(Phunutoday) - Từ Khâm sai Bắc Bộ dưới triều Nguyễn đến Phó Thủ tướng của chính quyền cách mạng- Sau khi người vợ đầu tiên qua đời, Phan Kế Toại được làm mối cho nhiều người khác, trong đó có không ít những người phụ nữ trẻ, xinh đẹp, nhưng cuối cùng, ông đã chọn lấy bà Nguyễn Thị Mão, một nữ sinh Đồng Khánh trước đây và từng là bạn thân của bà Nhân Lý lúc còn sống.
Ký ức về gia đình Phó Thủ tướng Phan Kế Toại
Bà Nguyễn Thị Mão chính là chị gái của ông Nguyễn Văn Huyên. 31 tuổi, bà vẫn ở một mình, đi dạy học để dành tiền nuôi 2 người em trai du học ở Pháp. Sở dĩ ông Phan Kế Toại quyết định hỏi cưới bà cũng bởi muốn tìm một người phụ nữ có tri thức, có học hành làm vợ, và cũng bởi tin tưởng một người có học như bà Mão, nhất là lại từng chơi thân với bà Nhân Lý, thì sẽ là một người mẹ tốt cho 6 người con của ông.
“Mất mẹ là một mất mát lới với anh em chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng
may mắn vì đã có một người mẹ kế có tri thức, biết cách cư xử và yêu thương 6 người con riêng của chồng, nhờ đó mà cha tôi, tuy có 10 người con (6 người con với mẹ tôi và 4 người con với mẹ kế tôi) nhưng chưa bao giờ mất hòa khí. Chúng tôi vẫn gọi mẹ kế là mẹ. Anh em chúng tôi cũng yêu nhau bằng tình yêu ruột thịt, chứ chưa bao giờ phân biệt con chung, con riêng.
Mẹ kế tôi giống mẹ đẻ tôi ở một điểm, đó là rất quan tâm đến việc học hành của anh em chúng tôi. Bà theo sát việc học của chúng tôi từng chút một và luôn đảm bảo chúng tôi.
Cha và mẹ kế tôi cư xử với nhau theo cách cư xử của người có học, lúc nào cũng lịch sự, kín đáo, đúng như câu “vợ chồng tương kính như tân”. Khi cha tôi từ chức Khâm sai, rồi sau đó theo Cách mạng, mẹ kế tôi luôn ủng hộ chồng. Bà theo ông lên chiến khu, cùng ông trải qua những ngày kháng chiến gian khổ mà không có một lời kêu ca”.
 |
Ông Phan Kế Toại và con trai |
Có một điều mà họa sĩ Phan Kế An đặc biệt ấn tượng với người mẹ kế của mình chính là sự thông minh, sắc sảo của bà. Bà Nguyễn Thị Mão là một người phụ nữ học rộng, biết nhiều và ứng xử rất linh hoạt. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời đó tốt nghiệp khoa Toán trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương và dạy toán nhiều năm tại trường
nữ sinh trung học Đồng Khánh.
Nhờ hưởng lương theo ngạch Tây rất cao, nên bà có tiền gửi sang Pháp nuôi người hai em trai, trong đó, người em Nguyễn Văn Huyên (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) ăn học thành người.
Trước khi lấy ông Phan Kế Toại (khi đó đang là tuần phủ Phúc Yên), bà Nguyễn Thị Mão là cô giáo trường Đồng Khánh. Tuy đã 31 tuổi, không trẻ đẹp bằng nhiều người con gái khác, nhưng sự thông minh có tiếng của bà vẫn khiến bà được nhiều người để ý.
Trước lúc về làm vợ ông Phan Kế Toại, bà Nguyễn Thị Mão từng được ông phán phủ toàn quyền thời đó hỏi về làm vợ nhưng bà từ chối. Sau này, ông phán phủ toàn quyền lại lấy cháu họ của ông Phan Kế Toại.
Khi
kết hôn với ông Phan Kế Toại, bà Nguyễn Thị Mão đương nhiên trở thành cô của ông phán phủ toàn quyền. Có lần, người cháu họ đưa chồng là ông phán phủ toàn quyền đến thăm bà ở Hà Nội. Khi đó, họa sĩ Phan Kế An đã đủ lớn để biết chuyện và hiểu mẹ kế của mình hẳn sẽ khó khăn khi phải xưng cô - cháu với ông phán. Bản thân ông phán cũng ngượng ngập khi phải xưng hô theo đúng vai vế với một người phụ nữ mà mình từng hỏi cưới.
Thế nhưng vừa nhận ra sự bất ổn đó, bà Nguyễn Thị Mão đã ngay lập tức chọn một cách ứng xử rất thông minh: bà không nói tiếng Việt mà chuyển sang chào hỏi, trò chuyện bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp không có ngôi thứ thể hiện vai vế như tiếng Việt, nhờ đó mà cả hai bên tránh được khó xử. Chứng kiến sự ứng xử thông minh của mẹ kế, họa sĩ Phan Kế An vẫn cảm thấy nể phục bà cho đến giờ.
Lúc sinh thời, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại nổi tiếng thanh liêm. Nếu như lúc làm quan dưới triều Nguyễn, ông không hề bòn rút, nhũng nhiễu dân lành, thì sau này khi giữ chức Phó Thủ tướng, ông vẫn giữ tính cách trong sạch, liêm khiết đó.
Ngày ấy, Nhà nước phân cho ông một biệt thự rất rộng. Ông đưa cả gia đình về ở, nhưng thấy căn biệt thự ấy rộng quá, cả gia đình ở mãi vẫn chưa hết, lãng phí nên ông cảm thấy rất day dứt. Ông đưa con cháu trong họ về ở, nhưng vẫn thấy rộng.
Sau một thời gian, ông quyết định trả lại ngôi nhà đó để xin đổi lấy ngôi nhà khác bé hơn, tránh lãng phí giữa lúc hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Thời làm Phó Thủ tướng, tiêu chuẩn của ông được đi một chiếc xe rất to, nhưng thấy đi chiếc xe đó lãng phí, ông cũng xin đổi sang một chiếc xe khác nhỏ hơn, giản dị hơn.
Ông Phan Kế Toại luôn khuyến khích con cái độc lập, không phụ thuộc vào cha, những người con của ông sau này đều sống rất tự lập nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Họa sĩ Phan Kế An bao nhiêu năm nay vẫn ở trong căn gác nhỏ nằm trên phố Thợ Nhuộm, nhưng họa sĩ vẫn rất hài lòng với cuộc sống của mình.
Có một điều đặc biệt là tuy gia đình có dòng dõi quan lại, bản thân ông cũng từng là quan lại dưới triều Nguyễn rồi từng giữ chức vụ Phó Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng Phan Kế Toại không hề thích các con mình dính đến nghiệp quan chức.
Quan điểm của ông là phải làm những nghề có sự sáng tạo, có cơ hội khẳng định năng lực và có thể nuôi sống bản thân mà không cần dựa dẫm vào bất cứ cái gì. Vì thế, khi hướng nghiệp cho con cái, ông cũng đều chia sẻ với các con điều đó. Khi họa sĩ Phan Kế An quyết định đi theo con đường hội họa, ông rất ủng hộ.
Thời còn ở trên chiến khu, họa sĩ Phan Kế An từng nhiều lần được Bác Hồ đề nghị vẽ chân dung Bác. Những bức chân dung ấy thường được Bác sử dụng khi đăng báo. Đó là niềm tự hào của họa sĩ Phan Kế An - người con cả của Phó Thủ tướng Phan Kế Toại. Những người con sau này của ông, người làm nhà giáo, người làm nghiên cứu khoa học.
Họa sĩ Phan Kế An nói: “Tuy cha tôi qua đời đã lâu.
Mẹ kế tôi cũng không còn. Nhưng anh em trong gia đình chúng tôi vẫn luôn đoàn kết, yêu thương nhau. Hàng năm, ngày giỗ của cha tôi, mẹ tôi hay của mẹ kế tôi, chúng tôi đều có mặt đông đủ. Là anh em một nhà, chưa bao giờ, chúng tôi có ý nghĩ phân biệt rằng chúng tôi là những đứa con do hai bà mẹ sinh ra”.