Chuyện lạ) - Nhân dạng các tên cướp dần dần hiện rõ dưới bàn tay người họa sĩ. Các nhân chứng như Thái Huệ Hạnh, Thái Tuệ Phong, Văn Thái Phong, Trần Mỹ Tâm, Trần Việt Sử đều khẳng định những bức ảnh giống các hung thủ đến 80%.
[links()]
Người bắt xương sọ hiện hình và có độc chiêu vẽ ngược
Một vụ án khác mà đến bây giờ họa sĩ Thành vẫn nhớ như in. Đó là khoảng 17 giờ 30 ngày 3/5/2009, tiệm vàng Lan Anh, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang xảy ra vụ cướp có vũ khí. 4 tên cướp dùng súng xông vào khống chế nhân viên và cướp hơn 100 lượng vàng.
Khi nghe tiếng tri hô, một số người dân kéo đến thì một trong 4 tên cướp dùng súng ngắn bắn thẳng vào làm anh Nguyễn Văn Bảy bị trọng thương. Theo nhận định của công an thì bọn cướp rất có thể là người Campuchia.
Tiệm vàng Lan Anh tuy có trang bị camera nhưng hình ảnh ghi được rất mờ, phòng kỹ thuật của Đài Truyền hình TP.HCM cũng đành bó tay, không thể tái hiện rõ chân dung bọn cướp được.
Họa sĩ Võ Tấn Thành được mời nhập cuộc. Lần này ông cùng “trợ lý” là cậu con trai Võ Tấn Phát - người được ông truyền nghề và đang học trường công an ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hai cha con theo chân các trinh sát hình sự lăn lộn cả tháng khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Tiên để thu thập tin tức, tiếp xúc với nạn nhân, nhân chứng.
Nhân dạng các tên cướp dần dần hiện rõ dưới bàn tay người họa sĩ. Các nhân chứng như Thái Huệ Hạnh, Thái Tuệ Phong, Văn Thái Phong, Trần Mỹ Tâm, Trần Việt Sử đều khẳng định những bức ảnh giống các hung thủ đến 80%.
Phó Văn Chính qua hình vẽ (trái) và hình thật (phải) |
19h ngày 5/7/2009, tại tiệm vàng Quốc Thắng, thị trấn Nhà Bàn, Tịnh Biên, An Giang, 6 tên cướp bịt mặt dùng súng khống chế chủ tiệm, cướp đi hơn 300 lượng vàng. Hai ngày sau, lực lượng công an Việt Nam phối hợp với cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã xuất sắc truy bắt được băng cướp này.
Lúc đầu chúng không thừa nhận có liên quan đến vụ cướp tiệm vàng Lan Anh trước đó, nhưng khi thực nghiệm, điều tra, nhìn thấy những bức ảnh do họa sĩ Thành vẽ trong tay các điều tra viên, tên đầu sỏ là Sing Hênh đã tái mặt, lắp bắp: “Cán bộ đã biết rồi. Tôi không còn gì để giấu”.
Được biết, tại Hội thi Sáng tạo Khoa học công nghệ Toàn quốc lần 9 (7/2008) tại TP.Hải Phòng, công trình nghiên cứu “Giải pháp căn bản họa hình mô tả chân chung” của họa sĩ Võ Tấn Thành đã đoạt giải 3. Đại tá Phạm Ngọc Hiền, phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ công an đánh giá rất cao công trình này:
“Họa sĩ có rất nhiều cố gắng trong suy nghĩ, sáng kiến, tìm được những mẫu hình cơ bản dạng người Việt Nam. Đóng góp có hiệu quả cao cho công tác miêu tả và nhận dạng chân dung…
Việc này không chỉ giúp ích cho việc phác thảo di ảnh chân dung người quá cố, đặc biệt là chân dung các anh hùng liệt sĩ, mà còn có tác dụng rất lớn trong nghiệp vụ bảo vệ an ninh tổ quốc. Cách mô tả có hệ thống lôgic trên cơ sở khoa học”.
Đại tá Hoàng Tân Việt cũng nhận định: “Công trình nghiên cứu của họa sĩ Thành rất kỳ công và tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế áp dụng rất tốt cho nhiệm vụ truy tầm tội phạm”.
Về việc phục dựng chân dung, họa sĩ Thành cho biết mỗi kiểu chân dung có một khó khăn riêng. Trong việc phục dựng chân dung tội phạm tưởng đơn giản lại là khó nhất, nguyên nhân chính là vì nhiều khi nhân chứng vì quá sợ hãi hoặc tranh tối tranh sáng không nhìn rõ, không nhớ rõ được chân dung tội phạm để có thể tả chi tiết cho mình.
Nhưng nhờ ông được đào tạo nghiệp vụ một cách bài bản, qua nhiều lần chỉnh sửa để cuối cũng ra được một chân dung mà người ta cho là đúng nên mới có thể hoàn thành tốt việc vẽ lại chân dung chúng một cách chính xác.
Ông cũng từng vẽ chân dung các vị lãnh tụ qua hình dung khi ông đọc sách báo hay nghe kể về họ. Tiêu biểu nhất là bức chân dung Bác Hồ. Ông đã từng nghe và đọc rất nhiều sách báo, thơ văn ca ngợi Bác nên có những hình dung rất sinh động.
Và ông đã phác họa chân dung Bác với tiêu đề “Bác Hồ là tấm gương sáng”, bức chân dung này đã từng được đăng tải trên báo Nhân Dân năm 1990.
Ngoài ra, bao năm qua, với “tuyệt chiêu” phác họa nhân dạng qua lời kể, của thân nhân, họa sĩ Thành đã phục dựng thành công hàng trăm chân dung liệt sĩ và những người đã qua đời từ nhiều chục năm trước, không còn hình ảnh để thờ.
Ông tiết lộ, phương pháp này là tổng hợp các kỹ thuật chuyên sâu của các ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học kỹ thuật hình sự để xây dựng kết cấu gương mặt chuẩn người Việt Nam.
“Chiến công” được coi như đỉnh cao của nghệ thuật này là họa sĩ đã tái hiện hoàn hảo chân dung từ bức ảnh chụp xương hộp sọ.
Dược sĩ Nguyễn Văn Mười ở đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM, xúc động cho biết, cha của anh là cụ Nguyễn Dương, quê ở Nghệ An, sinh năm 1920, mất năm 1988, gia đình không còn bức ảnh nào để thờ.
Lúc cha mất, anh Mười đi bộ đội ở Campuchia đã mấy năm không gặp mặt nên không nhớ rõ những nét biến đổi trên mặt cha. Tháng 8/2008, anh Mười quyết định đem bức ảnh chụp xương hộp sọ của cha lúc cải táng tìm đến họa sĩ Thành nhờ phục dựng.
Họa sĩ Thành kể lại “Đây là công việc rất khó khăn vì không có miêu tả như thông thường, ngoài tấm ảnh chụp hộp sọ ra thì không còn thông tin nào khác để căn cứ. Tôi tiến hành dần từng bước, cân đối tỷ lệ tự nhiên theo khung xương mặt của người Việt Nam rồi phác thảo hình nền, mời thân nhân của ông cụ đến góp ý, chỉnh sửa”.
Sau 1 tháng miệt mài phục dựng, cuối cùng chân dung cụ Nguyễn Dương đã được hoàn thành với tỷ lệ giống gần như tuyệt đối.
Bên cửa nhà họa sĩ Thành có chiếc bàn đặt lư hương, đó chính là nơi mà thân nhân những người đã khuất đến “thỉnh” ảnh đã phục dựng thành công để đưa về thờ - một nghi lễ tượng trưng ấm áp.
Nhiều người cứ ôm lấy bức ảnh mà khóc nức nở. Có những trường hợp đã ra nước ngoài nhờ phục dựng nhưng không được nên mới về đây, tìm họa sĩ cầu cứu.
Trong rất nhiều lá thư chân thành cảm ơn họa sĩ Thành, có thư của ông Nguyễn Công Nghiệp -Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Đặng Thị Hồng Phương, ông Trần Hậu Thuần - Sở Nội vụ tỉnh Long An…cùng những bà con từ Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình đến Thanh Hóa, Phú Yên, Long An… Tất cả họ đều tri ân, cảm phục trước bàn tay tài hoa của người hạo sĩ tài ba này
Họa sĩ Thành còn nổi tiếng với tuyệt chiêu vẽ ngược độc đáo. Ông là người đầu tiên thể hiện hàng ngàn chân dung của Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Trương Tấn Sang (chủ tịch nước), bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng… và các sự kiện chính trị trọng đại trên tấm gương bằng phương pháp vẽ ngược từ mặt sau của gương để hình hiện ra mặt trước.
Lối vẽ ngược rất khó, vì vẽ trên mặt trong của tấm gương để hình vẽ hiện ra mặt ngoài, đòi hỏi người vẽ phải chọn màu sắc phù hợp, tỷ lệ pha màu hợp lý, chính xác và cực kỳ tỉ mỉ trong từng chi tiết để thể hiện cái thần của nhân vật.
Họa sĩ Thành cũng là người sáng tạo ra thủ pháp vẽ ngược trong những chiếc vỏ chai, từ chân dung nhân vật đến…12 con giáp. Họa sĩ tự chế ra cây cọ vẽ, dài ngắn tùy theo cổ chai và chai cao hay thấp. Khi vẽ phải tập trung cao độ vì sự phản chiếu ánh sáng khúc xạ cộng với độ lệch do đường cong của chai sẽ khiến cho việc thể hiện hình ảnh khó chính xác.
Tiến thêm một bước đột phá nữa, tháng 12/2009, họa sĩ Thành đã sáng chế thành công phương pháp vẽ ngược đến 2 ảnh trong chai: nhìn mặt trước là ảnh một người, xoay chai lại là ảnh người khác; hoặc mặt trước là ảnh lúc trẻ, mặt sau là ảnh lúc già…rất độc đáo và có thần mà chưa có họa sĩ nào thể hiện được.
Hiện tại ông thực hiện được phương pháp vẽ ngược chân dung Bác Hồ trên gương lồng quốc hoa (sen) hai bên rất trang trọng. Riêng Bộ công an đã đặt 4 bức (cỡ 60 x 80cm) chân dung Bác rất đặc biệt này.
Đối với người họa sĩ này thì mỗi ngày là một cách sáng tạo, phải vẽ như thế nào để không… đụng hàng, vẽ như thế nào để trên thị trường người ta chưa có, độc nhất vô nhị, đi từ Nam ra Bắc chưa có người nào có cách vẽ như ông … Đó là thành công rất lớn.
Họa sĩ Thành tâm sự, nguyện vọng lớn nhất của ông là làm sao truyền được hết tay nghề cho những người con của mình, nhất là cậu con trai Võ Tấn Phát đang theo học đại học Cảnh sát, chuyên ngành Điều tra.
Từ đó “Giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung” của ông sẽ phát huy tác dụng cao nhất trong các lĩnh vực bảo vệ an ninh và xã hội.
Họa sĩ Võ Tấn Thành (SN 1963 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) Học trường Mỹ nghệ Thực hành Biên Hòa Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai Giả 3 hội thi sáng tạo KHKT toàn quốc lần thứ 9 (tháng 7/2008) Được tặng thưởng: Kỷ niệm chương Bảo vệ ANTQ của Bộ Công an, 2 bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai, 3 bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngày 22/1/2008, Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã trao Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho họa sĩ Võ Tấn Thành. |
)
- Thương Điền