Lời nguyền trên dòng sông chất chứa Hận – Tình

17:15, Thứ năm 28/02/2013

( PHUNUTODAY ) - Trước khi đâm cổ, nàng ngửa mặt nhìn trăng buông độc một lời nguyền: Sau khi tôi chết, xin sông mang xác tôi về nơi xa biệt, và trên dòng nước này, mỗi năm phải có đàn ông chết đuối để trả cho tôi mối hận tình này!

Trong màng sương khói huyền ảo, bỗng chàng nhận ra hình ảnh vợ mình hiện ra chập chờn trước mặt, ánh mắt nàng nhìn anh như nuối tiếc, oán hờn. Chàng vội mạnh tay chèo đuổi theo hình bóng vợ để nói lời tạ lỗi. Nhưng chèo nhanh bao nhiêu thì gương mặt người vợ thân yêu vẫn cứ chập chờn ngay trước mặt mà không thể nào với tới được.

[links()]

Đến lúc tốc độ quá nhanh, gặp vùng nước xoáy, con thuyền độc mộc mỏng manh va vào tảng đá lộ thiên giữa dòng sông vỡ tan lật úp. Đấy chính là người đàn ông đầu tiên nộp mình trên dòng Đăk Bla như lời nguyền của người đàn bà năm trước!

Dòng Đăl Bla và lời nguyền của người vợ trẻ

Dòng Đăk Bla dài 139 km, phát nguyên từ chân núi Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông, xuôi hướng Tây – Đông như tập quán sông ngòi trên khắp Việt Nam, nhưng đến vùng Kon Rẫy thì bẻ ngoặt theo hướng Bắc – Nam, và khi đến địa phận thành phố Kon Tum, sông lại bẻ một vòng cung ngược hẳn hướng Đông – Tây để băng ngang qua lòng thành phố.

Nếu tưởng tượng thêm thì sông Đăk Bla có hình thù một dấu ngoặc vuông ôm về phía phải. Nhờ có sông Đăk Bla mà Kon Tum trở nên đặc biệt hơn, vì là đô thị duy nhất trong 5 tỉnh thành trên khu vực Tây Nguyên có được một dòng sông vắt ngang qua lòng phố xá.

Đăk Bla là cách gọi đã được Việt hóa cho dễ đọc theo ngữ âm phổ thông. Theo âm Ba-na thì là Đăk Blăh. Đăk: nguồn nước, sông suối… Blăh: hung dữ, cuồng nộ… Do vậy mà xưa nay con sông rừng này còn được coi là “con nước hung bạo” hoặc “dòng sông chảy ngược”!...

Đã bao đời nay, cư dân các dân tộc bản địa bên dòng Đăk Bla còn mãi truyền kể nhau nghe nhiều truyền thuyết, huyền thoại nhằm giải thích những hiện tượng chung quanh dòng sông.

Đá Rơ-wang giữa sông Đăk Bla
Đá Rơ-wang giữa sông Đăk Bla

Chuyện vì sao là “Con nước hung bạo?”: Xưa kia, có một gia đình trẻ sinh sống yên bình nơi một ngôi làng Ba-na bên bờ sông Đăk Bla. Hai vợ chồng lấy nhau lâu ngày mà chưa có con. Anh chồng lén lút vợ đi ngoại tình với người đàn bà khác ở làng bên hòng kiếm đứa con.

Người vợ trẻ biết được, lòng dâng đầy ghen tức. Oán hận và buồn tủi vì mình bị xúc phạm đến độ tuyệt vọng, người vợ trẻ quyết định tự vẫn. Nàng chọn một đêm trăng đầu mùa mưa lũ, âm thầm chèo chiếc xuồng độc mộc ra giữa dòng sông.

Trước khi đâm cổ, nàng ngửa mặt nhìn trăng buông độc một lời nguyền: Sau khi tôi chết, xin sông mang xác tôi về nơi xa biệt, và trên dòng nước này, mỗi năm phải có đàn ông chết đuối để trả cho tôi mối hận tình này!

Sau khi vợ chết, anh chồng trẻ tỉnh ngộ, ăn năn hối lỗi, nhưng mọi sự đã rồi. Anh chỉ biết ôm nỗi dằn vặt và thương nhớ không nguôi.

Đến đầu mùa mưa lũ năm sau, cũng đúng vào đêm trắng sáng ấy, ngay tại khúc sông ấy, anh chồng đang quăng lưới buông câu. Trong màn sương khói huyền ảo, bỗng chàng nhận ra hình ảnh vợ mình hiện ra chập chờn trước mặt, ánh mắt nàng nhìn anh như nuối tiếc, oán hờn.

Chàng vội mạnh tay chèo đuổi theo hình bóng vợ để nói lời tạ lỗi. Nhưng chèo nhanh bao nhiêu thì gương mặt người vợ thân yêu vẫn cứ chập chờn ngay trước mặt mà không thể nào với tới được.

Đến lúc tốc độ quá nhanh, gặp vùng nước xoáy, con thuyền độc mộc mỏng manh va vào tảng đá lộ thiên giữa dòng sông vỡ tan lật úp. Đấy chính là người đàn ông đầu tiên nộp mình trên dòng Đăk Bla như lời nguyền của người đàn bà năm trước!

Và từ đó như trở thành tiền định, cứ vào mỗi mùa mưa lũ, dường như tất cả nước từ thượng nguồn rừng núi cùng phăng phăng đổ dồn về sông Đăk Bla. Con sông trở thành mênh mang tràn bờ ngập bến, nó sẵn sàng nhấn chìm, cuốn phăng tất cả những gì chẳng may có trong dòng cuộn.

Những người đàn ông lại là người luôn có các công việc liên quan đến sông, như đánh bắt cá, vớt cây gỗ trôi về, hoặc chỉ đơn giản là qua sông để lên nương rẫy, săn bắn... Đấy là môi trường để đàn ông dễ chết trôi theo dòng nước xiết.

Năm nào chưa có người chết đuối thì nước sông cứ mãi dâng cao trong mưa bão triền miên, núi rừng chuyển động, tiếng nước thác gầm gào réo vọng như tiếng kêu oán hờn đòi nộp mạng hồn oan!

Tảng đá làm vỡ xuồng người chồng trẻ năm xưa ngày nay vẫn còn trơ giữa lòng sông mang dáng dấp một con rùa lớn, bà con Ba-na gọi là Đá Rơ-wang. Và ngôi làng bên cạnh bờ sông có hòn đá ấy gọi là Làng Rơ-wang.

Chuyện tình đẹp, bi thảm sau “dòng sông chảy ngược” và cây đôi Si - Tơ đáp

Cây Đôi – Si và Tơ-đáp
Cây Đôi – Si và Tơ-đáp

Thuở sông Đăk Bla hãy còn xuôi chảy hướng Tây – Đông, chứ chưa đổi ngược dòng Đông – Tây như bây giờ, chiến tranh bộ tộc lúc ấy còn hoành hành khắp xứ Tây Nguyên. Các buôn làng thường xuyên đánh phá, cướp bóc lẫn nhau không ngớt.

Có một làng người Jơ-rai bên hữu ngạn thượng lưu sông và một làng Ba-na bên tả ngạn hạ lưu sông cũng vậy. Hai làng có mối thù không đội trời chung. Nhưng oái oăm thay, có chàng trai bên làng Jơ-rai và cô gái bên làng Ba-na yêu nhau tha thiết.

Hai người biết là không thể nào lấy nhau được nhưng chia tay nhau thì cả hai cũng không thể đành lòng. Trong cơn tuyệt vọng, chàng và nàng hẹn nhau một đêm trăng sáng, vào đúng giờ ấy, cùng ra bên dòng sông nơi phía làng mình, cùng đâm cổ nhào xuống sông mà chết.

Dòng máu nóng từ người chàng trai chảy ra hòa vào nước sông xuôi về Đông để tìm đến bờ sông nơi làng cô gái. Dòng máu của cô gái, lạ lùng thay, không trôi xuôi theo dòng nước, mà lội ngược về Tây để tìm đến bờ sông bên làng chàng trai ở.

Khi hai dòng máu gặp nhau ở giữa sông, thì máu của chàng trai dường như tuân theo lệ tục mẫu hệ, lại trở ngược hướng, cùng nhập vào và trôi theo hướng dòng máu cô gái đang trôi.

Đôi dòng máu chung tình này hòa thắm cả dòng sông và kéo luôn cả nguồn nước sông trôi ngược về Tây từ ấy đến giờ! Và cũng từ đó, cư dân hai bên bờ thấy màu nước sông Đăk Bla có màu đỏ thẫm phù sa!

Hiện tượng con sông bất ngờ chảy ngược và nhuộm đỏ máu đào của hai con người chung tình son sắt đã khiến hai làng cừu thù ấy và các làng buôn quanh vùng cùng thức tỉnh, không còn hận thù, đánh phá nhau như trước nữa mà dần dà giao lưu hòa bình hiếu hảo từ đó đến nay.

Cũng chuyện tình yêu sắt son và trắc trở chung quanh dòng sông Đăk Bla này còn có chuyện về cái Cây Đôi tỏa bóng cạnh bờ sông: Ngày nay, bên bờ phía hữu ngạn của sông Đăk Bla, cạnh đường Bạch Đằng, gần đầu cầu Đăk Bla cửa ngõ thành phố Kon Tum, có một bóng cây cổ thụ đứng lặng lẽ che mát một vùng. Ấy là một đôi cây si và cây tơ-đáp cổ thụ ôm cuốn lấy nhau cộng sinh thành một gốc.

Cây có từ bao giờ thì không ai biết. Chỉ nghe kể rằng, từ thuở còn triền miên chiến tranh bộ tộc, bên kia sông và bên này sông có hai làng có mối cừu thù dai dẳng. Bất chấp mối cừu thù của 2 làng, có chàng trai làng bên kia sông và cô gái làng bên này bờ yêu nhau da diết.

Khi biết chuyện, hai làng cấm ngặt, kiên quyết không cho lấy nhau, nếu lấy nhau thì hai người hoặc sẽ bị giết chết hoặc sẽ bị đuổi ra khỏi làng. Mà theo lệ tục cộng đồng, bị đuổi ra khỏi làng là một mối sỉ nhục có khi còn đớn đau hơn là chết!

Thế là vào một đêm trăng sáng cuối năm, khi mùa Ning-nơng đã đến, các làng buôn đang dập dìu rộn rã trong tiếng cồng chiêng, ngã nghiêng trong vòng xoang dẻo, ngập chìm trong men rượu ghè ngây ngất ăn mừng Lúa mới. Chàng trai lặng lẽ rời hội làng, bơi xuồng độc mộc sang sông tìm gặp người yêu nơi điểm hẹn. Cô gái cũng âm thầm nới vòng tay xoang đang rộn rã giữa sân làng, lẻn đến bờ sông.

Trong cái lạnh sắt se của mùa đông rừng núi, hai người ôm chặt lấy nhau để truyền hơi ấm và khóc than duyên phận. Hai người mê đắm vào nhau như hòa làm một. Khóc than đến khi trời sáng thì hai người ngất lịm đi và không buông rời ra nữa.

Lạ lùng thay, thân xác hai người liền sau khi chết, hình như để ngụy trang, che giấu người làng phát hiện, đã lập tức biến thành một bóng cây đôi đứng lặng giữa đất trời, và… đứng mãi đến giờ! Chàng thành cây si và nàng là cây tơ-đáp.

Hằng năm, khi vụ mùa thu hoạch đã xong, các buôn làng vào lễ hội Ning-nơng ăn mừng lúa mới, thì Cây Đôi cũng đến mùa bung nở những chùm hoa tơ-đáp đỏ thắm trên cao phản chiếu ánh hồng xuống tàn lá xanh um mướt mát của tán si bên dưới, tạo cho thành phố Kon Tum một cảnh đẹp đơn sơ mà độc đáo.

Tiếc thay, vừa qua không hiểu con mắt nhìn thẩm mỹ thế nào, người ta lại vô cảm cưa bỏ phần thân cây tơ-đáp nhô cao bên trên, chỉ để lại một bóng si già đứng đơn độc buồn thiu, dáng si đứng chơ vơ như đang trầm ngâm trong một nỗi niềm tiếc nhớ!...

Thông thường, trong những chuyện tình yêu trai gái, bao giờ thiên hạ cũng đều dành cho những niềm vui và hạnh phúc. Nhưng chung quanh con sông rừng chảy ngược này lại có đến mấy chuyện tình trắc trở, buồn đau. Thoáng nghe qua ngỡ là nghịch lý.

Nhưng có phải chăng, cũng từ đó mà đã khiến cho đất trời Tây Nguyên ngày nay có được nhiều cảnh đẹp, văn hóa Tây Nguyên có được nhiều huyền tích hay, và con người Tây Nguyên càng thêm giàu chất nghĩa tình?

  • Tạ Văn Sỹ
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc