Khi thần chết mò vào sân bóng

13:44, Thứ hai 19/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Bóng đá ra đời cuối thế kỷ 19 và ngay từ đó đã có những cái chết thương tâm trên sân cỏ.

Bóng đá ra đời cuối thế kỷ 19 và ngay từ đó đã có những cái chết thương tâm trên sân cỏ. Người ta không thể kể được những tai nạn chết người trong các trận đấu phủi nhưng thống kê về các cầu thủ chuyên nghiệp qua đời vì tai nạn trên sân cỏ được ghi lại khá rõ ràng.

[links()]

Cầu thủ chuyên nghiệp xấu số đầu tiên là William Cropper của Staveley (Anh). Ngày 12-1-1889, trong trận Staveley gặp Grimsby Town, Cropper đổ vật xuống sân sau pha va chạm với Doyle của Grimsby vào phút 15. Đầu gối của Doyle húc mạnh vào bụng của Cropper khiến ông vỡ ruột. Cropper được đưa vào phòng thay đồ và qua đời trong vòng tay đồng đội khi mới 26 tuổi.

Cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên chết trên sân do bị đột quỵ là David "Soldier" Wilson cũng người Anh. Ngày 27-10-1906, Wilson ra sân trong đội hình Leeds City gặp Burnley. Trong hiệp 2, Wilson đã bị đạp rất mạnh vào ngực và phải ra sân cho bác sĩ chăm sóc.

Marc-Vivien Foe

Do có 2 đồng đội cũng bị chấn thương phải rời sân nên Wilson xin vào sân đấu tiếp. Khi trận đấu gần hết thì Wilson đổ gục xuống sân và dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa ngay nhưng cầu thủ của Leeds City vẫn không tỉnh lại. Các khám nghiệm pháp y sau đó khẳng định Wilson chết vì đau tim khi mới 23 tuổi.

Sân vận động của Perugia (Italia) là Renato Curi. Nhiều người lầm tưởng đây là tên của vị chủ tịch nào đó của CLB nhưng thật ra đó là tên của một cầu thủ Perugia chết trên sân do đột quỵ.

Mùa bóng 1976/77, Curi chơi nổi bật trong đội hình Perugia và giúp CLB kết thúc mùa giải ở vị trí cao nhất trong lịch sử: thứ 6 Serie A. Ban huấn luyện của tuyển Italia lúc đó đã nhắm gọi Curi vào đội tuyển nhưng ý định này bất thành.

Ngày 30-10-1977, khi cùng Perugia thi đấu với Juventus, Curi đã đổ gục xuống sân khi hiệp 2 bắt đầu được 5 phút và qua đời sau đó khi mới 24 tuổi. Nguyên nhân cái chết của Curi là đau tim.

Cầu thủ đầu tiên chết trên sân khi phục vụ cho đội tuyển quốc gia là Samuel Okwaraji của Nigeria. Ngày 12-8-1989, Okwaraji góp măt trong trận đội tuyển Nigeria gặp Angola tại vòng loại World Cup 1990 khu vực châu Phi.

Khi trận đầu còn 10 phút nữa là kết thúc, Okwaraji đổ gục xuống sân và qua đời. Các kết quả khám nghiệm pháp y sau đó cho biết Okwaraji đã bị giãn tim và huyết áp lên cao. Thời điểm qua đời, Okwaraji mới 25 tuổi.

14 năm sau, đến lượt tiền vệ Marc-Vivien Foe qua đời vì nguyên nhân tương tự. Trong trận đấu bán kết Confed Cup giữa Cameroon và Colombia ngày 26-6-2003, vào phút 72, Foe đang đi ở vòng tròn trung tâm giữa sân bỗng dưng ngã gục xuống và xung quanh anh khi đó không có cầu thủ nào ở gần.

Các bác sĩ có mặt ngay lập tức và thực hiện công tác sơ cứu. Thời điểm Foe ngã xuống, các bác sĩ xác nhận là anh vẫn chưa qua đời nhưng sau 45 phút liên tục trợ tim, họ cũng không giằng được anh khỏi tay tử thần.

Foe qua đời khi 28 tuổi do bệnh tim.  Đây là vụ đột tử tạo ra ảnh hưởng lớn nhất thế giới vì hai lý do. Thứ nhất, Foe là cầu thủ rất nổi tiếng khi từng chơi cho Lens, West Ham, Lyon và lúc qua đời, anh là cầu thủ của Man City.

Thứ hai và quan trọng hơn, Foe đã chết trên sân trong một trận đấu thuộc khuôn khổ do FIFA trực tiếp tổ chức (Confed Cup là giải cho các đội vô địch châu lục). Người ta đặt câu hỏi là tại sao ở một trận ở cấp độ cao nhất mà khâu y tế đã không thể phát hiện ra những người có nguy cơ về tim mạch. Nếu những triệu chứng của Foe được phát hiện sớm thì mọi chuyện đã không xảy ra.

Ngày ấy, FIFA đã thống kê ra Foe là cầu thủ chuyên nghiệp thứ 53 chết trên sân cỏ và họ tuyên bố làm rất chặt về khâu y tế trong bóng đá.

Trong gần 10 năm qua, số cầu thủ chết trên sân vì tim mạch vẫn tăng, Feher, Puerta, Daniel Jarque… hay mới nhất là tuyển thủ 40 lần khoác áo tuyển Nhật Naoki Matsuda (4-8-2011) đã ra đi mãi mãi. Khi nào tử thần thôi mò vào sân thì chỉ có Chúa mới biết.

  • Huyền Đức
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc