Muôn màu hành xử của thông gia về những nàng dâu hiếm muộn

09:54, Thứ bảy 03/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Phụ nữ có thể không giàu có, không nhiều tiền bạc, không mặn mà nhan sắc, không thênh thang đường quan lộ… nhưng không thể không có con. Đứa con đối với họ giống như lẽ sống, như không khí, như ánh sáng mặt trời. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được thiên chức vĩnh hằng, tuyệt diệu đó. Không ít tấm bi kịch gia đình xuất phát từ nỗi đau hiếm muộn ấy, mà người đời, đôi khi ác khẩu, gọi đó là cái tội “trời chu”.

(Phunutoday) - Phụ nữ có thể không giàu có, không nhiều tiền bạc, không mặn mà nhan sắc, không thênh thang đường quan lộ… nhưng không thể không có con. Đứa con đối với họ giống như lẽ sống, như không khí, như ánh sáng mặt trời. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được thiên chức vĩnh hằng, tuyệt diệu đó. Không ít tấm bi kịch gia đình xuất phát từ nỗi đau hiếm muộn ấy, mà người đời, đôi khi ác khẩu, gọi đó là cái tội “trời chu”.
 
“Xin cám ơn tình yêu…”
Chẳng có hạnh phúc gì sánh bằng, Hương luôn tự nhủ có được may mắn, hạnh phúc diệu kì đó là bởi chị chưa bao giờ đơn độc. Bên cạnh chị luôn có những người dành cho chị tình yêu thương vô bờ bến và sự chờ đợi, nhẫn nại đến không ngờ (Ảnh minh họa)
Câu chuyện tôi được bác sĩ khoa hiếm muộn bệnh viện phụ sản Hà Nội kể lại giống như câu chuyện cổ tích giản dị giữa đời thường. Ở đó, không có cái ác đứng ở bên kia chiến tuyến, nhưng ở đó có những con người sát cánh bên nhau đi qua những thởi điểm khó khăn nhất cuộc đời để hái gặt về trái ngọt sau những nỗ lực, gắng gượng tưởng như đã có lúc họ chấp nhận từ bỏ.
 
Hương (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) trở thành bệnh nhân quen thuộc của phòng khám hiếm muộn, bệnh viện phụ sản Hà Nội. Người đàn bà có vóc người nhỏ thó, lầm lũi bước dọc hành lang khoác trên người chiếc áo khoác mỏng u uẩn bởi gương mặt rầu rĩ, đau khổ. Chẳng cần hỏi lý do, chỉ cần nhìn thấy chị đi vào khu vực này, ai nấy đều biết cội rễ nỗi buồn khổ, ai oán vương trên đôi mắt chị.
 
Ở nơi đó, những đôi mắt gặp nhau trong sự đồng cảm chen lẫn mệt mỏi, băn khoăn của những ông bố, bà mẹ khát khao được sống đúng thiên chức vĩ đại của mình. Hương tới đây là lần thứ 6. Bền bỉ, nhẫn nại và gắng gượng chôn giấu nỗi mệt mỏi, chán chường xuống đáy lòng, chị tự nhủ “có bệnh thì vái tứ phương”, mong sao khát khao làm mẹ sớm trở thành hiện thực.
 
Hương là một người phụ nữ có số phận may mắn hơn rất nhiều so với những người đàn bà chịu “cái án” hiếm muộn giống như chị. Đa phần, những người phụ nữ khi bước chân về làm dâu, muộn mằn lắm sau 2 hoặc 3 năm là sinh được con cái cho gia đình nhà chồng phấn khởi. Nhiều khi, họ còn nói vui với nhau mình như cái “máy đẻ”, “sản xuất” và duy trì nòi giống cho đằng nội.
 
Nói thì nói vậy, nhưng bản thân mỗi người phụ nữ, chẳng gì tuyệt vời hơn cảm giác được làm mẹ, nâng niu, ấp ôm báu vật ngày một lớn khôn trong bụng suốt 9 tháng 10 ngày. Cảm giác đau đớn đến mức có thể “chết đi sống lại” khi cơn trở dạ ùa tới và sau ấy, một sinh linh bé bỏng chào đời làm bừng sáng cuộc đời và rộn rã trái tim người mẹ. Có những hạnh phúc, chỉ người đàn bà mới có cơ hội nếm trải và có những hạnh phúc vĩnh viễn không bao giờ cập bến trong cuộc đời họ.
 
Đối với những trường hợp hiếm muộn như chị Hương, niềm hi vọng mỗi lần được thổi bùng lên lại thêm phần chát đắng sau khi đợt điều trị chưa thực sự có hiệu quả. Và không phải người phụ nữ hiếm muộn nào cũng nhận được sự cảm thông, thương xót và yêu thương của gia đình nhà chồng như chị.
 
Chồng chị là con trưởng trong gia đình có hai anh em. Dưới Tùng - chồng Hương là một em gái cũng đã yên bề gia thất, tức là nghĩa vụ của Hương về làm dâu sẽ khó khăn và nặng nề hơn rất nhiều. Chị cần sinh cho Tùng những đứa con khỏe mạnh để nối dõi tông đường, sinh cho bố mẹ chồng đứa cháu đích tôn để ông bà hỉ hả với gia đình, làng xóm.
 
Nhưng 3 năm về làm dâu, cố gắng lắm nhưng vợ chồng Hương mãi không có nổi mụn con. Bình thường như gia đình khác, trong một vai vế tương tự như gia cảnh nhà Tùng, áp lực bố mẹ tạo cho con dâu chắc chắn không hề nhỏ, nhưng bố mẹ Tùng thì khác. Hai cụ tỏ ra thông cảm và yêu thương nàng dâu kém may mắn. Ông bà thường bảo: “Mình mong có cháu, có con một thì nó mong có con gấp trăm, gấp nghìn lần”. Chẳng vậy, hễ nghe đâu rỉ tai cách chữa hiếm muộn, ông bà lại lặn lội lên tận nơi xa lắc xa lơ, mua thuốc về điều trị cho con dâu.
 
Có bận, ông bà lên tận Cao Bằng tìm tới một thầy lang nổi tiếng chữa hiếm muộn bằng lá rừng, đến mức cụ ông bị ngã xây xước hết cả chân, vẫn lấy cho bằng được vài thang thuốc quý. Nhìn đôi chân băng bó của bố chồng, nước mắt Hương cứ thế chảy ròng ròng. Chị thầm trách vì mình mà bố mẹ phải lao tâm khổ tứ đủ đường.
 
Dù rất yêu thương chồng, nhưng nghĩ vì mình mà anh phải khổ, 3 năm mòn mỏi chờ đợi một mụn con và không biết đến bao giờ ước mơ làm cha mới thành sự thật, Hương đã chủ động viết đơn ly hôn, giải thoát cho anh. Nhưng là một người đàn ông có nghĩa có tình, và quan trọng hơn, anh vẫn yêu vợ và muốn cùng chị tìm kiếm phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Anh muốn những đứa con xinh xắn của anh gọi Hương là mẹ.
 
Một dạo, bố mẹ Hương lặn lội từ quê lên thăm ông bà xui gia. Hai ông bà già cả, mắt mũi lèm nhem chỉ biết nắm tay hai ông bà thông gia mà ứa nước mắt: “Con bé Hương nhà tôi có lỗi với gia đình nhà ông bà quá”. Cứ vậy, bốn người già nhìn nhau rầu rĩ, thương con, xót phận. Biết ý định ly hôn của Hương, bố mẹ Tùng phản đối dữ lắm. Họ bảo: “Con về làm dâu nhà ta một ngày nghĩa là cả đời này sẽ làm dâu nhà ta. Đừng vì khó khăn trước mắt mà nản chí, thoái lui. Bệnh của con cần kiên trì nhẫn nại. 1 năm, 3 năm chưa đạt thì 5 năm, 10 năm. Ngoài con, chúng ta không chấp nhận bất kì người phụ nữ nào bước chân vào cuộc đời thằng Tùng, bước chân về làm dâu nhà ta”.
 
Câu chuyện cảm động của gia đình nhà Hương lan khắp hẻm phố. Ai nấy đều cảm động trước tấm lòng bao dung, vị tha, thấu hiểu của gia đình Tùng dành cho cô con dâu bất hạnh.
 
Bác sĩ báo tin đợt thụ thai mới nhất của Hương đã thành công, và hiện tại Hương đã có bầu được hơn 3 tháng. Giọt máu chị đang mang trong người là kết tinh của tình yêu Tùng dành cho chị, kết tinh của lòng động viên, khích lệ, yêu thương bố mẹ chồng, là hội tụ của những giọt nước mắt, bao dung bố mẹ dành cho vợ chồng chị.
 
Trải qua hơn 3 năm bền bỉ chiến đấu với căn bệnh hiếm muộn, cuối cùng, khát khao làm mẹ của Hương đã trở thành hiện thực. Chẳng có hạnh phúc gì sánh bằng, Hương luôn tự nhủ có được may mắn, hạnh phúc diệu kì đó là bởi chị chưa bao giờ đơn độc. Bên cạnh chị luôn có những người dành cho chị tình yêu thương vô bờ bến và sự chờ đợi, nhẫn nại đến không ngờ.
 
Số phận hiếm muộn bạc bẽo
 
Không có được may mắn như Hương, T.M (Hoàng Mai - Hà Nội) là người đàn bà bất hạnh, hiếm muộn đường con cái, nhưng M không nhận được bất cứ sự cảm thông, chia sẻ nào từ bản thân chồng chị và gia đình nhà chồng.
 
Gần 4 năm làm dâu, chưa một ngày chị không phải nghe điệp khúc quen thuộc vang lên từ người mẹ chồng cay nghiệt: “Chị là giống cau điếc. Chỉ mỗi việc sinh con cho nhà chồng mà cũng không xong. Thử hỏi chị làm được cái trò trống, đồ đốt gì!”. Mỗi lần như thế, M chỉ biết khóc thầm nơi góc phòng, xót thương số kiếp bọt bèo, phù du của mình.
 
Áp lực từ bố mẹ chồng đã đành, M thêm áp lực từ phía người chồng chị trọn vẹn yêu thương. Những năm đầu chung sống, anh yêu chiều, nâng niu chị, nhưng sau những nỗ lực bất thành của vợ, anh dần chán nản và quay sang hắt hủi chị. Mỗi lần say rượu, trở về nhà khi chân tay lảo đảo, miệng nồng nặc hơi men, anh lại bắt chị quan hệ trong sự kháng cự vô vọng của người vợ tội nghiệp.
 
Người chồng ghê tởm ấy không ngừng chửi bới, mắng nhiếc chị là loại đàn bà vô dụng, trở thành gánh nặng cho gia đình nhà anh. Dù biết trong cơn say anh mất hết lý trí, mất hết khả năng kiểm soát bản thân, nhưng những lời anh nói như vết dao cứa sâu vào lòng M.
 
Mỗi lần đi khám chữa bệnh, M tự túc tất cả từ việc liên hệ thầy thuốc, đặt lịch hẹn, chi phí… mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ gia đình chồng. Như công dã tràng xe cát, tiền bạc đổ ra không biết bao nhiêu và hi vọng ngày một mờ ảo.
 
Chưa dừng lại ở đó, bố mẹ chồng nghiệt ngã còn lôi cả bố mẹ đẻ của M vào trận chiến bài xích, miệt thị: “Không biết ông bà ấy vô phúc thế nào đẻ ra phải đứa con vô dụng. Chắc do kiếp trước ăn ở bạc bẽo nên kiếp này bị trời đày”. Cứ thế, lời lẽ nặng nề lan tới bố mẹ M, hai ông bà vừa giận thông gia lại thương con gái, nhiều lần khuyên con từ bỏ gia đình bạc bẽo ấy đi, nhưng M kiên quyết bám trụ lại gia đình đó.
 
Hôm trước, hai ông bà mang biếu thông gia ít trứng gà do đứa cháu ở quê gửi lên biếu, chẳng những họ chẳng biết điều ưng ý cảm ơn, lại quay sang xách mé ông bà và lôi chuyện hiếm muộn của M ra nhiếc móc. Con đau, mẹ xót, thấy con mình bị chửi bới không ra vì với những lời lẽ thậm tệ, cạn tàu ráo máng, bố mẹ M giận tím mặt, vừa thương số kiếp hẩm hiu của con, vừa trách con rể bỏ mặc vợ trong những lúc khó khăn, chênh vênh nhất.
 
Hai ông bà bảo nhau không nhìn mặt ông bà thông gia nữa, nhưng cuối cùng, vì thương yêu con gái, họ vẫn phải tới, vẫn chường mặt và nhận những lời sỉ vả chẳng ra gì của những người đầu hai thứ tóc.
 
TM cực kì gan lỳ và ngang bướng. Chị không muốn từ bỏ. Chị bảo, chị chấp nhận tất cả bất hạnh, nhiếc móc của cha mẹ chồng, sự hắt hủi của chồng, chỉ cần chị có một đứa con với anh để thõa mãn khao khát làm mẹ của chính mình là đủ. Vì khao khát ấy chị chấp nhận tất cả, kể cả sự quay lưng của cả thế giới về mình, mong sao hạnh phúc làm mẹ được một lần gõ cửa…
 
  • Thiên Dương
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc