"Nên coi mại dâm là loại kinh doanh có điều kiện"

10:47, Thứ hai 20/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Đương nhiên, nếu có luật thì từ văn bản đến đời sống còn có một khoảng cách khác. Nhưng dẫu sao có luật vẫn hơn là không có.

"Gia đình thì mỗi người phải biết cách giữ trong hoàn cảnh của mình và tất nhiên luật pháp cũng có những chế tài để chấp nhận hiện tượng mua bán dâm nhưng lại hướng tới mục tiêu không biến nó thành một tệ nạn (bóc lột tình dục, lan truyền các bệnh xã hội, tình dục nam đồng tính...) và từng bước hạn chế nó trong khuôn khổ kiểm soát được.

Đứng về phía “cung” thì cũng phải coi đó là một “loại kinh doanh có điều kiện” để kiểm soát và hạn chế... Đương nhiên, nếu có luật thì từ văn bản đến đời sống còn có một khoảng cách khác. Nhưng dẫu sao có luật vẫn hơn là không có..." - Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc.
[links()]

PV: - Đăng đàn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 15/8, ông đã can đảm nói rằng “Tôi tin một ngày không xa, luật về đồng tính, về mại dâm sẽ được đặt lên bàn nghị sự”. Theo ông, một ngày không xa ấy là 4 tháng, 6 tháng, 1 năm hay…bao nhiêu năm nữa?  Vì sao thế, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: -  Vấn đề “Đồng tính” thì có phần mới mẻ. Còn câu chuyện về “mại/mãi dâm” thì ý kiến tôi nêu vừa rồi không phải là mới và nhiều người đã có quan điểm như tôi từ lâu.

Tôi đã có vài cơ hội dự các cuộc trao đổi về vấn đền này và sớm thấy sự đồng thuận từ nhiều phía các cơ quan có trách nhiệm như y tế, công an... nhưng thường sự phản đối hay băn khoăn đến từ phía đoàn thể của phụ nữ, cho rằng như thế là coi thường phụ nữ, chấp nhận để họ làm một việc đi ngược lại với nhân phẩm của phụ nữ và mục tiêu của những tiến bộ xã hội, trái với bản chất của chế độ chính trị v.v...

Dương Trung Quốc
"Nếu mọi việc trở nên công khai thì buộc mọi người có liên quan: bán hay mua hay môi giới đều phải cân nhắc hơn. Trong thực tế vì mưu sinh có những gia đình đã chấp nhận sự lựa chọn (dù là bất đắc dĩ hay đau đớn) như một nghề nuôi sống gia đình. Cũng có những người phải giấu diếm bằng cách tha hương... Nhưng vấn đề còn lại là nếu có luật thì những người có liên quan được bảo vệ cái phần “chính đáng” của họ"... Ông Dương Trung Quốc

Tôi rất tiếc là buổi trao đổi vừa rồi ở Cổng Điện tử Chính Phủ không có đại diện của tổ chức này (mặc dù trong chương trình có mời  đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ và đại diện của Bộ LĐTBXH).

Cũng vì thế, khi phát biểu về niềm tin của mình bắt nguồn từ những lý lẽ mà tôi và nhiều vị cùng tham dự buổi giao lưu đó đều chia sẻ, thì tôi vẫn cho rằng phải có một lộ trình về thời gian và các văn bản pháp lý thì mới thực hiện được.

Nó kéo dài bao lâu thì tôi không thể dự đoán được, nhưng tôi tin rằng càng sớm thì càng có lợi.

PV: - Thẳng thắn thừa nhận thực tế về mại dâm và không thể bài trừ nó như bài trừ một tệ nạn trong xã hội, nhưng chúng ta đã quá quen với sự giả dối về đạo đức, ông có nghĩ mình sẽ vấp phải phản ứng tiêu cực trong xã hội không? Tại sao chúng ta không tiến hành thuận chiều là bài trừ thói đạo đức giả trước rồi hãy nói về luật mãi dâm, đồng tính?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi biết rằng có thể còn nhiều ý kiến không tán thành mà tôi không nghĩ đó là phản ứng tiêu cực. Vấn đề là phải xây dựng một luận chứng đủ sức thuyết phục, nhìn rõ bản chất của vấn đề...

Quan điểm của tôi đơn giản là từ một hiện tượng có trở thành tệ nạn hay không chính là do cách ứng xử của mình đối với hiện tượng đó. Nếu ta không dám nhìn thẳng vào sự thật thì sẽ có một thái độ mang tính đạo đức giả dù có thể chỉ là duy ý chí.

Còn đối với vấn đề “Đồng tính” còn mới mẻ với ta, nhưng với thế giới đã có một quá trình nhận thức khá sâu sắc, cần tham khảo thiên hạ. Khác với vấn đề buôn bán dâm, liên quan đến “Đồng tính” dường như những mặc cảm truyền thống không rõ ràng và sâu sắc nên tôi tin rằng nó dễ tìm thấy sự đồng thuận trên căn bản tôn trọng quyền con người của họ.

PV: - Là người đã bôn ba nhiều nơi trên thế giới, ông đã đến “khu đèn đỏ” lần nào chưa, ông nghĩ gì về cách làm của các nước như Pháp, Hà Lan và gần chúng ta nhất là Thái Lan?

Ông Dương Trung Quốc: - Tôi có đến một số quốc gia, có biết đến những khu đó mặc dù tôi chưa thực sự có ý định và cơ hội khảo sát về vấn đề ta đang bàn.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ở châu Âu, cách ứng xử của họ dùng sự minh bạch để cho mọi người có quyền lựa chọn cách sống tối ưu theo ý của mình; còn xã hội có trách nhiệm quan tâm về sức khoẻ, hạn chế bằng sự khác biệt trong nhận thức xã hội, tuyên truyền về những giá trị nhân văn, hay các biện pháp kinh tế (thuế, phạt) và đặc biệt xử lý nặng những hoạt động phạm pháp...

Riêng Thái Lan tôi không bình luận vì có ý kiến cho rằng đó là một chủ trương thu hút để kinh doanh du lịch (!?).

PV: - Chúng ta vẫn giữ câu “giữ gìn bản sắc dân tộc” như một tuyên ngôn, mà trong lịch sử văn hóa nước nhà thì chưa khi nào công khai hóa việc bán dâm chứ đừng nói đến chuyện coi nó là 1 nghề. Ông có nghĩ, chúng ta cởi mở hơn do hội nhập nên việc có luật mại dâm, đồng tính là hợp với xu hướng thời đại mà vẫn “giữ gìn bản sắc dân tộc”?

Ông Dương Trung Quốc: - Nói đến bản sắc dân tộc, liên quan đến vấn đề này thì quả thật, là người làm nghề viết sử nhưng những hiểu biết về vấn đề này rất ít thấy trong các nguồn sử liệu. Luật pháp thời Hồng Đức (thế kỷ XV) hay Gia Long (XIX) có lẽ chỉ đề cập đến hiện tượng ngoại tình mà thôi.

Tuy Truyện Kiều của Nguyễn Du có nhắc đến “lầu xanh”, Tú Bà và thân phận Nàng Kiều đã từng... nhưng cốt truyện là ở bên Trung Hoa “Gia Tĩnh -Triều Minh” chứ không phải xứ ta.

Tôi tin rằng trong xã hội truyền thống ở Việt Nam hiện tượng này dường như khó có thể phát triển vì đại đa số dân chúng sống trong các làng xã, khép kín với những lề thói, tập quán không chấp nhận và không có môi trường “hành nghề”. Ở các đô thị tuy có “lỏng lẻo” hơn nhưng rằng buộc làng xã vẫn khá chặt chẽ ở các phường hội cộng với những quan điểm của “Nho giáo” chi phối khá sâu sắc...

Vả lại một lý do rất quan trọng là “thị trường” này nếu có thì cũng rất hạn chế vì chế độ đa thê duy trì đến tận năm...1960 khi ta có Luật hôn nhân Gia đình mới chính thức chấm dứt về pháp lý. Các ông “năm thê bẩy thiếp” thì có lẽ nhu cầu cũng cạn kiệt, cái thú đi hát ả đào hay cô đầu lấy sự tiêu khiển tinh thần là chính.

Chỉ đến thời thuộc địa, với sự hình thành các đô thị thuộc địa, sự bần cùng hoá đẩy một bộ phận dân nghèo nông thôn ra thành thị, cộng với lối sống buông thả của quan chức binh lính người Âu thì việc buôn bán dâm mới xuất hiện.

Nhưng mặt khác, ta lại thấy, chính quyền thực dân cũng ứng xử vấn đề này như ở chính quốc: cấp môn bài, khám chữa bệnh (lục xì) cho gái bán dâm... Đọc phóng sự của Vũ Trọng Phụng hay truyện “Bỉ Vỏ” của Nguyên Hồng ta hiểu phần nào về hiện tượng này...

Do vậy, có lẽ hiện tượng mua bán dâm chủ yếu có từ thời thuộc địa (!?) và ban đầu nó được xử lý khá công khai, trong vòng kiểm soát của chính quyền cũng như y tế và chịu áp lực của dư luận trên nền tảng đạo đức gia đình truyền thống nên có lẽ nó cũng không quá tràn lan và vẫn trong vòng kiểm soát cho đến... trước thời kỳ chiến tranh gây ra nhiều xáo trộn...

PV: - Giả định rằng chúng ta đã có luật mãi dâm và giả định những tình huống sẽ xảy gặp phải như vợ thấy và biết rõ chồng mình mua dâm, bố biết rõ con gái mình hành nghề bán dâm v.v…thì khái niệm gia đình lúc ấy sẽ như thế nào? Bình thường hóa quan hệ hay là xảy ra… chiến tranh? Đã đến lúc chúng ta sửa đổi hôn nhân Luật Hôn nhân và gia đình chưa, thưa ông? Và nếu có luật mại dâm thì liệu nạn ngoại tình có giảm và vì vậy hạnh phúc gia đình sẽ bền vững hơn hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: - Thực ra tôi không phải là một người nghiên cứu sâu về xã hội, tôi chỉ phát biểu trên cảm nhận của một người nghiên cứ sử học đối với một hiện tượng xã hội mà thôi. Trả lời câu này phải để những nhà xã hội học hay nhiều ngành có liên quan khác trên có sở điều tra khoa học.

Nhưng tôi cảm nhận rằng nếu mọi việc trở nên công khai thì buộc mọi người có liên quan: bán hay mua hay môi giới đều phải cân nhắc hơn. Trong thực tế vì mưu sinh có những gia đình đã chấp nhận sự lựa chọn (dù là bất đắc dĩ hay đau đớn) như một nghề nuôi sống gia đình.

Cũng có những người phải giấu diếm bằng cách tha hương... Nhưng vấn đề còn lại là nếu có luật thì những người có liên quan được bảo vệ cái phần “chính đáng” của họ (người chấp nhận bán cái “tự có” của mình, người chưa có gia đình muốn thoả mãn một nhu cầu sinh lý hay nhiều trường hợp muôn vẻ khác của sự “chính đáng” vốn có trong cuộc sống)...

Còn gia đình thì mỗi người phải biết cách giữ trong hoàn cảnh của mình và tất nhiên luật pháp cũng có những chế tài để chấp nhận hiện tượng mua bán dâm nhưng lại hướng tới mục tiêu không biến nó thành một tệ nạn (bóc lột tình dục, lan truyền các bệnh xã hội, tình dục nam đồng tính...) và từng bước hạn chế nó trong khuôn khổ kiểm soát được.

Đứng về phía “cung” thì cũng phải coi đó là một “loại kinh doanh có điều kiện” để kiểm soát và hạn chế... Đương nhiên, nếu có luật thì từ văn bản đến đời sống còn có một khoảng cách khác. Nhưng dẫu sao có luật vẫn hơn là không có...

Gia đình là một tế bào của xã hội, nó mang nhiều giá trị truyền thống lâu bền nhưng nó cũng phải thay đổi theo kịp với thay đổi chung của xã hội. Do vậy, Luật Hôn nhân và Gia đình đã hơn nửa thế kỷ tuổi, cũng phải theo kịp với sự thay đổi của thực tiễn nhưng phải trên cơ sở được nhận thức một cách đầy đủ và thận trọng.

  • Huyền Biển (Thực hiện)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc