Luôn tiêu ít hơn số tiền bản thân kiếm được
Lương thấp không phải "TỘI", bởi có những thời điểm bạn không thể à uôm nhảy ra startup, không may mắn có tài sản thừa kế kếch xù. Bạn xuất phát từ bần nông, xuất phát từ một kẻ tay trắng, đi làm bằng tấm bằng đại học và đời chưa đủ trải để tự kinh doanh riêng... thì việc bạn chưa có tài sản lớn, chẳng ai dám trách bạn cả.
Chỉ là khi bắt đầu kiếm được tiền, bạn phải học được cách giữ tiền và biến nó tăng nhiều hơn nữa. Nếu bạn để đồng tiền mình kiếm được trôi đi không quay trở lại mới là "Tội".
Có rất nhiều kẻ khờ khạo, luôn tiêu sạch sành sanh số tiền lương trong tháng, luôn vay mượn lung tung chỉ để chi tiêu cho các khoản cá nhân như mua sắm, ăn uống, du lịch… lương tháng này đập vào lương tháng kia, doanh thu tháng này bù lỗ lãi vào tháng khác. Cứ như thế vòng luẩn quẩn cứ lặp lại liên tiếp, đến khi tổng kết số tiền không thể trả nổi, không thể bù lỗ lại tăng lên kinh khủng.
Có kẻ khờ hơn là, lương 10 – 15 triệu đã nghĩ là to, thẳng tay quẹt thẻ tín dụng, đi đến siêu thị cũng quẹt, đến cửa hàng thời trang cũng quẹt, ăn uống cũng quẹt… và thế là khi tổng kết thẻ, nhìn con số lại đâm lo lắng. Nhưng rồi, thói quen khó bỏ, tháng sau lại vẫn như thế. Sau 5, 7 năm đi làm ừ thì "tôi vẫn là kẻ trắng tay".
Còn có nhiều trường hợp, "đáng thương" đến nỗi luôn ngồi than đời, trách người rằng số mình không giàu được, mình đen đủi, số mình không ai yêu thương thật lòng vì mình nghèo quá. Đúng. Nhưng mà là tại bạn.
Một vài kẻ sĩ hão đến mức độ luôn phán xét cách tiêu tiền của người khác:
"Gã kia thật bủn xỉn, ai lại để con gái trả tiền"
"Ôi, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc… sống thế sống làm gì"
"Gu thời trang của hắn tệ hại quá, lúc nào cũng sơ mi, tuần mặc 3 bộ… sao đi làm cùng nhau mà lại có kẻ quê mùa này rớt vào đây cơ chứ…"
"Hôm nay tao khao…"
Nhưng trong hoàn cảnh này bạn biết không, kẻ được phán xét và kẻ phán xét có mức lương bằng nhau. Nhưng kẻ mà được cho "lỗi mốt sống" đó lại đang rất dư giả về tài chính. Anh ta có thể xoay lúc cả trăm triệu gửi về nhà nếu ba mẹ ở quê có việc gấp. Hôm nay anh ta không may phải nhập viện vì một lý do nào đó, anh ta không phải chạy vạy khắp nơi vì số tiền viện phí lớn hơn cả mấy tháng lương. Hay đơn giản sau 5 – 7 năm ra trường, anh ta cần tìm một cô vợ để xây dựng mái ấp, anh ta có thể rõ ràng đặt vấn đề với bố mẹ cô gái "Cháu có đủ chân thành và kinh tế để chăm lo cho cô ấy".
Còn kẻ đang ngồi phán xét kia, cũng sau 5 -7 năm đó, những thứ còn lại chỉ là dăm ba bộ quần áo thời trang, vài chiếc đồng hồ theo thời gian cũng lỗi mốt, một tá thẻ tín dụng với số nợ khổng lồ và vẫn đang ngồi cắn đắn "Sao cô ấy lại bỏ tôi mà đi".
Vậy rốt cục "Tại sao tôi và anh ta lương bằng nhau mà tôi vẫn nghèo như thế?"
Đó là vì bạn quá nuông chiều mức sống của bản thân, bạn luôn tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được. Nói phũ phàng một chút thì bạn là kẻ sĩ diện nhất đối với chính cuộc sống của mình.
Phương pháp là gì? Là stop lại ngay cái việc yêu chiều mua sắm quá đà, khoe khoang tài chính, dừng phán xét cách tiêu tiền của người khác và xem lại cách chi tiêu của chính mình. Hãy yêu từng đồng hào bạn kiếm được ngay từ bây giờ đi.
Quy tắc 50/20/30 hoạt động như thế nào?
Quy tắc này sẽ chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 danh mục chính với tỷ lệ phần trăm như sau:
50% thu nhập của bạn - Các yếu tố cần thiết
Để bắt đầu, hãy dành ra không quá một nửa thu nhập của bạn cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Có vẻ 50% là một tỷ lệ cao nhưng một khi xem xét những danh mục thuộc các chi phí cần thiết bạn mới thấy con số đó có ý nghĩa.
Nói một cách rõ ràng, chi phí thiết yếu là những khoản mà bạn chắc chắn phải bỏ ra bất kể bạn ở đâu, làm gì hay có kế hoạch gì trong tương lai. Thông thường, những chi phí này thường giống nhau ở hầu hết mọi người, bao gồm tiền ăn, tiền ở, chi phí đi lại và các hóa đơn tiện ích như điện, nước.
Hãy cố gắng để tổng chi phí thiết yếu không vượt quá 50% lương. Nhưng nếu con số đó lớn hơn 50%, hãy thử giảm tiền các hóa đơn xuống như sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân,…Mà nếu không thể làm được điều đó nữa thì bắt buộc bạn phải giảm 5% ở mỗi danh mục tiếp theo. (Các chuyên gia khuyên bạn cắt giảm ở phần chi tiêu cá nhân, chứ không nên giảm ở mục tiêu tài chính).
20% thu nhập của bạn – Mục tiêu tài chính
Bước tiếp theo là dành 20% lương để dành cho mục tiêu tài chính bao gồm tiết kiệm, trả nợ và quỹ dự phòng. Danh mục này chỉ nên được bổ sung khi danh mục chi phí thiết yếu đã được xét đến và trước khi bạn kịp nghĩ đến bất cứ điều gì thuộc danh mục chi tiêu cá nhân.
Nếu bạn đạt được mục tiêu 50% hoặc ít hơn thu nhập dành cho chi phí thiết yếu và 20% hoặc lớn hơn dành cho mục tiêu tài chính, bạn sẽ có thể trả nợ nhanh hơn hoặc nếu không bạn sẽ ít phải lo lắng hơn khi bước vào tuổi nghỉ hưu. "Nghỉ hưu" có thể là một khái niệm cần thiết ở tuổi 20, 30 nhưng hãy nhớ bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm bao nhiêu thì tuổi già của bạn càng thoải mái bấy nhiêu khi không phải nghĩ đến chuyện tích cóp hằng ngày.
30% thu nhập của bạn – Chi tiêu cá nhân
Danh mục cuối cùng và cũng là yếu tố có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong ngân sách của bạn – những chi phí không thiết yếu. Một số chuyên gia tài chính xem xét đây là danh mục hoàn toàn linh hoạt nhưng trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cho rằng một số thứ thuộc những thứ "xa xỉ" là một phần không thể thiếu với họ. Lý do danh mục này chiếm phần trăm lớn hơn mục tiêu tài chính là bởi có quá nhiều thứ thuộc vào đây.
Những chi phí phục vụ cuộc sống cá nhân bao gồm tiền điện thoại, thực phẩm giải trí, du lịch, mua sắm,…Cũng giống như danh mục chi phí thiết yếu, 30% là tỷ lệ tối đa bạn nên dành cho cuộc sống cá nhân. Chi phí thuộc danh mục này càng ít tương lại tài chính càng được đảm bảo khi bạn về hưu.