Người bán bánh dạo trở thành tỷ phú rừng Mã Đà

( PHUNUTODAY ) - #160; Đồng Nai hôm nay nghe đã là chuyện thần kỳ khiến người đời ngưỡng mộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, Năm Thắng trở về với đời thường với hai bàn tay trắng.

(Phunutoday) - Câu chuyện về cuộc đời Năm Thắng- tỷ phú rừng Mã Đà-  Đồng Nai hôm nay nghe đã là chuyện thần kỳ khiến người đời ngưỡng mộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, Năm Thắng trở về với đời thường với hai bàn tay trắng.

Từ quê hương Đồng Khởi Bến Tre ông phải trải qua những năm tháng nghèo khổ, trôi dạt buôn thúng, bán bưng nhưng vẫn nghèo xơ xác. Bỏ quê, ông từng lặn lội sang tận bên thủ đô Phnompenh- Campuchia làm mướn, nhào bột bánh mì, bán bánh bò dạo nhưng cuối cùng tay trắng, trắng tay quay về đất Kiên Giang thử vận số đời mình thêm một lần nữa. 

Sau 10 năm lận đậm mưu sinh khắp xứ, anh quay về lại mảnh đất anh hùng là chiếc nôi Đồng Khởi Bến Tre, với hàng dừa xơ xác, lá rũ khô không ai dọn, nhìn người mẹ già mà nước mắt ông tràn ra, nghẹn đắng lòng.

Cuối cùng, ông đã chọn đi kinh tế mới, lên rừng Mã Đà, Trị An (Đồng Nai) làm nơi dừng chân lập nghiệp. Từ 2 ha đất ban đầu của UBND xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom cũ nay là Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho mượn năm 1995, đến nay ông đã có 14 ha đất, ông trồng cây, đào ao nuôi cá, lập trang trại chăn nuôi heo theo mô hình VACR và  trở thành một tỷ phú.

Người đẹp Năm Thanh thoát khỏi khỏi nanh vuốt quỷ dữ

Vì muốn nhanh chóng tìm ra kẻ phản bội làm thám báo, chỉ điểm giết hại cán bộ ta, Năm Thanh tìm mọi cách “tỉ tê tâm sự” với chị Sáu Dung để cô được sang Ban nam của Mười Râu học tập kinh nghiệm. Hơn nữa, Mười râu và Sáu Dung là quan hệ anh rễ, em vợ lãnh đạo hai ban Nam , Nữ của biệt đội tình báo Thiên nga nên khá thuận lợi như người một nhà.

Sáu Dung rất ủng hộ nhiệt tình này của Năm Thanh nên không tính toán gì cả. Riêng con quỷ háo sắc và dâm dục Mười Râu thì vô cùng mừng rỡ, sung sướng vì từ nay có “một em” xinh đẹp thuộc về mình quản lý mà từ bấy lâu nay Mười Râu luôn ao ước, nhưng lấn cấn chỗ Năm Thanh là Thiên Nga của dì út Sáu Dung giống như câu nói của dân bơm nhậu : em vợ mới là Thiên Nga. 

Những tên biệt kích như Mười Râu, Tư Nghệ luôn tìm cách tán tỉnh, rủ rê dụ dỗ “người đẹp” Năm Thanh khi thì uống cà phê tán tình, khi thì đi chơi, coi xi-nê, hotel…Đầu tiên là Mười Râu, mỗi lần gặp Năm Thanh cặp mắt cú vọ của y cứ nhìn chằm chằm, hau háu như muốn ăn tươi, nuốt sống. Nay được là người “chung chiến hào” hắn toan tính thực hiện dã tâm với người đẹp Năm Thanh. Nhờ tính háo sắc và dại gái này, Năm Thanh đã tìm ra những kẻ phản bội, chỉ điểm là Phạm Văn Hương và Tư Một, Ba Đằng…

Hổ đói, thấy thịt ngon trước mặt không lẽ nhịn ? Mười Râu tìm đủ mọi cách ve vãn, tán tỉnh Năm Thanh nghe đến nhàm chán cả hai tai không thiếu mỹ từ có cánh, ngọt ngào và man trá. Hắn kiếm đủ mọi cách “đi cặp” với Năm Thanh vào các buổi tối, viện lý do là công tác đột xuất. Năm Thanh không lạ gì gian kế “đàn ông” này, nên vừa giả vờ ngây ngô vừa lo lắng chuẩn bị đối phó.

Có buổi tối, Mười Râu dụ dỗ Năm Thanh đi khách sạn tâm sự không được, hắn giở trò sờ mó bên ngoài, rồi rủ Năm Thanh về trụ sở ngủ vì sợ mất an toàn nếu cô đi về một mình trong đêm. Năm Thanh tìm cách câu kéo thời gian, sau đó cô nhắn cho Sáu Dung đến chỗ Mười Râu. Nhìn thấy em vợ và Năm Mỹ (vợ) xuất hiện đột ngột, Mười Râu lúng búng như gà mắc tóc, tái xanh mặt, bèn giả lã bàn công việc và sau đó Năm Thanh và Sáu Dung ra về an toàn.

Lần khác, Mười Râu, Tư Nghệ rủ rê Năm Thanh lên thị xã gặp cấp trên. Xong xuôi đâu đó, Mười Râu kéo Năm Thanh ra quán cà phê tâm sự, hòng làm cô xiêu lòng. Năm Thanh khôn khéo chối từ : “Anh Mười thương em, em với chị Năm, chị Sáu thân như chị em ruột. Mấy chỉ còn gíup đỡ em công việc, làm quen anh. Nay anh ép em như vậy, lỡ chỉ mà nghe được thì coi sao đặng hả anh?”.  Lúc thì Năm Thanh đánh vào tâm lý đàn ông sợ vợ : “Anh với em kè kè suốt ngày, chị thấy chị ghen là em chết đó anh Mười”.

Mưa dầm thấm lâu, một mặt Năm Thanh câu kéo, từ chối khéo léo không làm tổn thương lòng tự ái của con quỷ dâm dục Mười Râu, mặt khác cô nhanh trí, chủ động rủ cả Sáu Dung và chị em đi cùng vui chơi, khiến cho Mười Râu thèm rõ dãi cũng không thể có cơ hội ra tay. Nhờ đó mà cô thoát hiểm trong gang tấc rất nhiều lần.
d
Ông Năm Thắng
Nhiều tình huống khá oái oăm xảy ra trong suốt 5 năm sống chung với bầy Thiên Nga và bốn bề là bọn ác ôn, háo sắc nhưng Năm Thanh đều khôn ngoan, tránh né an toàn. Nhưng có một lần, Năm Thanh bó tay, đành xin tổ chức cho rút ra căn cứ để quay về với hình hài ban đầu. Đúng như ông bà xưa thường nói : “Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai”.

Họa vô đơn chí đến với Năm Thanh vào một ngày đầu năm 1975. Sau khi tan buổi họp sở của biệt đội Thiên Nga, Trung úy Tư Nghệ (Đội điều tra, xét hỏi Ty Cảnh sát) mời Năm Thanh ra bờ hồ Trúc Giang uống cà phê tâm sự. Năm Thanh muốn từ chối nhưng không tiện, đành chỉnh trang son phấn và nhận lời.

Năm Thanh nhận lời vì cứ nghĩ giống như Mười Râu, lại giở trò cũ rích tán tính, ve vãn và dụ dỗ…gái nhà lành. Hồi lâu sau, Tư Nghệ ấp a, ấp úng tán tỉnh vòng vo rồi nói : “Thanh ơi, anh mời em đi xi-nê mấy lần không phải để tán tỉnh em đâu. Nhưng là để em gặp thằng Lộc. Nó thầm yêu trộm nhớ em lâu rồi. Nó muốn xin cưới em làm vợ”. Nghe đến đây, Năm Thanh tá hỏa tam tinh, tưởng như đất bờ hồ Trúc Giang đang sụp đổ xuống sông Hàm Luông.

Tên Lộc, là con trai Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Chí Kim- kiêm Tiểu khu trưởng Kiến hòa (Bến Tre)- mấy lần gặp Năm Thanh có Sáu Dung và mấy thành viên biệt đội tình báo, chẳng dè đem lòng yêu mến Năm Thanh và đòi cưới làm vợ. Cậy là con Tỉnh trưởng, nên tên này nổi tiếng ăn chơi, bạo ngược khiến ai cũng nễ sợ, kiêng dè.
d
 
Biết Năm Thanh không phải hạng gái tầm thường, hám danh, hám của nên tên Lộc đã “cắt cử” Tư Nghệ nắm tình hình, điều tra về tính nết, quan hệ tình cảm của Năm Thanh để tìm cách tấn công, hòng chiếm được trái tim trinh nguyên của người đẹp. Tên Lộc còn ép vợ chồng Mười Râu phải sắp xếp việc này, sau mấy lần bắn tin mời người đẹp đi uống cà phê tâm sự bị từ chối.

Vì muốn làm đẹp lòng “thái tử” thượng cấp nên Tư Nghệ, Mười Râu, Sáu Dung đã tìm mọi cách tác động đến Năm Thanh nhiều lần về ý định cưới Năm Thanh làm dâu tỉnh trưởng. Với quyền lực của gia đình Đại tá Tỉnh trưởng Kim, Năm Thanh rất biết là từ chối sẽ rơi vào thế vô cùng bất lợi, thậm chí sẽ bị lộ tông tích nên khôn khéo tìm cách hoãn binh.

Biết bao cô gái xinh đẹp mong muốn được vào căn nhà quyền lực, giàu sang này, nhưng oái oăm làm sao. Năm Thanh là một chiến sĩ tình báo “giả gái”, đây là điều không thể và không bao giờ có thể. Nhưng khi Năm Thanh tìm cách hoãn binh, câu lưa thì tên Lộc con trai Tỉnh trưởng càng quyết tâm đeo đuổi.

Năm Thanh thấy quá nguy hiểm nên đành báo cáo tổ chức xin rút lui khỏi vị trí F5 và xin chuyển sang khu vực Đông Nam bộ hoạt động. Nhận được báo cáo tình hình rất nguy của Năm Thắng, tổ chức và Ban chỉ huy còn đang tính kế an toàn, hợp lý nhất nên chưa kịp trả lời thì chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khởi động. Cả Miền Nam đang sục sôi khí thế tấn công, nổi dậy giải phóng từng ngày, từng giờ miền Nam.

Năm Thắng cười giòn giã nhắc chuyện cũ : “May quá, trong lúc đang căng thẳng như vậy thì chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, bọn chúng lo chạy nên quên luôn chuyện cưới”.

Chiến sĩ tình báo F5 Huỳnh Văn Thắng trở lại với đời thường sau ngày đất nước hòa bình thống nhất với hai bàn tay trắng và hơn 10 năm cơ cực tha phương làm thuê mướn kiếm sống. Nhắc chuyện năm xưa nhờ một bác sĩ tiêm thuốc “chuyển đổi giới tính” để giả gái, vừa giải phóng xong, Năm Thắng quay lại tìm vị bác sĩ tài giỏi năm xưa đễ tiêm lại 3-4 mũi vào phục hồi lại chức năng đàn ông. Quả nhiên điều kỳ diệu đã xảy ra. Tháng 8/1975 Năm Thắng lập gia đình với bà Đỗ Thị Kình cùng quê, sống rất hạnh phúc đến nay đã có 5 người con, 2 trai, 3 gái.

Năm Thắng kể chuyện rất trớ trêu của đời ông : Vào năm 1985, chính quyền Mỹ có thông báo mời ông đi sang Mỹ định cư theo diện HO dành cho những quân nhân tham gia quân đội Mỹ trước đây. Sự đời rất buồn cười. Cô biệt đội tình báo Thiên Nga tên Huỳnh Thị Thanh ngày xưa, nay là Huỳnh Văn Thắng, giờ trở thành một tỷ phú ở rừng Mã Đà- Trị An.

Giữa rừng Mã Đà nghe chuyện 10 năm tha phương cầu thực

Từ ngã ba Trị An vào đến Vĩnh Cửu khoảng hơn 8 cây số, sau ba lần hỏi thăm trang trại ông chủ Năm Thắng vẫn chưa ai biết ở đâu. Trách mấy ông bạn đồng nghiệp sử dụng tư liệu báo khác nên nói bừa : cứ đến ấp Song Mây, xã Bắc Sơn, Trảng Bom hỏi Năm Thắng thì ai cũng biết…

Người đông, xóm làng mới mọc, đô thị hóa tốc độ chóng mặt. Mấy khu rừng cao su, tràm keo nay là những khu công nghiệp rộng mênh mông, vật vã. Dò hỏi mấy đại lý bán thức ăn gia súc may đâu tìm được trang trại chuyên nuôi cá nuôi heo của tỷ phú Năm Thắng. Nhưng rồi cô chủ đại lý rất xinh trả lời đầy tiếc rẻ : Mấy người làm ăn lớn, không lấy thức ăn gia súc chỗ đại lý bé xíu xiu này đâu. Anh cứ đi thêm một đoạn nữa hỏi thăm..

Qua khỏi xã Bắc Sơn gặp phải cổng chào huyện Vĩnh Cửu, phân vân chưa biết đi đâu, hỏi đâu…thì một anh công an mang quân hàm Đại úy từ trong hẻm đi ra, tôi vội đến hỏi thăm với nội dung: “có người em của ông Tư Hoàng- Nguyên GĐ Công an Đồng Nai tên Năm Thắng có trang trại đâu trên khu vực này…”. Qủa nhiên lần này đúng người cần hỏi. Theo hướng dẫn của anh công an khoảng 300 mét, rẽ vào đường đất…gặp mấy ngã ba, ngã tư đường đất, rồi hỏi tiếp, khoảng mấy cây số nữa mới đến. Xa lắm nha”.

Lầm lũi giữa trời trưa, tôi cứ tiến vào trong những khu rừng xen lẫn nhà dân ở và rừng cao su tiểu điền, hỏi thăm, rồi lại hỏi thăm cuối cùng đến được trang trại nhà Năm Thắng nghe nhẹ nhỏm trong lòng. Bao nhiêu mệt nhọc tan biến đi mất khi nghe cơn gió mát lùa từ mặt ao nuôi cá rộng mênh mông tạt vào da thịt.
 
Gặp người chiến sĩ tình báo từng “giả gái” Năm Thanh, Năm Thắng lần đầu tiên, tôi cố quan sát cử chỉ và nghe giọng nói của ông để hình dung còn sót lại chút gì đó thời “giả gái” giống hơn con gái, khiến cho con trai Tỉnh trưởng Bến Tre chết mê, chết mệt đòi làm đám cưới. Nhưng thật khó mà tìm thấy dấu vết gì từ giọng nói đàn ông mạnh mẽ, da sạm nắng đen nhem nhẻm, dáng đẫy đà của một ông chủ.

Hình như, vẫn còn một chút dấu tích để những ai dày dạn kinh nghiệm mới nhận ra trong cách nói nhẹ nhàng, âm vực của người dân Bến Tre có âm cuối kéo dài từ đệm…nè…hén…Say chuyện, thỉnh thoảng tay chân làm dấu điệu bộ khoa lên, khoa xuống rất điệu. Tôi không thể tưởng tượng ra nổi làm sao ông có thể hóa thân thành một cô gái “không lẫn vào đâu” khiến cho 5 năm hoạt động không một “chị em, anh em” nào phát hiện, nghi ngờ.

Ông rất chân tình, chất phác và mộc mạc như bao người nông dân miền Tây, không hề khách sáo trong lần gặp đầu tiên. Cứ giống hệt như đã từng quen từ kiếp trước. Giữ nụ cười tươi trên miệng, ông nói ngay :“Năm nói cho em nghe nè, ít ai tự tìm ra chỗ này. Năm hỏi em tìm có khó lắm không”. Phong cách rất ấn tượng này ngay từ khi bàn tay nắm chặt, tôi đã thấy cảm mến người chủ trang trại này rất nhiều.

Câu chuyện nghèo khổ, cơ cực ngày xưa theo ông hiện về từ miền ký ức buồn. Nó mãi mãi in đậm trong lòng ông như một vết thương lòng thời trai trẻ mãi mãi không bao giờ tẩy xóa đi được. Đất nước giải phóng, Năm Thanh trở về đời thường cùng bao cơ cực của người dân đất Đồng Khởi (xã Định Thủy, huyện Mõ Cày Nam, Bến Tre). Vùng đất anh hùng đầy đau thương mất mát trong chiến tranh, gần như chẳng còn lại gì đáng kể về vật chất, hạ tầng cơ sở sau ngày hòa bình.

Năm Thanh bắt đầu bằng những ngày làm thuê, cuốc mướn, hốt phân bò…làm quần quật suốt ngày nhưng không đủ sống. Mảnh vườn nhỏ quanh nhà chỉ trơ mấy gốc dừa già, vườn cây ăn quả tạp chủ yếu là ăn chơi không hề mang lại giá trị kinh tế gì. Đã có nhiều người bỏ quê đi xứ khác lập nghiệp vì đất chật, vườn thưa không kinh tế, ngay cả việc sản xuất tự cung tự cấp cũng không đủ thì làm gì có dư.

Trong số 9 anh em, những người còn lại chỉ có Tư Hoàng theo ngành an ninh từ nhỏ trong Trung ương Cục Miền Nam, giải phóng về tiếp tục sự nghiệp bảo vệ đất nước, đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch. Từng là chiến sĩ tình báo “giả gái” được cài cắm sâu vào nội bộ biệt đội tình báo Thiên Nga để hoạt động, nhưng khi chấm dứt chiến tranh, hoàn thành sứ mạng được giao, Năm Thắng chẳng ước mơ gì lớn hơn là trở về làm một người bình thường.

Điều này quá dễ dàng với người khác, nhưng với ông thì lại quá khó khăn.  Bởi Năm Thắng là người có số phận rất trớ trêu từng “hóa thân” làm con gái suốt 5 năm trời. Nhiều lúc ông cứ nghĩ mình vĩnh viễn không bao giờ làm đàn ông được vì năm xưa tình nguyện “hy sinh đời trai” làm cách mạng. Chỉ riêng cuộc sống nghèo khổ thôi, đã là quá đủ cơ cực cho một thanh niên ngày ấy, huống chi là ông, còn phải trả lại món nợ phấn son, giới tính.

Nhưng số phận không đành hanh với ông như vậy, mà đã mỉm cười đón ông trở làm lại đàn ông. Người nào buộc vào, người đó ắt sẽ biết tháo gỡ ra. Vậy mà đã bao nhiêu tháng ngày ông cứ phải tự dằng vặt đời mình vì lo sợ. Ông đã tìm đến Bác sĩ Châu- Một bác sĩ tài ba ngày xưa đã biến ông thành con gái, để được phục hồi, trả về với hình mạo đàn ông. Lời hứa năm xưa với một mũi thuốc tiêm chuyển đổi giới tính, giờ phục hồi bằng 3-4 mũi thuốc tiêm đã thành chuyện diệu kỳ : cô gái Năm Thanh trở lại hình hài giới tính của anh con trai Năm Thắng.

Năm Thắng ngồi bần thần nhớ lại : “Sau khi lấy vợ, sanh con, lo chuyện ăn học của các con gia cảnh Năm lúc đó nghèo xơ xác…mấy lần đi tìm việc làm mướn mà không ăn thua gì”. Không thể để con cái bỏ học, Năm Thắng suy nghĩ, đời mình nghèo khổ vì dốt và chiến tranh, nay không lý do gì để con cái thiệt thòi khi đất nước hòa bình.

Ông quyết định sang xứ người lập nghiệp. Nghe mấy người buôn bán qua Campuchia về nói, Năm Thắng khăn gói lên đường tìm kế mưu sinh. Ông lang bạt qua tận xóm liều người Việt bên kia cầu Sài Gòn ở thủ đô Phnompenh- Campuchia. Làm quen, ông xin vào làm nghề nhào bột cho một tiệm bánh mì. Giờ rảnh rổi, Năm Thắng bưng bán bánh bò, bánh chuối đi bán dạo như ngày còn nhỏ ông từng làm.

Hai con phố dài bên cầu Sài Gòn ở thủ đô Phnompenh, ngày nào người dân Việt- Khơmer lao động nghèo nghe lảnh lót tiếng rao “bánh bò, bánh dừa đây…” của người chiến sĩ tình báo xứ Dừa. Đôi bàn chân quen đi bộ, đôi tay quen làm bánh, nào ai biết những giọt mồ hôi đổ xuống những trưa nắng cháy trên đầu và đôi bàn chân chai sần kia là ký ức của một thời oanh liệt, giờ sao quá đắng cay, quá nghẹn ngào đầy nước mắt.

Ai công hầu, ai khanh tướng, cõi trần ai…Năm Thắng không còn nhớ đời ông đã đi bộ bao nhiêu triệu cây số trong cuộc hành trình làm người và tìm kế sinh nhai. Hỏi ông có buồn không, có chạnh lòng không khi ngày xưa mình hy sinh quá nhiều, nay phải cơ hàn, vất vả không ? Ông bật cười sảng khoái : “Năm thấy hễ ai chịu cùng cực hồi nhỏ, lớn lên đều có phước cho nhiều người được phú quý. Nên Năm không buồn gì đâu em…”.

Ngày ấy mãi mãi đi vào ký ức ông như những dòng sông buồn nhất của cuộc đời. Thêm hai vai gồng gánh 5 đứa con thơ, ông nặng trĩu như một cành cây oằn mình cong xuống tưởng chừng như đổ ngã trước bất cứ cơn mưa bão nhỏ nào trong đời. Bỏ đất Campuchia, dành dụm một chút vốn nho nhỏ, ông dạt về Kiên Giang tìm cơ hội để sống, vì tình hình bên Campuchia có nhiều bất ổn, nhưng lại một lần nữa, Năm Thắng thất bại, tay trắng.

Tổng kết đoạn đời hơn 10 năm cơ cực tha phương, Năm Thắng chỉ tích lũy hai chữ : trắng tay. Cuối cùng ông như một loài chim di trú về phương Nam, đợi hết mùa Đông giá buốt lạnh lẽo bay về lại phương Bắc, nơi quê nhà, nơi đã sinh thành. Năm Thắng đã quay về lại mảnh đất vườn dừa chiếc nôi quê hương Đồng Khởi, ngồi thở dài bên gốc dừa với người mẹ già tuổi đã xế chiều.

Tuyệt đường, nhưng không tuyệt ý chí vượt khó vươn lên trong đầu một chiến sĩ tình báo gan dạ, người anh thứ tư là Tư Hoàng- Nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai thấy thương cho hoàn cảnh tha phương cầu thực, nên gợi ý Năm Thắng lên Mã Đà lập nghiệp, dù sao cũng là vùng đất đỏ Miền Đông mầu mỡ, đất rộng, người thưa nếu chịu khó làm ăn sẽ nhanh chóng có cuộc sống khấm khá.

Chẳng thể nào ngờ nổi, đây là lần quyết định cuối cùng trong đời Năm Thắng và cũng là lần quyết định đúng đắn nhất. Thấm thoắt đã qua hơn 15 lần rừng cao su thay lá, chàng thanh niên lập nghiệp Năm Thắng ngày xưa đã trở thành một ông chủ trang trại rất lớn, một tỷ phú của rừng Mã Đà, Trị An.

Tỷ phú của rừng Mã Đà hôm nay

Năm 1995, khăn gói lên Đồng Nai lập nghiệp, khởi đầu từ một vạt rẫy của anh trai sắp đặt cho ở tạm. Năm Thắng làm đơn xin UBND xã Bắc Sơn (Trảng Bom cũ) mượn 2 ha đất trồng trọt, chăn nuôi trong thời hạn 5 năm. Cả đời quen sông nước, quen gánh dạo, bán bưng nay lại lên giữa rừng sâu, nước độc khai hoang, làm nghề rẫy với biết bao ngỡ ngàng xa lạ và nhọc nhằn không thể nào kể hết.

Năm Thắng bắt tay dọn rẩy, trồng khoai lang, khoai mỳ và dưa hấu. Ông tranh thủ trồng thêm một số cây ăn trái. Những vụ mùa đầu tiên không mang lại lợi ích kinh tế nhiều, nhưng đã mang lại cho ông niềm tin về thành quả lao động. Đánh dấu sự chấm dứt những tháng ngày cơ cực của cuộc đời về cảnh bán bánh dạo.
Một góc trang trại
Một góc trang trại
Nhờ siêng năng, tiết kiệm, dành dụm và mạnh dạn thay đổi cây trồng, vật nuôi nên chỉ một thời gian sau, từ hai ha rẫy đầu tiên, ông đã tích cóp mua lại, mua thêm tổng cộng được 14 ha đất và đầu tư phát triển mô hình trang trại theo hướng VAC. Từ thu nhập cây, quả, chăn nuôi đã giúp ông mua xe cuốc, xe chở đất và lập trang trại nuôi heo, múc ao nuôi cá qui mô lớn. Năm 2001, Công ty Thắng Vinh của ông thành lập với mô hình khép kín theo hướng VAC, mở ra một lối đi mới rất khả quan.

Những trận dịch bệnh hoành hành, giá cả thị trường biến động ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng ở trang trại Năm Thắng nằm giữa rừng không ảnh hưởng nhiều vì ông biết cách phòng ngừa, vệ sinh chuồng trại, ao nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi.

Hiện nay, trang trại của ông có diện tích gần 20 ha, còn trên 300 heo nái nằm chuồng và hàng ngàn heo con, heo thịt cùng với  2.000m2 mặt nước với 12 ao nuôi cá. Hàng năm cho sản lượng trên 200 tấn cá, hơn 50 tấn heo thịt, nhờ đó mà ông trở thành chủ trang trại lớn ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Ông đang dự định áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi theo quy trình khép kín, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông cười rất vui khoe: Năm 2010, trang trại của ông được Hội làm vườn VN bình chọn là “Trang trại Vàng Việt Nam” duy nhất của tỉnh Đồng Nai. Giấc mộng đổi đời của người chiến sĩ tình báo Năm Thắng ngày xưa nay đã trở thành sự thật. Một sự thật mà ông đánh đổi gần như suốt hơn nữa đời người.

Thành công trong sản xuất kinh doanh, Năm Thắng không quên những tháng ngày cơ cực đã qua, nên ông thường xuyên đóng góp xây cầu, làm đường, hưởng ứng các phong trào giúp người nghèo mà chính quyền địa phương phát động. Ông tâm sự: “Nhìn những hộ nghèo, anh Năm nhớ lại hình ảnh của mình ngày xưa, nên làm được gì cho họ trong khả năng có thể là Năm giúp liền. Đặc biệt là bà con nghèo ở quê nhà Bến Tre...”. Nghĩ vậy nên hàng năm ông đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện không dưới 100 triệu đồng.

Dù tuổi đã bước sang lục tuần, nhưng nói đến những định hướng phát triển trong tương lai, ánh mắt Năm Thắng luôn ngời sáng một niềm tin : “Vào thời kỳ cực khổ nhất trong cuộc đời đi làm thuê bị chủ mắng chửi thậm tệ, hay trong những ngày hoạt động bí mật, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, Năm vẫn tin tưởng vào tương lai, quyết bám trụ trên mảnh đất quê hương. Giờ hòa bình mà lại sợ cảnh đói nghèo thì vô lý quá!”.

Yêu mảnh đất, yêu lao động và có niềm tin thì có lẽ trên đời này không còn vô lý nữa. Một con người bình dị như ông, từng đổi giới tính, từng vào tận hang ổ kẻ thù để hoạt động, hàng ngày đối mặt với sự sống chết ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh, mưu trí vượt qua tất cả. Một người như ông, từng làm thuê làm mướn, từng bán bánh dạo, tha hương cầu thực tứ xứ thì giá trị lao động ngày nay mới đáng quý, đáng trân trọng biết nhường nào.

Chia tay ông, người chiến sĩ tình báo từng giả gái, một tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống, một tỷ phú của rừng Mã Đà hôm nay, ông cứ lần khân không muốn cho khách về. Ông nài nỉ ở lại thêm, chơi thêm vài ngày cho núi rừng Trị An bớt nỗi hiu quạnh, lẻ loi. “Mai này, rảnh lúc nào là lên Năm chơi nghe em…” câu tiễn khách ngọt lịm, khiến người về không muốn dời chân.

Hồng Phấn

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn