Người cha Việt 18 năm tìm con thất lạc trên đất Nga

( PHUNUTODAY ) - Với Nguyễn Huy Hoàng, điều quý giá nhất trong đời là luôn biết tin vào tương lai. Anh tin cuộc đời của mình do số phận sắp đặt, anh lạc con gái cũng là số phận, và anh tin số phận sẽ cho anh gặp lại con gái yêuhellip;.

Khi bị lạc mất cô con gái yêu giỏi giang, xinh đẹp, trong lúc tuyệt vọng nhất, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã được bà Vanga – nhà tiên tri nổi tiếng thế giới nói: “Con gái anh còn sống. Rồi anh sẽ gặp lại cô bé ở nước Nga”. Câu nói của nhà tiên trì mù đã từng dự báo được Đại chiến thế giới II và sự kiện 11/9 ở Mỹ, cùng với niềm hy vọng không bao giờ tắt của một người cha, đã giữ anh lại nước Nga suốt 18 năm qua…
[links()]
Ngày định mệnh ở Sochi

Tôi hẹn phỏng vấn Tiến sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trong ngày cuối cùng anh ở Việt Nam. Sáng sớm hôm sau, anh sẽ quay trở lại nước Nga và tiếp tục hành trình mấy chục năm qua của mình: sống, làm thơ và tìm con gái.

Lần trở lại Việt Nam này, Nguyễn Huy Hoàng cho ra mắt tập thơ “Vùng ký ức trong tôi” thu hút được nhiều sự chú ý của độc giả trong nước.

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra ở quán trà đá ven đường, trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam, anh nói: “Mình chỉ có ít thời gian thôi. 1 tiếng nữa mình phải vào Đài trả lời phỏng vấn”.

Cuộc trò chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi những tiếng ồn ào xe cộ qua lại, bởi tiếng chuông điện thoại réo liên tục, nhưng giữa sự ồn ào của phố thị, tôi vẫn cảm thấy lặng đi khi nghe câu chuyện của anh, câu chuyện của một người cha 18 năm qua vẫn miệt mài đi tìm đứa con gái mất tích, người cha đã bạc trắng mái đầu vì mất con…

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nói rằng, anh là một người tin tuyệt đối vào số phận. Anh tin mỗi con người khi sinh ra đều có số phận của mình, và không bằng cách này thì cách khác, số phận cũng sẽ đưa chúng ta đến đúng con đường của mình, buộc chúng ta phải đi trên con đường đó.

Tiến sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng
Tiến sĩ - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng

Quê Nguyễn Huy Hoàng ở Hà Tĩnh. Bao năm sống giữa xứ người, anh vẫn giữ cái giọng Hà Tĩnh đặc sệt. Gia đình anh có truyền thống văn chương, khoa cử. Dòng họ Nguyễn quê anh đã có 3 nhà thơ: Nguyễn Huy Hoánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ.

Nguyễn Huy Hoàng học chuyên Văn từ nhỏ và mê đọc sách, như một điều đương nhiên, máu thịt với những người con của dòng họ Nguyễn Huy.

Thế hệ anh thuở đó, không ai là không yêu văn học Nga. Những tác phẩm văn học Nga là những cuốn sách gối đầu giường của anh. Cũng vì tình yêu đó, anh trở thành giảng viên văn học Nga tại trường Đại học Tổng hợp.

Thuở mới bước vào đời, Nguyễn Huy Hoàng chọn cho mình con đường của một nhà giáo, một người nghiên cứu, suốt đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở quê nhà. Nhưng số phận của anh là ở nước Nga, hạnh phúc của anh, nỗi đau của anh, chính là nước Nga.

Cuối những năm 1980, Nguyễn Huy Hoàng sang Nga làm luận văn tiến sĩ. Vợ anh – giảng viên khoa tiếng Nga của trường Đại học Ngoại ngữ cũng sang học sau đó 1 năm. Anh quyết định đưa cô con gái đầu lòng sang Nga học tập, để cả gia đình được đoàn tụ. Nhưng cũng chính ở nước Nga, gia đình anh đã phải trải qua một cuộc chia ly không hề được báo trước.

Nguyễn Huy Hoàng thường nhắc về con gái với tất cả tình yêu thương trìu mến và sự tự hào, hãnh diện của một người cha. Khi ngồi nói chuyện bên quán trà đá ven đường chiều hôm trước khi anh đi, những lúc nghe anh kể về con gái, tôi nhìn thấy hình như trong đáy mắt anh có nước.

Quỳnh Nga sang Nga lúc đã 9 tuổi, cô bé được cho vào học tại trường Phổ thông 222 – một ngôi trường khá nổi tiếng của nước Nga khi ấy trong tình trạng 1 chữ tiếng Nga cũng không biết.

Nhưng nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ và các cô, các chú người Việt đang sống và học tập ở Mát-cơ-va, chỉ sau 3 năm, Quỳnh Nga đã trở thành học sinh xuất sắc nhất của trường – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử trường 222.

Hôm Quỳnh Nga được trao thưởng về thành tích học tập trong dịp cuối kỳ, cô hiệu trưởng trường Phổ thông 222 đã nói: “Các em học sinh người Nga, các em hãy nhìn Quỳnh Nga và hãy thấy xấu hổ vì mình đã thua cô bé người Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường này”.

Quỳnh Nga là niềm tự hào của vợ chồng Nguyễn Huy Hoàng. Cô bé xinh xắn, hoạt bát, gặp ai cũng cởi mở, cũng trò chuyện vui vẻ, nên đi đâu cũng được quý.

Năm đó, Nguyễn Huy Hoàng có hứa với con gái: “Nếu kỳ này con được kết quả học tập xuất sắc, bố sẽ cho con đi du lịch”. Và anh đã thực hiện lời hứa đó với con gái, khi cô bé trở thành cô học trò xuất sắc nhất trường phổ thông 222.

Nhưng thời điểm đó, vợ chồng anh đang gấp rút chuẩn bị tài liệu để bảo vệ luận án tiến sĩ. Khi nghe vợ chồng một người bạn có dự định đi Sochi (một thành phố du lịch nổi tiếng ở nước Nga), anh đã gửi con gái đi cùng. Chẳng ngờ rằng, chuyến đi đó là chuyến đi của định mệnh…

Ở Mát-cơ-va, giữa lúc đang quay cuồng vì luận án tiến sĩ, Nguyễn Huy Hoàng nhận được cuộc điện thoại từ Sochi của vợ chồng người bạn báo tin con gái anh đã mất tích. Chiều hôm đó, khi vợ chồng người bạn xuống tắm biển, Quỳnh Nga đã ngồi trên bờ nói chuyện với một người phụ nữ Nga. Lúc lên bờ, họ không thấy cô bé đâu nữa….

Ngay khi nhận được cuộc điện thoại ấy, Nguyễn Huy Hoàng vượt 2000 cây số xuống Sochi tìm con gái, bỏ cả luận án, bỏ mọi thứ, chỉ mong tìm được cô con gái bé nhỏ của mình.

Nguyễn Huy Hoàng kể, cả tuần trời sau khi con gái mất tích, anh không buồn ăn, không buồn ngủ, không buồn soi gương. Đến khi tình cờ nhìn thấy mình trong tấm kính một cửa hiệu bên đường, anh đã thấy tóc mình bạc trắng. Mái tóc anh đã hoàn toàn bạc trắng sau 10 ngày mất con.

Suốt 6 tháng trời sau đó, vợ chồng anh thuê một căn phòng ở Sochi và lang thang tìm kiếm con. Anh làm tất cả những gì có thể trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng: dán tờ rơi, đăng ảnh con gái và đi hỏi từng người, từng người một.

Nhưng mọi cố gắng của người cha đều đi vào ngõ cụt. Vợ chồng anh quay lại Mát-cơ-va khi vợ anh đã hoàn toàn suy kiệt vì đau đớn, chị chỉ còn năng 38kg.

Lời sấm của nhà tiên tri và tình yêu không bao giờ chết của một người cha

Những ngày mất con có lẽ là vùng ký ức đáng quên nhất trong cuộc đời Nguyễn Huy Hoàng, trừ một điều tốt đẹp: Trong nỗi đau ấy, anh cảm nhận được tình cảm của những người bạn, những người thầy và cả những người không quen biết dành cho anh.

Hôm ngồi trên máy bay quay trở lại Mát-cơ-va, anh ngồi lặng lẽ, u buồn, không ăn không uống. Cô tiếp viên hàng không biết được câu chuyện của anh, đã đưa cho anh một tờ báo có đăng mục rao vặt và bảo anh hãy đăng tin tìm con gái trên đó, biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Anh đã làm như thế. Một ngài Đại tá quân đội Nga đọc câu chuyện của anh trên báo, đã đến tận nhà tìm anh. Ở Nga ngày đó, gặp một Đại úy quân đội đã khó, gặp một Đại tá thì gần như là điều không tưởng. Nhưng vị Đại tá không quen không biết đó đã đích thân đến nhà anh và sau này mỗi tháng ông đều quay trở lại nhà anh một lần.

Ông động viên vợ chồng anh và bằng sự ảnh hưởng của mình, ông đề nghị các đài truyền hình, các tờ báo đăng tải câu chuyện của anh miễn phí, với hy vọng ở một nơi nào đó, có thể có người tình cờ gặp con gái anh.

Còn bạn bè anh, họ đã sẵn sàng góp từng đồng tiền, để chẳng may nếu con gái anh gặp phải bọn bắt cóc tống tiền, anh sẽ có tiền chuộc con.

Những người bạn Nga đã giúp đỡ Nguyễn Huy Hoàng trong những ngày tháng khó khăn đó, là những người giúp nỗi đau đớn và tuyệt vọng trong anh dịu đi phần nào.

Có vị tiến sĩ dạy học ở trường Đại học Lô-mô-lô-xốp vì thương anh, đã giới thiệu anh đến gặp nhà tiên tri Vanga- người nổi tiếng thế giới với những lời tiên tri đoán trước số phận. Thường thì chỉ có những nguyên thủ quốc gia mới có cơ hội gặp nhà tiên tri Vanga.

Nhưng khi nghe kể về câu chuyện của Nguyễn Huy Hoàng, bà Vanga đã cho vợ chồng anh một cuộc hẹn. Ngày đó, việc đi lại của người Việt Nam từ nước Nga sang các nước khác vô cùng khó khăn. Phải vất vả lắm vợ chồng anh mới xin được visa sang Bun-ga-ri.

Nhưng đúng đến ngày lên máy bay, ở cửa sân bay, visa của vợ chồng anh lại trục trặc. Không thể sang tận nơi gặp bà Vanga, bà đã gợi ý cho vợ chồng anh gửi cho bà những món đồ cũ mà con gái anh để lại: một cái áo, một viên sỏi, cây bút…

Theo gợi ý của một người bạn tiến sĩ, Nguyễn Huy Hoàng còn gửi tặng bà Vanga một chiếc khăn choàng và một con búp bê làm quà. Một thời gian sau đó, anh nhận được thư trả lời của bà Vanga. Bà nói:

“Ta không thể nói cho anh biết anh sẽ tìm lại được con gái anh như thế nào. Nhưng con bé vẫn còn sống. Và vợ chồng anh sẽ gặp lại con bé ở nước Nga”.

Câu nói của nhà tiên tri mù và tình yêu của người cha, niềm hy vọng của một người cha đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của vợ chồng Nguyễn Huy Hoàng. Trước đó anh dự định sau khi bảo vệ luận án sẽ trở về Việt Nam giảng dạy.

Nhưng dự định đó đã thay đổi hoàn toàn. Anh chấp nhận từ bỏ sự nghiệp hứa hẹn ở Việt Nam, chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, không ổn định ở nước Nga trong thời điểm nước Nga vô cùng khó khăn. Anh bắt đầu viết báo, làm cộng tác viên khoa học cho trường Lô-mô-nô-xốp và đủ thứ nghề khác để kiếm sống. Vợ anh cũng làm công việc phiên dịch cho các tổ chức từ thiện.

Nguyễn Huy Hoàng bắt đầu làm thơ từ sau khi con gái anh mất tích. Anh nói, khi cần giãi bày nỗi lòng, khi cần sự chia sẻ, khi nhớ con, anh làm thơ. Quỳnh Nga mất tích đã 18 năm. 18 năm đó, mỗi khi ăn cơm, đọc sách, khi nhìn thấy một bộ quần áo con gái, khi thấy nụ cười của một cô thiếu nữ Nga, anh đều nhớ đến con gái mình.

18 năm qua, anh đã đặt chân lên khắp nước Nga để tìm con gái, vẫn luôn hy vọng rằng một ngày nào đó, khi anh đang bước đi trên đường, con gái anh sẽ xuất hiện trước mặt anh và anh sẽ nhận ra cô bé.

Nguyễn Huy Hoàng luôn nói, điều quý giá nhất mà anh đã học được trong đời là luôn biết tin vào tương lai. Anh tin cuộc đời của mình do số phận sắp đặt, việc anh thất lạc con gái cũng là số phận,  nhưng anh cũng tin lời của nhà tiên tri Vanga cũng chính là số phận của mình: rồi một ngày nào đó giữa nước Nga mênh mông này, anh sẽ gặp lại cô con gái yêu của mình….

  • PV
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn