Người nhân hậu luôn tồn giữ thiện niệm trong tâm
Nhân hậu không liên quan tới tài năng và học thức. Nó thuộc về phạm trù đạo đức. Trong cuốn “Tư Trị Thông Giám”, nhà sử học Tư Mã Quang từng nói: “Người quân tử dùng tài để hành thiện, kẻ tiểu nhân dùng tài để hành ác. Người dùng tài hành thiện thì không thiện nào không đến. Kẻ dùng tài hành ác thì chẳng ác nào không qua”. (Nguyên văn: Quân tử hiệp tài dĩ vi thiện, tiểu nhân hiệp tài dĩ vi ác. Hiệp tài dĩ vi thiện giả, thiện vô bất chí hỹ, hiệp tài dĩ vi ác giả, ác diệc vô bất chí hỹ).
Nếu một người lúc nào cũng chỉ biết nghĩ tới bản thân mình, không biết quan tâm đến người khác thì lòng dạ họ chắc chắn không đủ khoáng đạt, bao dung. Người được gọi là nhân hậu ắt phải biết lo cho người khác mọi lúc mọi nơi.
Nghĩ cho người khác chính là hy vọng cuộc sống của họ được hạnh phúc, mỹ mãn, bớt khó khăn, khổ nạn. Tâm giữ thiện niệm là cái gốc, không vì việc ác nhỏ mà làm, cũng không vì việc thiện nhỏ mà không làm. Dốc sức giúp đỡ người khác được gọi là cái thiện nhỏ. Sẵn sàng lao vào nước sôi lửa bỏng, vì nghĩa mà xả bỏ sinh mệnh thì được gọi là cái thiện lớn.
Mặc dù đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà tha thứ, bao dung chỉ là một việc thiện nhỏ nhưng người nhân hậu lại luôn mang trong mình phẩm chất này. Họ rất nhiệt tình, chủ động hòa mình, tham gia những việc công ích. Họ chiếm được lòng tin của số đông, ai cũng vui vẻ ủy thác trách nhiệm cho họ.
Biết buông bỏ
Đời người có những thứ giống như chiếc va li hành lý vậy. Lúc cần dùng thì ta nhấc nó lên, lúc không cần thì đặt nó xuống. Nếu lúc cần buông mà cũng nhất định không đặt xuống thì giống như kéo một chiếc va li hành lý nặng nề, sao có thể thong dong, tự tại được đây?
Đời người càng đơn giản thì càng hạnh phúc. Đạo lý này không phải ai cũng hiểu. Con người trong cuộc sống sinh hoạt đời thường nếu như chỉ đi truy cầu hưởng thụ vật chất thì sẽ phải đối mặt với đủ loại áp lực về vật chất và tinh thần.
Con người khi đối mặt với mọi áp lực trong cuộc đời, nếu như không biết buông bỏ thì trong thời gian lâu dài sẽ bị những áp lực ấy đè nặng mà suy sụp. Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều càng ôm giữ càng mệt mỏi, chỉ có buông bỏ mới có được hạnh phúc thực sự.
Đời người chính là một quá trình tu hành, đây cũng chính là trí tuệ. Việc tu hành của đời người, quý giá ở tu tâm, lấy tâm bất động để đối mặt với đủ hoạt hoàn cảnh trong cuộc đời, cố gắng học tập, không ngừng tu dưỡng thì cuối cùng nhất định sẽ có phúc báo và kết thúc viên mãn.
Người nhân hậu luôn cẩn trọng
Khổng Tử nói: “Người quân tử thư thái mà không kiêu, kẻ tiểu nhân kiêu mà chẳng được thư thái” (Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái). “Thái” là thư thái, thoải mái, thanh thản, là cảnh giới tĩnh của bậc Thánh nhân. Mà “thái” cũng như là núi Thái Sơn bình yên, vững chãi, tráng lệ và rất nặng.
Thái độ cẩn trọng đạt đến độ bình ổn như núi Thái Sơn thì chính là khiến người khác trăm phần yên tâm vậy. Người khiến kẻ khác an tâm, bình an chẳng phải là người nhân hậu nhất hay sao?
Tinh thần cẩn trọng ấy chính là làm người không tinh ranh, không hà khắc, không chi li, không tuyệt tình, không tự tư, mà dùng tâm thái bình hòa để đối đãi với mọi thứ, mọi người trên thế gian. Đời người như một ván cờ, lui một nước cũng chẳng thiệt chi. Tấm lòng mênh mông như biển lớn thì có thể dung nạp trăm sông suối.
Chính vì luôn nghiêm túc, cẩn thận từng thời từng khắc, trung hậu, thành thực nên người nhân hậu mới có cơ hội gặt hái thành công.
Trong cuộc sống, ta thường gặp một số người làm việc quên trước quên sau, chẳng có đầu, cũng chẳng có cuối. Mỗi khi người ta giao việc cho họ thì trong lòng khó tránh khỏi thấp thỏm, lo âu. Kỳ thực đây chính là biểu hiện của người không nhân hậu.
Người nhân hậu làm việc ắt sẽ cẩn thận đến nơi đến chốn, có thể quan sát nhạy bén, không bỏ quên dù là chi tiết nhỏ. Đồng thời họ cũng kiên trì giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề phát sinh. Hành sự cẩn trọng mới xứng là người nhân hậu vậy.
Nhân hậu không phải là phóng túng, dung túng cho người khác làm bừa một cách vô nguyên tắc. Nhân hậu cũng không phải là luôn luôn làm người “dĩ hòa vi quý”, thà để quyền lợi của mình bị xâm phạm hết lần này tới lần khác cũng không hề kháng cự.
Người nhân hậu luôn hành xử chính trực
Khi đối diện với sự việc, người chính trực có thể dùng tiêu chuẩn đúng sai chính xác mà đo lường. Người nhân hậu cũng ắt sẽ là người chính trực. Họ có một hệ thống giá trị quan chính xác và vững bền. Đứng trước việc lớn, việc nhỏ, họ đều có thể phán đoán, hành động hợp với tình người và chiểu theo đạo lý của đất trời.
Khi có sự tình phát sinh, người chính trực không lấy lợi ích làm tiêu chuẩn để phán đoán. Họ trước hết nhìn sâu vào nội tâm mình mà nghiền ngẫm, cân nhắc xem điều gì có thể bao dung, nhẫn nhịn, điều gì không thể bỏ qua hay tha thứ.
Trong tim họ có một giới hạn, trong tâm họ có một hàng rào phòng vệ. Hễ vượt quá giới hạn này họ sẽ lập tức cảnh giác và hành động để bảo vệ quan niệm đúng sai của mình.
Ví như khi gặp chuyện bất bình giữa đường, chứng kiến những cảnh ức hiếp người già, trẻ nhỏ, họ có thể kịp thời khống chế, ra tay. Khi nhìn thấy người đi đường gặp nạn, họ cũng có thể nghĩ cách giải vây cho người ấy. Tất thảy điều đó đều là biểu hiện của một người nhân hậu.