Trưa 4/7, trên đường đến Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, thí sinh Vũ Văn Công Chính (ngụ tỉnh Đồng Nai), ở trọ tại đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) bị một xe máy va quẹt từ phía sau làm đứt gân chân.
“Thấy chân của em bị chảy máu nhiều quá, tôi đưa em đến BV Gò Vấp cấp cứu. Dù có nói là thí sinh (TS) đi thi nhưng BV vẫn bắt phải chờ, không cho vào phòng cấp cứu mà băng bó bên ngoài, đến hơn 1 giờ đồng hồ. Lúc băng bó xong đưa em đến trường thi thì đã muộn”- anh Huấn (anh trai của Chính) thất vọng kể.
Thấy máu trên chân Chính vẫn chảy nhiều nên các sinh viên tình nguyện tiếp tục chở TS này đến BV 175 cấp cứu.
Gương mặt của Vũ Văn Công Chính vẫn còn thất vọng vì tai nạn làm lỡ mất dịp thi của em |
Anh Huấn cho biết, gia đình rất khó khăn nhưng Chính ham học nên hai anh em về TP ở nhờ nhà người quen để đưa em đi thi, nhưng lại gặp chuyện không may. Ngoài thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Chính còn dự thi vào một trường CĐ tại Thủ Đức.
Sự việc này xảy ra chỉ một tháng sau khi Bộ Y tế và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký kết Chương trình phối hợp hoạt động “Tăng cường công tác y tế nhằm giảm thiệt hại tai nạn giao thông”.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng đều nhấn mạnh việc ký kết chương trình hành động nhằm chung tay thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm tỷ lệ tử vong, bị thương do TNGT cũng như phối hợp điều trị phục hồi chức năng giúp người bị tai nạn sẽ sớm hòa nhập cộng đồng...
Trong khi các cảnh sát giao thông đã rất nhiệt tình hoàn thành nhiệm vụ điều tiết giao thông để tạo điều kiện cho việc thi cử diễn ra suôn sẻ thì chúng ta còn được chứng kiến những tấm gương hết mình giúp đỡ tạo điều cho các thí sinh tham gia kỳ thi.
Theo tin từ báo Dân trí: “Vào khoảng 18h ngày 2/7, khi đang làm nhiệm vụ tại địa điểm thi trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Đông, Hà Nội), Trung tá Bùi Văn Tiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) số 10 đã gặp em Nguyễn Văn Lực, quê ở Quảng Lực (Quảng Xương, Thanh Hóa), vì hoàn cảnh khó khăn một mình xuống Hà Nội đi thi trong khi trong túi không có một đồng tiền, trên người chỉ mặc một chiếc quần soóc và áo phông.
Cùng đi với Lực còn có thí sinh Trần Thị Lý ứng thi trường ĐH Công nghiệp đi cùng mẹ. Cả ba người đều đến Hà Nội thì hết tiền không có chỗ ở trọ, lang thang ngay trước cổng trường thi. Cô Trịnh Thị Huệ - mẹ thí sinh Lý đã trình bày hoàn cảnh của mình với Trung tá Tiến và được chiến sĩ CSGT này nhận lời giúp đỡ cả 3 người.
Biết được câu chuyện đặc biệt này, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT- CATP đã lập tức xuống thăm hỏi và tặng quà động viên hai em thí sinh. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT số 10 cũng góp công, góp của hỗ trợ cho hai thí sinh. Người tặng chiếc quạt cá nhân, người mua cho Lực bộ quần áo… động viên cậu trò 12 năm học sinh giỏi này vượt vũ môn”.
Hai thí sinh nghèo từ Thanh Hóa ra đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các chiến sĩ CSGT đội 10 Hà Nội (ảnh Dân trí) |
Sự nhiệt tình và tận tụy của các chiến sĩ cảnh sát giao thông đã khiến rất nhiều người cảm động và ngưỡng mộ. Ấy vậy mà trong trường hợp của bạn Vũ Văn Công Chính, bệnh viện lại không hề có sự ưu tiên dành cho sĩ tử, dẫn đến việc làm lỡ mất kỳ thi quan trọng.
Có thể thấy so với ngành giao thông, ngành y tế đã áp dụng và thực hiện chương trình hợp tác chưa thật hiệu quả. Và điều này quả thật là chưa phù hợp với phương châm của ngành y tế: "lương y như từ mẫu", mà đã là mẹ thì có mẹ nào thấy con đang vội đi thi lại không ưu tiên giúp đỡ.
Vậy nên chăng, trong các nội dung phối hợp giữa ngành y tế và ngành giao thông, chúng ta nên đưa ra thêm một chương trình học hỏi nhân cách, tình người để ngành y tế học ngành giao thông có sự linh động trong công việc mà ưu tiên trước sau, để sẽ không còn ai bị lỡ dở trong công việc, cũng như sự nghiệp của mình.
- Mai Anh (Tổng hợp từ NLĐO, Dân Trí)