Mỹ nhân Tây Thi không có thực?

( PHUNUTODAY ) - Ai cũng biết Tây Thi là người đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Tuy nhiên, điều đó lại hoàn toàn có thực.

(Phunutoday) - Ai cũng biết Tây Thi là người đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa thời cổ đại Trung Hoa. Những huyền thoại về nhan sắc của Tây Thi từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho không ít những tác phẩm văn chương. Chính vì vậy, nếu như nói rằng Mỹ nhân Tây Thi thực ra chỉ là một nhân vật không có thực, chỉ là sự hư cấu của các truyền thuyết dân gian thì có lẽ nó sẽ gặp phải sự phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, điều đó lại hoàn toàn có thực. Lật giở tất cả sử sách từ cổ chí kim, người ta không hề tìm thấy bất cứ ghi chép nào về nàng mỹ nhân họ Thi này…

Truyền thuyết Tây Thi


Vào cuối những năm thời Xuân Thu, bên bờ suối Nhã Na, dưới chân núi Trữ La của nước Việt, có một người con gái đẹp nổi tiếng cả vùng. Người trong vùng gọi cô là Tây Thi. Tây Thi vốn họ Thi tên gọi là Di Quang là con một người kiếm củi. Ở núi Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, Tây Thi là người ở thôn Tây vì vậy mới gọi là Tây Thi để phân biệt với cô họ Thi ở thôn Đông, gọi là Đông Thi.

Tây Thi đẹp tới mức nào? Người ta kể rằng, khi Tây Thi đi hái củi ở ngọn núi gần làng, những con chim ưng bay trên trời nhìn thấy Tây Thi quên mất cả vỗ cánh nên bị rơi xuống đất. Khi Tây Thi ra bờ suối giặt quần áo, những con cá dưới lòng suối nhìn thấy sắc đẹp của Tây Thi xấu hổ phải lặn sâu xuống dưới đáy nước. Chính vì thế, người đời sau mới gọi Tây Thi là người đẹp có nhan sắc “chim sa cá lặn”.

 Ngày nay, “chim sa cá lặn” cũng trở thành một thành ngữ chỉ nhan sắc của một người phụ nữ.  Nhất động nhất tĩnh của Tây Thi đều đẹp. Tới mức, ngay cả khi bệnh đau tim của Tây Thi phát tác, nàng ôm ngưc, chau mày người ta cũng thấy nàng đẹp. Cô gái họ Thi ở thôn Đông, nhan sắc đã xấu lại cũng học cách nhăn mặt như Tây Thi, nghĩ rằng làm như vậy mình sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, mọi người nhìn thấy Tây Thi nhăn nhó, ngày thường đã xấu xí, giờ lại càng xấu xí hơn.

 Có người nhìn thấy Tây Thi đi qua liền đóng cửa lại, có người nhác nhìn thấy Đông Thi nhăn nhó vội lôi tuột vợ con chạy dạt vào ngõ hẻm tránh xa. Từ đó, người Trung Quốc cũng có câu thành ngữ “Đông Thi nhăn mặt” để châm chọc những người đã xấu lại còn học đòi làm duyên, làm dáng, nhưng càng làm duyên làm dáng thì lại càng xấu xí hơn.

Thời bấy giờ, ở khu vực hạ du sông Trường Giang và sông Tiền Đường, Việt và Ngô là hai quốc gia không đội trời chung với nhau. Nước Việt ở phía Nam còn nước Ngô thì nằm ở phía Bắc. Giữa Ngô và Việt không ngừng xảy ra chiến tranh, lúc thắng, lúc thua.

Tây Thi trên phim
Tây Thi trên phim


Năm 494 trước Công nguyên, trong trận chiến quyết tử diễn ra ở Phu Tiêu, quân Việt đại bại, vua nước Việt là Câu Tiễn cùng hơn 5.000 tàn quân bị vây hãm trên núi Cối Kê. Một là tử chiến tới cùng để có danh dự, hai là đầu hàng để giữ lại mạng sống chờ cơ hội báo thù, Việt Vương Câu Tiễn đã lựa chọn phương án thứ hai. Để chứng tỏ lòng thành của mình, Câu Tiễn dắt theo vợ và cận thần thân tín của mình là Phạm Lãi, mặc quần áo của người hầu, ngoan ngoãn tới nước Ngô làm con tin.

 Sang tới nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn được Ngô Vương tên là Phù Sai giao cho chức vụ chuyên chăn nuôi ngựa trong hoàng cung nước Ngô. Mỗi khi Ngô Vương Phù Sai có việc phải đi ra ngoài, Câu Tiễn lại đi trước, dắt cương ngựa, hô hào dẹp đường, thực hiện xuất sắc vai trò của một kẻ nô lệ.

Có lần, Phù Sai mắc bệnh nặng, Câu Tiễn tự mình nấu thuốc, dâng lên cho Phù Sai. Đồng thời, để thể hiện rằng mình “một lòng một” trung thành với Phù Sai, Việt Vương Câu Tiễn còn tự mình nếm phân của Ngô Vương, còn hàng ngày cầu khấn mong Ngô Vương mau chóng khỏi bệnh.

Hai năm nhọc công hầu hạ Phù Sai, cuối cùng, Câu Tiễn cũng đã lựa được Ngô Vương. Cho rằng, Câu Tiễn đã trở thành một bề tôi trung thành, không còn có ý chống lại nước Ngô nữa nên Phù Sai quyết định cho Câu Tiễn trở về nước, không phải ở lại Ngô làm con tin nữa.


Sau khi Câu Tiễn trở về nước, tìm mọi cách để cải cách, giúp nước Ngô ngày một giàu mạnh hơn. Để nhắc mình nỗi nhục ở Cối Kê, hàng ngày, Câu Tiễn nằm ngủ trên chiếc giường bằng gỗ, lồi lõm rất khó chịu. Ngoài ra, trước mỗi bữa ăn, Câu Tiễn lại nếm một ít mật đắng rồi tự hỏi mình: “Câu Tiễn, nhà người quên nỗi nhục ở Cối Kê rồi chăng?” Cùng lúc với việc cải cách làm giàu mạnh nước Mình, Câu Tiễn cũng nghe theo lời của hai quân sư là Văn Chủng và Phạm Lãi thực hiện kế sách ngọt ngào nhưng cũng độc ác nhất trong số 36 kế của người xưa: Mỹ nhân kế.

Phạm Lãi tìm kiếm khắp nơi trong lãnh thổ nước Việt và cuối cùng tìm được Tây Thi. Trải qua ba năm đào tạo, cuối cùng Việt Vương Câu Tiễn mới cung kính dâng Tây Thi cho Ngô Vương Phù Sai hưởng thụ.

Trong thời gian ba năm đào tạo này, Phạm Lãi và Tây Thi đã  nảy sinh tình cảm với nhau. Vì vậy, trên đường đưa Tây Thi sang nước Ngô, trong lòng Phạm Lãi rất mâu thuẫn, suốt cả chặng đường dài không ngừng buồn bã, thở ngắn than dài. Tây Thi trên suốt chặng đường cũng lộ rõ vẻ buồn phiền, ủ dột.

 Người ta nói rằng, Phạm Lãi và Tây Thi đã định nhân cơ hội trên đường sang Ngô không có ai ngăn cản, bỏ tất cả mọi sự, trốn đi một nơi nào hoang vắng không ai biết để chung sống với nhau. Tuy nhiên, khi hai người vẫn còn đang dùng dằng không quyết thì, một ngày, một cụ già râu tóc bạc phơ khoong rõ từ đâu tới gặp Phạm Lãi và Tây Thi rồi chậm rãi nói: “Việc nước là việc lớn, việc của bản thân chỉ là việc nhỏ. Toàn bộ trách nhiệm khôi phục đất nước đều phó thác cả cho hai con”.

Tây Thi qua tranh vẽ
Tây Thi qua tranh vẽ


Nói rồi đưa cho Phạm Lãi và Tây Thi một giỏ mận vừa to vừa đỏ. Tây Thi và Phạm Lãi nghe câu nói của cụ già nọ mới như tỉnh ngộ, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Phạm Lãi nói với cụ già rằng: “Lời của cụ ngàn vàng khó mua được. Chúng con nguyện sẽ không bao giờ quên”. Người đời sau gọi chỗ cụ già tặng cho Tây Thi và Phạm Lãi giỏ mận là Huề Lý (nghĩa là cầm mận).

Ngô Vương Phù Sai vừa gặp Tây Thi thì như bị hớp mất hồn vía, vì vậy vô cùng sủng ái Tây Thi. Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu. Để chiều lòng người đẹp, Ngô Vương không tiếc công sức và tiền của, xây dựng rất nhiều cung điện, đền đài cũng như những chốn căn chơi hưởng lạc.

Vua sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang. Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp? Điệp là chiếc guốc. Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy rất nhiều chum, bên trên lát ván, để Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp.

Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi.

Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gẩy đàn ở đấy. Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa. Nay vẫn còn một dãi nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa. Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen.

Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ nam sang bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình. Phía nam đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn. Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu. Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm, ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, mới đặt tên là chỗ Tiên.

Phù Sai là một vị vua anh hùng, nhưng từ khi Tây Thi xuất hiện thì lại lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự. Tây Thi theo kế của Văn Chủng và Phạm Lãi ra sức mê hoặc khiến vua Ngô ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, hưởng lạc, dần dần mất hết ý chí. Những cung điện đền đài liên tiếp được Phù Sai ra lệnh xây dựng khiến nước Ngô ngày một suy yếu hơn.

Trong khi đó, ở nước Việt, Câu Tiễn ngày đêm “nếm mật nằm gai”, cải cách đất nước, luyện tập binh mã chờ cơ hội báo thù. Đúng 10 năm sau ngày thất bại ở Cối Kê, Câu Tiễn cho rằng thời cơ đã chín muồi, ra lệnh mang quân bắc phạt. Quân Ngô bị quân Việt đánh cho tan tác, Phù Sai ra mặt cầu hòa nhưng Câu Tiễn không cho, cuối cùng đành phải tự sát.

Sau khi tiêu diệt nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn ra lệnh cho Tây Thi theo ông ta về nước Việt. Khi hai người còn chưa lên đường thì vợ của Câu Tiễn vì sợ một khi Tây Thi về tới nước Ngô sẽ được Câu Tiễn lập làm hoàng hậu, do vậy đã vu cho Tây Thi là loại hồ ly tinh làm mất nước, bí mật hạ lệnh cho đại tướng quân là Tần Trạch buộc Tây Thi vào một tảng đá rồi ném xuống sông cho chết đi. Tuy nhiên, cha của Tần Trạch lại chính là cụ ông đã tặng cho Tây Thi và Phạm Lãi giỏ mận năm nào. Vì vậy, Tần Trạch đã giả vờ chấp hành mệnh lệnh nhưng lại bí mật nhờ cha mình đem Tây Thi giấu đi.

d
Việt Vương Câu Tiễn


Thông tin về cái chết của Tây Thi cũng giúp Phạm Lãi thấy được con người thật của Việt Vương  Câu Tiễn. Phạm Lãi cho rằng, Câu Tiễn là người có thể chung hoạn nạn nhưng không thể chung hưởng phú quý được, mới quyết định bỏ triều đình nước Ngô về ở ẩn. Phạm Lãi đã viết thư từ biệt Câu Tiễn, nói: “Tôi nghe: ‘Vua lo thì tôi phải khó nhọc, vua nhục thì tôi phải chết!’ Hồi xưa nhà vua chịu nhục ở Cối Kê, tôi sở dĩ chưa chết là vì còn phải trả thù. Nay đã rửa được nhục rồi, tôi xin chết theo tội ở Cối Kê”.

Phạm Lãi cũng gửi thư cho đại phu Văn Chủng nói: “Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ đã chết thì chó săn bị nấu. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu có thể cùng lúc lo hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi?” Văn Chủng nhận được thư nhưng đã không tin.

Sự việc sau này chứng tỏ Phạm Lãi đã đúng. Một hôm, Câu Tiễn cầm theo kiếm đến gặp Văn Chủng và nói: “Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô, quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi. Nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thuật ấy với tiên vương xem sao”. Câu Tiễn ra về, Văn Chủng biết ý vua Việt muốn sát hại nên đã dùng gươm tự sát.

Lại nói về Phạm Lãi, sau khi quyết định về ở ẩn đã tới gặp cha của đại tướng quân Tần Hoài để từ biệt. Tại đây, Phạm Lãi biết được thông tin Tây Thi vẫn còn sống thì vui mừng khôn xiết. Kể từ sau đó, Phạm Lãi và Tây Thi cùng nhau ngao du bốn biển, sống cuộc sống tự do tự tại. Cuối cùng hai người định cư ở vùng Tề Lỗ, kinh doanh buôn bán kiếm sống rồi trở thành giàu có nổi tiếng khắp vùng, người đời gọi là Đào Chu Công.

Trên thực tế, về kết cục của Tây Thi, trong lịch sử tồn tại nhiều cách nói khác nhau. Kết cục vừa kể ở trên thực tế xuất phát từ bài thơ “Việt tuyệt thư” của nhà thơ đời Đường, Tống Chi Vấn và vở tạp kịch “Cán sa ký” của Lương Chấn Ngư thời nhà Tống.

 Cũng có một thuyết khác nói rằng, sau khi cuộc chiến tranh Ngô Việt kết thúc, Tây Thi đã trở về quê cũ ở suối Nhã Na dưới chân núi Trữ La, sống những ngày tháng còn lại của cuộc đời một cách hạnh phúc. Tuy nhiên, những giả thuyết này không hề tìm thấy những căn cứ xác thực trong sử sách. Có lẽ,  nó chỉ là mong ước mang tính nhân văn của các nhà văn, nhà thơ đời sau, những con người vốn mang một trái tim nhạy cảm.

Một thuyết khác, “hiện thực” hơn, nói rằng, Tây Thi đã bị dìm ở dưới nước đến chết. Trong sách “Hắc tử” có đoạn chép: “Cái chết của Bỉ Can, gọi là chống đối vậy; Cái chết Mạnh Bôn gọi là dũng vậy; Cái chết của Tây Thi gọi là đẹp vậy,…”.

Cuốn sách này được viết vào thời Chiến Quốc, cách thời đại của Tây Thi không xa, những nhân vật được nhắc đến trong sách, từ Bỉ Can, Ngô Khởi đều có thật. Vì vậy, nếu như nhân vật Tây Thi được nhắc tới ở đây chính là nhân vật Tây Thi mà chúng ta đang nhắc tới thì việc Tây Thi bị dìm ở dưới nước mà chết là có thực.

Ngoài ra, trong sách “Ngô Việt Xuân thu” cũng có đoạn chép: “Nước Ngô bị diệt, Tây Thi bị giết”. Sách “Ngô Việt Xuâ Thu dật biên” cũng ghi rõ: “Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, người Việt kéo Tây Thi ra sông, cho vào bao rồi ném xuống nước cho chết”. Trong cùng thời kỳ này, Ngũ Tử Tư cũng bị bỏ vào bao rồi ném xuống sông Tiền Đường để giết chết. Theo những truyền thuyết dân gian, hiện tượng nước triều sông Tiền Đường nổi danh ở Trung Quốc là do nỗi oán hận của linh hồn Ngũ Tử Tư dưới dòng sông mà tạo thành.

Trong cả ba giả thuyết nêu trên thì giả thuyết cuối cùng được người ta cho là gần với sự thực hơn cả. Bởi lẽ, nếu như Tây Thi thực sự tồn tại thì cô cũng chỉ là một mỹ nhân bị những người đàn ông sử dụng trong các cuộc tranh giành chính trị của mình. Vì vậy, việc Tây Thi bị giết sau khi đại nghiệp tiêu diệt nước Ngô hoàn thành âu cũng là lẽ thường tình. Việc Phạm Lãi bỏ chốn và Văn Chủng bị Câu Tiễn giết đã chưng minh rất rõ điều này.

Tây Thi có tồn tại thực không?

Mặc dù những truyền thuyết về Tây Thi rất nhiều và cũng rất phổ biết, tuy nhiên, với câu hỏi rằng, liệu Tây Thi có tồn tại thực hay không hay chỉ là một nhân vật do người ta hư cấu mà thành thì cho tới nay vẫn là đề tài gây ra rất nhiều tranh cãi.

Những người cho rằng Tây Thi không tồn tại cho rằng có năm căn cứ chứng tỏ Tây Thi chỉ là một nhân vật hoàn toàn hư cấu. Thứ nhất, theo ghi chép của những sử liệu đáng tin cậy nhất thì từ hai cuộc chiến tranh giữa Ngô và Việt cho tới việc Việt Vương Câu Tiễn sau khi bại trận phải tới nước Ngô làm con tin, nếm mật nằm gai trong thân phận một kẻ nô lệ rồi sau này trả được mối thù mất nước tất cả đều được ghi chép rất rõ ràng. Tuy nhiên, những sử liệu này lại hoàn toàn không có một từ nào nhắc tới Tây Thi.

Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên cũng chép rõ kết cục của Phạm Lãi rằng: “Phạm Lãi mang theo gia quyết và đồ đệ cưỡi thuyền ra biển rồi không về nữa… Khi tới đất Tề thì định cư ở đó, cha con làm ăn buôn bán, trở thành người giàu có nổi tiếng khắp vùng. Người trong thiên hạ gọi là Đào Chu Công”. Rõ ràng, Sử Ký không có một chữ nào nhắc tới Tây Thi.

“Sử ký” được viết cách thời kỳ Xuân Thu không xa, thêm nữa, một nhân vật đóng vai trò quan trọng như Tây Thi trong cuộc chiến tranh Ngô – Việt, Tư Mã Thiên không thể nào lờ đi như vậy được. Do vậy, ở đây chỉ có một khả năng duy nhất chính là Tây Thi không hề tồn tại thực.

Thứ hai, Tây Thi vốn là danh từ mà người cổ đại dùng để chỉ những người con gái đẹp nói chung chứ không phải là tên gọi. Điều này có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ trong các sách của chư tử thời Tiên Tần. Trong đó, quan trọng nhất là một câu trong sách “Quản tử”, cuốn sách xuất hiện trước cả thời Việt Vương Câu Tiễn tới 200 năm: “Mao tường, tây thi là từ dùng để chỉ những người con gái đẹp trong thiên hạ vậy”. Tây Thi là cô gái con nhà chặt củi sống ở nước Việt, thời Việt  Vương Câu  Tiễn, vì vậy, có lý do gì lại khiến cô mỹ  nhân lừng danh thiên hạ này xuất hiện trong một cuốn sách xuất hiện trước đó cả trăm năm?

Thứ ba, sự việc Việt Vương Câu Tiễn sử dụng Tây Thi làm “mỹ nhân kế” không thấy được ghi chép trong các sử sách thời Tiên Tần. Chỉ tới thời Đông Hán, mới xuất hiện tác phẩm tên là “Việt tuyệt thư” mới bắt đầu gán cho Tây Thi trọng trách nặng nề là làm suy bại nước Ngô. Trong sách này có chép: “Việt tìm được mỹ nữ Tây Thi, Trịnh Đán rồi sai đại phu là Văn Chủng mang tới hiến cho Ngô Vương Phù Sai”.

Cũng từ tác phẩm này trở đi, việc Tây Thi trở thành một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh giữa Ngô và Việt mới bắt đầu thịnh hành và đi vào các truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, không giống như “Sử ký”, “Việt tuyệt thư” hoàn toàn không phải là một cuốn sử. Hơn nữa, đến tác giả của tác phẩm này cho tới nay vẫn chưa xác định được. Do vậy, việc lấy nội dung sách “Việt tuyệt thư” để khẳng định sự tồn tại của Tây Thi là không đáng tin cậy.

Thứ tư, một trong những người thường được coi là tác giả của “Việt tuyệt thư” là Viên Khang và Ngô Bình, hai văn nhân thời Đông Hán. Thời kỳ này còn có một tác giả khác tên là Triệu Diệp, trong tác phẩm “Ngô Việt xuân thu” đã hoàn thiện nốt câu chuyện đã được hai tác giả họ Viên và họ Ngô viết trong tác phẩm của mình, khiến câu chuyện “mỹ nhân kế” càng thêm hoàn chỉnh. Người đời sau căn cứ vào các tác phẩm “Việt tuyệt thư” và “Ngô Việt xuân thu” biến thành những truyền thuyết đẫm màu sắc huyền thoại về mỹ nhân Tây Thi.

Tây Thi trên phim
Tây Thi trên phim


Các bia ký ở địa phương, theo những truyền thuyết này càng thêm mắm thêm muối, biến những câu chuyện vốn được hư cấu về Tây Thi biến thành những câu chuyện có thực. Quan trọng hơn, vấn đề nằm ở chỗ, trong khi “Sử ký” và những cuốn chính sử khác không có lấy một dòng về Tây Thi thì vì sao Viên Khang, Ngô Bình và Triệu Diệp lại có thể biết được chuyện này và kể lại một cách lâm li, khúc chiết đến thế?

Cuối cùng, các ông vua Trung Quốc mỗi khi mất nước là ngay lập tức lại tìm một người phụ nữ, và thường là những người phụ nữ đẹp để làm vật hy sinh, cho rằng, ông ta có mất nước cũng là vì bị người phụ nữ đẹp kia mê hoặc. Vì vậy, người Trung Quốc mới có câu thành ngữ rất phổ biến là: “Phụ nữ là nguồn gốc của sự mất nước”.

Theo quan niệm này thì có lẽ, việc người đời sau nghĩ ra mỹ nhân kế trong cuộc chiến tranh Ngô – Việt cũng chỉ là một cách để bảo vệ cho Ngô Vương Phù Sai. Còn đương nhiên, Tây Thi chỉ là một nhân vật hư cấu để thực hiện mỹ nhân kế, minh họa cho quan điểm “Phụ nữ là nguồn gốc của sự mất nước” mà thôi.

Phong Nguyệt

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn