Làm sao để "thêm muối" vào cuộc hôn nhân nhạt nhẽo?

06:00, Thứ tư 05/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Tình yêu là nền tảng của hôn nhân bền vững và sẽ khó có thể duy trì cuộc sống vợ chồng nếu cả hai không còn tình cảm với nhau. Khi không còn yêu nhau thì việc có mối quan hệ ngoài luồng hoàn toàn có thể xảy ra.

Gian nhà tập thể chật hẹp, tuềnh toàng, dù có cố thu vén đến mấy cũng vẫn lộ ra cái bề bộn, chật chội và nghèo nàn. Tiếng trẻ con hết đùa nghịch lại quấy khóc rền rĩ cả ngày… Ít ai ngờ, người phụ nữ sở hữu tất cả những thứ ấy lại là tác giả của những truyện ngắn bay bổng, hoa mỹ vẫn được đăng trên các báo văn nghệ. Cuộc sống thực tại tù túng, và nhất là tình yêu sau hôn nhân đã sớm cạn kiệt khiến chị Trúc dồn hết mọi tâm tư vào trang viết.


Quá khứ u buồn

Chị Trúc có khiếu văn chương từ nhỏ. Năm lớp 10, chị đã từng đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Văn, được tuyển thẳng vào học lớp chuyên của tỉnh. Nhưng, do bố mẹ quá kỳ vọng, đặt ra nhiều sức ép nên chị bị rơi vào trạng thái sợ hãi, tự ti.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở nông thôn, nhưng bố mẹ lại quá bao bọc, quanh năm suốt tháng chỉ ép con gái vào sách vở, học hành, không cho động tay động chân vào việc gì nên hầu như chị không có khả năng tự lập khi lên tỉnh học cấp III.

Từ những tự ti nhỏ nhặt như không thể tự nấu ăn, tự đi chợ, làm gì cũng chậm chạp, hậu đậu, hỏng việc, chị Trúc dần sống thu mình ở ký túc xá. Rồi việc học cũng trở nên tồi tệ đi. Chị tự cảm thấy lạc lõng, cô lập giữa một lớp học toàn những bạn gái xinh đẹp, giỏi giang nhiều mặt.

Chị mắc bệnh trầm cảm. Ngày đó, ở quê, bố mẹ chị cũng không hiểu trên đời lại có căn bệnh kỳ quái đến thế. Họ cho rằng chỉ là do chị không quen với điều kiện sinh sống và học tập mới nên dẫn tới căng thẳng mà thôi.

Khi bệnh của con gái quá nặng, được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm “trao trả” lại, bố mẹ chị mới chấp nhận đưa con gái về quê trong sự sụp đổ, thất vọng và xấu hổ với làng xóm ghê gớm.

Tình yêu là nền tảng của hôn nhân bền vững và sẽ khó có thể duy trì cuộc sống vợ chồng nếu cả hai không còn tình cảm với nhau. Khi không còn yêu nhau thì việc có mối quan hệ ngoài luồng hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình yêu là nền tảng của hôn nhân bền vững và sẽ khó có thể duy trì cuộc sống vợ chồng nếu cả hai không còn tình cảm với nhau. Khi không còn yêu nhau thì việc có mối quan hệ ngoài luồng hoàn toàn có thể xảy ra.

Tin đồn lan ra khắp làng là chị Trúc học nhiều quá, học giỏi quá nên… phát điên. Tuy đã được chuyển trường và sống cùng gia đình nhưng chị vẫn tiếp tục bị dày vò bởi những cái nhìn soi mói của làng xóm và áp lực xen lẫn thất vọng từ những người trong gia đình.

Ngày chị Trúc thi trượt đại học cũng là ngày chị không thể nào quên. Sau một trận tranh cãi kịch liệt với bố mẹ, chị đã gạt nước mắt quyết định đốt hết sách vở để không bao giờ quay trở lại con đường đèn sách nữa.

Bị bố mẹ gần như từ mặt, chị buộc phải rời khỏi nhà để đến ở cùng một người dì đang sống độc thân. Cũng kể từ đó, cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác, cũng không mấy sáng sủa hơn.

Bi kịch của hôn nhân không tình yêu

Do mới chỉ học hết cấp III, không có bằng đại học, lại chậm chạp, vụng về, nên chị Trúc đã không thể tìm được một công việc ưng ý. Cuối cùng, người dì tốt bụng đã xin cho chị vào làm ở nhà ga của huyện.

Công việc hàng ngày không hề cần đến chút chất xám nào, khi chỉ đơn giản là bán vé tàu và đóng mở ba-ri-e cho mỗi chuyến tàu đến và đi mà thôi. Tuy nhiên, chị lại cảm thấy thoải mái và ưng ý vì cuộc sống như vậy nhẹ nhàng, phù hợp với chị.

Dần dần, thoát khỏi căn bệnh trầm cảm đeo đẳng suốt một thời con gái, những rung động đầu đời cũng nảy nở khi chị gặp Cường, chàng trai làm cùng ở cái nhà ga nhỏ xíu ấy. Chị không cắt nghĩa rõ ràng được đó là tình yêu hay sự thương cảm vì anh cũng sống cô đơn như chị ngày nào.

Đám cưới diễn ra là nhờ sự vun vén, động viên quyết liệt của mọi người, còn bản thân 2 người trong cuộc thì vẫn cứ dửng dưng.

Chị bước vào cuộc hôn nhân với căn hộ tập thể chật chội được cơ quan phân. Để tránh những bất tiện khi cả hai vợ chồng cùng làm ở một nơi, hơn nữa cũng là để cải thiện thu nhập cho gia đình, anh Cường đã xin nghỉ việc để ở nhà mở xưởng gò hàn khung nhôm, cửa kính.

Sau khi có vợ, rồi lần lượt có thêm 2 con nhỏ, tính tình anh vẫn không thay đổi nhiều. Cường là người đàn ông sống khô cứng, ít nói, cũng không thể hiện tình cảm bằng hành động. Anh chỉ biết lao đầu vào công việc để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.

Anh ngại ngần với mọi cử chỉ, lời nói tình cảm của vợ. Trong ‘từ điển” ngày tháng của anh, chưa bao giờ đọng lại cái gọi là sinh nhật của vợ, ngày gặp nhau lần đầu, thậm chí cả ngày cưới.

Trúc cũng cuống cuồng với gánh nặng con mọn khi không có ai đỡ đần bên cạnh nên sự quan tâm và tình cảm dành cho chồng cũng hao hụt dần đi. Trong sâu thẳm tâm hồn, chị vẫn là người nhạy cảm, lãng mạn, thích văn thơ, ưa bay bổng.

Chị dễ rung động trước nhiều cảnh đời, nhiều số phận con người đến và đi ở cái nhà ga phố huyện nơi chị đang sống mòn hết ngày này qua tháng khác. Nhiều lúc chị muốn chia sẻ với chồng, nhưng trước sự thờ ơ, lãnh đạm của anh, ý định đó lại vụt tắt.

Chị lại tìm đến với cây bút và trang giấy, kí thác lên đó mọi tâm sự vui buồn, uẩn ức của cuộc đời mình, nhưng đặt vào những nhân vật hư mà thực trong đời. Viết lách cũng giúp chị có thêm nhuận bút mua kẹo bánh, đường sữa cho con.

Cuộc sống cứ đều đều trôi qua, các con ngày một khôn lớn hơn, khó khăn vơi dần. Tình cảm vợ chồng chị cũng tiến dần về con số không tròn trĩnh. Nhiều lúc nhìn các cặp vợ chồng, tình nhân đưa đón, tiễn biệt ở nhà ga, nói cười ríu rít, ôm ấp nồng nàn, chị chỉ ứa nước mắt tủi thân.

Thương các con, thương chính bản thân mình, chị Trúc đã tìm nhiều cách hâm nóng tình cảm như tổ chức các chuyến đi chơi xa cho cả nhà, tranh thủ nói chuyện, tâm sự với chồng nhiều hơn… nhưng kết cục là cả hai vẫn không thể xích lại gần nhau thêm.

Nếu tình trạng cứ mãi tái diễn như vậy, chị Trúc lại sợ căn bệnh trầm cảm trước đây sẽ lại có cơ hội tái phát. Và cũng có người “dọa” là sớm hay muộn thì Cường hoặc chị sẽ… ngoại tình nếu một trong hai người gặp ai đó khơi lên tình yêu đang chết dần chết mòn bấy lâu nay.

Để thoát ra khỏi cái bi kịch nhàn nhạt, đều đều trong hôn nhân mà hiện chỉ có gắn kết duy nhất là hai đứa con, chị Trúc chưa biết phải làm cách nào.

Hãy cụ thể hóa mọi mong muốn

Ngạn ngữ có câu “hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu” không phải là không có lý. Bởi thực tế, sau thời kì yêu đương thơ mộng, giai đoạn chung sống sau khi kết hôn chính là lúc mỗi người thể hiện một cách rõ rệt nhất bản tính, thói quen, lối sống của mình và đó là lúc bắt đầu xuất hiện sự thất vọng về người bạn đời.

Đa số các cuộc hôn nhân đều phải đối mặt với quy luật nhàm chán của tình cảm khi đã chung sống bên nhau nhiều năm.

Bởi vậy, theo các chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn Tâm lý tình cảm Linh Tâm, sự phai nhạt tình cảm giữa vợ chồng chị Trúc cũng là vấn đề thường gặp trong tất cả các cặp vợ chồng khác. Tuy nhiên mỗi cặp đôi sẽ có những phản ứng và cách xử sự khác nhau để giải quyết vấn đề này.

Trong trường hợp của chị Trúc, nguyên nhân mấu chốt bắt nguồn từ sự lệch pha giữa chị và chồng về tính cách và sự thể hiện tình cảm trong đời sống vợ chồng. Nếu chị Trúc là người lãng mạn, yêu văn thơ và thích sự bay bổng thì ngược lại chồng bạn lại là người ít nói, khô khan và không biết cách thể hiện tình cảm với vợ con.

“Trên thực tế có không ít những cặp vợ chồng lệch pha như vậy và để thay đổi điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cả hai người trong cuộc. Chị Trúc cũng đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng quan hệ tình cảm với chồng như tạo điều kiện để vợ chồng đi chơi, du lịch, tâm sự trò chuyện, nhưng dường như anh Cường không hề đón nhận hay thay đổi.

Điều này có thể xuất phát từ hai khả năng, một là anh Cường là người quá khô khan, cứng nhắc, bảo thủ nên chị Trúc khó thay đổi được chồng; hai là tình cảm của anh Cường dành cho vợ đã không còn như trước nên việc chị Trúc nỗ lực không khiến anh ấy quan tâm nữa.

Chị Trúc cần suy xét cho thấu đáo xem chồng là con người có tính cách như thế nào? Tình cảm của anh dành cho chị ra sao ?

Mỗi người đàn ông khi yêu sẽ có cách thể hiện tình yêu khác nhau. Có người thì sẵn sàng nói hoặc làm những hành động lãng mạn nhất để thể hiện tình yêu với vợ, nhưng có người lại chỉ biết chăm chỉ cần cù, kiếm tiền để lo cho vợ con gia đình.

Trên thực tế, kiểu thể hiện tình cảm nào cũng đáng trân trọng bởi nó xuất phát từ tình yêu thương vợ con gia đình của người đàn ông. Trong trường hợp của anh Cường thì mọi lời chê trách hay kêu ca phàn nàn đều không làm anh yêu vợ hơn mà ngược lại chỉ làm anh ấy thêm chán nản, mệt mỏi.

Trên thực tế, có rất nhiều người đàn ông không biết cách thể hiện tình yêu với vợ con chứ không phải họ không yêu vợ con. Có thể chị Trúc chưa tiếp cận chồng đúng cách nên chưa có kết quả như chị mong muốn?

Có lẽ để làm được điểu đó rất cần sự thấu hiểu và thông cảm từ người vợ. Và chỉ cần chị biết kiên nhẫn, xây dựng dần dần mối quan hệ và sự quan tâm giữa hai vợ chồng, khéo léo khơi dậy nhu cầu tình cảm của anh thì theo thời gian đời sống tình cảm của vợ chồng chị sẽ có những thay đổi tích cực” – Chuyên gia Võ Thanh Giang đưa ra lời khuyên.

Còn nếu thật sự giữa anh chị không còn tình cảm dành cho nhau nữa thì cả hai cần phải ngồi nói chuyện để cùng nhìn nhận, đánh giá và nghĩ cho tương lai của gia đình.

Chị Trúc cần tâm sự cho anh ấy hiểu sự lo lắng trước tình cảm vợ chồng phai nhạt cũng như nỗi lòng và mong muốn của bản thân. Và nếu có tâm sự về mong muốn của mình, chị cũng hãy nói cụ thể mong muốn của chị là gì.

Phụ nữ đôi khi không biết cách bộc lộ mong muốn với người bạn đời. Họ chỉ nói một cách chung chung như “Anh phải quan tâm đến em nhiều hơn” hay “Anh phải yêu em nhiều hơn” nhưng quan tâm như thế nào, yêu như thế nào thì đàn ông lại không biết mà đáp ứng.

Bởi vậy hãy cụ thể hoá mong muốn của mình với bạn đời ví dụ như “Em và các con sẽ rất vui nếu anh về nhà sớm ăn cơm với gia đình” hay “Em rất hạnh phúc nếu cuối tuần cả nhà mình cùng đi xem phim”... Đó là cách khơi gợi tích cực tình yêu cũng như sự quan tâm của người đàn ông dành cho gia đình.

Trong trường hợp chị đã chia sẻ, khơi gợi và bày tỏ mong muốn của mình mà anh ấy vẫn phớt lờ, từ chối đáp lại thì có lẽ chị cũng nên xem xét việc tiếp tục chung sống có nên hay không.

Tình yêu là nền tảng của hôn nhân bền vững và sẽ khó có thể duy trì cuộc sống vợ chồng nếu cả hai không còn tình cảm với nhau. Và khi đã không còn yêu nhau thì việc có mối quan hệ ngoài hôn nhân hoàn toàn có thể xảy ra đúng như những gì chị đang lo ngại.

Bởi vậy để giúp cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, chị chỉ có thể bằng cách xây dựng tình yêu và kết nối mối quan hệ giữa hai vợ chồng một cách khăng khít và bền chặt.

  • Vũ An (ghi)

[links()]
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc