"Trời ơi, đến một bữa ăn no cũng khó, làm sao nhà tôi có được điều kiện để được một bữa ăn ngon", bà Đỗ Thị Lạp (74 tuổi, Ngõ 87 phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội), bà nội của cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu (học sinh trường Amsterdam - tác giả bài văn lạ từng gây xôn xao), thốt lên. Nhà cụ Lạp cách con phố Núi Trúc nơi có đàn con đẩy bố ốm ra vỉa hè cũng chỉ vài trăm mét, nhưng dường như đó là 2 thế giới khác biệt.
Mong con có bữa ăn no
Ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra bà cụ Lạp cũng có được một cuộc sống đầy đủ, dư dả như bao người khác. Trong căn nhà 3 tầng khá khang trang, mức lương hưu 3 triệu/ tháng, bà bảo "già rồi, ăn gì tiêu gì cho hết".
Trước đây ông bà bán ngôi nhà cũ được phân, cho các con mỗi đứa một ít tiền, số con lại ông bà mua căn nhà này làm nơi chui ra chui vào lúc tuổi già. Bà cũng là có ý định cho lại đứa cháu đích tôn khi đến tuổi quy tiên.
Bà Lạc - bà nội của Nguyễn Trung Hiếu, tác giả bài văn lạ khiến hàng ngàn người xúc động. (Ảnh: Zing) |
Nhìn cái nhà thì vậy, nhưng bên trong ngôi nhà ấy là cảnh trống không, tuềnh toàng đến xót xa. 3 con người, 3 con bệnh. Nhưng hàng ngày họ vẫn hiếu thuận, sống đầm ấm, bao bọc lẫn nhau. Mẹ trông con, con chăm mẹ, họ nhìn nhau để sống.
Nghe bà nói thì khó ai tin được trong thời buổi xã hội này mà 3 con người họ chỉ chi tiêu, ăn uống, sinh hoạt vẻn vẹn trong khoảng 30.000 đồng/ ngày.
Lương hưu của bà được 3 triệu/ tháng + 350.000 đồng (tiền trợ cấp người nghèo của chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Hiếu). Hàng tháng, tiền mua thuốc chữa bệnh tiểu đường của bà 1 triệu, tiền điện nước, gas hết khoảng 700.000 đồng, tiền đóng thêm để chạy thận cho chị Hạnh 500.000 đồng (chị Hạnh có bảo hiểm xã hội). Còn 1 triệu, chi tiêu cho 3 người, vị chi 3 người mỗi người được ăn 10.000 đồng/ ngày.
"Cả nhà mỗi bữa được nửa ống bơ bò gạo, với một bìa đậu, quả mướp nấu canh. Có khi cả tháng mới mua được 1 lạng tép kho mặn ăn cả nửa tháng, gọi là chấm mút cho có tí mùi cá. Thịt có khi cả tháng, mấy tháng mới được một miếng, người gầy queo quắt tội lắm", bà Lạc lau nhanh nước mắt.
Chị Hạnh hàng tháng cũng được chị gái gửi cho 2 lạng ruốc để ăn dần, có khi là ít cá khô lại rim mặn ăn dè với rau luộc. Nhiều lần cụ không dám nhìn vào mâm cơm trắng với muối vừng vì xót xa.
Một mình tôi thì đâu đến nỗi nào, nhưng phải chắt chiu, bóp miệng, nhường cơm cho con cái có được miếng ăn, chứ giờ mà ăn như người ta thì chúng nó lấy gì mà sống".
Giàu sang mà bất hiếu... thì tủi lắm
Giờ niềm vui lớn nhất của bà là nhìn thấy con cái vẫn yêu thương, sống hiếu thuận với nhau. Đứa cháu trai thông minh, đang đi du học nước ngoài (Với học bổng toàn phần được trao tặng) vẫn thường xuyên liên lạc nhờ người động viên bà và bố mẹ.
Bà bảo, Hiếu cũng là đứa cháu ngoan, không vồn vã nhưng Hiếu giống bố sống rất tình cảm và biết quan tâm tới người khác.
Chị Hạnh - mẹ của Hiếu hàng tuần vẫn 3 lần đi chạy thận. (Ảnh: zing) |
Đối với bố chồng, chị Hạnh dù sống tình cảm hét mức. "Khi ông ấy còn nằm một chỗ tất cả đều một tay nó cho ăn, tắm rửa, nâng giấc giữa đêm. Ngày nào nó cũng nằm cạnh ông ấy, một đêm phải đỡ ông dậy đến 3-4 lần đưa ông đi vệ sinh, giúp ông thay giặt, tắm rửa. Được 3 năm thì ông cụ mất", bà cụ Lạc trải lòng.
Thấy con cái hiếu thuận, tận tình bà cũng yên tâm lúc về già. "Dù con cái không khỏe mạnh gì nhưng chỉ cần được nhìn thấy con cái còn sống bên mình là vui lắm rồi. Tiền thì cũng cần lắm, nhưng nhìn người ta đầy đủ, giàu sang mà ngược đãi, coi thường bố mẹ thì cũng tủi lắm", bà Lạc lại tự động viên mình.
Hàng tuần 3 lần chị Hạnh đi xe đạp vào viện Bạch Mai chạy thận. Những lúc như vậy, bà Lạc lại đi chợ, nấu cơm chăm sóc con dâu đau yếu.
"Ai cũng bảo tôi là con gái chứ không phải con dâu. Suốt 9 năm qua, tôi ăn rồi đi chạy thận có làm được gì đâu. Đều một tay hai bên nội ngoại giúp đỡ", chị Hạnh tiếp lời.
Nói về con dâu, bà Lạc dành hết những lời tốt đẹp về con. Cụ bảo chị là người hiền lành, ngoan ngoãn chỉ tội sức khỏe vậy nên nó cũng buồn. "Có nhiều lúc tôi động viên nó, nó chỉ im lặng rồi khóc. Toàn những người ốm yếu nên mẹ con trông nhau để sống. Tôi ốm thì nó phải trông nom, nó ốm thì tôi cũng phải có trách nhiệm chứ".
Chị Hạnh ngậm ngùi, cũng may được ông bà yêu thương chứ nhà này cũng của ông bà, cơm ăn cũng tiền ông bà chứ anh chị cũng chả có gì. Chị cũng phải cảm ơn vì may mắn có được người mẹ chồng như bà Lạc, bao năm qua chị bệnh tật, chồng chị đau yếu, con phải học hành nhưng bố mẹ chồng không hề tính đếm, lo lắng hết cho con.
Hàng ngày chị đi chạy thận, cụ vẫn lò dò đi chợ về chuẩn bị cơm cho con. "Nó mặc cái áo rộng trông còn đỡ, mặc áo bó sát lại lộ cánh tay chạy xạ ra trông đến là xót xa", bà lại rơm rớm nước mắt.
Cứ tưởng "trẻ cậy cha, già cậy con" nhưng đẻ con ra, lấy vợ gả chồng cho tới khi nó gần 50 tuổi cụ Lạc vẫn đang phải nuôi con như một đứa trẻ. Ở tuổi cụ biết sống được bao nhiêu nữa, "chắc gì tôi đã được nhìn thấy lúc nó thành người. Chỉ mong sau này Nguyễn Trung Hiếu học hành thành người để có thể lo được cho bố mẹ nó là tôi yên tâm rồi".
Anh Nguyễn Văn Thảo - tổ trưởng tổ dân phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội: Gia đình chị Hạnh là thuộc diện cực khó khăn của phường và được được phường hỗ trợ 350.00 đồng/ tháng theo diện người nghèo. Sống tại khu phố cũng lâu nhưng anh chị chưa bao giờ để lại điều tiếng gì. Tôi phải nói rằng đó là gia đình thuộc diện rất nghị lực, lạc quan. Chúng tôi cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên gia đình trong lúc khó khăn. Khi cháu Nguyễn Trung Hiếu đi học, chúng tôi cũng qua trao đổi, hướng dẫn cách sử dụng điện thoại để cháu Hiếu có thể gọi điện thăm hỏi, động viên gia đình. |
- Vũ Thiên
[links()]