Một vài bí mật về Dương Quý Phi: Vùi thân ở dốc Mã Ngôi?

20:00, Thứ hai 19/06/2017

( PHUNUTODAY ) - Là một trong "tứ đại mỹ nhân", cuộc đời của Dương Quý Phi (719-756) quả thực đã ứng với câu nói "hồng nhan bạc phận".

duong-quy-phi

 Ảnh minh họa.

Đường Huyền Tông (còn gọi là Đường Minh Hoàng) say đắm Dương Quý Phi, ngày đêm cùng người đẹp yến tiệc đàn ca. Hầu như chuyện triều chính đều do Tể tướng Dương Quốc Trung, anh họ của Dương Quý Phi đảm nhiệm.

Người đến cầu quan phong tước chen nhau đứng chật trước cửa. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm quan lại, có khi được tuyên bố ngay tại tư dinh của Tể tướng thay vì diễn ra ở sân rồng.

Năm 755, lấy danh nghĩa trừ bỏ gian thần Dương Quốc Trung, An Lộc Sơn, một võ tướng triều đình, đã dấy binh làm loạn. Không chống đỡ nổi, Đường Huyền Tông mang theo một số quần thần, phi tử rời bỏ kinh thành, hốt hoảng chạy về hướng nam. Đến dốc Mã Ngôi, binh sĩ đi theo ai cũng đói khát, mệt mỏi, nẩy sinh oán hận. Họ cho rằng sở dĩ bị rơi vào tình cảnh lạc loạn khốn đốn hiện nay đều do họ Dương mà ra. Lệnh trên ban xuống, binh sĩ không ai tuân theo. Họ yêu cầu nhà vua phải xuống chỉ xử chém “gốc họa” là Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi thì mới tiếp tục hộ giá.

Liên quan đến cái chết của Dương Quý Phi, trong cuốn “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang viết: Sau khi Dương Quốc Trung bị binh sĩ nổi loạn giết chết, quân sĩ làm nhiệm vụ hộ giá vẫn không chịu đi, ngay cả khi Đường Huyền Tông đích thân ra lệnh. Nhà vua yêu cầu thái giám Cao Lực Sĩ hỏi tướng chỉ huy quân cấm vệ Trần Huyền Lễ xem nguyên do vì đâu. Trần Huyền Lễ đáp rằng: “Dương Quốc Trung mưu phản, không nên sủng ái Dương Quý Phi nữa.

Mong bệ hạ vì đại cục cắt bỏ tình riêng”. Ban đầu, Đường Huyền Tông không chịu vì cho rằng Dương Quý Phi ở trong thâm cung làm sao biết được anh họ của mình làm phản. Tuy nhiên, sau khi nghe thái giám Cao Lực Sĩ khuyên rằng việc hành quyết Dương Quý Phi là để làm yên lòng binh sĩ và “bệ hạ chỉ bình an khi binh sĩ yên lòng”, Đường Huyền Tông đã ra lệnh cho Cao Lực Sĩ đưa Dương Quý Phi đến một ngôi phật đường treo cổ.

Cuốn “Quốc sử bổ” còn nói cụ thể rằng Dương Quý Phi treo cổ chết ở trên cây lê trước phật đường. Không chỉ chính sử, ngay cả một số bài thơ văn, ca phú và sách tạp lục của Trung Quốc cũng có những dòng ghi chép tương tự về cái chết của Dương Quý Phi. Ví dụ: Mùa đông năm 806, Bạch Cư Dị nhậm chức huyện úy (một chức quan chuyên trách việc đảm bảo trị an và tróc nã trộm cướp trong huyện) Châu Chất (nay là huyện Chu Chí, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).

Hai người bạn thân của Bạch Cư Dị là Trần Hồng và Vương Chất cũng cư ngụ tại huyện này. Ngày kia, ba người tới thăm chùa Tiên Du. Nhân đề cập đến mối tình bi thảm của vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, cùng cái chết thê thảm của nàng, cả ba đều đem lòng cảm thán, ngậm ngùi, rồi Vương Chất đề nghị Bạch Cư Dị làm một bài thơ để kể lại câu chuyện tình sử ấy, còn Trần Hồng viết thành truyện.

Nhã hứng tuôn trào, chẳng mấy chốc Bạch Cư Dị đã hoàn thành bài “Trường hận ca”, được người đời ca tụng. Trong khi đó, Trần Hồng lại nhìn nhận tấn bi kịch tình yêu giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi trong tác phẩm “Trường hận ca truyện” của mình dưới góc độ của một nhà lịch sử. Những gì mà Bạch Cư Dị và Trần Hồng viết khá giống với chính sử.

Dẫu vậy, vẫn có người cho rằng Dương Quý Phi không phải chết do thắt cổ mà chết trong đám loạn quân. Quan điểm này được hình thành trên cơ sở miêu tả của một số bài thơ đời Đường. Trong bài “Ai giang đầu”, Đỗ Phủ ám chỉ rằng Dương Quý Phi không phải chết do thắt cổ ở dốc Mã Ngôi, bởi chết do thắt cổ sẽ không thấy máu như nhiều tác phẩm miêu tả. Đồng quan điểm với Đỗ Phủ là một số tác gia khác như Lý Ích, Đỗ Mục và Trương Hựu. Họ cho rằng Dương Quý Phi chết bởi binh đao thời loạn. Thậm chí, có tác gia như Lý Vũ Tích còn cho rằng Dương Quý Phi chết sau khi bị ép nuốt vàng.

Truyền thuyết kể lại rằng sau khi Dương Quý Phi chết, Trần Huyền Lễ ra lệnh cho binh sĩ lấy loại chăn dùng trong lúc hành quân, bọc thi thể nàng, chôn trong một chiếc hố đào vội ven đường, rồi hộ giá Đường Huyền Tông tiếp tục tháo chạy. Sau khi loạn An Lộc Sơn được dẹp yên, trên đường về Trường An, khi đi qua chỗ Dương Quý Phi chết, Đường Huyền Tông cứ đứng lặng, không muốn rời xa. Ổn định triều chính xong, Đường Huyền Tông bí mật sai hoạn quan đến Mã Ngôi cải táng cho Dương Quý Phi. Đám hoạn quan trở về mang theo chiếc túi thơm khi xưa Dương Quý Phi hay mang bên mình và bẩm báo không tìm thấy hài cốt của Dương Quý Phi.

nhung-bi-mat-ve-duong-quy-phi-vui-than-o-doc-ma-ngoi-2

Phần mộ của Dương Quý Phi tại Mã Ngôi, Hưng Bình, Thiểm Tây, Trung Quốc. 

Dương Quý Phi thực sự đã vùi xác ở dốc Mã Ngôi? Câu hỏi đó hiện vẫn chưa có câu trả lời khiến tất cả mọi người tâm phục khẩu phục. Bởi ngay từ thời Đường, trong dân gian đã lan truyền thuyết Dương Quý Phi không chết, được cứu sống và lưu lạc trong dân gian, làm đạo sĩ. Dẫu vậy có một thực tế không ai phủ nhận được là phần mộ của Dương Quý Phi hiện vẫn đang tồn tại ở dốc Mã Ngôi, huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Ngôi mộ được xây bằng gạch trong khuôn viên khu đất rộng chừng 3.000 m2, có hình tròn, trên bia đá ghi rõ: "Dương Quý Phi chi mộ". Nhưng sẽ giải thích ra sao về việc ở Nhật Bản cũng có một phần mộ được cho là của Dương Quý Phi?

Sắc đẹp của Dương Quý Phi không chỉ được truyền tụng, mà còn đi vào trong thi ca. Nhà thơ Lý Bạch từng viết bài "Thanh bình điệu" để ca tụng sắc nước hương trời của Dương Quý Phi. Tuy nhiên, theo dã sử Trung Quốc, Dương Quý Phi cao 1 mét 64, nặng 69 kg (cũng có chỗ nói Dương Quý Phi cao 1 mét 55, nặng 60 kg). Dân gian Trung Quốc cũng lưu truyền câu "Hoàn phì, Yến sấu" (Hoàn béo, Yến gầy) để nói về sự đối nghịch về hình thể giữa mỹ nhân đời nhà Hán và mỹ nhân đời nhà Đường: Hoàng hậu Triệu Phi Yến của Hán Thành Đế nhỏ nhắn còn Dương Quý Phi của Đường Huyền Tông lại đẫy đà.

Trong bài "Trường hận ca" nổi tiếng kể về chuyện tình giữa Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông, tuy không nói đến việc Dương Quý Phi béo hay không béo, nhưng Bạch Cư Dị lại viết: "Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi" (tạm dịch là "nước suối nóng chảy trôi mỡ tụ"). Những từ đó đủ cho thấy Dương Quý Phi là một phụ nữ đẫy đà. Dẫu vậy, phải thấy rằng mỗi thời đại quan niệm về cái đẹp cũng có sự khác nhau. Vào thời Đường Huyên Tông, kinh tế phát triển, bàn dân thiên hạ ăn no mặc ấm và cái sự "đẫy đà" không chỉ là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp mà còn biểu hiện cho sức khỏe dồi dào của người phụ nữ.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên
TIN MỚI CẬP NHẬT