Lời thú tội buồn bã của một người tù bị cha mẹ bỏ rơi

06:24, Thứ ba 10/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Khi ấy bà anh lại cười hiền từ và nói: “Cháu chỉ cần cố gắng cải tạo rồi trở về với bà. Hai bà cháu mình nghèo nhưng sống trong sạch và thanh thản, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Bà chẳng mong ước gì hơn”.


Đứa trẻ chưa bao giờ được mẹ yêu thương

Khi nhắc về người bà 79 tuổi của mình, đôi mắt của của người phạm nhân 27 tuổi cứ hoe đỏ. Tuấn Anh nói: “Tôi chưa bao giờ rơi nước mắt khi bị bọn trẻ con cùng xóm tụm lại đánh đập, trêu ghẹo tôi là con hoang, là con của một người mẹ tù tội. Tôi cũng chưa bao giờ khóc vì trước bất cứ khó khăn, đau đớn nào trong đời. Nhưng lần nào nghĩ về bà ngoại tôi, nghĩ về những hi sinh của bà dành tôi và những đau đớn tôi đã gây ra cho bà, tôi đều không cầm nổi nước mắt. Tôi đã đừng mơ ước được đền đáp công ơn dưỡng dục của bà, từng mơ sẽ tạo ra một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc để đổi đời cho hai bà cháu, nhưng cuối cùng, tất cả những gì tôi dành cho bà ngoại mình chỉ là sự bất hiếu đáng hổ thẹn”.

Tuấn Anh kể: “ Từ khi sinh ra, tôi  từng biết mặt cha. Tôi chỉ nghe bà ngoại kể lại rằng cha tôi là công nhân làm đường nay đây mai đó. Ông ấy đến quê tôi mở đường mới và gặp mẹ tôi. Ngày đó mẹ tôi mới 16 tuổi, chưa từng va vấp cuộc đời. Mẹ tôi đã yêu cha tôi và dành cho ông ấy những gì quý giá nhất.

Nhưng khi biết mẹ tôi mang thai tôi, cha tôi đã vội vã bỏ đi. Ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại tôi ở vậy nuôi con chứ nhất định không đi bước nữa. Khi phát hiện mẹ tôi không chồng mà chửa, bà tôi đau đớn vô cùng, nhưng vẫn thương đứa con gái dại dột. 17 tuổi mẹ tôi sinh tôi trong nỗi ê chề, nhục nhã khi bị mọi người xung quanh dè bỉu vì cái tội chửa hoang. Từ đó mẹ tôi hận cuộc đời, hận đàn ông. Mẹ luôn coi tôi là nguyên nhân của mọi sự bất hạnh trong cuộc đời mẹ, nên từ lúc sinh ra, mẹ không chăm bẵm, yêu thương tôi như những người mẹ khác. Mẹ không cho tôi bú, không ru tôi ngủ. Đến cả việc giặt tã lót cho tôi mẹ cũng không bao giờ làm.

Đến khi tôi được 11 tháng tuổi thì mẹ tôi bỏ đi, chỉ để lại một bức thư xin lỗi bà ngoại. Trong thư mẹ chỉ nói mẹ đi để kiếm tiền, bao giờ giàu mẹ sẽ về. Thương tôi từ khi sinh ra đã bị cha ruồng bỏ, bị mẹ ghẻ lạnh, nên bà ngoại lúc nào cũng chăm bẵm và dồn hết tình yêu cho tôi. Bà ngoại không sinh ra tôi, nhưng theo một cách nào đó, bà chính là mẹ tôi, là người đã nuôi nấng tôi từng ngày cho đến khi tôi lớn khôn”.

Sinh ra trong hoàn cảnh không được cha mẹ chào đón, nên trong suốt những năm tháng tuổi thơ, anh không hề biết mặt cha mẹ mình. Anh thậm chí không ý thức được sự khác biệt của mình so với những đứa trẻ khác nên chưa bao giờ hỏi bà ngoại về cha mẹ mình. Năm anh lên 7 tuổi, mẹ anh đột ngột trở về. Khi ra đi, mẹ anh chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Nhưng khi trở về, bà đã là một người phụ nữ giàu có, trang sức đeo đầy người. Anh kể: “Từ khi mẹ trở về, cuộc sống gia đình tôi đổi khác. Mẹ mua sắm đồ đạc trong nhà, mua sắm cho bà cháu tôi quần áo mới. Bữa ăn của chúng tôi cũng tươm tất hơn, thỉnh thoảng có món này món kia bồi dưỡng. Nhưng mẹ vẫn đối xử với tôi như xưa, không yêu thương, không tình cảm. Mẹ coi tôi là một đứa trẻ xa lạ chứ không phải là đứa con ruột thịt của bà. Tôi chưa bao giờ nhận được tình yêu thương của mẹ, nên với tôi việc bị mẹ đối xử lạnh lùng cũng không lấy gì làm buồn bã. Nhưng mẹ chỉ về được nửa năm là bị công an bắt đi. Họ bảo mẹ tôi vừa phạm tội buôn người, vừa phạm tội buôn ma túy. Mẹ tôi bị xử 25 năm tù. Cuộc sống của bà cháu tôi lại quay trở lại nghèo khó như xưa”.

Tuấn Anh nhớ lại, ngày chứng kiến mẹ anh bị công an đưa đi, bà ngoại anh cứ ôm lấy anh và lau nước mắt. Bà bảo với anh: “Đời mẹ mày thế là hỏng. Mày đừng theo vết xe đổ của mẹ mày. Hãy cố gắng làm người tử tế”. Hai bà cháu anh lại túc tắc nuôi nhau qua ngày bằng đồng lương trợ cấp ít ỏi của bà ngoại và bằng những mớ rau bà anh trồng mỗi ngày.

Từ bé sinh ra, anh đã là một đứa trẻ lì lợm. Ở lớp, ở trường rồi ngay cả trong xóm, đám trẻ con cùng lứa thỉnh thoảng vẫn rêu rao anh là “đồ con hoang”, là “con tù”. Chúng chặn đường đánh anh, bắt anh làm ngựa cho chúng cưỡi và nghĩ ra đủ trò hành hạ anh. Nhưng anh đã đi qua tất cả những thứ đó, vì bà anh bảo “một điều nhịn là chín điều lành”. 12 năm liền anh đều là học sinh khá, giỏi của trường.

Năm anh thi đại học, cả cái trường cấp 3 nơi anh theo học chỉ có mình anh đỗ đại học. Với bà ngoại anh, đó là niềm tự hào lớn. Ngày anh đỗ đại học, bà nói với anh: “Bà mừng lắm. bà không ngờ bà nuôi mày được đến ngày này. Kệ mọi người nói cha mẹ mày ra sao, miễn mày là người tử tế, đàng hoàng, là bà cháu mình sẽ ngẩng cao đầu để sống”.

Những sai lầm của người đàn ông khao khát hạnh phúc

Anh vào đại học với một quyết tâm to lớn, đó là sẽ học hành thành tài để báo hiếu bà. Thỉnh thoảng có tiền, bà ngoại anh vẫn gửi đồ thăm nuôi cho mẹ anh trong tù. Mỗi lần như thế bà đều bảo anh viết thư. Nhưng anh không bao giờ viết. Anh đã đủ lớn để hiểu giữa mẹ và anh không bao giờ tồn tại tình yêu thương.

Để nuôi anh đi học đại học, đồng lương trợ cấp ba cọc ba đồng của bà anh chẳng đủ để trang trải học phí. Thương đứa cháu bất hạnh từ nhỏ, bà ngoại anh đã quyết tâm lo cho anh bằng mọi giá. Bà bỏ quê xuống Hà Nội, ngày ngày xách cái cân nhỏ đi khắp các vỉa hè, kiếm từng 500 đồng cho mỗi lần cân. Bà đã tích cóp từng đồng bạc lẻ bằng cách đó và nuôi anh ăn học cho đến năm thứ 3 đại học.

Nhưng cũng năm đó thì biến cố xảy ra. Cuối học kỳ 1 năm đó, vì chưa đủ tiền đóng học phí cho anh, nên bà ngoại anh đã cố sức kiếm tiền nhiều hơn. Bà xách cái cân cũ của mình đi từ sáng đến tận đêm khuya, hi vọng kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Một đêm trời lạnh, khi trở về nhà, bà ngoại anh đã hoàn toàn kiệt sức.

Ở tuổi ngoài 70, làm việc kiệt sức dưới thời tiết giá lạnh đã khiến bà bị sưng phổi nặng. Anh bảo suốt đời anh sẽ không bao giờ quên được cái nỗi sợ lúc anh đưa bà mình vào bệnh viện. Lúc đó anh tưởng anh đã vĩnh viễn mất bà. Ngày trước anh chưa bao giờ thực sự ý thức được cái nghèo của mình. Nhưng cái lúc không kiếm đâu ra tiền đóng viện phí cho bà, anh mới thấm thía cái đau đớn của những người nghèo. Khi ấy anh quyết tâm mình sẽ phải làm giàu càng nhanh càng tốt. Và anh đã chọn cách mà mẹ mình đã chọn. Anh đã đi buôn ma túy, để có tiền chữa bệnh cho bà, và để hai bà cháu có cuộc sống tốt hơn.

Sau cơn bạo bệnh đó, bà anh đã khỏi bệnh. Nhưng đó cũng là lúc anh càng ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Anh đã kiếm được nhiều tiền nên không còn cho bà đi cân thuê ngoài đường nữa. Thấy cháu mình kiếm được tiền một cách dễ dàng, linh cảm của người bà đã giúp bà nhanh chóng nhận ra những việc làm tội lỗi của anh.

Ngày bà anh phát hiện ra anh đi bán ma túy, bà ngồi trong góc phòng và khóc, luôn miệng nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Bà hết khuyên bảo lại quay sang đe dọa, nhưng lúc đó anh đang say kiếm tiền đến mức không còn nghe những lời khuyên của bà. Không khuyên nhủ được đứa cháu mù quáng, bà anh lại xách cân ra đường, ngày ngày đi cân thuê kiếm tiền. Bà không bao giờ ăn những đồ ăn anh mang về, không mặc những bộ quần áo anh mua tặng.

 Bà nấu cơm ăn riêng và chia đôi tiền nhà với anh. Mỗi lần anh van vỉ, bà anh đều lạnh lùng nói: “Bà thà đi ăn xin để kiếm cái ăn còn hơn sống nhờ những đồng tiền không trong sạch của mày”. Bà anh đã làm tất cả những điều đó để hi vọng anh thức tỉnh. Nhưng khi hi vọng của bà chưa thành hiện thực, anh đã bị công an bắt. Khi đó anh mới học cuối năm thứ 3 đại học. Tương lai của anh – tương lai của một cậu sinh viên – những tưởng rộng mở thênh thang bỗng chốc trở nên bế tắc.

Anh bị kết án 9 năm tù. Lúc anh vào tù, cũng là lúc mẹ anh ra tù. Nhưng suốt thời gian anh ở tù, mẹ anh chưa bao giờ đến thăm anh. Trong mắt mẹ, anh mãi mãi là nghiệp chướng, là sai lầm cần phải quên đi của mẹ. Chính vì thế với anh, mẹ chỉ dành cho anh sự ghẻ lạnh, hoàn toàn không chút tình cảm. Anh bảo, những năm anh ở tù, chỉ có bà anh là người duy nhất đến thăm anh.

Ngày anh bị bắt và đưa ra tòa xét xử, bà anh khóc ngất trước tòa, vừa thương vừa giận đứa cháu dại dột. Nhưng bà không bao giờ bỏ rơi anh. Không còn mục đích nuôi anh học đại học như trước, bà anh trở về quê sống bằng đồng lương hưu của mình, lại tích cóp dành dụm từng đồng để đi thăm nuôi đứa cháu trong tù. Anh vẫn nhận được những món đồ quen thuộc hàng tháng: một ít cá khô, một ít muối vừng, một ít chè xanh uống nước. Những món đồ đó tuy rẻ tiền, nhưng là tình yêu bao la mà bà anh dành cho anh.

Anh vẫn nhớ một lần bà lên thăm, vừa nhìn thấy bà trong nhà thăm gặp, anh đã khóc và hỏi: ‘Bà ơi, cháu biết làm thế nào để báo hiếu bà? Cháu biết làm thế nào để trả nợ bà”. Khi ấy bà anh lại cười hiền từ và nói: “Cháu chỉ cần cố gắng cải tạo rồi trở về với bà. Hai bà cháu mình nghèo nhưng sống trong sạch và thanh thản, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Bà chẳng mong ước gì hơn”.

Anh bảo anh đã đi qua 27 năm cuộc đời, mới hiểu rằng hạnh phúc mà mình có, không phải tiền sẽ mua được, cũng không phải những việc làm nhơ bẩn, bất chấp thủ đoạn sẽ giúp anh có được. Chỉ có cách sống bằng tình yêu thương và hi sinh cho người mình yêu thương một cách chân thành mới giúp mình có được hạnh phúc. Đó chính là bài học mà bà anh đã dạy anh trong những năm tháng lầm lỗi của cuộc đời mình.

PV
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc