Người mẹ tảo tần nuôi 168 đứa con khuyết tật

( PHUNUTODAY ) - Chếch về phía bên trái một chút là một ngôi nhà lá ven đường, phía đối diện là cả một cánh đồng mênh mông. Đó chính là mái ấm Thiện Giao, nơi mà mẹ Trần Thị Thanh Hương cùng 168 người con đang bị chất độc màu da cam sinh sống.

(Phunutoday) - Chúng tôi tìm đến Quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng vào một ngày mưa cuối tháng 11. Một địa điểm cách thành phố chừng 20km, nằm ngay sát biển chỉ dẫn Đồ Sơn 3km, Kiến Thụy 8km, chếch về phía bên trái một chút là một ngôi nhà lá ven đường, phía đối diện là cả một cánh đồng mênh mông. Đó chính là mái ấm Thiện Giao, nơi mà mẹ Trần Thị Thanh Hương cùng 168 người con đang bị chất độc màu da cam sinh sống.

Chị Hương kể, những đứa con bị Down, với người khác là "con bỏ đi", nhưng chị vẫn uốn được chúng. Để chúng có được thói quen đánh răng, chị phải mất hàng chục năm trời hướng dẫn. Chúng chẳng biết thế nào là khái niệm nuốt vào, nhổ ra nên cứ có nước vào mồm là chúng nuốt. Nước lã, kem đánh răng đều chui tọt vào bụng hết. Có đứa đường ruột kém, sau mỗi buổi đánh răng là bị đi ngoài. Thương con, chị đun những nồi nước sôi để nguội cho con đánh, nếu chẳng may chúng nuốt nước trong khi uống thì cũng không bị nhiễm khuẩn. Để tránh nuốt phải kem đánh răng, chị cho chúng ngậm nước muối, hướng dẫn chúng cách nhổ nước ra ngoài, cho đến khi động tác này thuần thục, chị mua kem đánh răng của trẻ em về cho con sử dụng.
 
Mô tả ảnh.
Mẹ "Hương điên" bồi hồi kể về câu chuyện đời mình

Dù kỳ công là thế nhưng có đứa đang đánh răng cũng rút phắt bàn chải từ miệng xuống đánh đôi giày xong lại nhanh tay nhét bàn chải vào miệng. Khổ nhất là dạy kỹ năng giao tiếp. Dạy mãi chúng không biết chào, nhưng khi đã biết, một ngày chị được chào tới trăm lần. Làm việc nhà cũng vậy, để chúng nhấc được cái chổi, chị phải động viên đứa này làm giỏi được vỗ tay, đứa kia chưa chăm bị phê bình. Chị nói vui "giống dở phải niềm nở". Biết như vậy thì thế nào cũng xử lý được. Để những đứa con ngơ ngác được hoà nhập với cộng đồng, đi đâu chị cũng cho chúng đi. Mỗi lần có khách đến nhà chơi, các con phấn khởi lắm, tối nằm ngủ chúng sẽ kể cho nhau nghe. Nhờ thế mà chúng "lớn khôn" lên từng ngày.

Bỏ lại tình riêng

Cuộc đời nuôi con của người khác đến với “mẹ Hương” như một câu chuyện “cổ tích”. Chị Trần Thị Thanh Hương quê gốc ở Huế, ba mẹ tập kết ra Bắc năm 1954. Cô nữ sinh sắc sảo Trường Thái Phiên (Hải Phòng) ngày ấy đã tham gia thanh niên xung phong từ năm 1966. Năm 1968, chị chuyển sang bộ đội. Năm 1972, trên đường từ chiến trường miền Nam ra Bắc, đến Hồ Xá, Quảng Trị, chị Hương được một đồng đội trao cho 1 đứa bé nhờ nuôi hộ vì anh bị nhiễm chất độc da cam, nhà chẳng còn ai. Rồi sau đó, biết chuyện, lại 1 đồng đội nữa của chị đến “gửi con”. Cực chẳng đã, một mình gánh 2 đầu đòn gánh 2 đứa trẻ, một con tên Lạc, một con tên Hằng, chị gánh 2 con từ miền Trung ra đến Đoàn an dưỡng 253 (Quân khu 3). Cứ mỗi lần di chuyển là những đồng đội của chị lại gửi thêm những đứa con “không lành lặn” của mình.

Để rồi khi chiến tranh kết thúc, người mất người còn, mẹ Hương may mắn được trở về nhưng "hành trang" mang theo là đàn con lít nhít. Trở lại quê hương, chị định bụng gặp người yêu, bàn bạc để xem nuôi nấng con cái thế nào, nhưng chị về được 2 ngày thì người yêu đi lấy vợ. Quá đau đớn và buồn tủi, chị đưa các con ra Móng Cái, Quảng Ninh ở với một trái tim tổn thương và khoá kín trước tình yêu.
 
Mô tả ảnh.
Khu nhà đơn sơ nuôi dưỡng 168 đứa trẻ đến tuổi trưởng thành

Hàng chục năm trời, niềm vui của chị chỉ là những đứa con ngây dại. Tưởng tim mình đã ngủ yên, ai dè, quá nửa cuộc đời, nó lại phập phồng chờ người đánh thức. Những đêm trời mưa gió, nhà dột tứ bề, chị lặng lẽ dậy che chắn cho các con. Nhìn các con ngon giấc còn mẹ thân hình sũng nước, mẹ lạ úp mặt xuống gối, chỉ sợ bật ra tiếng khóc làm con thức giấc. Nỗi thèm khát có một chỗ dựa, một bờ vai để tựa đáng quý biết bao. chị thầm nghĩ: “Hay là đưa những đứa con trẻ dại về với gia đình của chúng, đứa nào cha mẹ không còn thì đem vào gửi ở trại trẻ mồ côi? Chứ mình đã có tuổi, lại đèo bòng thêm đàn con nheo nhóc, bệnh tật thế này thì ai chả sợ.”

Bụng bảo dạ như thế nhưng chẳng lần nào chị Hương chia tay các con thành công. Cứ mỗi khi bấm bụng bế các con rời khỏi nhà là nước mắt chị lại rơi, trái tim người mẹ lại quặn thắt. Lần nào ra đến bến xe là lần đấy chị lại mang các con trở lại nhà. Cứ nhiều lần như thế, chị Hương không thể rởi xa được đàn con bệnh tật của mình.

Cũng vì thế mà nhiều người bảo chị là điên, mua dây buộc mình, chị chỉ cười. Chị bảo, ai không từng trải qua chiến tranh, không biết ranh giới mong manh của sự sống, cái chết, không biết cảm giác đồng đội chìa lưng ra đỡ đạn cho mình thì sẽ không thể hiểu tại sao mình làm như vậy. Một vài năm, khao khát có gia đình riêng cũng trôi qua. Chị lại dồn hết sức cho các con. Tính đến thời điểm này, đã có 168 đứa trẻ bị tật nguyền, là nạn nhân chất độc da cam đã được mẹ Hương chăm sóc, nuôi nấng. Người lớn nhất cũng đã 43 tuổi, còn đứa nhỏ nhất là 10 tuổi. Nhiều đứa con được chị động viên đi học bây giờ đã có chỗ đứng trong xã hội, về tặng mẹ tiền xây chuồng trại và một chút cho các em sinh hoạt. Nhiều người có gia đình riêng. Có những đám cưới được tổ chức ngay tại khu nhà lá đơn sơ giữa cánh đồng hoang này…

Tự lực sinh cơ

Bảy năm trước, chị Hương thành lập cơ sở từ thiện Thiện Giao cách nội thành Hải Phòng 20 phút chạy xe. Trên mảnh đất 5.000 m2, ngoài dãy nhà tôn liền với căn bếp, cơ sở có hai dãy nhà cho các con trú ngụ, một cái hội trường và một xưởng ủ nấm. Tất cả đều là nhà tranh mái lá, tường gạch ba banh tróc lở. Cả nhà sống nhờ xưởng trồng nấm linh chi cùng đàn heo và ao cá sau nhà, tuy không dư dả nhưng có thể tự chủ hoàn toàn. Thỉnh thoảng có những nhóm thiện nguyện của học sinh, sinh viên ra giúp gia đình Thiện Giao làm vườn, đào ao. “Tôi muốn các con tôi sống bằng chính sức lao động của chúng” - chị Hương nói.
 
Mô tả ảnh.
Mỗi ụ nấm là một ngọn lửa thắp lên tương lai cho những người con khuyết tật

Mặc dù đã đầu hai thứ tóc nhưng bà vẫn phải “vật lộn” với cuộc sống cùng đàn con, lo cho chúng từ bữa ăn đến giấc ngủ. Chị đã từng chật vật co kéo đồng tiền để lo cho từng ấy đứa con ăn học, chữa bệnh mỗi khi có đứa chẳng may “trái gió trở trời”. Nỗi xót xa từng ám ảnh chị là khi chị mất đi một đứa con chỉ vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp giống như cơn ác mộng thi thoảng lại ùa về, khiến chị như người mất hồn.

Công ty Thiện Giao chuyên sản xuất nấm, rượu, đồ thủ công mỹ nghệ. Những sản phẩm này đều do người khuyết tật làm.

Hiện công ty có 22 thành viên, trong đó có 1/3 bị Down, 1/3 bị cụt chân, tay và 1/3 còn lại bị dị tật khác.

giám đốc công ty này sợ nhất là được lên tivi, bởi vì như thế đồng đội sẽ biết đến, lại mang con đến gửi. Bây giờ chị đã có tuổi, không còn nhiều sức lực để làm việc. Mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào sản phẩm làm ra có tiêu thụ được không. Nếu nhận nhiều con sẽ không đủ điều kiện để duy trì cuộc sống.
 
Mô tả ảnh.
Hai trong số những đứa con của "mẹ Hương" nay đã thành vợ chồng

Ngoài trồng nấm và làm thủ công mĩ nghệ, mẹ Hương còn hướng dẫn các con nuôi chồng, mẹ có cả chục con lợn và đàn gà nên ngày nào cũng phải dậy từ 5 giờ sáng để chăm sóc lợn gà, vườn tược và đôn đốc những đứa con làm việc. Hương bảo, trông chúng tội nghiệp, ngô nghê thế thôi, nhưng vẫn sai làm được việc. Trầm biết quét nhà, Thêm biết múa hát, Hạnh thì lười lắm, chẳng muốn làm gì. Thế nhưng cả ba đều có thể sàng mùn để trồng nấm giúp mẹ Hương. Nhà toàn con khuyết tật nên đứa nọ phải bỏ khuyết cho đứa kia, đứa trí tuệ minh mẫn thì cụt, đứa chân tay lành lặn thì đầu óc có vấn đề. Người mẹ phải tính cách làm thế nào để đứa con nào cũng có phần trong công việc, giúp chúng không cảm thấy bị thừa ra. Chị "ghép" đầu đứa này vào chân của đứa kia để làm việc. Chẳng hạn khi làm nấm, đứa này đóng gói thì đứa kia khuân vác. Cứ thế công việc trong nhà dù nặng, dù nhẹ đều được hoàn tất. Để làm được như vậy, người mẹ đã phải kỳ công dạy dỗ bọn trẻ.

Với những đứa con ngây dại, chị sát sao chúng từng bước, nhưng với những đứa con khác, chị dạy các con cách tự lập, tự chăm lo cho cuộc sống riêng tư, tránh phải làm phiền đến người khác. Ai có khả năng đi học, chị động viên chúng đến trường để tiếp thu kiến thức phục vụ công việc, cuộc sống. Nhà có đủ vườn - ao - chuồng nên lúc nào các con cũng có cơ hội để lao động chân tay. Ngoài làm những việc này, các con còn được học nghề làm cây cảnh, làm tượng Bác Hồ. Sản phẩm bán được là nguồn thu để cả nhà duy trì cuộc sống. Chị Hương bảo, con nhà nghèo nên thành ra đứa nào cũng khéo tay, hay làm. Chúng biết xây từ nhà cửa đến làm đồ thủ công mỹ nghệ. Cả khu nhà này đều do mẹ con chị xây dựng.

“Chẳng ai nghèo như nhà mẹ Hương mà cũng chẳng ai giàu như nhà thế, cứ cuối tuần hay có dịp gì là cả nhà vật luôn con lợn nặng cả tạ để liên hoan, tôi đố nhà nào làm được thế đấy…” - chị Hương vừa cười vừa nói. 
  • Việt Dũng - Duyên Duyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn