Những ngày gần đây, một clip ghi lại đoạn phỏng vấn bác sĩ Võ Hồng Chiến- người bị hành hung khi đang khám chữa bệnh ở bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ. Người bác sĩ gầy yếu, bàn tay với những ngón dài khẳng khiu, được đào tạo nhiều năm trời để phục vụ cho những đường khâu cứu người, đã nghẹn ngào cho biết: “Người ta không tin người bác sĩ. Người ta tin những người khác hơn là người chữa bệnh cho mình thì tôi không muốn thanh minh với bất cứ ai cả".
Đó có thể là một người đàn ông vì quá thương xót con mà mất kiểm soát trước những điều phiền toái khiến con mình không được cấp cứu kịp thời.
Đó cũng có thể là một kẻ tâm thần, ghét bác sĩ bẩm sinh.
Dù ở trường hợp nào kể trên, việc một người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ cũng không thể phổ biến. Một người cha đưa con vào bệnh viện bỗng nhiên đánh chính người đang cứu chữa cho con mình: hoặc anh ta không bình thường, hoặc anh ta bị làm cho phát điên.
Tôi không đủ dữ liệu để biết người đàn ông này thuộc diện nào trong 2 trường hợp đó. Nhưng điều tôi thấy rõ ràng nhất là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc lập chốt công an trong bệnh viện là không bình thường.
Trong xã hội loài người, những nghề nghiệp nào dễ bị đánh nhất? Hẳn nhiên, đó là những ngành nghề dễ xung đột lợi ích với người khác. Nhà báo tọc mạch đời tư của người khác, dễ bị đánh. Công nhân xây dựng - vệ sinh môi trường làm việc thiếu khoa học, bới tung đường hoặc làm cản trở giao thông của người khác, dễ bị đánh. Còn nghề làm thầy - thầy thuốc, thầy giáo - chắc chắn ít bị đánh hơn. Vì họ cứu người, dạy người.
Dễ và khó, đều không có nghĩa là hoàn toàn không xảy ra. Nhà giáo bị đánh, thầy thuốc bị đánh, nhà báo bị đánh, công nhân môi trường bị đánh, cảnh sát giao thông cũng bị đánh. Vậy tại sao chỉ có thầy thuốc là được đề nghị được bảo vệ đặc biệt? Đề nghị đó đã sai ngay ở tính khả thi. Bởi không thể lập chốt mỗi điểm nhà báo đi tác nghiệp, không thể cử cảnh sát đi theo xe rác hay chốt chặn ở các công trường, không thể có anh cảnh sát vác dùi cui đi trong sân trường, và ngồi uống nước chè cả ngày trong phòng khám.
Cảnh sát chỉ nên lập chốt bảo vệ ở đâu? Ở những vị trí bảo vệ mục tiêu, tức những nơi trọng yếu, có khả năng bị tấn công cao như ngân hàng, trụ sở các cơ quan nhà nước. Hoặc đó là những điểm có nguy cơ xung đột, mất an ninh như các khu vực biểu diễn, các sự kiện của đám đông.
Bệnh viện không bao giờ là địa điểm có nguy cơ bị tấn công. Đó cũng không phải môi trường dễ nảy sinh xung đột, vì tính chất của mối quan hệ giữa y bác sĩ và người nhà bệnh nhân là mối quan hệ tương trợ, giúp đỡ nhau. Vậy thì đặt chốt cảnh sát ở bệnh viện làm gì?
Đã có những bác sĩ bị đánh tại nơi làm việc không phải bởi kẻ điên, mà bởi những người bình thường không kiềm chế được cơn giận dữ và lo lắng. Điều đó không khỏi có những khi xuất phát từ ý thức quá mức về quyền lực của những nhân viên y tế.
Và với sự có mặt của những người mặc sắc phục cảnh sát trong bệnh viện, với sự tự tin được bảo vệ, cái ý thức quyền lực của kẻ mạnh trong các nhân viên y tế có thể dễ hình thành hơn. Và vì thế, họ có thể dễ bị đánh hơn, một khi đã mất đi hoặc đã quên đi những giao cảm tốt đẹp với chính cái cộng đồng mà họ đang là thành tố quan trọng và đáng được trân trọng nhất.
Xét cho đến cùng, việc có công an cắm chốt trong bệnh viện chỉ là giải pháp phần ngọn, còn cái gốc rễ sâu xa, nằm trong tâm tính từng con người cụ thể, thì khó mà giải quyết được bằng cách cắm chốt công an.
Nếu bệnh nhân được cứu chữa bệnh trong một môi trường nhân văn, tử tế, bác sĩ được làm việc trong môi trường không áp lực, không quá tải, thì họ có cần lao vào hành hung người đang cứu mạng thân nhân của mình hay không?
Nếu những đồng tiền thuế của người dân không bị thất thoát trong những đại án ngàn tỷ, được sử dụng đúng mục đích vào những quỹ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng một cách tốt nhất.
Tất cả những điều ấy, lập chốt công an trong bệnh viện có thể xử lý được không, thưa bạn đọc?