Nếu chỉ tính mình nợ công của Chính phủ, mỗi người Việt phải gánh gần 790USD, trong khi nếu cộng cả nợ của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, số nợ mỗi người phải gánh sẽ gấp đôi con số đó.
[links()]
Theo con số mới nhất được cập nhật trên đồng hồ nợ công của tạp chí kinh tế The Economist, nợ công toàn cầu hiện đã chạm mốc 49.848 tỷ USD và vẫn tăng lên theo từng giây. Dự kiến hết năm 2014, con số này sẽ tăng 5,4% lên 52.545 tỷ USD. Nợ công tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ, Nhật Bản, và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Phải chăng, cộn dồn mỗi người Việt đang gánh khoảng 1,5 ngàn USD nợ công? Ảnh: SGTT. |
Với Việt Nam, theo “đồng hồ” nợ của The Economist, tính đến ngày 24/1/2013, nợ công của Việt Nam khoảng 70,7 tỷ USD (tức gần 1,5 triệu tỷ đồng), tương đương 49,5% GDP, bình quân mức nợ gần 790 USD cho mỗi người dân (đây là mức trung bình của thế giới).
Theo chiến lược nợ được cơ quan chức năng xây dựng, đến năm 2015, nợ công của Việt Nam sẽ không vượt quá 65% GDP.
Con số này có phần thấp hơn chút ít so với công bố hồi tháng 9/2012, cũng của chính The Economist. Thời điểm đó, “đồng hồ” nợ này đưa ra con số, tổng nợ năm 2011 của Việt Nam được đánh giá ở mức hơn 60 tỷ USD, sau đó tăng lên lần lượt là 67 tỷ USD (2012); 75 tỷ USD (2013).
Nợ bình quân đầu người theo đó cũng cao dần, từ 687.07 USD năm 2011 lên 756.92 năm 2012 và 840.69 năm 2013.
Trong khi, theo Bản tin về nợ công được Bộ Tài chính công bố cho thấy, tổng nợ của Việt Nam tính đến hết năm 2011 là 1,392 triệu tỷ đồng, tương đương 54,9% GDP. Dự kiến nợ công năm 2012 là 58,4% và hết năm 2015 sẽ vào khoảng 60% - 65% GDP.
Số liệu trên là chưa tính cộng dồn số nợ của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước - những đơn vị kinh doanh bằng nguồn vốn của nhà nước.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước năm 2012 được công bố hồi đầu tháng 1/2013, công nợ, tổng nợ phải trả của các đơn vị này là hơn 1,33 triệu tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia đã tỏ ra ngạc nhiên trước con số các tập đoàn, tổng công ty đang vay trên 1,33 triệu tỉ đồng, bởi nó tương đương 60 tỉ USD, chiếm 44% GDP năm 2012.
Trả lời trên Tuổi trẻ, TS. Vũ Quang Việt cho rằng, nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia. Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.
“Như thế, về nguyên tắc, nếu tập đoàn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ phải dùng tiền thuế của dân để trả thay”, TS. Việt nhận định.
Nếu tính theo số liệu cộng dồn của TS. Vũ Quang Việt, thì bình quân mỗi người Việt phải gánh khoảng 1,5 nghìn USD nợ công.
Theo Bản tin về nợ công của Bộ Tài chính, năm 2011, xét về cơ cấu nợ, nợ của Chính phủ là 1,096 triệu tỷ đồng (43,2% GDP), trong đó vay nước ngoài là 667.000 tỷ đồng, bao gồm ODA, vay ưu đãi và vay thương mại; Nợ do Chính phủ bảo lãnh hiện khoảng 285.000 nghìn tỷ đồng (11,3% GDP), trong khi đó chính quyền các địa phương hiện có nợ khoảng 10.700 tỷ đồng (0,4% GDP). Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, nợ công của Việt Nam năm 2012 ước chiếm khoảng 55,4% GDP, trong đó nợ Chính phủ chiếm 43,1% GDP; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,7% GDP; nợ địa phương mới chỉ chiếm 0,53% GDP. |
- PV (tổng hợp)