Thú thật là tôi không thể vờ như mình không quan tâm và không thấy sốc khi đọc câu chuyện và nhìn hình ảnh người du khách Việt quỳ khóc trong một trung tâm thương mại ở Singapore. Anh xin cửa hàng cho anh trả lại chiếc Iphone 6, mà vì hạn chế ngôn ngữ, anh không biết nó được bán kèm theo gói bảo hành với giá cắt cổ.
Giữa bao nhiêu chuyện to tát hàng ngày, ban đầu vụ việc hiện lên chỉ như một góc cận cảnh rất nhỏ của đời thường, mà thông điệp phát đi có chăng là lời cảnh báo về lối làm ăn dối trá của một cửa hàng ở đảo Quốc sư tử.
Vậy nhưng, chứa đựng trong câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ đó, là những từ khóa dễ khiến chúng ta mở rộng hậu cảnh: "du khách Việt", "Iphone 6", "Singapore", "quỳ gối khóc lóc". Và chúng buộc tôi phải trả lời cho mình nhiều câu hỏi xác đáng, nếu không muốn bị đẩy vào cãi vã, dễ xa nhau.
Thứ nhất, là đàn ông, tôi không thể vờ như mình không giận dữ với anh, ngay cả khi tôi biết điều này khiến tôi trở nên một kẻ đạo đức giả. Và mọi phán xét đều có thể bất công, khi mà vụ việc đã bị tước khỏi bối cảnh đầy đủ, để chỉ còn hiện lên hình ảnh người thanh niên với hình ảnh quỳ khóc và những giọt nước mắt.
Trong tư cách những người đàn ông, chúng ta được dạy rằng không được phép yếu hèn, quỳ gối trước bất công. Dẫu thế nào, tôi cũng không tìm được lý do giải thích việc anh quỳ vì một sự cố hoàn toàn có thể mạnh mẽ để giải quyết theo cách tự tôn. Nhất là khi nó xảy ra tại nơi công cộng xứ người, và trước mặt bạn gái.
Nhưng tôi cũng không thể vờ như tôi không quý trọng anh, ở cách anh muốn dành tặng cho người yêu món quà tốt nhất mà anh có thể.
Cả hai cảm xúc trên đồng thời làm tôi rơi vào mâu thuẫn, mà bằng sự rạch ròi phân định, tôi không thể đứng về một phía để chống lại phía khác của chính tôi.
Ảnh từ clip. |
Thứ hai, là người Việt, tôi không thể vờ như hành động của anh đã không làm tôi chạnh buồn, bởi dù thế nào, ít nhiều nó cũng khoét sâu thêm ấn tượng không mấy hay ho về chúng ta.
Không ai có quyền bắt anh gánh trên vai Thể diện Quốc gia. Nhưng mặt khác, anh cũng không thể "bắt" những người ngoại quốc nghĩ rằng anh chỉ là anh, mà không gắn với bất cứ bổn phận nào với hai chữ Việt Nam khi đi ra nước ngoài. Ít nhất là trong mắt của tay phóng viên người Singapore - mà có lẽ đã nương theo cái nhìn thành kiến trịch thượng - để đem cả câu chuyện nhỏ nhặt, riêng tư của anh trên báo.
Nhưng mặt khác, chuyện của anh cũng khiến tôi không thể vờ như không thấu hiểu và cảm thông cho anh, cho chính tôi và chúng ta, vì những gánh nặng phải mang khi sống trong một cộng đồng còn chưa hoàn thiện những chuẩn mực, phép tắc ứng xử nơi công cộng.
Hàng ngày, chúng ta không ngừng chỉ trích, "nói xấu" nhau, nhưng hễ có ai đó trong chúng ta gây ra ấn tượng xấu với bên ngoài, thì lập tức tất cả đều quay ra đồng thanh chống lại "kẻ tội đồ". Giống như người dù biết mình vẫn còn những điều chưa hoàn thiện, nhưng lại không sẵn sàng để bất cứ ai chỉ trích, bêu xấu chúng ta vì điều ấy.
Đến đây, tôi lại tự hỏi, nếu là người nước khác, như Mỹ chẳng hạn, liệu họ có vội vàng "nâng cấp" hành vi riêng lẻ của một công dân của họ ở nước ngoài lên tầm thể diện quốc gia hay tự tôn dân tộc hay không? Còn chúng ta, tôi ngờ rằng trong cơn giận dữ dễ đâm ra hồ đồ, nhanh chóng phán xét bất công với anh, và cũng là cũng đang bất công với chính chúng ta.
Tự hãnh và tự ti hóa ra là hai phía đối lập không loại trừ, mà có thể đang cùng nằm ngay trong chính mỗi chúng ta hôm nay. Và một khi, tôi chưa cảm thấy mình làm được gì cho Thể diện Quốc gia, tôi biết mình không có quyền chỉ trích bất cứ ai đã góp phần gây hại cho giá trị chung đó.
Tôi cũng biết, ngay cả việc mọi người "ném đá" anh cũng chẳng khiến Thể diện Quốc gia được đảm bảo hơn. Nếu không muốn nói là còn gây hại khi bất cứ ai cũng có thể làm hành động này một cách tùy tiện chỉ vì đối tượng "nhận đá" chẳng liên quan gì đến lợi ích hay tình cảm thiết thân với mình.
Câu chuyện nhỏ chừng như đang nhắc với chúng ta về vết thương lớn. Mà sự chữa lành chắc chắn không đến từ cách chúng ta đứng về những phía đối lập để tiếp tục chỉ trích nhau, để giành về phần mình những mảnh ghép lại của một sự thật chung và lớn nhất.
Chủ cửa hàng iPhone lừa khách Việt đã bị trừng phạt như nào? Sức mạnh của cộng đồng mạng Singapore được huy động để thực hiện chiến dịch trừng phạt chủ cửa hàng "chặt chém" du khách Việt mua iPhone. |