Giá xăng dầu trong nước tăng do giá thế giới tăng, nhưng muốn giảm thì không phải do giá thế giới quyết định |
Sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa, giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm, đe dọa kìm hãm nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Thế nhưng, theo đại diện Bộ Công thương, không vì thế mà giá xăng dầu trong nước sẽ giảm.
Ngày 3/10, trả lời trên báo Đất Việt, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng đang bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Việc tăng, giảm giá xăng dầu phải theo Nghị định 84, nếu đủ điều kiện liên bộ sẽ chỉ đạo giảm giá ngay.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho rằng: Việc tính giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thời gian 30 ngày (vì giá xăng dầu thế giới nay có thể giảm nhưng mai lại tăng) mà còn liên quan đến thuế, quỹ bình ổn, tình hình kinh tế vĩ mô... Công thức tính giá cơ sở còn liên quan đến nhiều yếu tố khác
"Giá xăng dầu thế giới chỉ là yếu tố quan trọng chứ không phải là yếu tố quyết định để giảm giá xăng dầu hay không", đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.
Ông Chiến cũng có câu trả lời tương tự trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào ngày 30/9 trước thắc mắc của phóng viên về việc giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Theo ông Chiến, dù giá thế giới có thấp hơn hồi đầu tháng 9 nhưng không phải muốn giảm là giảm được ngay.
Một nghịch lý khiến dư luận cho rằng giải thích của cơ quan chức năng "không nghe được" là khi cần tăng giá xăng dầu, Bộ luôn lấy lý do giá thế giới tăng để tăng giá trong nước. Còn khi giá thế giới giảm, thì Bộ lại cho rằng: "Giá thế giới không quyết định giảm giá xăng!".
Gần đây nhất, vào ngày 17/7, giá xăng RON 92 đã vượt kỷ lục khi tăng lên 24.570 đồng một lít. Và theo thông cáo Bộ Tài chính phát đi tối 17/7, giá xăng dầu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày gần đây biến động chủ yếu theo xu hướng tăng và luôn dao động ở mức cao. Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu mazút) đang cao hơn so với giá bán hiện hành từ 726 đến 988 đồng mỗi lít. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu không thể giảm tiếp vì đang thấp hơn barem quy định. Số dư Quỹ Bình ổn giá còn ít, đến hết ngày 10/7 chỉ còn 61 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ.
Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ tư kể từ đầu năm và là lần tăng thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng. Với biểu giá mới của lần tăng này, dư luận lại một lần nữa thấy cảnh cũ diễn lại bằng lời thoại rất cũ rằng “xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84...”.
Trước đó, tối 28/6, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng tối đa 305 - 370 đồng. Sau khi điều chỉnh, Petrolimex đang bán xăng RON 92 ở mức 24.110 đồng một lít. Lý do được Liên bộ Tài chính-Công thương đưa ra là diễn biến giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới vài phiên gần đây tăng giảm thất thường, giá bình quân 30 ngày gần đây là 114,5 USD một thùng. Hơn nữa, số dư Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều, thuế suất thuế nhập khẩu vẫn thấp hơn barem nên Liên bộ buộc phải lựa chọn phương án này.