Gặp Loan vào một ngày Hà Nội nắng, cô xuất hiện trẻ trung, không son phấn, áo quần đơn sơ… nhìn Loan, chẳng ai nghĩ cô là một người đẹp có danh hiệu biết bao người mơ. Quả thực, chính nhiều người đẹp khác nói với Loan điều ấy, rằng em mơ được như chị. Nhưng, Loan trong đời thực hết sức… sinh viên, rất đơn giản và hồn nhiên. Trước những nhận xét rằng mình hơi giản dị quá, đôi khi Loan cũng muốn màu mè hơn một chút, nhưng cuối cùng cái tính giản dị vẫn chiến thắng, cô nghĩ mặc gọn gàng để thể hiện sự năng động là… đẹp rồi. Loan thích sự hòa đồng, không muốn quá nổi bật với những người xung quanh.
Nhớ ngày xưa, khi Loan đi thi Hoa hậu Việt Nam 2010, trước khi bước chân vào cuộc thi, Loan không hề biết son phấn là gì. Cô gái quê lúa Thái Bình chỉ biết duy mỗi một thỏi son dưỡng môi để quệt lên môi khi trời lạnh, tránh làm khô nẻ môi.
Bước vào cuộc thi, Loan mới biết à đây là phấn, à đây là son, à đây là dán mí mắt… Loan đi thi cũng với tâm trạng rất vui, rằng mình có cơ hội đến Tuần Châu “ăn chơi” nửa tháng mà không tốn xu nào. Thế nhưng, cô đã bị sức hấp dẫn của cuộc thi cuốn đi khi ngồi trang điểm, nghe các anh chị trong ekip giúp đỡ mình trang điểm, trang phục tâm sự rằng nếu Loan đạt được danh hiệu gì đó họ cũng sẽ có những may mắn đến với công việc vì danh hiệu sẽ là bệ đỡ cho cả hai bên.
Bỗng dưng, từ chỗ chỉ suy nghĩ đi thi để được đi chơi, Loan cảm thấy mình có trách nhiệm phải phấn đấu và cố gắng vì nhiều người xung quanh đang giúp đỡ mình. Khi Loan dừng lại ở top 5, nhiều tờ báo đưa tin rằng Nguyễn Thị Loan tiếc nuối và buồn vì không giành ngôi vị cao hơn, thực ra, Loan không buồn cho Loan vì cô thấy mình đạt được vị trí như vậy cũng đủ thỏa mãn rồi, nhưng Loan thấy buồn khi nhìn thấy ánh mắt hụt hẫng của các anh chị trong ekip.
Nguyễn Thị Loan chưa bao giờ nghĩ mình lại có được một danh hiệu như thế này. Ngày xưa, khi ở quê, với chiều cao nổi bật, mọi người chỉ hay đùa là Loan nên đi thi Hoa hậu đi, rồi bảo Loan giống Mai Phương Thúy… Loan thì không thấy mình giống Mai Phương Thúy chút nào, nhưng cô cũng thấy vui vui khi mọi người cứ động viên mình đi thi hoa hậu và đăng ký dự thi để được đến Tuần Châu chơi. Loan cũng không ngờ cuộc sống của mình đã hoàn toàn bước sang trang mới từ đó.
Tuy rằng từ ngày đoạt giải, Loan không thay đổi nhiều, vẫn giữ sự giản dị vốn có của mình, vẫn đi học và nuôi những giấc mơ trở thành một người làm kinh tế giỏi… nhưng thực sự cuộc sống của Loan đã khác xưa, Loan đã hiểu hơn về trách nhiệm của mình với gia đình cũng như cộng đồng. Từ ngày đoạt giải, Loan dường như lớn hơn, cô đã tự nuôi mình bằng chính đồng tiền mình kiếm được và làm được nhiều hơn những công việc từ thiện.
Trước đây, khi chưa giành danh hiệu, Loan vẫn tham gia những chương trình từ thiện cùng các bạn ở trường, nhưng là hoạt động trong nhóm nhỏ với nguồn kinh phí rất sinh viên, chủ yếu bằng tấm lòng.
Từ khi có danh hiệu, Loan mở rộng được nhiều mối quan hệ, được tiếp xúc với nhiều người có điều kiện, cô đã tích cực làm vị trí kết nối giữa những nơi có điều kiện kinh tế và những nơi có tấm lòng để cùng nhau làm việc thiện. Điều Loan mừng nhất là những chương trình từ thiện mà mình tham gia đó đã “có tấm, có món” hơn, thiết thực hơn.
Giờ đây, Loan cùng các bạn đi tới những vùng sâu, vùng xa để đến với những mảnh đời khó khăn. Trong lòng Loan, lúc nào cũng khắc khoải về những mảnh sống mà Loan đã đi qua, Loan nhớ những cảnh sống khắc khổ như các em nhỏ ở trường tiểu học Tây Tiến (Mường Lát- Thanh Hóa), cô nhức nhối khi thấy các em mỗi tháng chỉ được mười mấy cân gạo, bữa ăn duy nhất có một loại thức ăn là muối, ớt, hạt tiêu xay ra với nhau rồi ăn lẫn với cơm. Trẻ con cấp 1, cấp 2, ăn như vậy rất thiếu chất, nhóm của Loan mang tặng các em cá khô mà các em coi như một thứ thức ăn vô cùng quý giá.
Sau những lần đi như thế, Loan trở về Hà Nội, tham dự các chương trình sự kiện, Loan thấy shock khi nhận thấy sự khác biệt quá lớn. Loan từng nghĩ, giá như ở “nơi đây” bớt lại một chút thì ở “nơi kia” đỡ hơn biết bao nhiêu! Những ngày đầu tiên khi bước chân vào thế giới showbiz, làm quen với sự hào nhoáng của showbiz, Loan cứ đắn đo mãi điều đó. Lâu dần thì cũng quen, nhưng trong lòng Loan lúc nào cũng cứ thấy có điều gì đó không yên lòng.
Từng phải trấn tĩnh lại mình để không hoảng trước những cám dỗ
Trước khi đến với cuộc thi Hoa hậu, Loan được coi là một “tờ giấy trắng”, rất ngố và chân thật quá. Cũng dễ hiểu thôi, ngày xưa Loan từng là vận động viên bóng chuyền, từng có “chân” trong đội tuyển chính của đội bóng chuyền Thủ đô.
Hồi nhỏ, bố mẹ thấy Loan dong dỏng cao, lại nghịch ngợm nên cho Loan đi học thể thao để rèn luyện cơ thể và bố mẹ cũng muốn sau này con sẽ có cái nghiệp, không phải lo chuyện công ăn việc làm. Học trong trường thể thao với kỷ luật quân đội hà khắc, Loan chỉ biết tập luyện và ăn, ngủ chứ cũng không mấy khi tiếp xúc với đời sống bên ngoài. Loan “ngố” là như thế.
Và Loan cũng như mọi cô gái khác, khi xem ti vi, nhìn những trang sách báo với thế giới giải trí lộng lẫy, những người đẹp mặc những bộ cánh đắt tiền, đi những chiếc xe mà Loan chẳng bao giờ dám mơ… Loan đã thấy mọi thứ thật lấp lánh.
Nhưng, khi bước chân vào thế giới showbiz, Loan đã ngỡ ngàng khi biết những gì trên mặt báo kia không hoàn toàn là sự thực. Đến khi Loan đối diện với những người đẹp mà cô từng nhìn thấy trên báo chí, cô thấy có những người đi lên bằng thực lực, họ yêu nghề, cống hiến cho nghề và làm được những đồng tiền chân chính, nhưng cũng có những điều khiến Loan bất ngờ và sợ.
Loan bỗng nhận thấy những phức tạp, những khó khăn, có những người mà giữa báo chí và đời thực khác hoàn toàn. Cũng có đôi khi, Loan rùng mình nghĩ không biết có khi nào mình sẽ bị sa ngã hay không? Có khi nào mình sẽ hư hỏng như một người nào đó mà mình biết hay không? Và Loan lại phải tìm cách trấn tĩnh, ngồi “rèn” mình để giữ được sự “kiên cường”.
Chưa bao giờ Loan quan trọng một cuộc sống xa hoa, giàu có, chính vì thế mà sau 1 năm hơn cuộc thi Hoa hậu, Loan vẫn sống đơn giản như thế. Loan thích sống trải nghiệm, thích gì thì làm, sống tự do thoải mái. Loan luôn cho người đối diện một cảm giác về sự ngây thơ, trong trẻo toát ra từ đôi mắt, vẻ hồn nhiên. Nhưng, Loan khẳng định mình không phải… hiền.
Thế giới showbiz nhiều sự bon chen, đố kỵ, Loan không chấp nhận cái sự hiền để có thể dễ bị bắt nạt. Loan có thể nói lý về sự đúng, sai rất sắc sảo, nhưng với chuyện gì hơi… “chợ búa” thì Loan không để ý đến nữa. Loan sợ bon chen và ngại đố kỵ, có nhiều khi ức chế vì những chuyện như thế, Loan không dám nói với ai, cô sợ bố mẹ buồn.
Và rồi, bây giờ Loan biết cách giải phóng tinh thần của mình trước những áp lực là đi chơi thoải mái với bạn bè, dành nhiều thời gian cho việc đi chơi như thế và chú tâm hơn vào các công việc từ thiện. Đến khi thực sự cảm thấy hết căng thẳng, Loan mới bắt đầu trở lại công việc.
Loan không có ý định làm trong showbiz suốt đời, không coi đó là công việc chính, cô muốn học thật giỏi chuyên ngành của cô tại ĐH Thương mại. Loan thấu hiểu, những gì thể hiện trong showbiz không bền vững, chỉ có thể nhất thời thôi. Nhưng, cô vẫn gắn bó với showbiz bởi ở đó cho cô một công việc để kiếm tiền, cho cô những cơ hội có những mối quan hệ tốt và học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống.
Những điều đó quý lắm, rất khó mới có thể có được. Loan đã học được rất nhiều kinh nghiệm sống và đối mặt trước những khó khăn từ các anh chị đi trước, điều đó mở ra cho Loan một thế giới mới mà Loan nghĩ cô sẽ áp dụng cho ngành nghề kinh doanh của mình rất hiệu quả.
Không có gì có thể làm Nguyễn Thị Loan gục ngã?!
Khi biết “lý lịch” của Loan từ một vận động viên bóng chuyền chuyển sang học ĐH Thương mại, ai cũng thắc mắc một điều giống như nhau: tại sao không theo thể thao suốt đời như mọi người?
Loan cũng không lý giải được, có lẽ là cái duyên học của Loan bắt Loan phải học. Sau một kỳ tập luyện và thi đấu, Loan được nghỉ ngơi ít ngày, bà cô họ của Loan có cửa hàng hoa, nhờ Loan ra trông nom giúp nhân ngày nghỉ.
Tiếp xúc với việc bán hàng, sau đó lại có “uy tín” được cô giao cho việc quản lý chuyện thu- chi, Loan thấy kinh doanh có gì đó thật hấp dẫn, Loan bỗng mơ ước được bước chân vào lĩnh vực kinh doanh, được đi học Đại học. Loan xin bố mẹ nhưng bố mẹ không cho Loan đi thi vì muốn Loan theo thể thao, nhất là bác của Loan, bác kiên quyết bắt Loan phải ở thể thao.
Bác vốn là quân nhân xuất ngũ, bác cho rằng không có môi trường nào tốt hơn kỷ luật quân đội, sự rèn luyện trong thể thao sẽ làm con người ta sống tốt hơn. Nhưng, khi đó mê học quá rồi, Loan không còn tập trung được vào tập luyện nữa.
Cuối cùng, bố mẹ cũng đành đồng ý cho Loan đi thi đại học. Loan cũng xác định, khi đã bỏ thể thao để đi thi, không đậu chắc Loan sẽ phải đi làm công nhân mất vì tấm bằng bổ túc văn hóa sẽ không cho Loan một công việc nào tốt đẹp.
Ai cũng biết với những “lò luyện” thể thao, môn học văn hóa không mấy được coi trọng, Loan đi học ôn thi mà thầy giáo dạy ôn bảo là cái cô thể thao này học kém lắm làm Loan sợ thầy không nhận mình nữa. Những ngày học ôn thi là những ngày mà đến giờ Loan vẫn thấy “sởn gai gà” vì quá chật vật. Loan đã phải học đêm học ngày để nhồi vào đầu mình rất nhiều kiến thức hổng và đi thi.
Suốt những ngày đợi kết quả là những ngày Loan nín thở và sợ hãi. Và hạnh phúc đã vỡ òa với cô gái trẻ khi có tin báo đỗ Đại học, Loan đã đạp xe đi khoe khắp xóm, làng. Ý chí, với Nguyễn Thị Loan, là một trong những yếu tố đầu tiên để thành công trong mọi chuyện. Loan nói, cô đã từng ở trong thể thao, thể thao rèn luyện cho người ta sự kiên cường vượt qua mọi thử thách. Cô cũng đã được rèn luyện sự kiên cường đó thì chắc chắn cô sẽ vượt qua được mọi thử thách trong cuộc sống.
Liêu Phong