Người cha cố tình mặc quần áo trái...
Trong một sân ga đông người qua lại, cha cố gắng lách khỏi đoàn người để chen lên tàu hỏa. Ông tiến tới chỗ người sát cạnh cửa sổ của toa tàu, cúi đầu, nhắm mắt.
Dù không nhìn thấy những người xung quanh, cha vẫn có thể cảm giác được ánh mắt của họ đều đặt cả lên bộ trang phục mà ông đang mặc.
Cha quay mặt về phía ngoài cửa sổ, dõi theo những phong cảnh đang lướt qua bên ngoài. Dù tàu đã chạy được một quãng, ông vẫn nghe thấy những tiếng xì xào bàn tán của các hành khách xung quanh về mình.
Họ nhìn cha bằng ánh mắt kỳ lạ, rồi lại rỉ tai nhau những lời đàm tiếu. Có lẽ là bởi, cha đang mặc trên người một bộ quần áo trái.
Người khác nhìn cha, vì cha đang ăn vận chẳng giống bất kỳ một ai. Cha biết mặc quần áo trái là mất thể diện, nhưng ông chỉ có thể làm như vậy.
Người đàn ông ngồi đối diện cũng nhìn cha. Chắc hẳn vị khách đi tàu ấy cảm thấy kỳ quái khi nhìn tận mắt một ông lão ăn vận khác người, dù ông vẫn trông rất minh mẫn.
Người khách ấy móc trong túi ra một bao thuốc lá, chủ động mời cha một điếu. Cha không nhận, ông nói rằng mình không hút thuốc.
Vị khách kia lẳng lặng hút một mình, những làn khói phả ra che mờ đi dung nhan già nua của cha.
Trong túi quần cha khi ấy chỉ còn vẻn vẹn 500 ngàn. Đó cũng là tiền sinh hoạt phí mà ông mang lên cho con trai của mình.
Thật ra, cha chỉ mới hơn 40 tuổi. Thế nhưng hết thảy những năm tháng mưu sinh vất vả cùng mọi sự bần cùng khốn khó của cuộc sống đã khiến dung nhan ông trông chẳng khác nào một người đã ngoài sáu mươi.
Cha không nói lời nào với người ngồi đối diện. Dường như thâm tâm đang mách bảo ông rằng, dù cho chỉ nói đôi ba lời với vị khách ấy thôi, người đó chắc chắn sẽ tiếp chuyện rất nhiều, cũng sẽ có cách phát hiện ra bí mật của ông.
Như đoán biết được điều gì, người đàn ông ngồi đối diện cất tiếng hỏi:
"Chắc bác không phải đang đi làm mà là lên thành phố thăm con phải không ạ?".
Quả nhiên người ấy đã đoán đúng. Bởi cha không mang theo hành lý mà chỉ xách trên tay một túi đựng 20 quả trứng gà để lên thăm con trai.
Cậu con trai của lên thành phố học đại học, gần 1 năm qua chưa lần nào về thăm nhà. Cha nhớ con, mẹ cũng ngày đêm trông ngóng. Vì vậy, ông đã quyết định ngồi tàu hỏa lên thành phố thăm con.
Hơn ai hết, cha rất muốn biết những ngày tháng qua con mình sống thế nào, có vì vất vả mà gầy đi không, có gặp điều gì khó khăn không…
Dù chẳng nhận được câu trả lời của cha, người đàn ông đối diện vẫn tiếp tục cất tiếng hỏi:
"Bác ơi, bác nói đi ạ! Cháu rất muốn biết…".
... và lý do thật sự ở phía sau
Cha khẽ cắn môi, rồi từ từ nhỏ giọng nói:
"Bác mặc quần áo trái trên đường đi, khi nào tới gặp con thì mới lộn ra mặc lại, như thế trang phục sẽ luôn được sạch sẽ tinh tươm.
Con trai bác từ quê lên thành phố học đại học. Bác lên thăm nó, không thể để cho em nó mất thể diện, cũng không nên khiến em nó khó chịu, xấu hổ…"
Nghe những lời giãi bày ấy, người đàn ông ngồi đối diện không khỏi tần ngần một lúc rồi mới nói:
"Thế nhưng nếu bây giờ bác mặc quần áo trái, bác sẽ bị mất thể diện, cũng sẽ cảm thấy khó chịu, xấu hổ…".
"Bác mất thể diện thì cũng có sao đâu. Chỉ cần con trai bác có thể ngẩng cao đầu và tự hào là được" – người cha mỉm cười khi nhắc tới cậu con trai giỏi giang của mình.
Cha còn tâm sự với vị khách đối diện rằng, bộ quần áo này được ông mua từ khi con trai thi đỗ trường chuyên cấp III ở trên huyện.
Trước kia, mỗi lần lên huyện thăm con, ông vẫn chọn bộ quần áo này, vẫn mặc trái trên suốt quãng đường đi để xuất hiện với bộ dạng tươm tất nhất trước mặt con mình.
Giờ đây, cậu con trai đã thi đỗ trường Đại học trọng điểm trên thành phố, cha vẫn mặc một bộ trang phục năm xưa, vẫn lựa chọn cách hy sinh âm thầm ấy mà chẳng một ai trong gia đình hay biết.
Trải qua bao năm, bộ quần áo mua đã lâu kia vậy mà vẫn còn rất mới. Bởi số lần cha mặc nó có thể đếm trên đầu ngón tay, hơn nữa phần nhiều lại được ông cố ý mặc trái để gìn giữ.
Con trai ông rất nỗ lực, cũng rất xuất sắc, thành tích từ nhỏ đến lớn đều ưu tú. Đó là niềm tự hào của cậu, cũng là niềm tự hào của người làm cha như ông.
Cho nên, cha chưa bao giờ ngần ngại trước quãng đường xa xôi vất vả mỗi lần lên thăm con. Vì muốn con mình không bị bẽ mặt, ông còn không ngại hy sinh thể diện của bản thân để mặc quần áo trái.
Sau khi giãi bày bí mật thầm kín của mình, mặc dù vị khách đối diện muốn hỏi nhiều hơn, nhưng cha luôn cố gắng phớt lờ không để ý.
Cha không muốn nói nhiều, bởi trong đầu ông khi ấy hết thảy đều là những suy nghĩ về người con trai tài giỏi của mình. Ông đang nghĩ xem khi gặp con nên làm những gì, nên ăn nói ra sao…
Cuối cùng, cha cũng xuống tàu khi đến sân ga nơi thành phố. Ông phải đổi 2 chuyến xe buýt mới tới được ngôi trường mà con trai đang theo học.
Trước khi bước tới cổng trường, cha lẳng lặng vào một nhà vệ sinh công cộng bên lề đường. Sau khi bước ra, bộ trang phục mà mới khi nãy ông còn mặc trái nay đã được chỉnh lại đúng chiều.
Sau đó, cha gọi điện cho con trai. Cậu sinh viên ấy rất nhanh đã tới nơi đón ông.
Vừa nhìn thấy bóng dáng con mình từ xa, cha vui vẻ vẫy tay. Khi con tới gần, ông phát hiện ra cậu lớn lên không ít, trong lòng lại càng thêm vui vẻ.
Nào ngờ vừa nhìn thấy cha, cậu con trai đã bĩu môi than thở:
"Cha ơi, sao cha lại mặc bộ quần áo này nữa rồi? Bộ này cha đã mặc mấy năm trời. Khi con lên cấp III cha cũng mặc bộ này lên thăm con. Bây giờ con lên đại học rồi mà cha vẫn diện nguyên đồ cũ.
Cha có biết không, ở đây là thành phố lớn, người ta ăn diện lắm. Cha làm con xấu hổ quá đi mất…".
Nghe những lời này của con trai, cha sững sờ vài giây. Cảm giác bối rối và chua xót dường như cuộn trào trong lòng khiến tim ông đau thắt.
Cha chưa bao giờ dám mua một bộ quần áo đắt tiền, vì ông muốn tiết kiệm để gửi tiền cho con ăn học.
Cha không hút thuốc, không uống rượu, không đánh bài, làm ngày làm đêm, tham công tiếc việc cũng chỉ vì muốn chu cấp cho con học hành nên người.
Thế nhưng cha chưa bao giờ ngờ rằng, con trai của ông sẽ vì một bộ quần áo mà kích động tới vậy...
Ngay lúc đó, một giọng nói từ phía sau cha tức giận cất lên:
"Này cậu, cậu có biết không? Cha cậu lên đây thăm con, vì không muốn cậu bị mất thể diện nên đã mặc quần áo trái trên suốt đường đi.
Ông ấy tình nguyện hy sinh lòng tự trọng của bản thân để giữ mặt mũi cho cậu. Thế nhưng cậu còn mở miệng chê bộ đồ này không sành điệu, không thời thượng, thậm chí còn oán trách cha mình.
Tôi thấy chính cậu mới là người tự làm mình xấu mặt thì đúng hơn!".
Những lời này vừa cất lên, tới lượt cậu con trai cũng không khỏi sững sờ. Cha quay đầu nhìn lại, đã thấy vị khách ngồi đối diện trên xe lửa đứng ngay sau mình.
Cha vội vàng tiến tới, nài nỉ người ấy:
"Tôi xin cậu! Cậu đừng nói thêm gì nữa!".
Cha lo sợ, sợ rằng những lời của người đàn ông ấy sẽ khiến con trai ông xấu hổ, đau lòng.
Cha hối hận, vì lúc ngồi trên xe lửa đã không kìm lòng được mà nói ra bí mật của mình với người kia.
Nếu ông không nói, người ấy sẽ chẳng hay biết gì, cũng sẽ không có lý do để trách móc con mình.
Khi thấy người kia đã quay người đi mất, cha vội cầm chiếc túi đựng đầy trứng gà dúi vội vào tay con. Ông nói, đây là trứng gà quê mà cha mẹ mang lên cho cậu. Sau đó, ông lại vét voi từ trong túi ra một ít tiền, kín đáo đưa vào tay con.
Cha nhắn nhủ:
"Con trai, cha về đây. Con chú ý chăm sóc bản thân, có khó khăn gì nhớ gọi về nhà, con nhé!".
Nói xong những lời ấy, cha vỗ vai con rồi nhanh chóng quay đầu rời đi.
Được nhìn thấy con trai, cha đã an tâm phần nào. Ông vội vã bắt xe đến nhà ga, phần vì sợ ở lâu sẽ bị bạn bè, thầy cô của con nhìn thấy, phần vì lo nếu không về kịp sẽ muộn giờ cơm chiều, lại tốn tiền ăn ở ngoài một bữa.
Đi được một quãng, cha lại lặng lẽ vào nhà vệ sinh công cộng, thay lại quần áo trái như lúc lên đường.
Cha không hề hay biết, cậu con trai âm thầm đi theo ông suốt một đoạn đường dài đang đứng ở phía sau âm thầm rơi nước mắt.
Cuối cùng cậu mới hiểu, vì sao bộ quần áo đã được cha mua từ rất lâu cho tới bây giờ vẫn mới tinh tươm như vậy.
Hóa ra, vì không muốn con trai bị mất thể diện, người cha ấy đã không ngần ngại hi sinh thể diện của chính bản thân mình…
Đúng là trên đời này chỉ có cha mẹ yêu thương ta vô điều kiện. Vì vậy khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ. Đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn thấy hình bóng của bạn. Bởi trên đời này, chỉ có cha mẹ mới sẵn sàng vì bạn mà nguyện hy sinh bản thân mình.
Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, chỉ có cha mẹ là người hạnh phúc nâng niu bạn trong vòng tay, cũng chỉ có cha mẹ là người ngày đêm bỉm sữa, chăm sóc bạn từng miếng ăn giấc ngủ.
Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.
Khi bạn đau ốm, chỉ có cha mẹ là người mất ăn mất ngủ, ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Vì bạn, dẫu phải bán đi khối tài sản cuối cùng trong tay, họ vẫn sẵn sàng.
Khi bạn gặp khó khăn trắc trở, hay khi cả thế giới đều quay lưng với bạn, thì cha mẹ vẫn luôn ở bên che chở bạn, vỗ về bạn. Thời gian có thể làm lòng người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành cho bạn.
Nhưng nếu một ngày cha mẹ buộc phải ra đi, họ sẽ không thể báo trước cho bạn một lời nào, không thể tiếp tục gọi tên bạn, cũng không thể cùng bạn ăn cơm và quan tâm tới bạn được nữa…
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo hiếu mà cha mẹ đâu còn? Giá như ta đã có thể bớt xem một bộ phim, bớt chơi một ván cờ, bớt đi dạo cùng bạn bè, để dành thời gian ở bên cha mẹ, ta sẽ cảm thấy bản thân đỡ ân hận phần nào!
Bởi vậy, nhân lúc cha mẹ còn đang khỏe mạnh, hãy an ủi tinh thần cho họ, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh họ, cố gắng đáp ứng hết nguyện vọng của họ, đừng khiến cho bản thân sau này phải hối hận. Hãy yêu thương cha mẹ như yêu thương chính bản thân mình, bởi vì họ cũng cần được yêu thương… Và nếu có một ngày thực sự họ rời đi, chúng ta sẽ không phải ngậm ngùi về những tháng ngày đã qua…