tế, Jane Fonda nhận thấy rằng việc bà ngồi trong mâm pháo cao xạ khiến người lính Mỹ tổn thương bởi trông bà giống như đang nhằm súng vào nước Mỹ, bắn thẳng vào đất nước của mình và bà nên xin lỗi vì điều đó.

Còn trong suy nghĩ của Jane, chưa bao giờ bà ân hận hay thấy mình sai lầm vì đã thực hiện chuyến đi đến Việt Nam lúc bấy giờ. Trong một cuộc phỏng vấn dài 60 phút vào ngày 31/3/2005, Jane Fonda tiếp tục khẳng định rằng bà không hề hối tiếc về chuyến đi đến miền Bắc Việt Nam vào năm 1972, tất nhiên với ngoại lệ hình ảnh bà cùng mâm pháo cao xạ bắn máy bay.

Với 10 chương trình phát thanh đã thực hiện trong chuyến đi, Jane Fonda cho biết bà cũng không hề ân hận hay thấy sai lầm bởi: “Chính phủ của chúng tôi đã nói dối chúng tôi. Rất nhiều người đã chết vì nó. Và tôi cảm thấy mình phải làm bất cứ điều gì để lộ ra những lời nói dối trá cũng như chấm dứt chiến tranh”.

Có lẽ cũng chính vì sự kiên quyết trong việc bảo vệ lập trường chuyến đi Việt Nam của mình mà cho đến hơn 30 năm sau khi chuyến đi của Jane Fonda diễn ra, vẫn có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ phản đối bà bằng những lời lẽ cũng như hành động hết sức gay gắt.

Vào năm 2005, Michael A. Smith, một cựu chiến binh Hải quân Mỹ, bị bắt vì hành vi gây mất trật tự ở Kansas City sau khi ông này nhổ thuốc lá nhai nát vào hình ảnh của Jane Fonda trên bìa cuốn tự truyện “My life so far” của bà.

Sau khi bị bắt, Michael đã tuyên bố với các phóng viên rằng: ông coi đó là việc trả món nợ danh dự bởi Jane Fonda đã “nhổ” vào mặt những người như ông trong suốt 37 năm qua. Michael còn nói là có rất nhiều cựu chiến binh khác muốn làm giống như ông.

Trong khi đó, Michael Benge, một cựu chiến binh khác đã viết hẳn một bức thư “kể tội” Jane Fonda khi nghe tin bà sắp được vinh danh là 1 trong 100 người phụ nữ của thế kỉ. Trong bức thư này có đoạn:

“Jane Fonda đã chọn làm một kẻ phản bội, đến Hà Nội, mặc đồng phục của cộng sản, tuyên truyền cho cộng sản và kêu gọi lính Mỹ buông súng. Khi chúng tôi bị tra tấn, bị giết, bà ta nói chúng tôi nói dối… Xấu hổ! Xấu hổ!”.

Có thể nói rằng, tinh thần phản đối các cuộc chiến tranh phi nghĩa của Jane Fonda vẫn luôn được duy trì như một ngọn lửa đầy sức mạnh trong tâm hồn nữ diễn viên mạnh mẽ và giàu tình thương này.

Hơn 30 năm sau khi phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Jane lại tiếp tục phản đối cuộc chiến mà Mỹ tiến hành tại Iraq. Jane Fonda cho rằng những chiến dịch quân sự mà Mỹ tiến hành tại Iraq sẽ biến tất cả mọi người trên toàn thế giới chống lại nước Mỹ.

Và bà khẳng định, việc khiến cả thế giới thù hận sẽ chỉ mang lại cho nước Mỹ thêm nhiều vụ tấn công khủng bố mà thôi. Ngày 27/1/2007, Jane Fonda tham gia trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh và giễu hành được tổ chức ở National Mall ở Washington với tuyên bố: “Im lặng không phải là lựa chọn”.

Fonda cũng đã phát biểu tại một cuộc biểu tình chống chiến tranh trước đó tại Đài tưởng niệm Hải quân. Các hoạt động phản đối chiến tranh một cách mạnh mẽ của Jane Fonda đã góp phần cho công chúng thấy được một hình ảnh nữ diễn viên Mỹ mang tinh thần cộng đồng và toàn cầu lớn lao.

Không chỉ là một người tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh, Jane Fonda còn tham gia một cách tích cực vào các phong trào xã hội khác như: đòi nữ quyền, giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên…

Trong năm 2001, Fonda thành lập Trung tâm sức khỏe sinh sản vị thành niên Jane Fonda tại Đại học Emory ở Atlanta với mục tiêu đào tạo sức khỏe sinh sản giới tính cho thanh thiếu niên.

Ngày 16/2/2004, Jane Fonda dẫn đầu một cuộc giễu hành qua Ciudad Juárez, Sally Field, Eve Ensler để yêu cầu điều tra những vụ án mạng của hàng trăm phụ nữ vùng biên giới.

Có lẽ, cũng chính bởi tất cả những điều đó mà mỗi khi nhắc đến Jane Fonda, người ta không chỉ nghĩ đến một nữ diễn viên tài năng mà còn nhớ đến một một người phụ nữ luôn hết mình cho các phong trào đòi tự do, bình đẳng cũng như giải phóng con người trên thế giới.

Kỳ III: Jane Fonda - Biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp không tuổi

  • Dạ Thanh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc