Tôi gặp cô bé Nguyễn Thị Hiếu Hạnh vào một ngày Hà Nội mưa gió do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Ngồi bên cạnh tôi, Hạnh không ngừng đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ kính, buồn bã: “Hà Nội mưa thế này, không biết Bắc Ninh quê em có mưa không chị nhỉ”. Hạnh đang buồn và lo cho mẹ cùng giỏ bánh mỳ trĩu nặng bên sườn. Trời mưa, giỏ bánh có nguy cơ ế ẩm, mong ước kiếm 20 nghìn đồng trong ngày hôm nay của mẹ khó trở thành hiện thực. Hẳn mẹ Hạnh buồn lắm…
[links()]
“Người đàn bà hồn nhiên nhất thôn Đại Lâm”
Miền Bắc mùa này thời tiết mưa nắng thất thường thật khó lường trước. Vậy mà, đều đặn như vắt chanh, sáng nào người dân thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng thấy một dáng người phụ nữ gầy guộc, tấp tểnh len lỏi từng ngách trong thôn, ú ớ tiếng nói lí nhí trong cổ họng xách theo giỏ bánh mỳ bên sườn đi bán dạo.
Người phụ nữ ấy tên Nguyễn Thị Quế, chân bị dị tật, tay trái co quắp, bước đi khó nhọc…nhưng chưa từng đầu hàng trước thời tiết, trước số phận hẩm hiu của bản thân.
Ngày còn nhỏ, trong một lần bị sốt cao, biến chứng thành viêm não, Quế phải chịu bản án bại liệt nghiệt ngã. Cha mẹ cô khi ấy hết lòng thuốc men chạy chữa cho con, nhưng y học chỉ có thể giữ lại mạng sống mỏng manh cho Quế, còn những dị tật để lại trên cơ thể cùng một tâm hồn hồn nhiên như trẻ của cô thì các bác sĩ buộc lòng phải lắc đầu bất lực. Sau cơn bạo bệnh, chân trái của Quế co quắp, miệng bị méo xệch phát âm không rõ tiếng.
Chị Nguyễn Thị Quế bên làn bánh mỳ bán dạo quen thuộc |
Từ một đứa trẻ vốn hiếu động, bệnh tật biến Quế buộc phải nhờ tới sự hỗ trợ, giúp đỡ của cha mẹ khi muốn hoạt động, đi lại. Chiều chiều, cha cõng cô đi chơi ngoài xóm, nhìn bạn bè cùng trang lứa nhảy nhót, chơi đùa tung tăng, Quế ậm ứ thứ âm thanh không tròn vành, lộ rõ vẻ thèm thuồng, ao ước.
Khi ấy, cha cô chỉ biết giấu những giọt nước mắt thương con vào tận đáy lòng. Không đầu hàng số phận, nhiều năm dài sau đó, cha mẹ Quế trở thành điểm tựa, thành chiếc nạng gỗ cho cô con gái, mỗi lần Quế muốn quẩn quanh đi lại quanh nhà và dạo chơi trong xóm nhỏ.
Ngoài 20 tuổi, Quế mang thai. Không ai biết rõ “tác giả” của bào thai trong bụng Quế, nhưng hồi ấy, ai cũng thấy Quế vui vẻ, hay cười và thi thoảng còn ậm ừ vài câu hát học lỏm trên loa xã. Ngày Quế sinh con, người ta nhìn thấy nơi khoé mắt người phụ nữ được mệnh danh “hồn nhiên nhất thôn Đại Lâm” những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Con của Quế được cha mẹ cô đặt tên. Cái tên Hiếu Hạnh chứa đựng nhiều ý nghĩa cũng như những ao ước về sự hiếu thảo, đức hạnh mà bậc sinh thành gửi gắm. Và dù chẳng diễn tả được bằng lời, nhưng ai cũng tin, đứa con là vầng ánh sáng trong trẻo trong cuộc đời nối tiếp bi kịch của Nguyễn Thị Quế.
Đôi chân của mẹ
Hạnh kể: “Mẹ em trải qua nhiều nghề lắm. Dù bị bệnh như thế, nhưng chẳng lúc nào để chân tay yên. Trước kia, mẹ được ông mở cho cửa hàng bán cám chăn nuôi gia súc, sau bán ốc đồng, tiếp đó mẹ đi bán bánh mỳ dạo vào buổi sáng sớm.”
Mái tóc ngắn cũn đội trời, chiếc áo mỏng manh không đủ che tấm thân bé nhỏ, tay xách chiếc làn nhựa màu xanh đựng đầy bánh mỳ, gặp bất cứ ai trên đường chị cũng ú ớ, chìa đôi tay run run cầm chiếc làn về phía trước mời mọc.
Ánh nhìn nửa cầu khẩn, nửa năn nỉ khách qua đường. May mắn gặp người quen, chị Quế thu được 2000 đồng từ việc bán được chiếc bánh mỳ lẻ. Nhưng có lần gặp người ác khẩu, đã chẳng mua thì chớ, lại buông thõng một câu nặng nề trước khi quay đi kèm theo ánh nhìn khinh miệt.
Nguyễn Thị Hiếu Hạnh kể về nỗi vất vả của mẹ mình |
Mỗi ngày chị Quế đều dậy từ tinh mơ, khi màn sương vẫn còn lảng bảng khắp ngõ xóm, lặn lội tới lò bánh mỳ nhặt 50 cái và bắt đầu hành trình dong duổi bánh dạo. Ngày đẹp trời nắng ráo không sao, những hễ ngày mưa, giỏ bánh mỳ của chị càng thêm trĩu nặng.
Hạnh nhớ lại, có ngày trở về nhà với làn bánh mỳ gần như còn vẹn nguyên, nhìn đôi mắt hoe đỏ của mẹ trộn lẫn nước mưa, bàn tay run run lau nước đọng trên má, trên mặt, Hạnh xót xa lắm. Hình ảnh mẹ lam lũ, vất vả trở thành nguồn động lực lớn lao thôi thúc cô bé cố gắng học tập giỏi giang, thoát khỏi cuộc sống khổ cực.
Chị Quế vốn là người nhạy cảm. Mọi cảm xúc đều dễ xuất hiện hơn những người bình thường khác. Có lần, chỉ vì trời mưa, bánh mỳ bị ế, còn thừa lại nhiều, chị vừa đội bánh mỳ trên đầu, khóc lếch thếch. Hỏi ra mới biết, chị ấy lo bánh ế thế này, lấy tiền đâu nuôi con ăn học.
Những giọt nước mắt ấy còn vương về tận nhà. Nhìn cảnh ấy, Hạnh càng xót xa và thương mẹ gấp bội. Chính vì điều ấy, chưa bao giờ người dân người làng thôn Đại Lâm thấy Hạnh to tiếng hay hỗn láo với mẹ. Dù có nhiều khi, những suy nghĩ của mẹ không thể diễn tả bằng lời khiến cách hiểu và nói chuyện của mẹ con không thực sự tâm đầu ý hợp.
Hạnh bảo rằng: “Em không bao giờ cho phép mình cãi mẹ hoặc to tiếng với mẹ. Đời mẹ khổ và chứa đầy nước mắt. Nên, sau này em chỉ muốn những giọt nước mắt của mẹ là những giọt châu của hạnh phúc”.
Chị vốn là một người đàn bà “bất thường”, không biết chăm chút, ăn diện. Có khi đi bán cua, bán ốc về vẫn vẹn nguyên cái mùi tanh nồng của bùn tươi, nhưng lúc ấy người ta thấy Quế cười rạng rỡ. Bởi chỉ cần cái ốc, con tôm, cái bánh mỳ được bán sạch, dù có bẩn bết là mấy, nụ cười vẫn bừng sáng trên đôi môi chị. Với Hạnh, lúc ấy mẹ thật đẹp.
Dĩ nhiên, đối với một người mẹ không được lành lặn như một người bình thường, những trở trăn tuổi dậy thì mới lớn, những thắc mắc giới tính với biết bao trở trăn từng khiến Hạnh lúng túng. Đôi mắt Hạnh hoe đỏ, nỗi tủi thân ngày xưa ùa về, song cô bé vẫn mỉm cười:
“Em không bao giờ trách mẹ về điều đó. Vì tất cả những gì tốt đẹp nhất có thể dành tặng cho em, mẹ đều đã cố hết sức, bằng tất cả tình yêu bản năng nhất”.
Trái ngọt và những chông gai
Ngày con gái Hiếu Hạnh đỗ thủ khoa khối A, khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Hà Nội, cầm tờ giấy báo trúng tuyển, hai mẹ con Hạnh ôm nhau khóc nức nở. Rồi, những ngày sau đó người ta thấy chị dậy sớm hơn ngày thường, vẫn cái dáng vội vã, tấp tểnh tới lò bánh mỳ, quýnh quáng lấy bánh và lại tiếp tục hành trình bán dạo.
Và cũng từ hôm ấy, làn bánh mỳ của chị ắt sẽ nặng thêm vài phần, bởi chị hiểu được rằng con gái chị sẽ được đi học, được tới lớp, tới trường cùng chúng bạn.
Trước ngày Hạnh đi nhập học, chị len lén khóc vì khoản tiền quá lớn cần phải lo cho con. Thấy vậy, Hạnh tới bên mẹ, ôm lấy chị và động viên mẹ cùng lời nhắn nhủ “con sẽ vừa đi học, vừa đi làm”. Chị ngừng sụt sùi trong giây lát, nhưng nỗi buồn đã kịp phủ đầy đôi mắt hằn dấu những vết chân chim.
Đi học xa nhà, Hạnh tiết kiệm từng đồng bạc lẻ, gom góp mua tặng mẹ bộ quần áo mới, vì lần ôm tạm biệt mẹ, Hạnh nhìn thấy vai áo mẹ bạc sờn cũ rách hết cả. Nhận quần áo mới từ tay cô con gái nhỏ, như có một điều gì thôi thúc, chị lại rơm rớm.
Bất kể mưa gió, bất kể ốm đau, từ ngày Hạnh nhập học, người làng thôn Đại Lâm thấy người đàn bà ấy ngoài chiếc làn xanh quen thuộc, còn mang theo một chiếc giỏ nhỏ đựng bánh. Vẫn tiếng ú ớ mời chào không tròn trịa, vẫn dáng đi chới với, tấp tểnh ám ảnh trong cơn mưa chiều đột ngột, vẫn đôi mắt buồn rượi vì “trót” đập cổng nhà người ta từ tinh mơ để chào bánh mỳ và nhận lại vài câu trách cứ…
Nhưng, chị chẳng quản công dậy từ tinh sương, lê đôi dép cũ sắp lìa đế đi bán bánh mỳ dạo. Để ngày hôm ấy, cô con gái có cái tên vô cùng ấm áp: Hiếu Hạnh được lên giảng đường như chúng bạn.
Năm nay, Hạnh mới bước vào năm đầu tiên của Đại học. Chặng đường học tập, phấn đấu của cô bé còn dài ở phía trước. Trái lành, Hạnh và mẹ đã nếm được một chút ngọt ngon, nhưng sẽ còn vô vàn chông gai phía trước mà giỏ bánh mỳ của mẹ cần phải gồng gánh…
Một ai đó từng nói với tôi, trong cả vũ trụ bao la vô cùng này, con người được hưởng sự sống đã là một điều kỳ diệu. Ấy vậy mà con người còn có cả điều thiêng liêng, cao quý hơn nữa là tình yêu, tình mẫu tử. Bởi tình mẫu tử mà có khi bệnh tật, ốm đau vẫn không màng đến bản thân, ăn đói mặc rách mua cho con tấm áo mới dự ngày khai trường.
Bởi tình mẫu tử mà khi mưa to, nắng cháy, vẫn lặn lội thân cò ki cóp từng đồng bạc lẻ xoay vần từng đồng học phí cho con. Bởi tình mẫu tử mà có thể người ta nói con là “con bà dở”, nhưng mẹ vẫn là người mẹ vĩ đại nhất.
- Du Mục