Việc Tổng cục Du lịch từ chối sự kiện “Running Man” Vũ Xuân Tiến sang Anh để quảng bá du lịch Việt Nam đang khiến dư luận xôn xao. Không ít người đã tỏ ra tiếc rẻ vì ngành du lịch Việt Nam đã bỏ qua một cơ hội quảng bá lớn, thậm chí không ít người còn thấy thất vọng vì phong cách làm việc 'chạm chạp, khó hiểu' của ngành du lịch.
Theo đó, clip Vũ Xuân Tiến với lá quốc kỳ Việt Nam tung bay trên lưng xuất hiện tại sân Emirates được coi là cơ hội quý để giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, tuy nhiên ngành du lịch (có thể sẽ được lợi rất nhiều trong việc tận dụng hình ảnh của chàng trai này để quảng bá hình ảnh đất nước) đã im lặng trước sự kiện này một cách khó hiểu.
Ngành du lịch hững hờ với sự kiện "Running Man" Vũ Xuân Tiến sang Anh là có lý của họ. |
Trước chất vấn của các phóng viên là tại sao Tổng cục Du lịch lại không kết nối với Vũ Xuân Tiến để nhân cơ hội này quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 6/8, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng kết nối của Tiến với Arsenal là kết nối cá nhân, Vũ Xuân Tiến đi rất nhanh, thứ sáu (ngày 2/8) đi, thứ hai (ngày 5/8) đã về.
“Cơ quan nhà nước làm sao kết nối được với cá nhân trong thời gian ngắn như thế. Với thời gian ấy thì quả thật là không thể nào tổ chức được” - ông Cường nói.
Liên quan đến việc nhiều sản phẩm du lịch như tượng Cô Tiên trong trò múa bát Tiên được Vũ Xuân Tiến mang sang Anh làm quà, hay con rồng bằng gỗ anh tặng tiền đạo Lukas Podolski được báo chí khai thác rất nhiều nhưng ngành du lịch Việt Nam đã không nghĩ tới việc thông qua Vũ Xuân Tiến gửi tặng các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo của Việt Nam tới các cầu thủ nổi tiếng, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng những sản phẩm đó mang đi có thể người này thích, chưa chắc người khác thích, thậm chí họ còn ghét.
"Chúng ta vẫn quảng bá sản vật Việt Nam ở nước ngoài. Ở các hội chợ đều có nghệ nhân, sản phẩm Việt Nam. Về đề xuất gợi ý tặng CLB Arsenal một loạt rồng, nếu tặng không khéo thành không hay. Phải có cách nào đó quảng bá tốt nhất” - ông Cường nói.
Khi phát biểu này được đưa ra, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối lãnh đạo Tổng cục Du lịch và cho rằng trong khi hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài còn rất khiêm tốn thì chính sự 'chậm rãi' của những người trong ngành du lịch đã khiến chúng ta bỏ qua cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh đất nước.
Tuy nhiên, có một thực tế mà dường như mọi người chưa nhận thấy được đó chính là ngành du lịch có cái lý của họ và trong trường hợp này họ không hề sai. Nếu có người trách mắng Tổng cục Du lịch vì sự chậm trễ, không biết nắm bắt cơ hội quý báu, hiếm có thì dường như mọi người đang trách nhầm ngành du lịch.
Nếu thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam hẳn nhiên mọi người sẽ nhớ, cách đây không lâu, ngành du lịch nước ta đã thường xuyên bị trách móc, nhắc nhở vì để xảy ra những sự cố không đáng có. Như vào tháng 3/2013, tại hội chợ du lịch lớn nhất thế giới diễn ra ở Đức, gian hàng do Tổng cục Du lịch đứng ra tổ chức đã treo một bức ảnh giới thiệu tượng Lạc Sơn Đại Phật - địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc khiến người người dân vô cùng bức xúc.
Các làm việc của Tổng cục Du lịch thậm chí còn bị Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn thẳng thắn nhận xét là "Tổng cục Du lịch chỉ giỏi hát karaoke". Thứ trưởng Sơn còn cho biết thêm:"Tôi muốn nói rằng chúng ta chưa có một sản phẩm du lịch nào xứng đáng để cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam rồi người ta lại muốn đến nữa. Tất cả các công trình lớn từ Bắc vào Nam đều do người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hoặc là tư nhân làm chứ của Tổng cục du lịch hay là của nhà nước thì chưa có. Cho nên có thể nói chất lượng các sản phẩm du lịch của chúng ta rất kém."
Đấy, ngay cả những sự kiện lớn, chuẩn bị kỹ lưỡng đến như việc tham gia hội chợ du lịch quốc tế còn mắc phải nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc thì việc Tổng cục Du lịch chưa sẵn sàng cho những sự kiện trong thời gian ngắn cũng là chuyện dễ hiểu.
Như trường hợp của Vũ Xuân Tiến chẳng hạn, ví dụ ngành du lịch có tranh thủ cơ hội này quảng bá hình ảnh Việt Nam, nếu mọi chuyện đều ổn, không có gì xảy ra thì không sao. Nhưng nếu không may như ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói 'tặng không khéo', gây phản cảm, bị dư luận lên án thì ai chịu trách nhiệm? Đến lúc ấy, Tổng cục Du lịch lại là trung tâm chịu 'bão' dư luận thì quả thật cũng rất đáng ngại.
Chính vì những 'khó khăn, bất cập' ấy, có lẽ chúng ta cũng nên hiểu và thông cảm cho ngành du lịch khi hững hờ với sự kiện 'Running Man' Vũ Xuân Tiến sang Anh.
- Ngọc Lê (Tổng hợp từ NLĐ, Phunutoday)