Ngao ngán với "thú vui" dự đám ma người nổi tiếng

14:00, Thứ ba 12/05/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chẳng biết tự bao giờ, tang lễ của nghệ sĩ, người nổi tiếng đã trở thành một "dịp vui" với rất nhiều những con người thiếu văn hóa và vô cảm.

Nếu cần một ví dụ rõ ràng nhất về văn hóa ứng xử của khán giả Việt đối với nghệ sĩ, hãy nhìn cách họ làm ngay trong những đám tang...

Nghệ sĩ là những người thuộc về công chúng. Ngay từ khi bước chân vào con đường nghệ thuật, những người nghệ sĩ đã phải xác định rõ ràng điều đó. Nhưng, là người của công chúng không có nghĩa mọi thứ trong cuộc đời họ đều chỉ để phục vụ cho đám đông - đôi khi ích kỷ và vô cùng đáng sợ.

Nhìn vào cách thiên hạ nô nức tới tham gia đám tang nghệ sĩ, người ta mới cảm thấy hết những chua chát và đắng nghét của kiếp người nổi tiếng.

Lúc sinh thời, ngoài ánh hào quang hư ảo phủ quanh tên tuổi, người nghệ sĩ đã phải đối mặt với vô số những rắc rối, phiền toái tới từ sự tò mò, hiếu kỳ của dư luận. Mọi điều họ làm, mọi lời họ nói, mọi quan hệ họ có đều được đặt dưới cặp mắt săm soi của đám đông, bất kể đúng hay sai.

Có điều, đó cũng là những điều chẳng đặng đừng khi chấp nhận cuộc sống của một người nổi tiếng. Tuy nhiên, khi những rắc rối và mỏi mệt ấy còn kéo theo họ ngay cả trong tang lễ của chính mình thì quả thật, đó là điều rất khó lòng chấp nhận.

Nếu trong đám tang của người đã khuất có sự tham dự đông đủ của người thân, họ hàng, bạn bè xa gần, hẳn họ sẽ cảm thấy vô cùng ấm áp. Nhưng khi đám đông tụ tập bên ngoài hoàn toàn là những người xa lạ, không chút quen biết và kéo tới chỉ nhằm phục vụ sự hiếu kỳ của bản thân, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

 Trong đám tang của những nghệ sĩ, không khó khăn để bắt gặp những đám đông khán giả hiếu kỳ và tò mò tới mức khó tin. Họ sẵn sàng chen lấn, tranh giành một vị trí đẹp như thể đang xem một liveshow miễn phí.

Họ thản nhiên hú hét, cuồng nhiệt gọi tên thần tượng hệt như đang tham dự một cuộc họp FC. Họ cũng chẳng mảy may quan tâm tới những ánh mắt nhìn khó chịu, những cái lắc đầu ngao ngán hay thậm chí là cả những câu nạt nộ, bực bội từ lực lượng bảo vệ hay người thân của nghệ sĩ mới ra đi.

Họ được gọi chung là "khán giả". Những khán giả của showbiz Việt. Họ không phải là những người trẻ tuổi để có thể bao biện do nhận thức hay tuổi trẻ. Họ cũng không phải toàn các bà, các chị để có thể viện lý do "tính đàn bà".

Họ bao gồm cả những thanh niên trai tráng và khỏe mạnh, thậm chí ăn vận sành điệu và sở hữu điện thoại thông minh, đủ để chụp những bức hình tự sướng đẹp đẽ và rõ nét, ngay giữa đám tang! Và hẳn, họ có biết sử dụng mạng xã hội, để đăng tải lên những bức hình cùng nghệ sĩ trong đám tang như khoe khoang một sự tự hào vô bờ bến!

Chẳng có cái lắc đầu nào diễn tả hết sự ngao ngán, không có lời nói bức xúc nào thể hiện hết sự khó chịu đối với những kẻ mang danh "khán giả" kia. Họ giống như một thứ dịch bệnh đáng ghét và có sức lây lan khủng khiếp.

Từ xa xưa như đám tang của Lê Công Tuấn Anh, cũng đã có hàng ngàn người kéo tới đứng chật đường chỉ để xem mặt bạn bè của chàng diễn viên tài hoa bạc mệnh.

Trong tang lễ của Wanbi Tuấn Anh, vô số "khán giả" cũng không quản ngại đường sá xa xôi tới với chàng ca sĩ với mục đích chính là... được nhìn tận mắt những bạn bè ca sĩ nổi tiếng tới thắp nén nhang cho anh lần cuối.

Và rồi trong ngày đau buồn của gia đình Duy Nhân, họ cũng thản nhiên kéo tới, thản nhiên cười nói ngay trên nỗi đau đớn không thể chia sẻ bằng lời của những người ở lại...

Gia đình của Wanbi Tuấn Anh đã mỏi mệt "xin" đừng làm phiền thêm nữa, quản lý của anh cũng phải dùng uy tín của mình nhờ người quen hạn chế bớt đám đông tò mò đang kéo tới mỗi lúc một đông.

Giữa những nỗi buồn không thể diễn tả hết bằng lời và những giọt nước mắt đang lặng lẽ rơi, tiếng cười đùa, sự háo hức của những con người vô cảm đứng phía ngoài cứ lạc lõng và độc ác tới mức khó tin...

 Người mẹ, người chị và cả cô vợ tội nghiệp của chàng người mẫu Duy Nhân vừa phải gồng mình gánh chịu nỗi đau mất mát quá lớn, vừa phải lặng lẽ chịu đựng những cái nhìn săm soi, những câu nói khiếm nhã tới từ những vị khách không mời.

Đám tang buồn thảm của họ đang được xem như một "cuộc vui" tàn nhẫn - nơi những vị "khán giả" kia tìm kiếm chút niềm vui, thỏa mãn sự tò mò vô nghĩa của mình ngay trên nỗi đau của người nghệ sĩ.

Ngay cả những người bạn bè của Duy Nhân hay Wanbi Tuấn Anh cũng phải gánh chịu chung những điều phiền phức, khó chịu mà đám đông kia mang lại.

Họ chen lấn, xô đẩy nhau để tới gần những ngôi sao, không ngại ngần tạo dáng điệu đà ngay trong không gian nghiêm trang của nhà tang lễ, thậm chí còn vỗ tay và hú hét khi những nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh hay Đông Nhi xuất hiện.

Và bất chấp sự khó chịu từ gia đình người đã khuất hay chính những nghệ sĩ, bạn bè của họ, những con người vô cảm ấy vẫn thản nhiên hùa theo nhau trong "trò vui" không chút tình người, với thứ lý do ngao ngán: "Đám tang nghệ sĩ người ta mới đi xem, chứ người bình thường đâu phải xem để làm gì?"

Họ có thể bao biện bằng lý do "hâm mộ", nhưng chẳng có người hâm mộ chân chính nào có cách ứng xử tệ hại tới như thế, ngay trong tang lễ của người mình yêu mến.

Trong số những kẻ đang chen chúc góp mặt trong đám tang kia, liệu có bao nhiêu người đã thành kính thắp cho hương hồn người nghệ sĩ một nén nhang? Hay đơn giản hơn chỉ là một lời cầu chúc thành kính xuất phát từ trong tư tưởng, chứ chưa cần phải diễn đạt bằng lời...

 Không. Tất cả những gì họ mang tới đám tang người nghệ sĩ chỉ là những háo hức dốt nát, những cuồng nhiệt không thể đặt tên. Sự hào hứng a dua đó tạo nên một đám đông vô cảm, ích kỷ và đáng sợ.

Họ sẵn sàng chen lấn, giành giật nhau một chỗ đứng đẹp chỉ vì sợ "thiệt thòi" khi không được tận mắt chứng kiến từng nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt.

Họ chẳng ngại ngần dày mặt lao vào xin chụp hình cùng ngôi sao, bất chấp những cái nhìn khó chịu từ khổ chủ đang hướng thẳng về mình. Họ cũng chẳng cần suy nghĩ sâu xa tới điều gì hết, bởi xung quanh họ đang là cả một đám đông giống hệt như mình.

Tôi sai ư? Vậy thì đám đông xung quanh tôi có ai là đúng? Cái suy nghĩ đáng sợ ấy không chỉ khiến tất cả những đám tang nghệ sĩ bị bao phủ bởi bóng đen văn hóa ứng xử từ khán giả, mà còn làm cho nỗi buồn thêm trĩu nặng trong lòng những người nghệ sĩ có mặt vĩnh biệt người đồng nghiệp.

Nỗi đau không chỉ tới từ sự mất mát người thân mình yêu quý, mà còn đến từ sự mất mát rất lớn trong niềm tin, sự tôn trọng họ giành cho khán giả - một phần không thể thiếu trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Những chuyện khốn nạn và đau lòng trong đám tang nghệ sĩ
Không phải tới khi đám tang Duy Nhân được cử hành, người ta mới cảm thấy bức xúc và khó chịu với những chuyện không hay ho xảy ra trong lúc tang gia bối rối.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt