Mối tình của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với người phụ nữ Pháp (1)

11:52, Thứ hai 28/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Phạm Ngọc Thạch được người chị gái chăm sóc, nuôi nấng. Chị gái ông là Phạm Thị Ngọc Diệp, có chồng là một dược sĩ, kinh tế rất khá giả. Chính vì vậy, bà Ngọc Diệp đã nuôi em trai ăn học đến nơi đến chốn, trở thành một bác sĩ giỏi và nhân đức.

(Phunutoday) - Khi cầu hôn với bà, ông đã nói: “Chúng mình có thể tạo nên một cuộc sống bên nhau. Nhưng em phải biết là cuộc đời tôi ưu tiên cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc tôi. Nếu em chấp nhận tôi ở ý nghĩa này thì em có thể gặp lại tôi ở Sài Gòn, sau vài tháng”. Và sau câu nói đó, bà – một người phụ nữ Pháp xinh đẹp đã theo ông về Việt Nam, chứng kiến ông trở thành một vị bác sĩ đáng kính – anh hùng trong lòng người dân nghèo và trở thành Bộ trưởng đầu tiên của ngành Y tế Việt Nam.
 
Có một tình yêu lớn hơn tình yêu nam nữ
Gia đình bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
Anh hùng Lao động, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam, sinh ngày 7/5/1909 trong một gia đình có dòng dõi hoàng tộc Huế, mẹ là cháu nội của Tuy Lý Vương, cha là một nhà giáo. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Phạm Ngọc Thạch được người chị gái chăm sóc, nuôi nấng. Chị gái ông là Phạm Thị Ngọc Diệp, có chồng là một dược sĩ, kinh tế rất khá giả. Chính vì vậy, bà Ngọc Diệp đã nuôi em trai ăn học đến nơi đến chốn, trở thành một bác sĩ giỏi và nhân đức.
Sau khi Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội (thuộc Đại học Đông Dương khi đó), bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã sang Pháp du học chuyên sâu về bệnh lao phổi. Chính tại đây, ông đã quen với cô gái Pháp xinh đẹp Marie Louise, tại bệnh viện lao ở Hauteville (tỉnh Ain, Pháp) vào những năm 1934 – 1935, khi ông làm Giám đốc bệnh viện lao ở đây, còn bà Marie Louise làm y tá. Sự cảm mến giữa vị bác sĩ trẻ tuổi, tài năng người Việt và cô y tá người Pháp đã nhanh chóng trở thành một tình yêu thực sự.
 
Ở Pháp, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được đánh giá rất cao về chuyên môn nên đường thăng tiến của ông rất thênh thang. Nếu chọn con đường đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sẽ được hưởng một cuộc sống nhung lụa và hạnh phúc bên người vợ Pháp xinh đẹp của mình. Nhưng ông đã chọn cho mình một lý tưởng khác. Ngay từ khi còn là cậu sinh viên y khoa, ông đã ấp ủ trong lòng tình yêu đất nước mãnh liệt và khao khát góp công sức vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Chính vì vậy, dù đang có một tương lai rất hứa hẹn ở Pháp, nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã quyết định trở về Việt Nam để thực hiện lý tưởng của mình.
 
Trước khi lên đường về nước, ông đã thổ lộ với người yêu: “Chúng mình có thể tạo nên một cuộc sống bên nhau. Nhưng em phải biết là cuộc đời tôi ưu tiên cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc tôi. Nếu em chấp nhận tôi ở ý nghĩa này thì em có thể gặp lại tôi ở Sài Gòn, sau vài tháng”.
 
Khi nói ra những lời nói đó với bà, tận sâu trong đáy lòng mình, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cũng không dám hi vọng bà Marie sẽ rời Pháp để sang Việt Nam với ông – một đất nước khi ấy còn nghèo và còn quá nhiều bất ổn. Nhưng tình yêu đã khiến cho người con gái Pháp đi đến một quyết định can đảm. Sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch về nước đầu năm 1936, vài tháng sau, cô y tá Marie Louise cũng quyết định thực hiện chuyến đi số phận của đời mình khi bước chân lên con tàu vượt đại dương sang Việt Nam.
 
Con trai ông bà, Alain Phạm Ngọc Định nói: “Khi xách vali xuống tàu là mẹ tôi đã can đảm “bước một bước lớn” hơn 10.000 cây số từ Pháp đến Việt Nam, để đến với tình yêu của đời mình. Khi nhận được điện báo của mẹ tôi, chính cha tôi cũng không tin đó là sự thật. Ông vừa ngỡ ngàng, vừa thấy tràn ngập hạnh phúc đón mẹ tôi. Papa tôi vô cùng xúc động khi nhận ra mẹ tôi chỉ mua vé lượt đi chứ không mua khứ hồi. Ông hiểu phải có một tình yêu mãnh liệt, tha thiết đến nhường nào, bà mới dám thực hiện chuyến phiêu lưu lớn lao như vậy”. Hai ông bà kết hôn vào ngày 27 tháng 1 năm 1937 và sinh được hai người con, một trai, một gái.
 
Khi về nước và kết hôn với cô gái Pháp Marie Louise, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thuê căn biệt thự đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay và mở phòng mạch ngay tại đây. Là một bác sĩ giỏi, hội viên ở Đông Dương duy nhất của Hội Nghiên cứu về lao ở Pháp khi đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhanh chóng trở thành một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực chữa trị bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y từng cướp đi mạng sống của nhiều người Việt Nam thời đó. Bà Marie Louise cùng làm việc với ông tại phòng mạch riêng, giúp ông chăm sóc bệnh nhân, cùng ông hưởng cuộc sống gia đình bình yên bên hai đứa con nhỏ.
 
Câu nói “lương y như từ mẫu” hợp với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hơn cả. Với ông, tất cả những bệnh nhân đến khám và điều trị ở phòng mạch của ông đều như nhau, không phân biệt giàu nghèo. Bệnh nhân nào ông cũng khám chữa nhiệt tình. Thậm chí, với những người nghèo, ông còn ưu ái hơn các bệnh nhân giàu có. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thường không lấy tiền khám bệnh của người nghèo, thậm chí còn cho họ tiền mua thuốc. Ông từng nói, bệnh lao là bệnh của người nghèo, nếu từ chối khám cho người nghèo, thì không nên trở thành bác sĩ điều trị bệnh lao.
 
Dù đêm hôm mưa gió, chỉ cần có người báo, ông sẵn sàng lái xe đến những khu nhà ổ chuột quanh thành phố Sài Gòn, đến thăm khám cho những bệnh nhân nghèo nhất mà chẳng bao giờ lấy tiền công. Với những người dân nghèo ở Sài Gòn những năm đó, ông như một vị Thánh hiền từ, nhân ái, hết lòng vì bệnh nhân. Đến giờ, vẫn có rất nhiều người Sài Gòn, dù chưa từng một lần gặp ông, vẫn nhắc về ông với sự ngưỡng mộ, tôn kính. Họ biết về ông qua những câu chuyện của bố mẹ họ, những người đã từng được ông cứu chữa năm xưa.
 
Danh tiếng của một bác sĩ chuyên ngành lao phổi và phòng mạch riêng đã nhanh chóng đem đến cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sự giàu có và nhiều mối quan hệ với những tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Ông mua đi bán lại đất đai, mua biệt thự để kinh doanh lấy lãi. Những năm tháng đó, vợ chồng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có một cuộc sống rất sung túc. Ông có hàng ngàn mẫu đất, nhiều biệt thự và thường lái xe đưa vợ con lên Đà Lạt hay ra Vũng Tàu chơi vào những ngày cuối tuần. Nhưng cuộc sống giàu có, xa hoa, không làm ông quên đi nhiệm vụ lớn của đời mình, quên đi lý tưởng và con đường ông đã chọn: tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, cho dân tộc.
 
Sinh thời, nói về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, GS Trần Văn Giàu đã dành cho ông những lời ca ngợi chân thành: “Phạm Ngọc Thạch có xuất thân hoàng tộc Huế, đã đi học ở Pháp. đậu bác sĩ; cưới vợ đầm; không làm việc cho nhà nước; mở bệnh viện tư đắt khách, thu nhập cao, chỉ riêng việc làm thầy thuốc cho gia đình triệu phú Hui Bôn Hỏa đã được trả lương tháng 2000 đồng Đông Dương (cao hơn lương bất cứ ông đốc phủ sứ nào). Phạm Ngọc Thạch có thừa tiền để mua mấy trăm hecta ruộng ở Đồng Tháp Mười và 80 ha cà phê ở Đà Lạt. Thế nhưng ông ấy lại có cảm tình với Cách mạng, cảm tình với Cộng sản và sau này trở thành người của Cách mạng”.
   
 
 
)
 
 
 
  • PV  
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc