Ánh mắt quá cao
Muốn mở mang kiến thức, trước tiên phải mở rộng tầm mắt, mới nhận thức được sự rộng lớn của tri thức thế gian. Tầm mắt đặt cao và xa, tất có thể vạch ra phương hướng, mục tiêu chính xác ở phía trước.
Thế nhưng, mọi sự luôn phải tương xứng. Năng lực của bạn chỉ ở mức 5 mà đặt ánh mắt ở 100, không còn là “xa” nữa, mà trở thành “xa vời”. Mới đạt được thành công nhỏ, đã mơ mộng viển vông. Giống như trong công việc, vừa giành được một hợp đồng nhỏ, đã chẳng xem ai ra gì, mình sắp ngồi vào vị trí quản lý đến nơi.
Nếu đặt ánh mắt quá cao, bạn sẽ chẳng nhìn thấy được những thứ sâu sắc của vấn đề. Sự chênh lệch quá lớn giữa tưởng tượng và thực tế sẽ khiến bạn đánh mất tâm lý an yên, chịu đựng những cảm xúc tiêu cực như ghen tỵ, phẫn nộ, bất công, nản lòng...
Làm người không biết mình, biết khiêm tốn, chắc chắn sẽ thất bại!
Làm người, cần học cách cúi đầu
Cổ nhân dạy: “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”. Làm người nên biết khiêm nhường, tự cho mình tài chưa đỉ, cần phải nỗ lực trau dồi, học hỏi nhiều thêm. Người khiêm tốn không bao giờ hài lòng với thành quả của mình, lúc nào cũng xem bản thân là kẻ tầm thường, luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.
Người xưa khi qua sông thường lấy một hòn đá ném nó xuống nước để phỏng đoán độ sâu độ cạn. Bọt nước bắn lên càng cao, nước sông càng cạn, càng nông. Ngược lại, không có bọt nước bắn lên, chứng tỏ chỗ ấy nước sâu, khó có thể đo lường. Làm người vốn dĩ cũng như vậy!