"Cha thích ăn đầu và xương cá con ạ"…Ngày giỗ cha, anh nghẹn lòng nhớ lại những lần cha nói dối

( PHUNUTODAY ) - Hãy đọc hết câu chuyện này, và nhớ gọi điện về hỏi thăm cha mẹ của mình nhé!

Anh là con cả trong nhà. Hồi đó gia đình anh nghèo khó nhất vùng. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh em nên người. Nhà gần sông, nhưng cha hay đau yếu nên ít khi mới được ăn cá. Bữa nào có cá là thịnh soạn lắm rồi.

Trong bữa ăn, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo:

– Để cha ăn đầu và xương.

Cậu em út liền nhanh nhảu:

– Tại sao hả cha?

Cha cười nói:

gio-cha-1

– Vì cha già rồi, hay đau đầu, ăn đầu thì nó sẽ bớt đau – cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ khoẻ xương hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?

Cậu em lại cười tít mắt, gật đầu lia lịa ra chiều hiểu lắm. Cha khẽ mỉm cười, lẳng lặng gắp miếng đầu và xương cá vào bát rồi ăn hết bát cơm.

Ba anh em nghĩ cha nói thật. Anh khi ấy đã vào cấp 2 rồi mà cũng tin, bữa cơm nào cũng xẻ đầu và xương cho cha ăn, còn ba anh em tranh nhau phần thịt. Rồi anh lớn lên, có thể thay cha đi đò ra sông, mò cua, thả cá. Đời sống gia đình dần dần khấm khá hơn cũng là lúc anh đủ lớn để hiểu bấy lâu nay cha luôn “nói dối” chuyện thích ăn đầu và xương cá.

***

Hơn 20 năm trôi qua, giờ đây anh đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Gia đình khá giả nên chẳng bao giờ anh phải “thích” ăn cái đầu hay miếng xương cá. Bữa ăn, vợ anh luôn bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Hôm nay là ngày giỗ cha . Nhìn di ảnh ba gầy còm, nhưng nụ cười vẫn tươi sáng, thấy con cá chiên to đùng, vàng ươm vợ đặt lên bàn thờ, anh bất giác rơi lệ.

Anh giấu vợ con, quay mặt lau nước mắt. Hình dáng người cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, đi thả cá mùa nước nổi, rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông… Lòng anh nhói lên một cơn đau “nếu năm xưa cha được ăn nhiều thịt hơn, thì chắc đã không già yếu như thế”.

gio-cha-2

Anh bất giác kêu lên những tiếng “cha” từ trong cổ họng. Nó nghèn nghẹn trong đó, không rõ nên lời…

Lúc ra bàn ăn, vợ anh xẻ thịt con cá, bỏ đi phần đầu và xương. Anh giữ tay vợ lại:

– Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi.

Vợ anh hiểu, không nói gì cả, gắp đầu cá qua cho chồng. Cô con gái nhỏ thắc mắc hỏi:

– Sao hôm nay ba lại ăn đầu. Nó xương lắm, sẽ làm đau ba đấy”.

Anh xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc vào trong cổ họng rồi bảo với con:

– Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à. Cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu.

Anh vừa ăn, vừa nhìn lên ảnh cha, cố cho những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm…

Cha cả đời lam lũ, khó nhọc nuôi nấng con. Cả một đời gánh chịu hết đắng cay, chỉ để lại cho con phần ngọt bùi. Đến khi con có được chút thành tựu, muốn báo đáp cha, thì cha đã không còn nữa…

Hãy báo hiếu khi cha mẹ còn sống

Tôi đã chứng kiến cảnh một người bạn khóc ngất bên linh cữu của mẹ khi mà trước đó hai tuần, vì không hài lòng với bà ngoại về cách chăm cháu nên đã “lôi tuột” cu con ra khỏi vòng tay bà rồi hai mẹ con đi Sài Gòn chơi gần chục ngày.

Bà ngoại gọi điện thoại thế nào cũng không nghe máy. Nhớ cháu bà như điên như dại. Đến khi mẹ bạn tôi mất bất ngờ vì một tai nạn giao thông thì cô ấy như người mất hồn. Muốn gạt đi những suy nghĩ nhỏ mọn, ích kỷ của mình để có cơ hội sửa những lỗi lầm của mình với mẹ... nhưng đã quá muộn.

Ấy là với những gia đình khá giả, đầy đủ vật chất nhưng “cái tôi” của mỗi người quá lớn nên họ không hiểu rằng, làm như vậy đã vô tình khiến cho nhau khổ đau.

Và còn cả những gia đình, con cái luôn hiềm khích với cha mẹ, đòi hỏi cha mẹ phải chiều chuộng những sở thích, nhiều khi là những sở thích rất gàn dở, trái tai gai mắt. Nếu không được như ý thì lại nổi sung, nổi đóa, mâu thuẫn với cha mẹ. Nhiều người, coi mẹ cha chẳng ra sao, rồi ra ngoài với đồng nghiệp, bạn bè cũng cong cớn, đành hanh, bắt nạt. Nhiều người tặc lưỡi bảo rằng “Cha mẹ nó còn chẳng coi ra gì thì đối với xã hội như vậy đâu có lạ gì”.

Còn với những gia đình khó khăn, thiếu thốn về vật chất thì tinh thần lại càng bị đầy đọa. Nhiều người bỏ đói cha mẹ già, không cho ăn uống. Hoặc nếu có được ăn thì cũng đay nghiến chẳng thế nuốt nổi. Truyện cười dân gian Việt Nam có những câu chuyện bi hài về việc con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ lúc sống, nhưng khi chết lại tổ chức ma chay linh đình.

Thế mới có câu: “Lúc sống thì chẳng cho ăn, để đến khi chết làm văn tế ruồi”. Câu ca dao ấy thời nay không phải đã mất giá trị. Thế mới có cảnh, nhiều ông già, bà lão gù rạp lưng tôm nhưng vẫn phải đi làm thuê hoặc nhặt rác kiếm sống, dù con cháu họ đề huề không phải là thiếu đói gì.

Và thực tế vẫn còn những cảnh con cái không nuôi dưỡng cha mẹ đã đành lại còn ngược đãi, đánh đập cha mẹ mình không thương tiếc. Nếu khi xảy ra hậu quả, hoặc cha mẹ chết, hoặc bị pháp luật xử lý… thì lại rơi nước mắt xót thương, hối hận.

Tháng Bảy, nhiều người mua đồ mã đắt tiền để cúng cha mẹ, người thân ở cõi âm. Tưởng nhớ, biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục mình là điều nên làm. Thế nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là sự đối đãi, hiếu nghĩa lúc cha mẹ còn sống chứ đừng để đến khi chết “làm văn tế ruồi”.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn