Được biết, do sự chèn ép của Từ Hy Thái Hậu, hoàng đế Đồng Trị thường tìm đến các chốn lầu xanh để giải sầu. Không chỉ không có trong tay quyền lực, vị vua này còn bị thái hậu cấm đoán, chèn ép ngay cả việc “mây mưa” với hoàng hậu và các phi tần.
Do quá chán nản nên vị vua này đã lao vào các cuộc chơi hoan lạc với gái lầu xanh và điều này đã khiến Đồng Trị mắc bệnh giang mai. Vị vua trẻ đã băng hà khi mới 21 tuổi. Sau đấy, để tránh tai tiếng, Từ Hy Thái Hậu đã tuyên bố là Đồng Trị mắc bệnh đậu mùa mà chết.
Hoàng đế Đồng Trị (1856–1875), tức Thanh Mục Tông, tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Tải Thuần (Tải Thuần), là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con trai duy nhất của Hoàng đế Hàm Phong với Lan Quý nhân Từ Hy.
Năm 1861, Tải Thuần (5 tuổi) được lập vua cha phong làm Hoàng thái tử, đồng thời cử 8 đại quan làm Tán Tương chính vị đại thần, để trợ giúp khi Tải Thuần lên nối ngôi. Tháng 7/1861, Hàm Phong mất tại Nhiệt Hà, Tải Thuần lên ngôi trở thành vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Thanh.
Thế nhưng Hoàng đế Đồng Trị ở ngôi chỉ trên danh nghĩa. Quyền bính thực sự đều nằm hết trong tay mẹ, tức Thái hậu Từ Hy, sau khi bà này đã mưu hại hết 8 vị cố mệnh đại thần (3 vị bị xử chết, 5 vị bị giam hoặc bị xung quân) và lấn lướt Từ An, vốn là người hiền hậu.
Không được chọn vị hôn thê
Năm Đồng Trị sắp sinh nhật lần thứ 18, cả hai bà mẹ là Từ Hy Thái hậu và Từ An Thái hậu bắt đầu lo lắng đến chuyện hôn nhân của vị Hoàng đế trẻ. Sau khi đã chọn lựa kỹ càng, Thái hậu Từ Hy quyết định lựa chọn cô gái của Đại thần Phượng Tú.
Tuy nhiên, Từ An lại có ý khác. Vị Thái hậu hiền lành này lựa chọn cô con gái nhỏ của Thị lang Sùng Khởi. Cô gái này tuy không xinh đẹp vượt trội nhưng dung mạo lại đoan trang, hiền thục, nhìn cũng biết là con người phúc hậu. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng việc lựa chọn đành phó mặc cho Hoàng đế Đồng Trị tự mình quyết định.
Đồng Trị tuy là con ruột của Từ Hy, thường ngày ở cùng mẹ nhưng vì Từ Hy rất nghiêm khắc nên Đồng Trị sợ bà nhiều hơn yêu. Trong khi đó, Từ An là người hiền lành, ít tham vọng lại rất được lòng vị Hoàng đế này. Chính vì vậy, khi nghe hai vị Thái hậu đưa ra những lựa chọn của mình, Đồng Trị suy nghĩ hồi lâu rồi chỉ nói 3 chữ: A Lỗ Đắc.
A Lỗ Đắc chính là con của Thị Lang Sùng Khởi, cô gái mà Từ An lựa chọn với hy vọng Đồng Trị sẽ có được một người vợ hiền thục.
Tuy nhiên, sự lựa chọn này của ông như một sự chống đối khó có thể tha thứ đối với Từ Hy. Vì thế, Từ Hy Thái hậu bắt đầu ghét A Lỗ Đắc lẫn Đồng Trị và Từ An từ đó. Thậm chí, bà còn ra lệnh cấm không cho phép Hoàng hậu A Lỗ Đắc được gần gũi chăn gối Đồng Trị, đồng thời buộc ông phải thường xuyên gần gũi với Huệ phi, người con gái được Từ Hy lựa chọn.
Rơi vào vòng xoáy dục vọng
Sự chia rẽ của Từ Hy đối với tình cảm của Đồng Trị và A Lỗ Đắc không những không giúp bà lấy lại được tình cảm của Đồng Trị. Ngược lại, việc cấm đoán và ép buộc của Từ Hy đã khiến Đồng Trị phẫn uất và chán ghét bà hơn.
Đã có lúc Đồng Trị bực tức, ôm chăn ra Cung Càn Thanh ngủ một mình. Thấy Đồng Trị ngày ngày chán chường, đau khổ, bọn hoạn quan đã nhân cơ hội dụ dỗ rồi đưa vị Hoàng đế trẻ của mình bí mật ra khỏi cung tìm đến chốn lầu xanh kỹ viện trong kinh thành để ăn chơi. Sử nhà Thanh còn chép rõ, có nhiều lần Đồng Trị đi chơi qua đêm không kịp về buổi chầu sớm. Từ Hy Thái hậu trách mắng nhưng chỉ hai hôm sau, mọi chuyện lại “đâu vào đấy”.
Do ăn chơi sa đọa Đồng Trị nhanh chóng suy sụp. Mới 20 tuổi nhưng sức khỏe Đồng Trị đã rất suy nhược, phần dưới cơ thể liên tục bị sưng tấy. Tuy nhiên, Đồng Trị chẳng thèm quan tâm, tặc lưỡi rồi tiếp tục với những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của mình.
Cho tới ngày 21/10 năm Đồng Trị thứ 13, tức năm 1874, khi tới vườn Tây Uyển, Đồng Trị bị gió lạnh và phát bệnh lạ. Ban đầu cơ thể chỉ hơi cảm thấy mệt mỏi, khó ở, tuy nhiên, sang ngày hôm sau, bệnh tình ngày một nặng thêm, nằm liệt trên giường không dậy nổi. Các thái y trong cung được huy động toàn bộ, chẩn đoán bệnh tập thể, tuy nhiên, mỗi người lại nói một phách, chẳng ai đưa ra kết luận cuối cùng. Trong khi đó, bệnh tình của Đồng Trị ngày một xấu thêm, các thái y trong cung buộc phải phân nhau túc trực phòng khi trường hợp cần kíp.
Mười ngày sau đó, bệnh tình Đồng Trị bỗng nhiên nặng thêm thấy rõ, tay chân không còn sức lực, toàn thân mềm nhũn, sốt cao, trên người xuất hiện rất nhiều các đốm màu đỏ. Thái hậu Từ Hy nghe tin giật mình, nghĩ đó là bệnh đậu mùa. Các thái y trong cung không dám nói rõ, tuy nhiên, ai cũng biết rằng căn bệnh mà Đồng Trị mắc phải không còn đáng sợ hơn bệnh đậu mùa gấp nhiều lần: đó là bệnh giang mai.
Chết dần chết mòn vì căn bệnh giang mai
Căn bệnh hoa liễu lây lan qua đường tình dục này vào thời điểm đó không có cách nào để có thể trị khỏi, thậm chí cái chết mà nó gây ra cho người mang bệnh là cực kỳ thê thảm.
Từ Hy hạ lệnh cho thái y cắt thuốc đậu mùa cho Đồng Trị. Đồng Trị hét lên trước mặt Từ Hy: “Trẫm không bị đậu mùa, người muốn hại Trẫm tới chỗ chết!”. Các thái y trong cung hết sức hồ nghi nhưng sợ mang vạ vào thân nên chỉ đành thực hiện theo lời của Từ Hy.
Hai vị Hoàng Thái hậu không ai muốn đem chuyện nhơ nhớp trong hậu cung công khai với dân chúng vì vậy tuyên bố với người bên ngoài rằng Đồng Trị mắc bệnh đậu mùa.
Trong cung bắt đầu các nghi lễ cung phụng “nữ thần đậu mùa” để cứu tính mệnh của ông Vua đang chết dần chết mòn vì bệnh giang mai. Từ Hy ra lệnh cho “đón Nữ thần đậu mùa” về Điện Dưỡng Tâm, trong cung khắp nơi trải thảm đỏ, treo câu đối mắc đèn lồng để tạo không gian vui vẻ. Hai vị Thái hậu ngày đêm khẩn cầu, hy vọng “Nữ thần đậu mùa” sẽ sớm mang căn bệnh đậu mùa ra khỏi Hoàng cung.
Tuy nhiên, hai vị Thái hậu đổ không biết bao nhiêu công sức mà dường như vẫn không lay động được “Nữ thần đậu mùa”. Các vết đỏ trên người Đồng Trị bắt đầu chuyển sang sẫm màu hơn, cả triều đình Đại Thanh bắt đầu lo lắng về kết cục thảm cảnh của ông Vua ăn chơi này.
Để Đồng Trị nhanh chết, Từ Hy hạ lệnh đem tất cả đồ ăn, thuốc uống cũng như các cung nữ thái giám cho tới thái y đang phục vụ Đồng Trị phải rời ra cung Càn Thanh, không có lệnh của Từ Hy không một ai được phép vào cung Đồng Trị.
Bệnh nặng lại không có người chăm sóc, chỉ chịu được hơn 1 ngày sau, vào ngày 5/12/1874, Đồng Trị đã chết trong sự đau đớn và uất hận khi mới tròn 21 tuổi.
Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!