Họ là những Tổng giám đốc, những doanh nhân... thành đạt, giàu có, nhưng vì áp lực công việc, vì không biết cách cân bằng cuộc sống khiến nhiều người rơi vào trầm cảm, hoang tưởng đến lúc bị tâm thần vẫn không tin mình bị bệnh.
Phó TGĐ điên theo giờ
Bệnh viện tâm thần Trung ương (BVTTTW) và Bệnh viện tâm thần Hà Nội (Bệnh viện Trâu Quỳ) hiện là hai bệnh viện tâm thần lớn. Bệnh nhân nặng đến đây thì không vấn đề, nhưng doanh nhân, hoặc người có tiếng tăm thì ai cũng tránh.
Theo bác sỹ Dương Duy Đặng, trưởng Khoa Cấp tính Nam, BVTTTW, bệnh nhân tâm thần có chút tiếng tăm, đặc biệt là giới doanh nhân vào BVTTTW rất ít. Nếu có bệnh họ thường bí mật, hoặc thường đi chữa nơi khác chứ không tìm đến bệnh viện tâm thần.
Nhiều Giám đốc, doanh nhân thành đạt do không biết cách cân bằng cuộc sống đến khi bị điên mà không biết mình điên. Ảnh: Dân trí |
Trong khi ai cũng muốn tránh, thì vị Phó Tổng Giám đốc này lại một mình đi xe hơi hạng sang, đến thẳng Bệnh viện tâm thần. Gặp bác sỹ, vị Phó tổng giám đốc này nói thẳng: “Tôi bị tâm thần, anh chữa được cho tôi không?”.
Theo vị Phó tổng giám đốc này thì ông đã bị tâm thần đã 6 năm, nhưng ông vẫn cứ làm lãnh đạo Tổng Công ty hốt bạc như thường. Chỉ có điều, cứ vào khoảng từ 8h sáng đến 11h trưa, khi ký cót hợp đồng, lương bổng thì ông lại… mất kiểm soát, không nhận thức được việc mình làm. Nhưng sau cái khoảng thời gian ấy, ông lại tỉnh táo như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ông được kết luận mắc chứng rối loạn trầm cảm. Sau khi được bác sỹ kê đơn, ông này giật mình vì tiền thuốc chỉ rẻ bằng tiền ông mua bao thuốc lá ba số. Lúc này ông đã phản kháng lại quyết liệt, ông cho rằng rẻ như thế chỉ có thể là... thuốc đểu. Để thuyết phục được bệnh nhân, bác sỹ Đặng đã phải đặt thuốc ngoại gửi từ nước ngoài về, sau 10 ngày uống thì bệnh đỡ thật.
Khi thấy mình đã bình thường, ông mang tiền đến cảm ơn, lúc đó mới tá hỏa hóa ra ông bị lừa. Chỉ vì thấy ông quá "sính" ngoại, nên bác sỹ phải nói dối, chứ thật ra thuốc đó chỉ là loại thuốc thường như bao bệnh nhân khác vẫn dùng.
Doanh nhân 14 lần nhập viện mới biết mình… điên
Bác sỹ Dương Duy Đặng cho biết: Khoa Nam cấp tính của ông cũng từng điều trị cho một doanh nhân vô cùng đặc biệt. Ông này cũng từng là Phó Tổng giám đốc, trưởng ban dự án của một Bộ lớn, người từng đi hầu hết các nước châu Âu, Đông Á, rất có tiếng tăm, nhưng phải nhập viện đến lần thứ…14, ông mới công nhận mình bị… điên thật (!?)
Bệnh nhân tên là Nguyễn Đình L (tên vị doanh nhân này) phát bệnh từ năm 1993. Ông bị mắc chứng hưng cảm nên lúc nào cũng thấy cuộc sống này rất vui.
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để nhận mình bị điên. Ảnh: Đại đoàn kết |
Làm chức Phó tổng giám đốc, ông phải giao du, tiệc tùng rất nhiều, trong buổi tiệc nào ông cũng nhiệt tình hát hò, đọc thơ. Ông cứ nghĩ, với tính cách tưng tửng, nhiệt tình của ông không sớm thì muộn sẽ được đề bạt làm Tổng giám đốc, thậm chí Cục Trưởng, rồi Thứ trưởng cũng nên.
Nhưng thăng chức chưa thấy đâu thì ông bị buộc thôi việc để đi điều trị bệnh điên chỉ vì cái tội ông vui quá mà nói to suốt ngày. Đã thế, ông còn không chịu đi viện, cứ ai áp giải đưa ông đi là bị đánh cho xưng mặt mày.
Phải đến lần nhập viện thứ 14, ông mới thừa nhận mình bị tâm thần thật.
TGĐ 3 công ty sợ nói đến bệnh tâm thần
Theo bác sỹ Đặng, hầu hết bệnh nhân tâm thần đều phủ nhận bệnh và che dấu những biểu hiện nên việc chẩn đoán, kê đơn và để bệnh nhân uống thuốc điều trị là một vấn đề vô cùng khó khăn. Có lần bác sỹ phải đóng giả là người bạn để chữa bệnh cho một doanh nhân.
Lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân, bác sỹ Đặng phải thừa nhận vị doanh nhân là người rất thông minh, có tài kinh doanh, và hiện là giám đốc của 3 công ty có tiếng tại Hà Nội. Trong thời gian mắc bệnh, anh này vẫn đi nước ngoài gặp đối tác kinh doanh như cơm bữa. Kể cả khi bệnh nghiêm trọng, anh vẫn thường xuyên ký những hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng với các đối tác.
Trong lúc nói chuyện, cứ khi nào bác sỹ hỏi đến những triệu chứng rối loạn hàng ngày của vị doanh nhân này lập tức bị anh ta gạt phăng hoặc khéo léo chuyển câu chuyện sang một chủ đề khác.
Nhưng sau hàng giờ nói chuyện, bác sỹ Đặng cũng xác định được vị doanh nhân này đã mắc bệnh tâm thần. Sau khi xác định được bệnh, bác sỹ phải bí mật kê những toa “thuốc bổ”, mà thực chất là những loại thuốc điều trị tâm thần và trầm cảm cho vị doanh nhân uống.
Cũng là một bác sỹ của BVTTTW, bác sỹ Vương Hồng Thắng, Phó Chuyên khoa 2 (BVTTTW) cho biết: anh đã từng gặp khá nhiều bệnh nhân là những doanh nhân rất thành đạt trong kinh doanh.
Bác sỹ Thắng kể, cách đây vài năm, có một doanh nhân giầu có nổi tiếng ở Hà Nội. Sau khi phát hiện vợ có bồ, cộng thêm những kế hoạch, dự án kinh doanh triền miên nên đã rơi vào trầm cảm, sợ giao tiếp và hay hoang tưởng nhưng anh nhất định không đi chữa.
Anh này đã "tự cân bằng" bằng cách cưới một cô vợ trẻ, mua một căn hộ chung cư rồi cuộc sống cứ thế chìm đắm trong nhục dục. Với đủ các loại thuốc kích dục để tự chữa căn bệnh trầm cảm, nhưng bệnh tình không thuyên giảm, mà mỗi ngày càng nặng hơn.
Hay trường hợp của một nữ doanh nhân nổi tiếng đất Hải Phòng, tên là Nguyễn Thanh A, sau nhiều năm tự điều chỉnh không được, dù đã được gia đình chạy chữa nhiều nơi không khỏi, đến khi bệnh đã quá nặng, gia đình mới đưa bệnh nhân vào BVTTTW chữa trị.
Bác sỹ Thắng cho biết, nữ bệnh nhân A này nổi tiếng và thành đạt nhưng bà lại có sở thích đặc biệt là muốn được đi khắp nơi để phát tiền cho người nghèo. Có lần bà mang cả tiền trả khách hàng lên thẳng Hà Giang, gặp ai bà cũng cho tiền, khi hết tiền bà lại tìm đường về nhà.
Về nhà bà coi chồng con là kẻ thù, không muốn chạm mặt nên bà bỏ đi lang thang. Bà tìm đến các đối tác vay tiền, rồi lại bắt xe đi khắp nơi phân phát cho những người bà gặp trên đường. Đến ngày bị gia đình cưỡng chế vào bệnh viện, gia đình cũng không biết bà đi đến những đâu, và rải hết bao nhiêu tiền.
- Nguyên Minh