Hàng ngày cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đều có mặt trước những cửa hàng này phân làn giao thông, tuy nhiên rất đông người đến dựng xe dưới lòng đường chờ làm đường Thụy Khuê rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài.
Dù cửa hàng báo hết bánh nhưng nhều người vẫn chầu chực trước cửa hàng để mua bằng được |
Khách đến mua hàng đông, trong khi khu vực cửa hàng không có nơi để xe. Nhiều bãi trông xe tự phát đã mọc lên với giá trên 10.000 đồng/xe.
“Tôi đứng ở đây gần 4 giờ rồi. Họ nói 15h mới bán nên đành cố chờ thêm nửa giờ nữa. Nhân viên cửa hàng nói mỗi người chỉ được mua một chiếc, trong khi nhiều gia đình nhờ tôi mua giúp”, bà Nguyễn Thị Hồng Liên (42 tuổi, đường Trần Quốc Hoàn, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) đang đứng trước một cửa hàng, cho hay.
Xếp hàng giữa trưa nắng để mua bánh trung thu |
Trong khi đó, theo ghi nhận, trên một số tuyến phố, các sạp bán bánh trung thu của nhiều công ty khác nhau luôn trong tình trạng vắng khách.
Bà Hoàng Thị Cúc (78 tuổi, ở Thụy Khuê) cho biết: “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi. Năm nào cũng vậy cứ đến dịp này là có đông người đến xếp hàng chầu chực mua bánh. Nhiều người thích ăn bánh gia truyền vì họ làm thủ công bằng tay, nhưng có nhiều người thấy người khác xếp hàng thì cũng xếp hàng theo nên ngày nào cũng ùn tắc”.
Đây không phải là lần đầu tiên những cảnh tượng này diễn ra giữa lòng thủ đô. Trung thu thì hỗn loạn chen chân mua bánh Trung thu. Tết đến người dân Hà Thành lại đổ xô đến cửa hàng trên phố Hàng Bông để mua bánh chưng.
Có cửa hàng không nhận bánh đặt, ai đến mua cũng đều phải xếp hàng, đến trước mua trước, riêng bánh giò chỉ bán mỗi người một chiếc, còn bánh chưng thì mỗi người cũng được mua có hạn thôi.
Việc xếp hàng và mua theo chỉ tiêu khiến nhiều người nhớ lại cảm giác của thời tem phiếu ngày xưa. Nhớ cái thời sự khan hiếm và thiếu hụt biến người bán thành “thượng đế”, chứ không phải người mua. Mà đã là “thượng đế” thì làm gì chẳng được, việc phải xếp hàng dài, chen lấn khổ sở chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện không mua được gạo (thịt, nước mắm, áo mayô…) mới là chuyện lớn hơn nhiều.
Nghe chuyện xếp hàng dài mua bánh trung thu, bánh chưng, nhiều người thấy vô lý tới mức phải gắt gỏng, bánh trộn vàng hay ăn miếng bánh thành trường sinh bất lão mà đổ xô mua như vậy? Nói như vậy là cảm tính và phiến diện.
Này nhé, mang tấm bánh xếp hàng cả tiếng đó đi biếu tặng người trên, kẻ dưới ai ai cũng phải chấm khăn tay lau nước mắt cảm động về cái sự "của một đồng công một nén" của chủ nhân món quà. Rồi người đến chơi thưởng thức miếng bánh truyền thống chưa cần biết có ngon không, chỉ thấy thấm thía cái chất Hà Nội của chủ nhà.
Thêm nữa, nhiều người lại có tâm lý nơi nào đông, bán chạy, thấy người ta mua nhiều thì mình cũng mua. Vậy là, họ cứ xúm xít lại, đông lại càng đông, xếp hàng, chen lấn không khác thời bao cấp… càng vui. Dù đau lòng nhưng cũng phải thẳng thắn rằng, đã qua thế kỷ 21, người dân Hà Nội vẫn chưa thoát nổi cái nỗi "miếng ăn là miếng nhục".