Người anh hùng tìm được ’lá diêu bông’

09:27, Thứ năm 17/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Côn Đảo.

Câu chuyện về một người anh hùng trong ngành công an không chỉ là những chiến công, thành tích mà ông và đồng đội lập nên những kỳ tích trong trận đấu với kẻ thù dân tộc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà còn có những mẩu chuyện thấm đẫm tình người và tính nhân văn trong lửa đạn chống kẻ thù xâm lược rất ác liệt, một mất một còn. Nhưng cũng chính trong khoành khắc ác liệt ấy, đã nảy sinh những tình cảm, những ước mơ rất đẹp.  
[links()]
Trong một lần họp, cô cán bộ hội phụ nữ huyện 22 tuổi rất xinh đẹp, chưa lấy chồng được mệnh danh là “hoa khôi” của huyện Trung Huyện (tỉnh Bà Rịa- Chợ Lớn và gồm cả vùng Bến Lức- Long An ngày nay) tuyên bố xanh rờn trước hội nghị huyện rằng “Ai giết được Đội Đồng, tôi sẽ lấy người đó làm chồng”.

Lời thách cưới rất khó khăn, nguy hiểm này đã khiến cho bao nhiêu chàng trai của lực lượng Công an xung phong hăng hái quyết tâm lập công để thực hiện ước mơ cuộc đời mình giống như lời bài thơ của Hoàng Cầm “Chị bảo: đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng”.

Người đã tìm được lá diêu bông ấy, sau này là đại tá, anh hùng Đặng Công Hậu (Tư Nam, Bá Âm) - Nguyên Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, nhưng đã kết thúc có hậu tuy “không thành chồng vợ” mà chỉ là “chị em kết nghĩa” vì năm ấy ông mới 16 tuổi.

Trong bản đề nghị nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Đặng Công Hậu, tướng Châu Văn Mẫn dành khá nhiều trang viết kể lại chiến công nổi bật nhất của ông với 7 lần phục kích để ám sát tên ác ôn khét tiếng Đội Đồng - cũng chính là món “quà thách cưới” của cô gái cán bộ Hội Phụ nữ cứu quốc xinh đẹp như hoa khôi huyện Trung Huyện năm xưa - một chiến công hiển hách nhất của đội công an xung phong huyện Trung Huyện tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ…

Có một người anh hùng như thế

Đồng chí Đặng Công Hậu, tên thường gọi Tư Nam, bí danh Bá Âm, sinh ngày 30-1-1934 tại ấp Mỹ Nhơn, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình và quê hương giàu truyền thống cách mạng, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia kháng chiến.

 Cha của ông là một công chức làm việc trong hãng xà bông Cô Ba của ông chủ Trương Gia Bền - Chợ Lớn là một người rất tích cực và bí mật giúp đỡ cho cán bộ an ninh cách mạng hoạt động hợp pháp trong nội thành.

 Vừa lớn lên nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan, Đặng Công Hậu đã sớm căm thù giặc và nuôi chí đánh bọn Pháp xâm lược, bức hiếp nhân dân.

Năm 1948, khi mới tròn 14 tuổi khi còn đang đi học, ông đã tham gia làm liên lạc bí mật cho Mặt trận Việt Minh và Công an Phú Nhuận (Sài Gòn).

Năm 15 tuổi, Đặng Công Hậu xin gia nhập lực lượng Công an xung phong  huyện Trung Huyện là nhân viên đội 4 Phòng Công an Xung phong, Ty Công an tỉnh Chợ Lớn.

Có thể nói, đây là một bước ngoặc quan trọng nhất trong đời của anh hùng Đặng Công Hậu. Thời gian này, Tư Nam được đồng chí Ba Công (Nguyễn Văn Thế) Đội trưởng Đội 4 Công an xung phong Trung Huyện và người cậu ruột là Hai Nhành - cán bộ Công an xung phong tận tình hướng dẫn, chỉ đạo nên Tư Nam đã nhanh chóng trưởng thành.

Tư Nam nắm rất vững kỹ thuật sử dụng các loại súng ngắn hiện có, cài đặt mìn, ném lựu đạn…nắm vững công tác trinh sát, theo dõi và phân tích tình hình địch, công tác tuyên truyền giác ngộ và vận động thành thiếu niên để phát triển các cơ sở bí mật.

Tư Nam đã vận động, xây dựng và trực tiếp làm tổ trưởng tổ hành động số 2,  một lực lượng bí mật nòng cốt của đội 4 Công an xung phong huyện Trung Huyện.

Đây là lực lượng gồm những thanh thiếu niên dũng cảm, hoạt động ở địa bàn huyện Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đây là tiền thân của Đội ám sát Công an xung phong Trung Huyện sau này.

Nhiệm vụ của đội viên Công an xung phong là bám trụ, xây dựng cơ sở, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể, đồng thời vận động nhân dân tham gia công tác phòng ngừa do thám, gián điệp, tham gia diệt ác trừ gian.

Thông thạo địa hình, địa vật, am hiểu người dân ở địa phương, ông nhiều lần đưa đón, bảo vệ an toàn các đoàn công tác với hàng trăm lượt cán bộ lãnh đạo của các cấp các ngành đến địa bàn bám trụ hoạt động.

Công an xung phong Trung Huyện có 5 đội công an xung phong. Mội đội chia nhiều tổ, mỗi tổ 3 người hoạt động tại các vùng đông dân cư như Bến Lức, Bình Chánh, An Lạc, Gò Đen…

Với các hoạt động “xuất quỉ, nhập thần” các đội viên đã gây cho bọn giặc Pháp và tay sai ác ôn rất nhiều nỗi kinh hoàng, nơm nớp lo sợ mất ăn, mất ngủ.

Anh hùng Đặng Công Hậu (Tư Nam, Bá Âm) - Nguyên Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo,
Anh hùng Đặng Công Hậu (Tư Nam, Bá Âm) - Nguyên Giám đốc Công an Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo,


Chỉ trong một thời gian ngắn, công an Trung Huyện đã xây dựng trên 30 cơ sở cách mạng phục vụ công tác nắm tình hình hình, cung cấp nhiều tin tức về tình hình địch, cách bố phòng trong từng đồn bót phục vụ công an và bộ đội diệt ác trừ gian, đánh đồn.

 Địa bàn huyện Trung Huyện là một vùng tranh chấp khá ác liệt giữa ta và địch, bọn địch xây dựng nơi đây rất nhiều đồn bót, tăng việc nhiều lực lượng chưa hầu, nhiều sắc lính đến trấn giữ, cẩn mật bố phòng.

Chúng thẳng tay bắt bớ, giết người rất dã man. Do đó, nhiệm vụ cảm tử của các đội viên công an xung phong càng nặng nề hơn bao giờ hết.

Cuối năm 1951 và đầu năm 1952, để cổ vũ và động viên phong tráo cách mạng địa phương, Tỉnh ủy Chợ Lớn đã phát động toàn tỉnh phong trào “Diệt ác- Phá tề- Trừ gian” lúc này cả tỉnh sục sôi phong trào thi đua, trong lúc này bọn giặc càng tăng cường bố ráp, đàn áp rất dữ dội.

Trong giai đoạn này, Đội 4 Công an xung phong Trung Huyện đã lập nhiều chiến công vang dội, hiển hách. Đặc biệt là vụ ám sát tên ác ôn tay sai Đội Đồng tại chợ Tân Bửu, Bến Lức vào ngày 10-02-1951.

Riêng Tư Nam, đã cùng đồng đội, tham gia 20 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục tên địch, trong đó trận đánh tiêu biểu là ám sát Đội Đồng do ông trực tiếp thực hiện.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Đặng Công Hậu tình nguyện ở lại chiến trường Miền Nam trực tiếp chiến đấu với giặc, nhưng sau đó bị lộ.

Trong hồi ký của mình, Trưởng Ty Công an tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ là đồng chí Huỳnh Việt Thắng (Tư Thắng, Mười Quì) đã kể lại, trong lúc ông đang sắp xếp đưa một số cán bộ cốt cán xuống Chắc Băng - Cà Mau để tập kết có người đến báo cáo về tình hình Đặng Công Hậu (Tư Nam, Bá Âm) đang bị địch truy tìm ráo riết để trả thù, liên lụy đến cả gia đình đồng chí này, Tư Thắng nghe xong nhận ra ngay là người đồng hương cấp dưới của ông ngày xưa rất gan dạ, dũng cảm nên đã bố trí cho Tư Nam xuống ngay Cà Mau kịp lên chuyến tàu cuối cùng để đi tập kết.

Tại miền Bắc, Đặng Công Hậu được học trường Công an Trung ương (C500, hệ 3 năm) sau đó làm trinh sát ở sở Công an khu Hồng Quảng (Công an tỉnh Quảng Ninh bây giờ).

Thời gian công tác ở Quảng Ninh, ông trực tiếp tham gia phá nhiều vụ án phản động phá hoại kinh tế; trực tiếp phá vụ án phản động lợi dụng tôn giáo ở Bùi Chu, Phát Diệm.

Đến tháng 2/1962 Tư Nam xung phong tình nguyện về miền Nam chiến đấu. Từ đó đến 1975, Tư Nam lần lượt nắm giữ các chức vụ, công tác như: Cán bộ An ninh T4 Sài Gòn- Gia Định, Thường vụ huyện ủy Bình Tân, Trưởng ban An ninh huyện Bình Tân 4, Bí thư huyện ủy Tân Bình, Phó ban An ninh Phân khu 2, 23 rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng ban An ninh tỉnh Long An, Uỷ viên An ninh khu Miền Đông Nam Bộ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ 30-4-1975 đến năm 1980, ông trải qua nhiều chức vụ công tác khác nhau như: Trưởng Ban an ninh nội chính thành phố Biên Hoà, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ty Công an Đồng Nai.

Đây là một giai đoạn đầy khó khăn phức tạp do xảy ra vụ án Mười Giộc (Giám đốc Công an Đồng Nai cặp bồ với tên gián điệp hồ ly Cyrnos Kim Anh - vợ bé của Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu) tổ chức thu tiền bán bãi cho bọn phản động vượt biên.

Thời kỳ này, PGĐ Đặng Công Hậu là một trong những mục tiêu Mười Giộc hạ bệ, trù dập.

Ông đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng lực lượng an ninh các cấp, mở nhiều lớp đào tạo lực lượng an ninh xã, ấp, xây dựng một số cơ sở điệp báo hoạt động rất hiệu quả.

Ông đã tham gia chỉ đạo và có nhiều đóng góp trong các mặt công tác tiếp quản, ổn định an ninh trật tự vùng mới giải phóng, quản lý cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, công tác tấn công truy quét tàn quân địch, các nhen nhóm chính trị phản động, chỉ đạo phá nhiều vụ án chính trị phản động.

 Trong đó, nổi bật là các vụ: bắt Phan Huy Quát, cựu Thủ tướng dưới chế độ ngụy, Chủ tịch Liên minh chống cộng châu Á, bắt tên Tài, trung tá an ninh quân đội ngụy, trốn trình diện cải tạo khi y đang hình thành tổ chức phản động, vụ triệt phá một tổ chức của bọn biệt đội sưu tầm vùng 3 chiến thuật cài lại thực hiện kế hoạch hậu chiến do tên thiếu tá Lê Văn Tài cầm đầu…

Sau đó, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành lập, Tư Nam về làm Uỷ viên Thường vụ Đặc khu ủy, Giám đốc Công an Đặc khu.

Từ tháng 01-1990 đến tháng 6/ 1993, ông là Uỷ viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy và Phó Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ông cùng lãnh đạo địa phương đấu trang chống phá hoại nhiều mặt của địch, bảo vệ an toàn thềm lục địa và giàn khoan dầu khí.

Chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự của Vũng Tàu, Côn Đảo trong những năm đầu sau giải phóng rất phức tạp. Sau đó giữa năm 1995 ông nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông  tích cực tham gia công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa; đã vận động quyên góp gần 300 triệu đồng để xây dựng các công trình điện, nước, đường giao thông, cơ sở y tế, trường học ở nông thôn; xây dựng 3 nhà tình nghĩa tặng mẹ Việt Nam anh hùng, cho gia đình có công với cách mạng.

Hơn 45 năm hoạt động liên tục trong ngành công an, ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần giữu vững an ninh trật tự xã hội.

Tướng Châu Văn Mẫn đã nói về ông: Đặc biệt, khi làm giám đốc công an Đặc khu, ông đã chỉ đạo bắt và ngăn chặn hàng ngàn vụ vượt biên trái phép, phá hàng trăm vụ án lớn góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc ANTT ở địa phương.

Đồng chí Đặng Công Hậu đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, huân chương Quyết thắng hạng Nhất, huân chướng Chiến thắng hạng Nhất cùng nhiếu huân, huy chương khác.

Ngày 22-7-1998 Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Đặng Công Hậu.

Người anh hùng tìm được "lá diêu bông"

“Ai giết được tên Đội Đồng, tôi lấy người đó làm chồng” đó là câu tuyến bố xanh rờn như một lời thách cưới của cô Huỳnh Thị Cúc 22 tuổi, Ủy viên Thường trực BCH Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Trung Huyện trong một hội nghị.

 Cô Cúc có gia đình bị tên đội đồng giết hại, nên thoát ly tham gia cách mạng khi còn rất sớm.

Thời bấy giờ, cô được xem là hoa hậu của huyện Trung Huyện, nên lới thách cưới của cô khiến cho bao nhiêu chàng trai Trung Huyện quyết tâm thực hiện ước mơ.

Đội Đồng tên thật là Trần Mộc Đồng, một tên mật thám gian ác khét tiếng, tay sai đắc lực của giặc Pháp ở vùng Trung Huyện.

Trải qua mấy năm đầu kháng chiến, y đã chặt đầu, mổ bụng, moi gan, hãm hiếp phụ nữ rồi giết hại dã man hơn 240 cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng và đồng bào yêu nước trong vùng Bến Lức.

Nhiều cán bộ của ta ở các xã thuộc tổng Long Hưng Hạ, Trung Huyện bị đánh dạt không thể bám trụ hoạt động, làm cho phong trào cách mạng ở địa phương bị lắng xuống.

Đã có cán bộ công an xung phong Trung Huyện như đồng chí Nguyễn Minh Trung đã bị Đội Đồng giết hại (năm 1996, đồng chí được Nhà nước truy tặng AHLLVTND).

 Hay như đồng chí Tư Già, còn bị Đội Đồng bắt bắn chết giữa đường, rồi chặt đầu cắm cọc bêu trước chợ để khủng bố tinh thần của người kháng chiến, đồng bào yêu nước.

Trước tình hình đó, Đội 4 Công an xung phong Trung Huyện được Ty Công an tỉnh Chợ Lớn giao nhiệm vụ phải bằng mọi giá tiêu diệt Đội Đồng trả nợ máu cho nhân dân và chiến sĩ. Thế nhưng trước đấy, đã từng có ba lần phục kích ám sát Đội Đồng đều không thành công.

Vào một buổi chiều cuối tháng 2/1951, Đội trưởng Nguyễn Văn Thế (Ba Thế) tập hợp lực lượng công an xung phong và thông báo tên ác ôn Đội Đồng đã điều về tiểu khu Tân Bửu.

Anh hùng Đặng Công Hậu cùng bộ trưởng
Anh hùng Đặng Công Hậu cùng Bộ trưởng

Toàn thể anh em công an xung phong rất hăm hở tinh thần lập công tiêu diệt con quỷ khát máu này.

 Lúc này Đội Đồng khoảng 30 tuổi, người tầm vóc trung bình, cằm nhọn, da trắng hồng hào khỏe mạnh, được xem là xạ thủ súng ngắn và rất giỏi võ.

Từ Bến Lức đổi về xã Tân Bửu, Đội Đồng mang lon quan I, là sếp bót Tân Bửu (Chef bot Section), thuộc sắc lính Commandos (Com-măng-đô) của Pháp. Một lần nữa, đội 4 CAXP lại được giao nhiệm vụ tiếp tục vạch kế hoạch tổ chức ám sát đội Đồng.

Theo kế hoạch của Tổ hành động đã được cấp trên phê duyệt, kế hoạch vạch ra khá táo bạo: Diệt Đội Động tại chợ giữa ban ngày thời gian từ 7 đến 9 giờ lúc chợ đông người nhất và cũng là lúc y mang lính đi quấy nhiễu dân trong khu chợ.

Đường tiến và rút lui của đội ám sát về phía bót Quản Đội, cầu Đình. Yểm trợ bên ngoài là hai đồng chí Hai Nhành, Ái Sáu cùng đợi du kích Tân Bửu. Đồng chí Tư Nam (Bá Âm) bắn chính, Ái Đột bắn phụ và Mười Què chỉ huy.

Các anh em cũng đặt ra kỷ luật rất nghiêm: Ai không chấp hành mệnh lệnh bắn: tử hình. Nếu có lệnh bắn mà không bắn: tử hình. Có điểm bắn mà không ra lệnh bắn: tử hình.

Từ ngày 28-1 đến ngày 1-2-1951, sau 4 lần vào chợ và một lần vào tận nhà Hội Tân Bửu (nhà việc của tề làng) tiếp cận tên Đội Đồng, song đội 4 đều chưa có cơ hội hành động do địch phòng bị rất chặt chẽ.

 Đội 4 Công an xung phong đã họp đánh giá tình hình, tìm nguyên nhân, từ đó bổ sung kế hoạch hành động: xác định điểm bắn đối tượng là đoạn cua vào chợ; tăng số lượng công tác viên hành động từ 1 người lên 2 người.

Đã có 6 lần áp sát mục tiêu nhưng vẫn chưa có cơ hội, thời cơ chín mùi ra tay tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng này. Như lần vào 8 giờ 45 phút ngày 9-2-1951, Mười Què ra ám hiệu Đội Đồng đã xuất hiện.

 Tư Nam và Ái Đột lần lượt tiến vào sát mục tiêu. Lúc này Đội Đồng cùng 12 tên lính trang bị súng đạn đầy đủ đi vào khúc cua quẹo, cách Tư Nam đứng chưa đầy một thước, nhưng Mười Què vẫn không ra hiệu giở nón (hiệu lệnh bắn).

Cuộc họp trưa hôm đó diễn ra khá nặng nề, gay gắt khi Bá Âm và Ái Đột đòi xử tử Mười Què vì “có điểm bắn mà không ra lệnh bắn”.

Mười Què phân trần giải thích: do Đội Đồng có 12 tên lính đi xung quanh sau trước, thắt lưng quấn đầy băng đạn, chợ sáng đang lúc đông bà con quá, nếu nổ súng sẽ nguy hiểm cho hai đội viên ám sát và bà con trong chợ…

 Đội trưởng Nguyễn Văn Thế và Đội phó Chín Quốc đã lên tiếng khen ngợi Mười Què xử lý tình huống thông minh và đúng đắn. Chúng ta không thể liều lĩnh hy sinh vô cớ, đặc biệt là bao nhiêu người dân của mình vô tội.

Thời điểm hành động lần thứ bảy đã đến, đó là ngày 10 tháng 2 năm 1951 và Đặng Công Hậu được chọn là người nổ súng đầu tiên tiêu diệt đối tượng.

Ngày 10-2-1951, tổ công tác tiếp tục mai phục sẵn tại vị trí đã chọn. Gần 8 giờ sáng, Đội Đồng cùng 10 tên lính đi ruồng bố qua đêm về ngang chợ thẳng về bót Section.

Lúc 8 giờ 48 phút, Đội Đồng xuất hiện tại cua quẹo vào chợ. Đội Đồng bận quần sooc màu vàng, đeo kính gọng vàng, chải đầu bóng mượt cùng các tên thuộc hạ tiến vào chợ.

Khi Đội Đồng vừa lọt vào điểm đã xác định, Mười Què giở nón phẩy mạnh làm hiệu ra lệnh bắn, ngay khi nhận được lệnh, Tư Nam và Ái Đột từ một tiệm thuốc bắc người Tàu bên kia đường đã nhanh chóng tiếp cận sát mục tiêu cách sát bên, khẩu súng ngắn trong tay Tư Nam bóp cò nổ liên tiếp hai phát đoàng, đoàng hạ gục Đội Đồng tại chỗ.

Bọn lính bảo vệ chưa kịp trở tay, cả chợ hoảng loạn các anh em công an xung phong hỗ trợ hô to “Việt Minh tấn công…” rồi nhanh tay vung truyền đơn tung tóe và lẩn vào đám đông thoát an toàn.

Đội Đồng bị tiêu diệt giữa chợ từ sự mưu trí, gan dạ và táo bạo của công an xung phong, tin chiến thắng nhanh chóng loan khắp vùng Tân Bửu và các xã Thanh Hà, Long Hiệp, Mỹ yên, Long Phú, Phước Lợi…khiến bà con vui mừng hả hê, gõ mõ, đánh trống ăn mừng.

Cũng từ đây, cơ sở cách mạng trong vùng được củng cố và hoạt động mạnh trở lại; cán bộ cách mạng đi lại hoạt động dễ dàng hơn và đồng bào được yên ổn làm ăn góp phần phục vụ kháng chiến.

Đội 4 Công an xung phong Trung Huyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong luên hoan mừng công lãnh đạo Ty Công an tỉnh, huyện đã đến chúc mừng, khen thưởng.

Riêng Tư Nam được Giám đốc Ty Công an tặng cho một khẩu súng lục mới cáu cạnh. Giám đốc Sở Công an Nam Bộ tặng bằng khen, Hội Phụ nữ tặng 30 khăn thêu dòng chữ “Tặng anh hùng giết giặc”.

Chuyện về anh hùng giết giặc Đặng Công Hậu ám sát Đội Đồng tin chiến thắng bay về Hội Phụ nữ cứu quốc khiến cô gái Huỳnh Thị Cúc má đỏ phừng phừng cả ngày vì lời đã trót hứa trước đây.

Cô nghe tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì e thẹn và vui mừng chờ mong ngày “gặp mặt” anh hùng giết giặc.

Cô mất ăn mất ngủ mấy hôm liền, nghe ai biết tin tức bên Công an về kể lại chỉ đỏ mặt, mỉm cười một mình.

Nhưng dường như số phận đã không dành cho cô thực hiện lời đã hứa trước đây, người anh hùng ám sát Đội Đồng là Đặng Công Hậu năm đó mới qua tuổi 16, còn cô Cúc đã 22 tuổi. Tuổi tác là một trở ngại lớn cho những người làm cách mạnh lúc bấy giờ.

Hơn nữa cùng là người dân từ nông thôn Long An đi làm cách mạng, nên mặc dù năm đó cô Cúc rất xinh đẹp trẻ trung như một hoa hậu nhưng cô và Đặng Công Hậu đành phải ngậm ngùi nhận làm “chị em kết nghĩa” thay cho duyên nợ vợ chồng.

Câu chuyện về anh hùng tìm được lá diêu bông này, đã được viết vào bản thành tích đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho ông như một chiến công lớn và nhiều kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời một cán bộ công an.

Phát huy chiến thắng vang dội này, ngày 21-1-1952, 4 đồng chí chỉ huy trong Đội 4 Công an xung phong Trung huyện gồm Nguyễn Văn Thế, Đội trưởng phụ trách chung, Đặng Công Hậu - Tổ trưởng Tổ hành động số 2, Ái Thu và Hai Nổi công an đội viên bất ngờ, bí mật đột nhập vào nhà riêng bắt sống tên Cai Tổng bộ, là nhân viên Phòng Nhì của Pháp tại thị trấn Gò Đen vì y đã gây ra nhiều tội ác đối với cách mạng.

Bắt xong tên Cai Tổng bộ, Đội Công an xung phong điều tra, lấy khẩu cung rồi giao cho Công an tỉnh xử lý.

Đầu năm 1953, lực lượng công an xung phong huyện Trung Huyện phối hợp với bộ đội huyện và du kích xã Bình Chánh bao vây tiêu diệt bót cảnh sát của địch ở Bình Chánh (nay thuộc huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh).

Đặng Công Hậu được phân công rải truyền đơn, phát loa tuyên truyền ở khu phố chợ Bình Chánh.

Khi lực lượng ta nổ súng tấn công, giữa lúc trận đánh diễn ra ác liệt, trong ánh chớp lửa đạn mù mịt, Tư Nam kịp nhìn thấy một tên cảnh sát cao to tháo chạy.

Nhanh như chớp, Tư Nam chạy vụt lên chặn đầu và chĩa súng hô to: “Đứng lại, giơ tay lên…” sau đó, anh bình tĩnh tước súng lục của tên cảnh sát và dùng dây trói thúc ké lại.

Qua xét hỏi mới biết, đó là tên Lê Văn Ty (Đội Cả), sếp bót cảnh sát Bình Chánh đang tranh thủ lúc hỗn loạng bỏ chạy tháo thân về phía chợ.

Kể chuyện về cuộc đời anh hùng Đặng Công Hậu, chợt nhớ đến bài thơ lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm từng làm xao xuyến lòng người mấy thế hệ. Nhưng chưa có ai tìm được lá diêu bông…

Rằng: “váy Đình Bảng buông cùng cửa võng/Chị ngần ngơ đi tìm/Đồng chiều cuốn rạ/ Chị bảo : đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng”…

Làm gì có lá diêu bông mà tìm. Nhưng với cô gái xinh đẹp Hội Phụ nữ huyện Trung Huyện ngày xưa: lá diêu bông là xử tử Đội Đồng - một tên chó săn khét tiếng ác độc nhất trong vùng Bến Lức, Long An.

Người anh hùng tuổi thiếu niên Đặng Công Hậu – Công an xung phong Trung Huyện đã tìm thấy lá diêu bông, đã ám sát Đội Đồng giữa chợ ban ngày.

 Nhưng làm gì có lá diêu bông…ông không hoài tiếc về ngày xưa vì lá diêu bông mà vì ngày ấy tuổi còn nhỏ quá. Nên diêu bông vẫn là diêu bông…

  • Nam Yên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc