Mỹ nhân Điêu Thuyền rốt cuộc là ai?

14:08, Thứ ba 13/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Điêu Thuyền vốn không phải là tên gọi mà là một chức danh để gọi những người hầu phục vụ mũ áo cho quan lại dưới triều nhà Hán. Điều này, đương nhiên La Quán Trung không thể không biết.

(Phunutoday) - Điêu Thuyền vốn không phải là tên gọi mà là một chức danh để gọi những người hầu phục vụ mũ áo cho quan lại dưới triều nhà Hán. Điều này, đương nhiên La Quán Trung không thể không biết. Vậy rốt cuộc Điêu Thuyền là ai và vì sao tác giả “Tam Quốc diễn nghĩa” lại cố tình che giấu thân phận cũng như số phận của mỹ nhân lừng danh sử sách này?

1. Nói về “Tam Quốc diễn nghĩa”, dường như chẳng mấy người Việt Nam cảm thấy xa lạ. Bộ tiểu thuyết của tác giả họ La có thể nói là đã tạo ra một sức sống và sự lan tỏa cực kỳ mãnh liệt, vượt ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, với những người tò mò và thích suy luận, sau khi đọc bộ tiểu thuyết, ắt sẽ không khỏi cảm thấy cuốn tiểu thuyết “ba phần thực, bảy phần hư” này có nhiều tình tiết rất “khả nghi”, thậm chí phi logic và không thể lý giải được.

Trong bộ tiểu thuyết rất “ăn khách” của mình, có hai nhân vật xuất hiện, nhưng đến tên tuổi, La Quán Trung cũng không nói rõ. Người thứ nhất chính là viên quan Đốc bưu bị Trương Phi say rượu đánh chết. Đương nhiên, đây là một nhân vật nhỏ, tên tuổi thế nào có lẽ không quan trọng lắm. Tuy nhiên, nhân vật thứ hai, ngược lại có một vai trò cực kỳ quan trọng trong diễn biến của “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng không được tiểu thuyết gia họ La nói rõ tên tuổi. Người đó không ai khác chính là mỹ nhân Điêu Thuyền.

Tới đây, nhiều người ắt sẽ phản đối ngay. Rõ thật ngớ ngẩn, không có tên tuổi, vậy Điêu Thuyền gọi là gì? Chẳng phải cô ta tên là Điêu Thuyền hay sao? Trên thực tế, Điêu Thuyền vốn không phải là tên. Điêu Thuyền là tên gọi chung cho những người hầu chuyên phục vụ áo mũ cho quan lại trong triều đại nhà Hán.

Cũng giống như nhiều người lầm lẫn Đốc bưu là tên của người bị Trương Phi đánh chết, song thực ra, Đốc bưu vốn chỉ là tên một chức quan chịu trách nhiệm các trạm dịch trong lãnh thổ một quận dưới thời nhà Hán. Như vậy, cũng giống như Đốc bưu, Điêu Thuyền là một nhân vật “vô danh” trong “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Vậy, Điêu Thuyền rốt cuộc là ai?

Mặc dù, trong các bộ chính sử, người ta hoàn toàn không tìm thấy bất cứ ghi chép nào về nguồn gốc xuất thân của mỹ nữ lừng danh này. Tuy nhiên, trong nhiều truyền thuyết dân gian, Điêu Thuyền lại có nguồn gốc xuất thân rất rõ ràng. Theo những truyền thuyết này thì Điêu Thuyền vốn họ Nhậm, tên là Hồng Xương. Quê quán thì mỗi chuyện một phách, người nói ở Lâm Thao, người nói ở Mễ Chi, người lại nói ở Hân Châu.

Điêu Thuyền
Điêu Thuyền


Nếu quả thực, Điêu Thuyền có tên, có tuổi, có nguồn gốc xuất thân hẳn hoi thì vì sao La Quán Trung lại chỉ giới thiệu “chức danh” của mỹ nhân này mà “lờ tịt” chuyện tên tuổi của cô ta? Ngoài ra, từ sau sự kiện lầu Bạch Môn, Lã Bố bị Tào Tháo xử chết, số phận của Điêu Thuyền ra sao, La Quán Trung cũng không hề nói rõ, thậm chí nửa chữ cũng không. Điều này trên thực tế không phù hợp với phong cách của La Quán Trung.

 Những người đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” sẽ thấy rằng, trong bộ tiểu thuyết của mình, dù là “ba phần thực, bảy phần hư”, nhưng với mỗi nhân vật quan trọng, La Quán Trung đều giới thiệu lai lịch rất rõ ràng và tỉ mỉ. Chẳng hạn như, sau khi Tôn Thượng Hương bị lừa về Đông Ngô thì vai trò của nhân vật này với diễn tiến của “Tam Quốc diễn nghĩa” gần như không còn nữa. Tuy nhiên, tới khi Lưu Bị bại trận và chết ở Bạch Đế thành, La Quán Trung vẫn một lần nữa nhắc tới sự kiện Tôn Thượng Hương nghe tin Lưu Bị chết đã tự sát theo chồng.

 Cách thức này của La Quán Trung giúp người đọc có được một hồ sơ hoàn chỉnh và đầy đủ về nhân vật và nó cũng tạo nên phong cách của tác gia họ La. Tuy nhiên, đối với Điêu Thuyền, một nhân vật có vai trò quan trọng hơn Tôn Thượng Hương rất nhiều thì vì sao lại bị La Quán Trung đối xử bất công tới như vậy?

2. Số phận của Điêu Thuyền trong các truyền thuyết dân gian cũng có nhiều dị bản khác nhau. Có thuyết nói, Quan Vũ đã đem Điêu Thuyền giấu đi, Tào Tháo sau khi biết chuyện liền phái người đuổi bắt, Điêu Thuyền rút kiếm tự sát. Một thuyết khác lại nói, nhờ sự sắp xếp của Quan Vũ, Điêu Thuyền trở về quê hương, sống cho tới già. Cũng có người nói, sau khi về quê, Điêu Thuyền xuất gia làm ni cô, sống cuộc đời ẩn dật, yên bình.

Một thuyết khác nói, sau khi đánh bại Lã Bố và cướp được Điêu Thuyền, Tào Tháo bên ngoài thì tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ nhưng lại ngấm ngầm đồng ý ban mỹ nhân này cho Lưu Bị để chia rẽ mối quan hệ giữa Lưu và Quan. Biết được mưu đồ của Tào Tháo, Quan Vũ đã giết chết Điêu Thuyền.

Mặc dù có rất nhiều câu chuyện khác nhau về số phận của mỹ nhân này, tuy nhiên, có thể thấy là trong tất cả các câu chuyện, số phận của Điêu Thuyền đều gắn liền với Quan Vũ. Kỳ thực, trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã dùng thủ pháp ẩn dụ để kể lại câu chuyện về số phận của Điêu Thuyền. Đó chính là câu chuyện về con ngựa Xích Thố lừng danh.

Có một điểm rất phi logic trong câu chuyện về chú ngựa Xích Thố lừng danh này mà những người đọc tinh ý có thể phát hiện ra. Khi Quan Vũ nhận được ngựa Xích Thố từ chỗ Tào Tháo thì Xích Thố đã là một con ngựa trưởng thành. Đó cũng là lúc Quan Vũ ở độ tuổi thanh niên. Sau này, khi Quan Vũ bại trận ở Mạch Thành và bị quân Đông Ngô giết, Quan Vũ vẫn cưỡi con ngựa Xích Thố. Khi đó, Quan Vũ tuổi đã ngoài 50. Đây rõ ràng là một sai lầm chết người của La Quán Trung.

Ai cũng biết rằng, ngựa Xích Thố ban đầu của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố. Khi Lã Bố nhận ngựa Xích Thố thì con thần mã này đã có thể cưỡi ra chiến trường. Đó là thời điểm năm 190 sau Công nguyên. Cho tới khi Tào Tháo đánh bại Lã Bố, chiếm được ngựa Xích Thố rồi tới lúc đem con thần mã này tặng lại cho Quan Vũ, thời gian đã qua ít nhất là 10 năm. Rồi tới khi Quan Vũ thua trận, chạy tới Mạch Thành và bị giết tại đây đã là năm 221 sau Công nguyên.

 Tính ra, từ thời điểm Đổng Trác tặng ngựa Xích Thố cho Lã Bố cho tới khi Quan Vũ chết trận ở Mạch Thành thì ngựa Xích Thố ít nhất đã 31 tuổi. Theo kiến thức động vật học ngày nay, loài ngựa có tuổi thọ trung bình vào khoảng 30-40 năm và cũng giống như con người, chúng sống càng lâu thì thể lực và khả năng lao động càng kém.

 Như vậy, vào thời điểm Quan Vũ chết trận ở Mạch Thành, Xích Thố đã là một “ông lão chân chậm, mắt mờ”, nếu như không chết thì cũng chỉ còn biết quanh quẩn bên tàu ngựa “an hưởng tuổi già” mà thôi. Một dũng tướng như Quan Vũ sẽ không thể nào lại cưỡi một con ngựa già ra mặt trận cho dù đó có là “thần mã” đi chăng nữa.

Điêu Thuyền
Điêu Thuyền


Nếu như đối chiếu thân thế của Xích Thố trong “Tam Quốc diễn nghĩa” với thân thế của Điêu Thuyền trong các truyền thuyết dân gian có thể thấy một sự trùng hợp rất kỳ lạ. Cả Xích Thố lẫn Điêu Thuyền đều từ tay Đổng Trác chuyển sang Lã Bố, rồi từ chỗ Lã Bố bị Tào Tháo chiếm làm chiến lợi phẩm, sau đó được tặng lại cho Quan Vũ. Điều này hoàn toàn không phải là một sự trùng hợp đơn thuần hay ngẫu nhiêu.

Có thể nói, “thần mã” Xích Thố trong “Tam Quốc diễn nghĩa” chính là hóa thân của Điêu Thuyền. La Quán Trung đã sử dụng Xích Thố như một ẩn dụ để kể về số phận của mỹ nhân Điêu Thuyền kể từ sau sự kiện ở lầu Bạch Môn.

3. Kỳ thực, chỉ riêng tên gọi người ta cũng thấy có một sự hô ứng rất rõ giữa Điêu Thuyền và chú thần mã Xích Thố. Điêu Thuyền, theo các truyền thuyết dân gian thì tên là Nhậm Hồng Xương. Trong tên của Điêu Thuyền có một chữ “Hồng” (đỏ). Trong khi đó, chữ “Xích” trong Xích Thố cũng có nghĩa là màu đỏ. Sở dĩ, loại ngựa này có tên là Xích Thố là vì toàn thân đỏ rực như lửa, không có một sợi lông tạp nào. Vậy, nếu như chữ Xích là nhằm ám chỉ Điêu Thuyền thì chữ Thố ám chỉ điều gì? Mới nhìn, có thể sẽ chẳng thấy có bất cứ mối liên hệ nào giữa Điêu Thuyền và chữ “Thố” này. Tuy nhiên, đây có thể nói là một hàm ý rất sâu sắc của La Quán Trung.

Trong lịch sử nhân loại, gần như tất cả các nền văn minh trên thế giới đều trải qua chế độ xã hội mẫu hệ. Thậm chí, cho tới thời hiện tại, một số bộ lạc nguyên thủy vẫn bảo lưu những tàn tích của chế độ xã hội này. Khi xã hội mẫu hệ bắt đầu, cũng là thời điểm mà con người bắt đầu biết nhận thức và lý giải tự nhiên và đó cũng là lúc hình thành các tín ngưỡng và tôn giáo đầu tiên.

Vì vậy, những người phụ nữ khi đó đóng vai trò là những người lãnh đạo xã hội, trở thành đại biểu và tiêu chuẩn cho việc xây dựng hình tượng các vị thần. Con người sùng bái tự nhiên sản sinh ra vạn vật, vì vậy họ đồng thời cũng sùng bái khả năng sinh nở của những người phụ nữ, coi đó là một biểu tượng của thần linh.

Tại phương Đông, sùng bái nữ thần từng chiếm địa vị chủ đạo trong tôn giáo của nhân loại. Trung Quốc không phải ngoại lệ. Sùng bái nữ thần hình thành ở quốc gia này từ rất sớm, thậm chí còn kéo dài cho tới xã hội phụ quyền sau này.

Sau khi loài người chuyển sang xã hội phụ quyền, khi những người đàn ông với năng lực và trí lực mạnh mẽ hơn dần thay thế những người phụ nữ, trở thành nhân vật chủ chốt trong xã hội thì tôn giáo của loài người cũng có những thay đổi theo.

Rất nhanh sau đó, những nhân vật thần thoại là nam giới thay thế những nhân vật thần thoại mang giới tính nữ. Tuy nhiên, theo quy luật của tự nhiên, tôn giáo sùng bái nữ thần không bị biến mất hoàn toàn, ngược lại nó vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội. Trong lịch sử thần thoại Trung Quốc, cho tới nay vẫn còn lưu lại rất nhiều hình tượng nữ thần, tiểu biểu nhất chính là câu chuyện Nữ Oa vá trời.

Ảnh hưởng của hình tượng nữ thần trong đời sống xã hội Trung Quốc và phương Đông nói chung hoàn toàn không thua kém hình tượng của các nam thần.

Trong quan niệm của người Trung Quốc, người ta coi thế giới được cấu tạo bởi hai phần âm và dương. Vì vậy, tất cả mọi sự vật đều được phân thành hai nửa, hoặc thuộc âm tính hoặc thuộc dương tính. Trong xã hội phụ quyền, khi người đàn ông trở thành người làm chủ xã hội, họ trở thành phần dương, còn nữ giới trở thành đại diện cho phần âm. Vì vậy, sự sùng bái các nữ thần còn được gọi là sùng bái âm thần.

Trong thế giới tự nhiên, nếu như mặt trời được coi là đại diện của phần dương, người ta gọi là thái dương, thì mặt trăng là đại diện tiêu biểu của phần âm, gọi là thái âm. Vì thế, mặt trăng trở thành vật tô tem của những tôn giáo sùng bái âm thần. Do đó, tôn giáo sùng bái âm thần ở Trung Quốc còn được gọi là tôn giáo thờ mặt trăng (Sùng nguyệt giáo).

Tất cả những điều này có liên quan gì tới Điêu Thuyền và số phận của mỹ nhân này? Có thể đoán định rằng, Điêu Thuyền là một thành viên của tôn giáo thờ âm thần ở Trung Quốc, và là một thành viên có địa vị rất cao trong tôn giáo này. Một minh chứng rất rõ ràng là câu chuyện Điêu Thuyền rất thích và sùng bái ánh trăng được lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian. Hằng Nga là một nữ thần chủ quản mặt trăng trong các câu truyện dân gian của Trung Quốc. Do vậy, Hằng Nga cũng trở thành đại biểu được tôn thờ cho những tôn giáo sùng bái mặt trăng. Ai cũng biết, con thú cưng của Hằng Nga chính là thỏ ngọc.

Thỏ ngọc chính là sinh vật gần gũi nhất với nữ thần này, do vậy nó được coi như hình ảnh tượng trưng cho những nhân vật quan trọng, có địa vị cao trong tôn giáo sùng bái mặt trăng, chẳng hạn như những người tế lễ. Chữ “Thỏ” trong tiếng Hán được viết chính là chữ “Thố”. Do vậy, La Quán Trung đã dùng chữ Thố ghép với chữ Xích để đặt tên cho con thần mã xuất hiện trong tác phẩm của mình nhằm ám chỉ thân phận của Điêu Thuyền. Như vậy, có thể khẳng định rằng, ngựa Xích Thố chính là nhằm chỉ Điêu Thuyền.

Từ đó, có thể khẳng định chắn chắn rằng, kể từ sau sự kiện ở lầu Bạch Môn, Điêu Thuyền cùng với Xích Thố đã đi theo Quan Vũ. Điều quan trọng hơn chính là Điêu Thuyền kỳ thực được chính Quan Vũ hướng dẫn gia nhập tôn giáo sùng bái mặt trăng, đồng thời giao cho chức vụ trong tôn giáo này.

Trong dân gian từng lưu truyền câu chuyện rằng, Quan Vũ sắp xếp cho Điêu Thuyền về quê, xuất gia làm ni cô chính là vì nhắc tới chuyện này. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Quan Vũ đưa Điêu Thuyền gia nhập tôn giáo này chính là vì bản thân Quan Vũ là nam giới, mặc dù địa vị cao nhưng không thể tiến tới ngôi vị quyền lực nhất trong tôn giáo sùng bái nữ thần này.

 Vì vậy, một khi đưa Điêu Thuyền gia nhập tôn giáo này, đồng thời giúp Điêu Thuyền trở thành quan tế lễ thì Quan Vũ có thể khống chế toàn bộ tôn giáo này thông qua “giáo chủ” bù nhìn là Điêu Thuyền.

Tuy nhiên, nếu sự thực là như vậy thì vì sao La Quán Trung không kể tiếp câu chuyện về cuộc đời Điêu Thuyền mà lại phải dùng chú ngựa Xích Thố như một ẩn dụ? Tác giả “Tam Quốc diễn nghĩa” thực sự muốn che giấu điều gì? Để giải thích được điều này là một câu chuyện rất dài.

4. Đầu tiên, nói về những sự việc xảy ra sau khi Điêu Thuyền theo Quan Vũ về đất Thục. Sau khi Lưu Bị chiếm được đất Tây Thục, Quan Vũ chủ động yêu cầu Lưu Bị và Khổng Minh cho mình trấn giữ Kinh Châu. Là dũng tướng số một dưới trướng của Lưu Bị, lại là chỗ thân tình, một yêu cầu như vậy, Lưu Bị không có cách nào từ chối. Quan Vũ cũng có những tính toán riêng.

Ở Kinh Châu, Quan Vũ sẽ trở thành tướng chỉ huy có quyền lực nhất, nhờ vậy sẽ có điều kiện để tổ chức và phát triển tôn giáo của mình. Đổi lại, địa vị của Quan Vũ và Điêu Thuyền trong giáo phái sẽ ngày càng cao hơn.

Quan Vũ
Quan Vũ


Thời gian sau đó, nhờ vào vị trí địa lý và điều kiện giao thông cũng như sản vật cực kỳ thuận lợi của Kinh Châu, tôn giáo của Quan Vũ và Điêu Thuyền ngày càng phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, khi tiền bạc và thế lực của giáo đoàn ngày một gia tăng thì cũng bắt đầu sự xuất hiện sự phân liệt trong nội bộ giáo đoàn. Lúc bấy giờ, Điêu Thuyền cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu vì địa vị bù nhìn của mình, dần dần lợi dụng những người trong giáo phái ủng hộ mình để củng cố thế lực, nhằm thoát ra khỏi sự khống chế của Quan Vũ. Khi cảm thấy đã đủ lông đủ cánh, Điêu Thuyền chính thức công khai đối đầu với Quan Vũ.

Một người tự phụ như Quan Vũ, đương nhiên, ban đầu sẽ không bao giờ để ý tới một phụ nữ chân yếu tay mềm như Điêu Thuyền. Trong con mắt của Quan Vũ, Điêu Thuyền chỉ giống như một con rối tùy ý mình có thể sắp đặt.

Tuy nhiên, sự coi thường của Quan Vũ đã giúp cho thế lực của Điêu Thuyền ngày một lớn mạnh hơn. Đợi tới khi Quan Vũ phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Do vậy, một cuộc chiến ngấm ngầm và ác liệt đã diễn ra giữa hai bên. Tuy nhiên, khi cả hai phe đang mải mê trong cuộc chiến đấu tranh giành quyền lực thì một mối họa đang từ từ xuất hiện.

Sự phát triển quá thịnh vượng của Kinh Châu một mặt tạo điều kiện cho giáo đoàn phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, nó cũng biến thành mục tiêu béo bở của những thế lực bên ngoài. Khi tin tức về cuộc đấu tranh nội bộ ở Kinh Châu được truyền về Đông Ngô, phía Đông Ngô biết rằng đây là cơ hội tốt nhất để chiếm Kinh Châu. Trong khi đó, Tào Tháo cũng bắt đầu dòm ngó mảnh đất béo bở này.

Lúc này, Quan Vũ vẫn không hề ý thức hết sự nguy hiểm của tình hình Kinh Châu, mạo hiểm chủ động dẫn quân tấn công Tào Tháo. Nhờ vậy, Đông Ngô đã tranh thủ thời cơ chiếm được mảnh đất Kinh Châu đang rối loạn vì những tranh chấp nội bộ, giết chết cả Quan Vũ lẫn Điêu Thuyền.

Tuy nhiên, dù cho Quan Vũ và Điêu Thuyền chết đi thì giáo phái này vẫn không bị tiêu diệt mà dần chuyển từ hoạt động công khai thành hoạt động ngầm. Sau này, khi họ Tư Mã thống nhất đất nước, hậu duệ của Bàng Đức tiến vào Kinh Châu, ra lệnh giết sạch dòng tộc Quan Vũ cùng những người liên quan thì giáo đoàn mới bị tan rã và phân tán vào trong dân gian. Cũng từ đó, những ghi chép về giáo phái này trong chính sử hoàn toàn biến mất.

Trong những giai đoạn lịch sử về sau, tôn giáo này lúc hưng, lúc suy và dù vẫn có một ảnh hưởng nhất định, song xu hướng chung là tiêu biến dần. Trong quá trình phát triển sau đó, tôn giáo này cũng dần biến thành một tập đoàn thế lực, những giáo lý sùng bái nữ thần ban đầu cũng bị bỏ dần.

Cuối cùng, nó trở thành một tổ chức lấy hình tượng Quan Vũ làm đối tượng sùng bái. Tín ngưỡng sùng bái nữ thần bị vứt bỏ hoàn toàn, thậm chí bị kỳ thị và cấm đoán. Chính vì vậy, hệ phái của Điêu Thuyền bị bức hại trong suốt hơn 1.000 năm đã biến mất hoàn toàn trong sử sách Trung Quốc.

La Quán Trung là một trong số ít những người còn sống sót của hệ phái này. Vừa muốn đem sự thực công khai để người đời biết vừa muốn bảo toàn tính mạng của mình trước sự truy sát của những người tôn thờ Quan Vũ, La Quán Trung buộc phải sử dụng hình tượng ẩn dụ là con ngựa Xích Thố để kể về số phận của Điêu Thuyền.

Nếu sử dụng chữ Thố để biểu trưng cho thân phận của Điêu Thuyền thì tác giả họ La cũng làm như vậy đối với Quan Vũ. Trong lịch sử, Quan Vũ có tước hiệu là Hán Thọ Đình Hầu. Trong đó, phần nửa trên của chữ “Thọ” ghép với chữ “Nguyệt”, đại biểu cho Điêu Thuyền sẽ tạo thành chữ “Thanh” (màu xanh).

Chữ Thanh này chính là đại diện cho Quan Vũ. Bởi lẽ nó hoàn toàn đối lập với chữ Hồng trong tên của Điêu Thuyền là Nhậm Hồng Xương. Đây chính là lý do vì sao, trong miêu tả hình ảnh của Quan Vũ, người ta luôn cho nhân vật này mặc bộ quần áo màu xanh.

Sợ rằng, như vậy vẫn chưa đủ để người đời đoán ra câu chuyện mà mình muốn chuyển tải, La Quán Trung còn sáng tạo ra thanh “Thanh Long Yển Nguyệt đao”, thứ vũ khí nổi tiếng của Quan Vũ. Thanh Long đại diện cho Quan Vũ, còn Nguyệt đương nhiên là đại diện cho Điêu Thuyền.

Ngoài ra, việc La Quán Trung cho Quan Vũ sử dụng đao cũng là một sự cố ý. Nhiều người từng cho rằng, vào thời đại nhà Hán, trong quân đội, người ta không dùng loại vũ khí đao cán dài như trong miêu tả của “Tam Quốc diễn nghĩa”. Tuy nhiên, đó không phải là một sự nhầm lẫn của La Quán Trung mà là một sự cố ý. Đó là chỗ sơ hở, lộ liễu mà La Quán Trung muốn người đời sau thông qua đó để khám phá câu chuyện ẩn tàng của mình.

Cổ Tỉnh
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc