Mối tình đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

11:31, Thứ ba 17/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Chính trong lớp học ấy, dần dần, Kim Anh có cảm tình với người con trai cao, gầy có khuôn mặt cương nghị với cặp mắt đen rực sáng thông minh. Anh có giọng nói ấm áp, truyền cảm và lôi cuốn.

(Phuntutoday) - Khoảng tĩnh lặng sau một cuộc chiến dài. Sau ngày Sài Gòn giải phóng, ngày xum họp gia đình, có một người đàn ông đứng tuổi tìm đến đoạn sông Bến Dược. Ông đứng lặng nhìn sâu xuống dòng nước đang vô tình chảy, nhấn sâu trong mình mối tình đầu, người vợ yêu của ông với hai con. Chiều buông xuống, tiếng bìm bịp kêu nghe buồn da diết.

Gặp gỡ

Miền Tây Nam bộ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, buổi sáng thật thanh bình. Làng mạc êm đềm, bóng dừa bóng chuối che rợp các khu vườn mát rượi đất phù sa. Con đường đất nhỏ lượn trên bờ rạch nước đầy ắp soi bóng rặng dừa nước xanh rợp.

Dưới dòng kênh, tím ngắt một màu hoa lục bình. Con ghe nhỏ của anh Tám Thuận (bí danh khi đi hoạt động cách mạng của anh Võ Văn Kiệt), phó Bí thư tỉnh ủy Rạch Giá, lách qua những con kênh trong làng. Bất chợt giữa cánh đồng lúa nước mênh mông, một đầm sen rực rỡ hiện ra. Người thanh niên chợt thấy nhớ nhà, nhớ mẹ da diết.

 

Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc ở căn cứ U Minh
Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc ở căn cứ U Minh

 

Vĩnh Long quê anh cũng một miền sông nước, cũng những đầm sen vào mùa hương thơm tỏa cả một vùng. Mải suy nghĩ, ghe của anh  chợt quẹo ngang tránh chỗ cho một chiếc ghe chở một cô gái đi học. Dưới vành nón lá, một gương mặt trái xoan trắng hồng, đôi mắt đen to tròn. Bắt gặp cái nhìn sững sờ của anh Tám, cô gái vội quay đi. Anh thẫn thờ quay ghe đi tiếp.

Gần 30 tuổi anh chưa một lần yêu. Cuộc đời làm mướn vất vả từ nhỏ rồi tham gia cách mạng. Năm 18 tuổi, anh chỉ huy cuộc nổi dậy ở Vĩnh Long vào đêm Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Bị giặc Pháp truy lung ráo riết, anh chuyển về công tác ở rừng U Minh rồi Rạch Giá. Mải mê hoạt động cách mạng, đây là lần đầu tiền anh thấy bâng khuâng, rung động trước một cô gái. Tình cờ, trong buổi gặp gỡ và nói chuyện với học sinh trường Thiếu Sinh Quân, anh gặp lại cô gái đẹp ấy. Tên cô là Kim Anh, là một cô gái đẹp nhất vùng thời đó, con gái áp út của ông điền chủ Quy. Ông điền chủ Quy ở Sóc Trăng, ông có cả một cơ ngơi nhà máy xay xát bề thế với khu nhà ở xây vào loại rộng lớn. Phía sau nhà là một đầm sen rộng giữ nước ngọt cho cả làng. Nơi đây cán bộ cách mạng thường lui tới.

Chính trong lớp học ấy, dần dần, Kim Anh có cảm tình với người con trai cao, gầy có khuôn mặt cương nghị với cặp mắt đen rực sáng thông minh. Anh có giọng nói ấm áp, truyền cảm và lôi cuốn. Nhân ngày lễ hội, anh Tám Thuận nhờ hai chị của Kim Anh đưa cô đi lễ hội để gặp cô. Ánh mắt sâu thẳm của người con trai đang yêu làm người con gái xiêu lòng. Anh viết thư cho Kim Anh, nhờ hai chị chuyển giúp. Tối ba mươi Tết năm ấy, anh Tám Thuận sang nhà ông Quy sớm, cùng chụm lửa nấu bánh tét. Bên bếp lửa hồng, anh Tám bối rối cứ chụm tay lại, vo vo trán.

Kim Anh yêu người vệ quốc quân, lâu lâu anh chưa ghé lại nhà cô thấy nhớ. Gia đình ngày càng cảm thấy có tình cảm với cách mạng và yêu mến anh Tám Thuận nhưng ông Quy không khỏi băn khoăn, lo lắng về tương lai con gái.

Anh Tám Thuận rời Sóc Trăng. Hai năm sau anh trở lại, Kim Anh vẫn đợi. Nhưng cô chưa thuyết phục được gia đình nên rất buồn. Có lần cô bỏ cơm, nằm khóc. Hai chị gái của Kim Anh quý mến anh Tám Thuận, hiểu và thương em gái nên đã thuyết phục cha đồng ý.

Anh Tám Thuận nhờ ông chủ Trí là cha nuôi và mấy đồng chí cùng  hoạt động đến dạm hỏi. Lúc này, anh là Phó bí thư liên tỉnh Tây Nam Bộ. Có người khuyên anh nên lấy vợ đảng viên. Nhưng anh cười: “Tôi cưới vợ chứ có phải thành lập chi bộ đâu”. Lễ cưới được tổ chức theo nghi lễ Cách mạng, đơn giản nhưng trang trọng tại nhà ông Quy. Anh Nhơn, Bí thư liên tỉnh Tây Nam bộ, làm chủ hôn. Cha Kim Anh cho hai vợ chồng miễn lễ người sống, chỉ bắt buộc phải lễ tổ tiên và lễ bàn thờ Tổ quốc. Hàng chục năm sau, trong ngày giỗ vợ và hai con, anh Kiệt còn nhắc kỷ niệm ngày cưới: “Tôi và nhà tôi mặc bộ bà ba bằng vải san đầm , tôi và nhà tôi lạy bàn thờ Tổ quốc mà thấy mình trong đó”. Vì hai chữ “Tổ Quốc” là những hạt nếp nhuộm xanh đỏ rắc lên tấm kính chiếu thủy.

Năm ấy, chị Kim Anh vừa sang tuổi 18, anh Tám Thuận 29 tuổi. Sau ngày cưới, anh Tám ở lại nhà vợ mấy ngày rồi đưa Kim Anh đi. Cả gia đình cũng không biết anh chị đi đâu. Tuổi còn quá trẻ, tình yêu quá say, Kim Anh không biết cuộc đời mình đã rẽ sang một bước ngoặt: từ bỏ cuộc sống đầy đủ, êm đềm của cô gái con nhà giàu, chấp nhận một cuộc đời đầy gian nan nguy hiểm.

Kim Anh

Sống cùng nhau chưa được một năm, chị Kim Anh đã phải xa chồng. Anh không nói với chị mình đi đâu và đi bao lâu. Chị chỉ biết rằng, anh sẽ đi rất xa và lâu. Năm ấy, năm 1951, chị đang có mang con trai đầu lòng Võ Dũng, anh đang là Phó Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu. Chị không biết anh Kiệt được cử đi dự Đại hội Đảng lần thứ 2 tại Việt Bắc. Bịn rịn chia tay chồng, chị về nhà bố mẹ đẻ ở Sóc Trăng.

Được sự động viên của con rể, ông Quy hiến gần hết ruộng đất cho cách mạng và hiến nhà máy xay xát lúa gạo để nuôi dưỡng bộ đội vùng Long Châu Hà.

Sau hai năm công tác ở Việt Bắc, anh Kiệt xin trở lại miền Nam. Trên đường đi, anh băn khoăn lo lắng. Chị sinh con có khỏe không. Gặp anh, chị Kim Anh òa khóc. Con trai Võ Chí Dũng đã gần hai tuổi.

Anh Kiệt đưa chị Kim Anh và con trai về sống ở Rạch Giá. Tưởng vợ chồng được sum họp sau nhiều năm xa cách, nhưng anh phải đi công tác thường xuyên để xây dựng lại cơ sở bí mật. Chị Kim Anh buồn lắm. Chị khóc, trách chồng. Anh Kiệt giận: “Em nên bỏ cái tính địa chủ và tiểu tư sản đó đi, nếu em không chấp nhận được cuộc sống này thì nên về nhà với ba má”. Chị Kim Anh chỉ biết khóc. Sau này, mỗi khi nghĩ đến chuyện cũ, anh Kiệt ân hận mãi.

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh

Năm 1956, cách mạng miền Nam bị khủng bố dữ dội, toàn bộ xứ ủy phải rút vào bí mật. Anh Lê Duẩn quyết định đưa xứ ủy Nam bộ sang Phnômpênh. Một năm sau, anh Lê Duẩn ra Bắc, tạm giao quyền lãnh đạo Xứ ủy cho anh Nguyễn Văn Linh. Từ Miền Tây, anh Kiệt lên thay anh Linh làm Bí thư khu ủy Sài Gòn.

Năm 1959 lính địa phương tố cáo với chính quyền Mỹ - Diệm là chị có chồng là Việt Cộng nên Kim Anh phải đưa hai con trốn lên Sài Gòn. Con trai Võ Dũng mới 9 tuổi và con gái Hiếu Dân 4 tuổi. Chỉ một năm sau tình hình miền Nam ngày càng chuyển biến xấu. Anh Kiệt nhờ người về đón ba mẹ con sang Campuchia. Yêu anh, chị bất chấp nguy hiểm. Chị liều đi bằng xuồng ba lá, vượt rừng mấy ngày đêm. Hai năm ở Miên, gia đình chị thay đổi chỗ ở đến bốn lần. Anh Kiệt thường đi làm đến tối mới về. Chị Kim Anh ở nhà đi chợ, nấu cơm và nuôi con. Một thời gian sau, Võ Dũng được gửi ra miền Bắc học. Chia tay đứa con đầu lòng, chị khóc rất nhiều. Dũng đi được ít lâu, chị Kim Anh ốm nặng. Thương chị đã chia sẻ cùng anh những nỗi gian nan, với ý muốn bù đắp lại những ngày thiếu vắng anh, tự tay anh săn sóc chị rất ân cần, tỉ mỉ.

Từ Campuchia, anh Kiệt về Tây Ninh rồi tìm cách liên lạc với Sài Gòn. Hầu hết những cơ sở cũ mà anh nhận “bàn giao” đều vỡ hết. Nhiều Khu ủy viên vừa nối được liên lạc đã bị bắt.

Anh Kiệt xây dựng hoàn toàn cơ sở mới. Với trọng trách Bí thư khu ủy Sài Gòn, suốt thời gian dài hơn chục năm, anh Kiệt lúc ở dưới địa đạo Củ Chi, lúc vào nội thành. Anh vừa tổ chức phong trào đấu tranh ở nội thành vừa xây dựng lực lượng vũ trang ở vùng ven đô.

Có thai lần thứ ba, chị trở về nhà cha mẹ ở Rạch Giá. Sinh con gái đặt tên là Ánh Hồng.

Năm 1963, chị Kim Anh đưa Hiếu Dân và Ánh Hồng trở lên Sài Gòn, sống trong khu sĩ quan ngụy. Chị đóng vai “vợ bình phong” cho một ủy viên thường vụ hoạt động hợp pháp ở nội thành và tiếp tế cho cách mạng. Thỉnh thoảng chị đưa con ra Củ Chi thăm chồng. Chị và anh Kiệt có những ngày hạnh phúc. Anh được sống bên các con nhiều hơn. Ánh Hồng, cô con gái thứ ba, rất xinh, có cặp mắt tròn giống mẹ và hay làm nũng bố. Chị chặt trúc làm lọ hoa, hái hoa rừng về cắm cho anh vui. Nhiều kỷ niệm khó quên: có lần, vì mải khâu khăn quàng cho anh, chị bị kim đâm vào tay chảy máu. Anh không cho khâu tiếp mà dùng luôn chiếc khăn may dở.

Nhớ lại thời gian ấy, anh Kiệt cười vui kể lại cho con gái Hiếu Dân: “Hồi đó, ở trong rừng, các cô phụ nữ thường nói giỡn với ba. Má các con cũng ghen lắm. Vô rừng thăm mà thấy các chị, các cô là hỏi xem cô này, cô kia làm gì, sao lại thường xuyên đến đây. Má Kim Anh còn “chất vấn”: - Tại sao anh nói các bác sĩ trong rừng toàn là nam mà lại có chị này? Ba phải giải thích: bác sĩ là nam còn cô này là y tá…”.

Những ngày bên anh rồi lại xa anh với bao nhiêu thấp thỏm. Mỗi khi nghe tin “thiết quân luật”, còi rú, chị lại lo lắng: “Liệu anh có sao không?”. Nhưng người ra đi trước lại không phải là anh.

Một ngày giáp Tết 1966, anh Kiệt nhắn chị vào căn cứ. Lúc đó, chị Kim Anh mới sinh con trai út, đang sống với cha mẹ ở Rạch Giá. Cả nhà khuyên chị ở nhà ăn Tết. Nhưng Kim Anh nhất định: “Không được đâu, ảnh nhớ em và mấy đứa nhỏ lắm”. Chị nóng ruột muốn khoe với chồng cậu con trai út, từ khi cháu sinh ra, anh Kiệt chưa biết mặt. Chị tíu tít chuẩn bị thức ăn Tết cho anh và anh em trong cứ. Hiếu Dân đã được chị gửi ra miền Bắc trước đó. Một tay dắt Ánh Hồng, một tay bế bé Chí Tâm mới bốn tháng tuổi, chị Kim Anh đi theo cô giao liên Tư Kiệm. Trên chuyến tàu Thuận Phong định mệnh, đến đoạn sông Bến Dược, tàu bị máy bay Mỹ bắn chìm. Chị Kim Anh mất khi mới ngoài 30 tuổi.

Anh Kiệt nghe tin tàu Thuận Phong bị bắn chìm khi đang ở Nhà Bè, ruột gan như lửa đốt. Anh nói: “Anh em vẫn thường vô ra Sài Gòn trên con tàu đó”. Anh tức tốc về lại Củ Chi mới hay tin dữ. Anh hối hả cùng với mọi người tìm kiếm suốt khúc sông. Gia đình Kim Anh từ Rạch Giá lên tìm nhưng cũng không thấy chị và hai cháu. Anh Kiệt ngồi lặng nhưng không giấu được nỗi đau của mình. Nhiều đồng đội của anh bật khóc. Anh đau đớn viết thư cho bố mẹ vợ: “Con vô cùng đau khổ, như banh xé ruột gan. Con mất đi người vợ vô cùng quý mến, người vợ chung thủy, phúc hậu…”
 

Anh đem hình chị Kim Anh về gửi má Mười, cơ sở cách mạng ở Cần Thơ để thờ. Mỗi lần cúng giỗ chị Kim Anh hoặc đi công tác qua Cần Thơ, anh đều ghé vào thăm má Mười. Anh lấy hình vợ xuống, lặng ngắm rất lâu. Cả cuộc đời chị vất vả vì anh.  Không phải là đảng viên cộng sản, chị đâu hiểu hết những việc anh làm. Yêu và tin anh, dịu dàng mà can đảm, chị đã cùng anh đi cả chặng đường chiến đấu khó khăn, nguy hiểm nhưng mỗi lúc sinh con lại vượt cạn một mình.

Cảm giác cô đơn, một khoảng trống chị để lại không gì bù đắp nổi. Chính người con gái của mối tình đầu dịu dàng, mảnh mai như bông hoa rừng và tình yêu của chị là chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời chiến đấu của anh. Chị ra đi ở tuổi đẹp nhất của người phụ nữ.

Võ Chí Dũng, con trai đầu của anh chị, đang học trường Nguyễn Văn Trỗi ở miền Bắc, nghe tin mẹ và hai em bị giặc Mỹ bắn chìm tàu, đã xung phong đi B. Dũng xin đầu quân vào đơn vị chiến đấu, bộ phận trinh sát. Trong một lần trinh sát đồn địch ở Rạch Giá, Dũng hy sinh khi mới tròn 21 tuổi.


Trong ngày giỗ của chị Kim Anh sau ngày giải phóng miền Nam, anh Kiệt mặc bộ bà ba đen cũ do chính tay chị may. Anh lặng lẽ đứng một mình trước bàn thờ rất lâu: Vợ thân yêu, Võ Dũng nghịch ngợm, bướng bỉnh, Ánh Hồng xinh xắn và con trai út Chí Tâm anh chưa biết mặt. Sau cuộc chiến dài, gia đình mất mát quá lớn. Năm 1982, anh Kiệt đã cho trục vớt tàu Thuận Phong, bốc một nắm đất tượng trưng của vợ và hai con đem về chôn ở nghĩa trang thành phố, sau chuyển về khu mộ gia đình ở Sóc Trăng.

Bức ảnh trên bàn thờ là bức ảnh cuối cùng của chị chụp sau ngày sinh con trai út khoảng hai tháng. Gia đình anh Kiệt không có bức ảnh chụp chung nào. Hai kỷ vật mà anh Kiệt còn giữ được trong suốt những năm chiến tranh là tấm hình của vợ và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm. Bác sĩ riêng thời chiến của anh, ông Huỳnh Hoài Nam kể: “Chúng tôi vẫn thường giúp xếp đồ cho ông mỗi khi chuyển căn cứ, nhưng có hai thứ ông bao giờ cũng tự làm là tấm hình và bộ bà ba của bà”.

Năm cuối đời, anh Võ Văn Kiệt một mình về sống với gia đình con gái Võ Hiếu Dân, kỷ niệm duy nhất còn lại của mối tình đầu. Hiếu Dân là niềm an ủi, là người sẻ chia với bố tất cả những nỗi niềm riêng tư.
Con trai Võ Dũng
Con trai Võ Dũng

Đầu những năm 90 của thế kỷ hai mươi, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Quyết tâm phục hồi nền kinh tế Việt Nam để theo kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á, anh đi nhiều nước, học hỏi nhiều. Anh thường nghĩ: Để phát triển kinh tế, phải phát huy sức mạnh dân tộc, mở rộng dân chủ và tự do, nhân tài phải được trọng dụng. Ông Kiệt nói: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình chứ không phải của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Gần hai nhiệm kỳ Thủ tướng, ông là người trực tiếp tham gia quyết định và thực hiện đường lối đổi mới cho kinh tế Việt Nam: xóa quan liêu, bao cấp, xây dựng những thể chế theo hướng thị trường. Ông ủng hộ quyền tự do kinh doanh của người dân theo pháp luật, ủng hộ thu hút đầu tư nước ngoài. Ông đã để lại dấu ấn trên khắp miền đất nước: đường dây 500 KW, nhà máy lọc dầu Dung Quất… Người ta gọi ông là “Kiến trúc sư của đổi mới Việt Nam”.

Ở tuổi tám mươi, ông vẫn còn rất sung sức với bao dự định cống hiến. Ông còn dự định sang Hà Lan nghiên cứu tìm hiểu về hệ thống đê chống nước biển dâng cho thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chuyến đi ấy mãi mãi chỉ là dự định. Vào một ngày hè nóng nực của tháng 6 năm 2008, Anh đột ngột ra đi mãi mãi.

Ý nguyện cuối cùng của ông vẫn chưa đạt được. Bốn mươi năm sau ngày vợ mất, ông vẫn hy vọng và tìm kiếm mộ vợ con. Rất nhiều lần ông Kiệt cùng con gái Hiếu Dân đi bộ dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn Bến Dược để tìm. Hai bên sông là rừng, không có người ở, có nhiều mộ vô danh. Từ sáng sớm đến hoàng hôn, không biết ông đã đi bao nhiêu cây số. Ông đi tìm lúc Sài Gòn mới giải phóng đến khi tóc đã bạc trắng. Hy vọng tìm mộ vợ ngày càng xa vời theo năm tháng... Sau ngày ông mất, gia đình tìm thấy một lá thư trong cuốn sổ cá nhân của ông gửi Thường vụ tỉnh uỷ và Ban chấp hành Đảng bộ Vĩnh Long.

“Trước đây, tôi có ý định khi qua đời, tôi được nằm tại quê nhà – sanh đâu trở về nằm xuống ở đó. Nhưng tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt, người vợ quá cố của tôi và hai con tôi lại nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (năm 1966).

Những nỗi đau không nguôi sau gần 30 năm và từ đó tôi có một nguyện vọng: Khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng với những lời hẹn ước ban đầu. Đó cũng là truyền thống thủy chung của dân tộc. Vậy là đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở phía kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không – chắc là không, thì tâm hồn cũng được thanh thản”.

Nguyệt Tú – Nguyệt Tĩnh

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc