Chuyện buồn sau lũy tre làng
Tham gia Hội Phụ nữ xa hơn 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Hiểu- Mê Linh - Hà Nội đã trở thành một thành viên cốt cán trong đội hòa giải của xã từ lúc nào không biết. Kể về công việc của mình, chị chỉ cười: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chuyện cơm không lành, canh chẳng ngọt trong mỗi gia đình chẳng nhà ai không có. Nếu không khéo léo, hạnh phuc gia đình có thể tan vỡ bất cứ khi nào. Và công việc của những người như chị là giúp hàng xóm láng giềng đừng vì những bữa cơm không lành, canh không ngọt ấy đổ vỡ hạnh phúc.
“Sau lũy tre làng, những bi kịch gia đình có khi càng bi thảm, éo le gấp nhiều lần thành phố hoặc những nơi có trình độ văn hóa cao…”- chị Hiểu cho hay. Và như để dẫn chứng, chị kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc hòa giải ly kì một gia đình suýt nữa thì xảy ra cảnh xẻ đàn tan nghé của một cặp vợ chồng.
Chị kể: “Hai vợ chồng họ cũng xấp xỉ tuổi nhau. Cùng sinh ra và lớn lên trong làng, rồi yêu nhau bình thường như bao cặp nam thanh nữ tú trong làng. Cô gái không thuộc loại xinh đẹp, nhưng cũng ngoan hiền. Chàng trai thì khoẻ mạnh, chăm chỉ làm ăn, con nhà có của. Ngày họ lên xe hoa, khắp làng rộn ràng phấn khởi chia vui. Chẳng ai ngờ, chỉ vài năm sau thì người chồng “giở chứng”.
Ảnh minh họa |
Tất cả bắt đầu từ giấc mộng làm giàu của anh chồng. Nhà chồng tuy có của ăn của để, nhưng cũng là từ đời ông cha. Anh chồng chẳng chịu khó mày mò làm ăn, chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, lại “sòn sòn” hai đứa con nên cuộc sống ngày càng khó khăn. Khổ nỗi, nhà họ có tiếng ở làng, nên dù nghèo, dù sa sút cũng chẳng dám hé miệng. Cô con dâu “vào trong chăn mới biết chăn có rận”, song cũng để bụng mà thôi.
Sống cảnh thanh đạm mãi cũng chán, anh chồng quyết tâm đi làm ăn. Anh ta nhìn vào nhiều nhà trong làng có đàn ông đi làm thuê về xây nhà to, mua xe đẹp càng sốt ruột. Anh ta bàn với vợ cùng người làng lên Thái Nguyên làm thuê. Cô vợ thương chồng, nhưng cũng hiền lành, đồng ý.
Khổ nỗi, mẹ chồng cô lại không đơn giản. Bà vốn nổi tiếng cay nghiệt. Sau khi con trai “ra đi”, bà lại càng có cớ chì chiết, bắt bẻ con dâu là đồ ăn bám, là loại đàn bà bất tài vô dụng. Người vợ vốn lành hiền, một nách nuôi hai con nhỏ, chỉ biết câm lặng mà sống. Tệ hại hơn cho cô, vì nhà chồng có tới tám người chị gái, tuy đã có gia đình nhưng dăm ba bữa họ lại về nhà “để mắt” em dâu.
“Những ngày đó, chúng tôi là phụ nữ, đi làm đồng với nhau nên thỉnh thoảng cô ấy cũng tâm sự lắm nỗi cơ cực trong gia đình. Mẹ chồng, rồi các chị chồng thi thoảng tìm cớ làm tình làm tội. Khi thì chuyện cơm không lành, canh không ngọt, lúc là chuyện bước đi, dáng đứng, khi là vì để con nhỏ đói, khóc… Mỗi lý do là mỗi lần mắng mỏ, chì chiết nhưng cô ấy cũng chỉ biết âm thầm chịu đựng. Anh chồng đi làm thuê, không hiểu làm gì mà họa hoằn lắm mới gửi về nhà một ít tiền cho mấy mẹ con rau dưa” - chị Hiểu tiếp tục dòng tâm sự.
Nếu mọi chuyện chỉ co thế thì chưa có gì để bàn. Điều tệ hại là, càng đi làm lâu, anh chồng càng bặt tăm. Ban đầu anh ta còn đều đặn gửi tiền, viết thư cho vợ. Nhưng tiền thưa dần, rồi thư cũng bặt. Vợ ở nhà cứ mỏi mòn chờ chồng, nuôi mẹ già, con nhỏ, chịu đựng “kiếp làm dâu”.
Chị chỉ thực sự ngã ngửa, khi sau hết lá thư này đến lá thư kia gửi lên cho chồng năn nỉ chồng về quê thì anh ta về quê thật nhưng lại… ngang nhiên mang theo một người đàn bà khác cùng một đứa bé gái. Anh ta trắng trợn giới thiệu đó là “vợ hai” của mình.
“Làng xóm lúc ấy xôn xao ghê lắm. Ai nghĩ anh ta lại có gan tày đình như thế. Chị vợ khóc lên khóc xuống, nhưng cũng họa vô đơn chí, bởi người mẹ chồng và các chị chồng thiếu hiểu biết, lại sẵn mối thù ghét con dâu, cũng họa vào đồng ý, chấp nhận người đàn bà kia làm dâu con trong nhà” - chị Hiểu thở dài nói.
Chuyện vợ hai, vợ ba dù bị pháp luật ngăn cấm, chẳng ai có thể chấp nhận chuyện này. Nhưng sau lũy tre làng, cái “lệ” vẫn thắng cái luật. Và anh chồng vẫn ngang nhiên bắt vợ mình làm “cả”.
“Cảnh vợ chồng tay ba ngang trái lắm. Người vợ thì nhu nhược, yếu đuối, chỉ biết khóc lóc trong cay đắng. Phản ứng lại thì chồng đánh, mẹ chồng mắng chửi. Người vợ hai chẳng hiểu suy nghĩ ra sao mà cũng chỉ im lặng. Phải nhìn cảnh hai người đàn bà chung chồng cùng nhau đi gặt trên một thửa ruộng mới thấy đau xót.”- chị Hiểu tâm sự.
Gian nan “giành” lại chồng
Câu chuyện thật mà như phim khiến người làng xôn xao. Người vợ khốn khổ nhưng cũng không biết cầu viện ai, khi mà thân gái đã đi làm dâu thì cũng chẳng thể về nhà me đẻ để nài xin giúp đỡ. Ngày ngày lầm lũi sống trong sự ghẻ lạnh của nhà chồng, sự soi mói, xầm xì của người làng, chị như một cái bóng. Cuối cùng, chị chỉ biết cầu viện tới Chi hội Phụ nữ xã.
Bản thân là một người dân sống trong làng, chứng kiến cảnh gia đình ấy, chị Hiểu cũng rất bức xúc. Chị quyết định phải giúp đỡ hết mực, phải vận động hòa giải hết sức để đòi lại công bằng cho người vợ trẻ.
“Ở nông thôn, làm hòa giải gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là hiểu biết của người dân còn hạn chế, sau nữa là gặp những lề thói, hủ tục, lại quan hệ họ hàng này kia, không khéo là bị chửi, bị đuổi, bị mắng ngay. Chuyện gia đình đôi vợ chồng kia tuy chướng tai gai mắt thật, nhưng không cẩn thận là mất tình làng nghĩa xóm, mà cũng sẽ chẳng gúp được gì cho người vợ. Bởi thế chúng tôi đã rất đau đầu. Không thể để tình trang vợ chồng chung chạ đó kéo dài, bởi nó là vi phạm pháp luật, và gây nên nỗi đau khổ quá lớn cho mọi người. Nhưng làm sao để cho họ giải quyết êm thấm thì không hề đơn giản”- chị Hiểu chia sẻ.
Sau bao suy nghĩ, trăn trở và tham khảo ý kiến mọi người, chị Hiểu quyết định can thiệp thật nhẹ nhàng, dùng cả tình, cả lý, cả cứng rắn và mềm mỏng để tiếp xúc với người chồng vô lương tâm.
Trước hết, chị cùng một chị có uy tín trong thôn đến gặp anh thăm hỏi tại nhà. Cà kê chén nước trà mãi chị mới đi vào vấn đề. Ấy thế mà mới mở lời, động đến chuyện gia đình anh ta, chị đã bị mắng như tát nước vào mặt.
“Có lẽ anh ta cũng đã đề phòng từ đầu rồi, nên cảnh giác lắm. Mình vừa chạm vào vấn đề là anh ta phản ứng ngay. Mình cũng ức chế lắm chứ. Nhưng đúng như dự đoán, họ bảo đó là việc nhà họ, không khiến người nào quan tâm. Rồi thì bà mẹ chồng lại lôi con dâu “cả” ra nhiếc móc”- chị Hiểu kể.
Lần đầu thất bại, mấy chị Hiểu cùng các chị em khác trong Hội Phụ nữ đành lủi thủi ra về, vừa thương mà cũng vừa giận.
Rút kinh nghiệm của lần đầu, lần thứ hai, chị tiếp tục đến nhà, nhưng chỉ đi một mình, sau khi đã chuẩn bị trước thật kĩ lý lẽ, cùng với các điều khoản luật về Luật hôn nhân và gia đình.
Hôm ấy người “vợ cả” vắng nhà, chị chỉ gặp được người chồng và người “vợ hai”, chị bắt đầu ân cần trò chuyện với họ.
Chị Hiểu diễn tả lại câu chuyện hòa giải của chị, như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua: “Tôi không tỏ ý coi thường hay hạ thấp cô vợ, mà cứ nói chuyện nhẹ nhàng tình cảm thôi. Đầu tiên hỏi quê quán, con cái, bố mẹ, để cô ấy thấy mình được quan tâm, tôn trọng. Rồi sau đó mới thủ thỉ hỏi lý do phải duyên phải kiếp với anh “chồng”.
Sau cuộc trò chuyện rất dài ấy, tôi cứng rắn nói về “lý” với họ. Tôi chỉ cho họ thấy họ đã sai cả về tình, về lý. Ban đầu anh chồng đã định cao giọng xử sự như hôm trước, nhưng tôi đã kịp thời cứng rắn “xoa dịu”, để anh ta hiểu chúng tôi chỉ muốn tốt cho gia đình anh. Còn người “vợ hai”, tự cảm thấy mình cũng chẳng có gì để bào chữa, chỉ im lặng. Có lẽ cô ta đi theo anh này về cũng không phải vì yêu đương gì, mà chắc do hoàn cảnh xô đẩy. Ở nhà chồng dăm bữa nửa tháng chắc cũng đã “thấm thía” không ít điều khó xử. Vì vậy, cô có vẻ gượng gạo và lặng lẽ như hiểu ra.
Tôi nhìn qua biểu hiện của họ, càng vững tâm thuyết phục. Không chỉ nói với hai người họ, tôi còn viện ý do “hỏi ý kiến” để nói chuyện với bà mẹ chồng. Ban đầu bà phủi tay nói “mát” là không dám tham gia, nhưng càng về sau, thấy tôi nói chuyện có tình có lý, bà cụ cũng có vẻ xuống nước.
Sau một hồi kể tội cô con dâu “cả”, bà cũng nói vài câu là thấy thương con, thương cháu. Vậy là tôi bắt ngay vào đấy để nói. Tôi bảo, thôi thì cụ là người lớn, là mẹ, cụ biết đúng, biết sai, biết trái, biết phải, thì hãy dạy bảo con cháu để chúng nó nể sợ. Có như vậy con cái, cháu chắt sau này mới yêu mến, kính trọng, gia đình mới êm ấm được. Bà cụ không nói gì, nghe chừng cũng đã… thấm!”
Sau nhiều lần trò chuyện, khuyên giải như thế, cuối cùng, chị Hiểu cùng các đồng nghiệp đã thành công. Người vợ hai đã trở về Thái Nguyên, nghe đâu không lâu sau cũng đã lấy chồng. Còn quan hệ giữa đôi vợ chồng kia, sau chuyện đó, cũng dần ổn định trở lại. “Chị vợ giỏi nhẫn nhịn, anh chồng hiểu ra cái sai của mình. Sau chuyện lùm xùm đó, họ càng có lý do để ăn ở có nghĩa với nhau hơn. Bà mẹ chồng vẫn khó tính, nhưng cũng không còn quá quắt lắm nữa” - chị Hiểu kết luận.
Đến nay, sau bao nhiêu năm chung sống, gia đình họ có tới bốn đứa con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh. Câu chuyện “chồng chung” một thời chỉ còn là một kỉ niệm chẳng ai muốn nhắc tới.
Dù vậy, với một người làm công tác hòa giải như chị Hiểu, đó mãi mãi là bài học kinh nghiệm máu xương để chị làm tốt công việc của mình.
Quỳnh Anh