"Mẹ cọp" dạy con, phi thường hay phi khoa học?

05:57, Thứ ba 15/03/2011

( PHUNUTODAY ) - #160;(Phunudoisong)#160;- Với những cái “tít” rất kêu như Mẹ Hổ người Hoa làm rung chuyển#160;nước Mỹ, hay với bình luận của tạp chí Times: “Mẹ Hổ Trung Hoa đã chạm vào#160;nỗi đau của nước Mỹ…”

  người Hoa làm rung chuyển nước Mỹ, hay với bình luận của tạp chí Times: “Mẹ Hổ Trung Hoa đã chạm vào nỗi đau của nước Mỹ…”, đã có rất nhiều người quan tâm đưa ra ý kiến, tạo nên dư luận đa chiều. 

Bài ca mẹ hổ và nỗi đau nước Mỹ
 
Mô tả ảnh.
Mẹ và con
Có thể tóm lược giúp độc giả, cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother (Chiến ca của Mẹ Hổ) được viết bởi Amy Chua – một phụ nữ gốc Hoa lấy chồng gốc Do Thái. Bà tự gọi mình là mẹ Hổ, và đây là câu chuyện về việc bà đã dạy con như thế nào. Cuốn sách đã gây chấn động nước Mỹ sau khi được trích dẫn trong bài viết "Vì sao các bà mẹ người Hoa giỏi thế?" (Why Chinese Mothers Are Superior) đăng trên bản điện tử Nhật báo Phố Wall số ra ngày 8/1/2011. Bài viết đã có hơn 1 triệu lượt view và
7743 bình luận, chưa kể các tòa báo lớn khác trên thế giới cũng đã nhảy vào cuộc.
 
Mẹ Hổ sống trong xã hội phương Tây, nơi có môi trường giáo dục mà cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn, sở thích của con chứ không ép buộc theo ý của cha mẹ, nơi đứa trẻ được hình thành thói quen sống tự lập từ khi còn bé. Bà có thể chửi con mình là “đồ ăn hại”, và thậm chí khiến một phụ nữ Mỹ rơi nước mắt rời bỏ một bữa tiệc khi mắng con mình là “đồ rác rưởi”. Bà đề ra 10 điều luật bắt-buộc-con-tuân-theo, gồm 7 điều cấm không được làm, 3 điều yêu cầu về điểm số và các môn học.
 
Kèm theo luật lệ, đương nhiên sẽ có những chống đối. Nhưng phương thức của mẹ Hổ là ép buộc triệt để: Thay vì chỉ 30 phút đến 1 tiếng cho việc tập đàn, thời gian luyện tập của con gái bà là 3 tiếng/ngày. Khi con chán nản, tức giận, xé bản nhạc và không chịu tập một bài piano khó, bà ép con tập tiếp cho đến lúc đàn được mới thôi. Và đương nhiên, trước đó là những lời dọa dẫm vứt bỏ đồ chơi - không ăn tối - không sinh nhật - không quà Giáng Sinh, và trong suốt thời gian tập thì không được nghỉ dù chỉ một phút, không uống nước, không được đi toa-lét.
 
Đến những kết luận trái chiều…
 
Có thể coi đây là một bà mẹ kiên trì, sắt đá, cuối cùng đã thành công trong việc bắt con làm theo điều mình muốn, buộc con phải làm đúng và làm tốt, tạo nên một bức tường vững chắc ngăn cách giữa con và những thói hư tật xấu. Nhiều người cho rằng, vì các em còn nhỏ nên không thể định hướng được việc làm của mình và sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Những độc giả đi theo hướng suy nghĩ này sẽ cảm thấy tự an ủi phần nào, rằng mình đang làm đúng, và rằng con mình còn được
chiều chuộng lắm!
 
Còn những độc giả khác thì cho rằng đây là phương thức hoàn toàn phản giáo dục. Lâu nay châu Á chúng ta vẫn đang cố gắng học hỏi phương pháp giáo dục của phương Tây. Ở nhiều gia đình, bố mẹ chú ý tôn trọng con cái từ sở thích đến những quyết định lựa chọn của con, tạo thói quen tâm sự - nói chuyện cởi mở trong gia đình để bố mẹ có thể đưa ra những lời khuyên khi cần thiết chứ không áp đặt con cái. Họ tin rằng như thế sẽ giúp con tự định hình dần và có thể vững vàng sống tự lập, tự quyết định trong cuộc sống sau này.
 
Còn tôi thì muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện của hai người bạn. Chị thứ nhất (tạm gọi là chị A) dạy con khá nghiêm khắc. Do chị bận rộn nên các bữa ăn của con chị luôn vội vàng: mẹ mua gì nấu gì thì con ăn nấy, không được kén chọn, thời gian ăn cũng không được dây dưa lâu dài. Vì vậy, cảnh con không chịu ăn, mẹ sốt ruột mắng mỏ hay thậm chí phát vào mông là chuyện cơm bữa. Nếu cháu nghịch hoặc làm sai điều gì, đương nhiên là bị mắng và nếu nặng thì đánh đòn. Cũng bởi bận rộn, nên
thi thoảng mới hỏi chuyện, tâm sự đôi chút, nhưng cũng chẳng để tâm. Cháu có biểu hiện nghịch ngợm, phá phách, nhưng rất sợ mẹ, và lại ít nói chuyện với những người xung quanh. Cháu hay tỉ mẩn ngồi một mình, tự chơi, và tự lẩm bẩm với chính mình.
 
Chị thứ hai (chị B) rất thương và chiều con, hay tìm tòi và đọc sách báo về việc nuôi dạy con theo phương thức mới. Chị tôn trọng sở thích của con từ việc ăn uống (cà rốt nấu canh phải tỉa hoa, con ăn đến đâu thì ăn chứ không ép ăn bằng được), đến màu sắc (áo màu xanh, đồ chơi cũng màu xanh theo ý con), đến các trò chơi (con vẽ bẩn lên tường, mẹ nhắc nhở không được thì thôi) và hiếm khi đánh con. Chị chịu khó dành thời gian buổi tối ở nhà nấu nướng, cho con ăn, ngồi chơi với con. Cháu hoạt
bát, nói nhiều, nhưng không vừa ý điều gì là đánh bố, đánh bà, lên lớp thì đánh cả các bạn, không biết sợ bất cứ ai. Trong chuyến du lịch cùng cơ quan, con cái của đồng nghiệp rất ngoan ngoãn chào hỏi, còn con chị gặp ai cũng chẳng chịu chào, ai cho cái gì thì cầm lấy không thèm cảm ơn hay xin phép.
 
Vậy thì, với kết quả như trên, cả chị A lẫn chị B đều chưa chọn được cho mình một phương pháp giáo dục tốt để con vừa ngoan lại vừa phát triển đầy đủ về tinh thần lẫn thể chất.
 
Điều đáng nói ở đây là chúng ta nên suy xét kỹ, rằng môi trường sống ở Việt Nam chúng ta như thế nào? Tôi mạn phép xin đưa ra ý kiến của mình: Chúng ta cần biết kết hợp và có sự uyển chuyển, mềm dẻo trong các phương pháp giáo dục con trẻ. Chúng ta cần áp dụng cả hai phương pháp nói trên. Việc ép buộc và đánh mắng con cái có khá nhiều tác hại, có thể khiến trẻ có những chiều hướng phát triển xấu về tâm lý. Đồng thời, điều này cũng đi ngược lại với quyền trẻ em. Tuy nhiên, bạn không thể “Tây hóa” ngay được vì con bạn đang sống trong 1 xã hội còn nhiều cái chưa thay đổi hoàn toàn. Con bạn sẽ nhìn nhận được điều gì khi cháu ngỗ nghịch nhưng không bị phạt, còn những đứa trẻ khác thì vẫn bị đánh đòn? Có chăng, chỉ là thứ cảm giác chắc chắn về sự được nuông chiều, hay thậm chí là cảm giác không ai làm gì được mình.
 
Sau một thời gian dài nhìn thấy biểu hiện của con mình và nghe người thân góp ý, hai chị bạn của tôi đã có những thay đổi trong việc nuôi dạy con. Chị A đã bỏ hẳn lớp dạy thêm buổi tối, giành thời gian chăm sóc và nói chuyện với con để biết những điều con thích, về màu sắc, món ăn, môn học, và nghe con kể những vui buồn ở lớp học. Còn chị B thì đang guồng dần con vào khuôn phép, dạy lại cháu từ những câu chào hỏi, những tiếng “thưa, xin”, đặt ra hình thức phạt hợp lý khi con làm những điều sai trái.
 
Từ câu chuyện Mẹ Hổ đang làm xôn xao dư luận quốc tế, chúng ta có thể nhìn lại mình, đồng thời rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Và tôi mong rằng, mỗi bà mẹ sẽ tìm ra phương pháp tốt nhất để nuôi dạy con khôn lớn và trưởng thành.
 
  • Uông Trang
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc